Xướng danh danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu

Thứ Tư, 15/07/2020, 12:56

Ngày 15/7, thông tin từ UBND Tỉnh Đắk Nông cho biết, vào lúc 21h tối 16/7 (giờ Việt Nam), Tổ chức Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu sẽ tổ chức Lễ xướng danh trực tuyến danh hiệu các Công viên địa chất toàn cầu 2020.


Cũng theo UBND tỉnh, trong Lễ xướng danh này, sẽ có tổng cộng 15 Công viên địa chất toàn cầu trên thế giới được vinh danh, trong đó có Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. Tại đầu cầu Đắk Nông, UBND tỉnh cũng sẽ tổ chức tại Trung tâm Thông tin Công viên Địa chất Đắk Nông (toà nhà VNPT Đắk Nông).

Một trong những cửa hang động núi lửa nằm trong Công viên địa chất Đắk Nông

Công viên địa chất Đắk Nông là Công viên địa chất toàn cầu thứ 3 ở Việt Nam, sau Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) và Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng), do Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.

Được thành lập từ năm 2015, hướng đến mục tiêu trở thành Công viên địa chất toàn cầu năm 2020, với 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000m, Công viên địa chất Đắk Nông trải dài trên diện tích 4.760km2, nằm trên địa danh các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và TP Gia Nghĩa. Từ lâu, Công viên địa chất Đắk Nông đã là vùng đất trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới đa dạng về văn hoá, địa chất tự nhiên, còn lưu lại nhiều dấu tích hoạt động của người tiền sử.

Vẻ đẹp thiên nhiên trước một cửa hang động

Với những giá trị đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã đệ trình hồ sơ Công viên địa chất Đắk Nông lên UNESCO vào tháng 11/2018 và đã được UNESCO thông qua vào tháng 7/2020.

Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, ngay khi được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, địa phương đã lên kế hoạch tuyên truyền để người dân hiểu được những giá trị quý báu đó, cùng nhau bảo tồn và phát triển. “Quan điểm của tỉnh Đắk Nông là xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, trong đó người dân sẽ đóng vai trò chủ thể bảo tồn các giá trị, đó là tài sản của chính người dân. Du lịch địa phương phải được gây dựng và phát triển từ chính nền tảng ấy”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Bên trong một hang động nằm trong hệ thống Công viên địa chất

Cũng theo bà Hạnh, trên nền tảng Công viên địa chất, tỉnh Đắk Nông đã quy hoạch và đầu tư 44 điểm đến hấp dẫn để phát triển du lịch. Các điểm đến được xây dựng theo 3 chủ đề chính: “Trường ca của lửa và nước”, “Bản giao hưởng của làn gió mới” và “Âm vang từ Trái đất” nhằm khai thác tốt nhất các giá trị tổng hòa của sản phẩm du lịch, giá trị văn hóa, di sản và địa chất.

Đến với Công viên địa chất Đắk Nông, du khách sẽ được tham quan, chiêm ngưỡng hệ thống hang động núi lửa trong đá basal độc đáo, nguyên sơ vốn được xác lập kỷ lục dài nhất Đông Nam Á (khởi đầu từ huyện Krông Nô); ngắm nhìn các thắng cảnh hoang sơ, hùng vỹ như núi lửa Băng Mo (huyện Cư Jút), núi lửa Nâm Gleh R’luh (huyện Đắk Mil); tham gia hành trình về nguồn tại các buôn làng của người Êđê, M’Nông với nhiều nét độc đáo của văn hóa bản địa; tham quan Vườn quốc gia Tà Đùng với thắng cảnh hồ Tà Đùng, vốn được ví là vịnh Hạ Long trên Cao nguyên…

Những phiến đá hoá thạch bên trong một hang động

“Hiện tỉnh Đắk Nông đang kêu gọi các tổ chức và doanh nghiệp tham gia vào phát triển du lịch, dịch vụ để hoàn thiện các sản phẩm du lịch và phát triển du lịch vùng Công viên địa chất Đắk Nông. Quan điểm của tỉnh Đắk Nông là khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương trên cơ sở bảo tồn và phát huy tối đa các lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa nổi bật, đa dạng sinh học. Tỉnh Đắk Nông cũng đã xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch vùng Công viên địa chất, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch tại vùng Công viên địa chất, góp phần phát triển du lịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông”, bà Hạnh nói.

V.Thành-Th.Hà
.
.