Khẩn trương “giải cứu” nhà cổ xuống cấp
- Thừa Thiên - Huế: Khẩn trương “giải cứu” nhà cổ xuống cấp
- Nhiều hộ dân sống thấp thỏm trong những ngôi nhà cổ xứ Huế
- Lão nghệ nhân hồi sinh nhà rường cổ trên đất Huế
Trước thực trạng nhiều ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi ở làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền và những căn nhà vườn ở TP Huế mang đậm dấu tích văn hóa lịch sử bị xuống cấp, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cấp bách để “giải cứu” những ngôi nhà cổ này.
Ngoài sông Hương, núi Ngự và các danh lam thắng cảnh chùa chiền thì một trong những điểm thu hút du khách khi đến Cố đô Huế tham quan là làng cổ Phước Tích ở vùng ngoại thành thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, đã được công nhận là di tích Quốc gia vào năm 2009.
Nếu những năm về trước, du khách đến với Phước Tích thường tỏ ra tiếc nuối trước sự xuống cấp của những căn nhà rường cổ thì giờ đây khi trở lại, họ không giấu được sự vui mừng trước cảnh nhà cổ ở đây đang được “giải cứu” khỏi sự đổ nát.
Dẫn chúng tôi đi thăm những ngôi nhà rường đang được tu bổ lại như nguyên trạng ban đầu, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hòa - ông Trần Văn Nguyên cho biết, tháng 8-2016, sau khi Bộ VHTT&DL có quyết định về việc thẩm định hồ sơ tu bổ đình, miếu Thế Lại Thượng, đình Quy Lai và các hạng mục thuộc làng cổ Phước Tích nên chính quyền địa phương đã khẩn trương vào cuộc để tu bổ lại những căn nhà rường trên địa bàn.
“Làng cổ Phước Tích hiện có trên 30 ngôi nhà rường gần 200 năm tuổi, trong đó gần phân nửa là những ngôi nhà thờ họ, số còn lại là nhà các hộ dân sinh sống qua nhiều đời. Hiện phần lớn những căn nhà cổ đang xuống cấp nên một số nhà sẽ được hỗ trợ kinh phí tu sửa tùy theo mức độ hư hỏng”, ông Nguyên cho hay.
Nhiều nhà cổ tại làng Phước Tích cần tôn tạo. |
Vào tháng 9-2013, chúng tôi đến ngôi nhà cổ của vợ chồng anh Lương Thanh Phong ở làng cổ Phước Tích để tìm hiểu viết bài; thời điểm ấy, căn nhà cổ của gia đình anh Phong chỉ làm nơi thờ tự, vì không ai dám vào ở do sợ căn nhà đổ sập bất cứ lúc nào.
Nay chúng tôi trở lại, anh Phong phấn khởi cho hay, ngôi nhà của anh nằm trong danh sách được Bộ VHTT&DL phê duyệt cho phép tu bổ.
Anh Phong niềm nở nói: “Gần cả tháng nay, gia đình thuê nhóm thợ chuyên phục hồi, làm nhà rường đến hạ giải để trùng tu lại đúng nguyên trạng.Kinh phí sửa chữa nhà rường được cấp trên hỗ trợ nên vợ chồng rất yên tâm và phấn khởi, bởi sau bao nhiêu năm chờ đợi thì nay nhà cổ của cha ông để lại đã được chính quyền quan tâm tu sửa vì gia đình không có đủ điều kiện...”.
Ngoài những ngôi nhà rường hàng trăm năm tuổi ở làng cổ Phước Tích đang được “giải cứu”, hiện tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng đang nỗ lực thực hiện đề án hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn xứ Huế.
Theo đó, Quỹ bảo trợ nhà vườn Huế sẽ hỗ trợ 700 triệu đồng để trùng tu, sửa chữa đối với nhà vườn loại 1, nhà vườn loại 2 không quá 500 triệu đồng và nhà vườn loại 3 không quá 400 triệu đồng.
Điển hình như cuối năm 2016, nhà vườn của ông Hoàng Xuân Bậc (ở phường kim Long, TP Huế) được hỗ trợ gần 460 triệu đồng để tu bổ, chống xuống cấp. Ngôi nhà vườn này được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX, là nơi thờ tự song thân của danh tướng Tôn Thất Thuyết thời nhà Nguyễn.
Vừa qua, UBND TP Huế cũng đã tổ chức khởi công trùng tu, tôn tạo phủ thờ công chúa Ngọc Sơn (con gái vua Đồng Khánh, 1885-1889) tại số 31 Nguyễn Chí Thanh, TP Huế với tổng kinh phí 750 triệu đồng...
Được biết trong giai đoạn đầu, TP Huế sẽ có 14 căn nhà vườn được thực hiện hỗ trợ tu bổ, sửa chữa theo đề án trên.
Để đề án thực hiện đúng với kế hoạch đề ra, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu các cơ quan, ban ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo phương án tu bổ phù hợp với giá trị nhà vườn Huế đặc trưng và đúng với quy định, chính sách, qua đó góp phần bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn xứ Huế, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.