Bỏ hoạt động đốt vàng mã: Chính quyền cần vào cuộc

Thứ Sáu, 23/02/2018, 09:46
Về giải pháp ngăn chặn hoạt động đốt vàng mã, theo Đại đức Thích Tỉnh Thiền thì chính quyền cũng cần vào cuộc; những người làm công tác quản lý văn hóa cũng phải tìm hiểu rõ ngọn nguồn của tập tục để có đủ cơ sở, lý lẽ thuyết phục.


Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn gửi Ban trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc hệ thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị các cơ sở hướng dẫn tăng ni, Phật tử tổ chức lễ hội văn minh, tiết kiệm, nhằm tăng cường nét đẹp văn hóa tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Theo nội dung văn bản này, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị các ban trị sự hướng dẫn cho tăng ni, Phật tử tổ chức lễ hội văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, cần tuyên truyền, vận động trong việc phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo, chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội; lan tỏa giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo bạn trong nội dung các bài thuyết giảng cho tín đồ, Phật tử.

Giáo hội cũng đề nghị tăng ni hướng dẫn đồng bào Phật tử và người dân loại bỏ mê tín dị đoan, trong đó có hoạt động đốt vàng mã – một trong những hiện tượng gây phản cảm tại nhiều di tích trong các mùa lễ hội nhiều năm gần đây.

Trao đổi quanh văn bản này, Đại đức Thích Tỉnh Thiền, Phó trụ trì Thiền viện Sùng Phúc, Gia Lâm, Hà Nội cho biết, đốt vàng mã là tập tục đã có từ rất lâu đời. Có rất nhiều Phật tử đến Thiền viện cũng từng bày tỏ sự băn khoăn về việc đốt vàng mã cho người thân đã mất.

Nguồn gốc của việc đốt vàng mã đã được lý giải rất rõ ràng trong cuốn sách “Bàn về đồ mã” do Tạp chí Đuốc Tuệ xuất bản nhiều năm trước và đã được tái bản nhiều lần. Trong sách đã chỉ ra rằng thời xa xưa, vua quan, nhà giàu có người chết đi thường chôn theo của cải, vàng bạc. Những người hầu cận cũng phải chết theo.

Tình trạng đốt nhiều vàng mã, hương, nên không chỉ lãng phí, ô nhiễm môi trường mà còn là nguy cơ gây cháy nổ, mất an toàn trong di tích.

Tập tục này khiến các ngôi mộ của vua chúa, quan lại, nhà giàu trở thành mục tiêu săn lùng của các trộm mộ và việc bắt người khác chết theo gây phẫn uất cho nhiều gia đình. Để tránh tình trạng này, người ta đã nghĩ ra việc đốt đồ giả, người giả để thay thế. Người đời sau cứ thế làm theo, nói trại thành đốt đồ mã, cúng hình nhân thế mạng.

Nguồn gốc của việc đốt đồ mã, đến nay, không phải là không nhiều người biết. Tuy nhiên, như nhiều Phật tử chia sẻ là họ đốt vàng mã theo tập tục người xưa để lại. Vì “xưa bày nay bắt chước”, nếu không làm theo thì không cảm thấy yên tâm. Hơn nữa, mua đồ mã, chỉ bỏ ra vài chục nghìn, vài trăm nghìn mua đồ mã về cúng, đốt nhưng cảm thấy yên tâm hơn nên làm theo.

Cũng theo Đại đức Thích Tỉnh Thiền, nếu chưa xét đến khía cạnh mê tín, chuyện lãng phí hay không lãng phí, phản cảm hay không phản cảm thì Phật tử vẫn nên biết đúng, sai, lợi, hại khi thực hiện đốt vàng mã để cân nhắc có đốt vàng mã hay không?

Nếu hiểu một cách đơn giản như thông thường là đốt vàng mã là cách để gửi tiền của, vật chất cho người đã khuất nhưng nghiệp báo là do chính mỗi người. Nếu coi đốt vàng mã là cách gửi tiền của cho người đã khuất tiêu dùng và cách gửi này đến được đúng người thân thì cũng giống như người ở nước ngoài đi làm gửi vàng, ngoại tệ cho người ở nhà muốn mua gì thì mua, muốn xây nhà thì xây nhà, muốn mua ôtô thì mua ôtô.

Có sẵn tiền để chi dùng như thế thì người ở nhà dễ trở nên lười biếng, không rèn luyện bản thân. Như thế không khác nào giúp không đúng cách, lợi bất cập hại. Chưa kể, vàng mã ngày xưa đơn giản là giấy tiền tượng trưng, in màu đỏ, vàng, phương tiện là ngựa nên có đồ mã là ngựa nhưng bây giờ, người ta làm ra rất nhiều thứ dựa theo trí tưởng tượng của mình theo quan niệm trần sao âm vậy nên vàng mã rất đa dạng, đủ cả các loại quần áo, nhà cửa, xe cộ, điện thoại đời mới, tiền USD…

Nhưng người sống biết hình tướng của người mất như thế nào mà đốt quần áo cho vừa kích cỡ? Nhà cửa, xe cộ cũng như thế. Người xưa đi ngựa thì đốt ngựa nhưng nay đốt điện thoại, xe cộ thì người xưa có sử dụng được không? Tiền mã cũng như thế.

Nếu nghĩ trần sao âm vậy thì mỗi nước được phép lưu hành đồng tiền riêng. Giả sử đốt vàng mã mà đến được với người đã khuất thì họ có sử dụng được không? Việc này, người thực hiện nên tìm hiểu đúng sai, có ích hay không có ích để mà cân nhắc làm theo hay không?

Về giải pháp ngăn chặn hoạt động đốt vàng mã, theo Đại đức Thích Tỉnh Thiền thì chính quyền cũng cần vào cuộc; những người làm công tác quản lý văn hóa cũng phải tìm hiểu rõ ngọn nguồn của tập tục để có đủ cơ sở, lý lẽ thuyết phục.

Thực tế, tình trạng lạm dụng đốt vàng mã gây phản cảm đã được báo chí, truyền thông, mạng xã hội phản ánh rất nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết. Để chấn chỉnh tình trạng này, ngay sau Tết Nguyên đán 2018, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đề nghị ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội các địa phương đảm bảo việc hướng dẫn thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định, tránh tình trạng đốt nhiều đồ mã, vàng mã, hương, nến gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ, mất an toàn trong di tích và lễ hội.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thị Thu Hương thì các địa phương cần phải tăng cường tuyên truyền cho người dân và du khách, trong đó, vai trò của các thủ từ, các trụ trì rất quan trọng trong thuyết phục người dân và du khách làm theo.

Việc gửi văn bản đề nghị các cơ sở thờ tự Phật giáo tổ chức lễ hội văn minh, chống mê tín dị đoan, đốt vàng mã của Giáo hội Phật giáo là hoạt động cần thiết và nhiều ý nghĩa trong thời điểm hiện  nay.

Ngọc Nguyễn
.
.