Làm gì để thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống?

Thứ Tư, 16/06/2021, 08:17
Theo Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô có khoảng 1.350 làng nghề, trong đó có 308 làng nghề truyền thống. Việc phát triển làng nghề cũng đang được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực trong thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.


Tuy nhiên, nếu chỉ có sự nỗ lực tự thân của các nghệ nhân, các hộ gia đình, cộng đồng của làng thì vẫn khó để phát triển làng nghề bền vững.

Là một làng cổ thuộc quận Hà Đông, Hà Nội, Đa Sỹ nổi tiếng với nghề rèn. Theo nhiều tư liệu, nghề rèn Đa Sỹ hình thành từ cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm, gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, đến nay, nghề rèn vẫn giúp đời sống người dân địa phương ổn định, nhiều gia đình có kinh tế khá giả. 

Theo ông Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ, làng nghề hiện có 1.163 hộ trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Mỗi tháng, làng cung cấp ra thị trường từ 450 đến 500 tấn hàng. Bình quân doanh thu mỗi năm đạt trên 200 tỷ đồng. Đa Sỹ có 70% số hộ sản xuất rèn, 16% số hộ buôn bán nguyên liệu và thu mua sản phẩm, 14% làm các ngành dịch vụ và các nghề khác. Nghề rèn thu hút trên 80% lao động tham gia sản xuất. Thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng/tháng/người. Tuy nhiên, đến nay, tốc độ phát triển của làng nghề đang chững lại.
Kết hợp hoạt động văn hóa thu hút du khách đến Làng Lụa Vạn Phúc.

Theo ông Chính, có nhiều nguyên nhân khiến hoạt động của làng nghề gặp khó khăn như sự ra đời của các loại máy móc hiện đại phục vụ cho sản xuất đồ mộc gia dụng, các sản phẩm chủ lực, nổi tiếng của làng nghề như tràng, bào, đục không còn chỗ đứng trên thị trường. Nhiều mặt hàng dao, kéo mạ trắng, chất lượng cao của một số nước như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản dần chiếm lĩnh thị trường nội địa. 

Ở tại Đa Sỹ, một số hộ gia đình sản xuất các sản phẩm chạy theo số lượng, không chú trọng chất lượng, ảnh hưởng đến thương hiệu làng nghề. Nghệ nhân, thợ giỏi làm ra sản phẩm có uy tín nhưng chưa đăng ký thương hiệu, bị các thương lái lợi dụng kẽ hở làm giả mẫu mã sản phảm, hạ giá thành, làm cho hoạt động sản xuất của nhiều gia đình gặp khó khăn, sản phẩm làm ra không bán được. 

Hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề chưa đạt hiệu quả cao. Đa số lao động tại làng không qua đào tạo nên khó tiếp thu công nghệ mới, vận hành máy móc. Nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh còn yếu về trình độ quản lý, kiến thức về kinh tế thị trường, lúng túng trong tiếp thị, liên kết liên doanh, mở rộng thị trường. Việc truyền nghề, dạy nghề hoặc trao đổi kinh nghiệm về kiến thức sản xuất kinh doanh rất hạn chế. 

Nguồn nguyên liệu vật tư phục vụ cho sản xuất làng nghề đang dần cạn kiệt hoặc nguồn cung không ổn định. Vấn đề ô nhiễm môi trường từ tiếng ồn, không khí, xử lý chất thải rắn cũng đặt ra nhiều thách thức với làng nghề. Vấn đề này không thể giải quyết căn bản nếu như địa phương không được quy hoạch mặt bằng làm nơi sản xuất tập trung.

Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cũng cho biết, hiện nay, Vạn Phúc không chỉ là một địa chỉ nổi tiếng trong nước và quốc tế gắn với sản phẩm lụa tơ tằm. Trong tình hình dịch bệnh COVID-19, việc phòng, chống dịch đi đôi với sản xuất và kinh doanh là những thách thức lớn đối với sản phẩm làng nghề. Nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất đã đưa sản phẩm của mình lên mạng xã hội, bước đầu thu được kết quả đáng khích lệ. Họ tích cực tham gia các hội chợ triển lãm trong nước nhằm khai thác thị trường và nắm bắt thị hiếu của khách hàng, tạo mẫu mã, hoa văn và chủng loại sản phẩm hấp dẫn. 

Nhưng để làng nghề ngày càng phát triển bền vững, Vạn Phúc vẫn cần chính quyền các cấp có những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho các làng nghề thủ công phát triển hậu COVID-19: Ưu đãi nguồn vốn vay, cung cấp nguyên liệu cho sản xuất, nhất là nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giúp đỡ tạo đầu ra cho sản phẩm, xây dựng mối liên kết các đơn vị du lịch với các làng nghề, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của du khách.

Với làng nghề sơn mài Hạ Thái, Hà Nội, nghệ nhân Đỗ Trọng Đoàn cho biết, nhiều năm nay, sản phẩm sơn mài Hạ Thái được ưa chuộng ở cả trong nước và nước ngoài. 60% tổng sản phẩm của làng nghề được xuất khẩu ra thị trường thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Hàn Quốc… 

Tuy nhiên, hiện tại, làng nghề Hạ Thái đang đối diện với không ít thách thức. Cụ thể, Hạ Thái có trên 300 hộ đang sản xuất kinh doanh với hơn 1.500 lao động nhưng đội ngũ nghệ nhân, người thợ tay nghề cao chỉ chiếm khoảng 30% số lao động. Hạ Thái cũng gặp khó khăn như nhiều làng nghề khác về chất lượng nguồn lao động, nguyên liệu đầu vào chưa ổn định, ô nhiễm môi trường...

Về vấn đề này, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho hay, bên cạnh những thành công và thuận lợi thì làng nghề truyền thống còn có nhiều khó khăn. Cạnh tranh sản phẩm ngày càng gay gắt. Chi phí sản xuất đầu vào ngày càng cao. Việc thay đổi liên tục về thiết kế mẫu mã hàng hóa để đáp ứng yêu cầu của thị trường đòi hỏi mở rộng mặt bằng, đầu tư thiết bị tiên tiến phục vụ cho sản xuất. Lao động trong làng nghề còn yếu về kiến thức, kỹ năng. Ô nhiễm môi trường đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để phát huy tiềm năng vốn có của các làng nghề, phố nghề, bà Vinh đề nghị, địa phương phải tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bền vững, tạo cơ hội, động viên người trẻ học, hành nghề, làm giàu, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ngay trên quê hương của mình. Tổ chức các cuộc thi thiết kế sản phẩm nhằm lựa chọn sản phẩm đặc trưng tiêu biểu đáp ứng nhu cầu của du khách, khơi dậy sức sáng tạo của nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế. Các sở ngành xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ cho cơ sở sản xuất nông thôn, làng nghề khắc phục các khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, công nghệ, thiết kế... 

Quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề nhằm thúc đẩy các hộ sản xuất và doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng mặt bằng và đầu tư thiết bị tiên tiến cho sản xuất. Các địa phương chưa có cụm công nghiệp làng nghề nên cho các cơ sở sản xuất có nhiều lao động địa phương được hưởng cơ chế đặc thù, được thuê mặt bằng, chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất dịch vụ sản xuất để thuận lợi phát triển mở rộng quy mô...

N.Nguyễn
.
.