Gắn kết phát triển làng nghề truyền thống với du lịch Thủ đô

Thứ Hai, 29/08/2022, 07:05

Nổi tiếng là vùng đất trăm nghề, sau nhiều thăng trầm, làng nghề truyền thống tại Hà Nội đứng trước nhiều cơ hội mới khi chính quyền thành phố quyết tâm phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; gắn phát triển làng nghề truyền thống với kết hợp với phát triển du lịch.

Cơ hội cho làng nghề truyền thống nhìn từ làng gốm cổ Bát Tràng

Theo Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, riêng Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt tại Bát Tràng, dịp lễ 30/4 – 1/5 vừa qua đã đón gần 5.000 lượt khách. Thực tế, Trung tâm mới là một mô hình thử nghiệm tại Làng gốm cổ Bát Tràng nhưng hấp dẫn khách du lịch khi có rất nhiều hoạt động đồng hành cùng du khách khám phá nhiều câu chuyện nghề, văn hóa đặc trưng của địa phương. Trung tâm dành riêng khu trải nghiệm nghề, khu sáng tác gốm nghệ thuật của các họa sĩ điêu khắc gốm, khu vườn ươm miễn phí để đón các sinh viên khoa gốm, đồ họa, Silicat trong các trường đại học về thực tập miễn phí.

Các sự kiện được tổ chức có sự tham gia của nghệ nhân, nghệ sĩ, chuyên gia giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu kỹ thuật các chất liệu xương men của gốm cổ và đương đại hay các câu chuyện về ý tưởng thiết kế, kỹ thuật sản xuất cho các dòng sản phẩm gốm mỹ nghệ khác nhau nhằm giúp cho ngành gốm mỹ nghệ ngày càng phát triển. Tại đây còn có khu xúc tiến thương mại cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ và gốm Bát Tràng, khu trưng bày giới thiệu nghệ thuật đương đại và đấu giá các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc của các nghệ nhân, nghệ sĩ...

Gắn kết phát triển làng nghề truyền thống với du lịch Thủ đô -0
Du khách trải nghiệm làm nghệ nhân khi đến Bát Tràng.

Trao đổi tại hội nghị triển khai Nghị Quyết 09 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới đây, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm - Lê Anh Quân cho biết, địa phương chú trọng phát triển du lịch văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái và trải nghiệm nông nghiệp trong đó có điểm du lịch Bát Tràng. Hiện tại, Gia Lâm xây dựng 3 vùng du lịch trọngđiểm, xây dựng các tour du lịch gắn với các di tích lịch sử, di tích văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến, tham quan các làng nghề truyền thống như: Gốm Bát Tràng, Kim Lan; dát vàng quỳ Kiêu Kỵ; thuốc Nam, thuốc Bắc Ninh Hiệp… Địa phương phối hợp lập Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống gốm Bát Tràng gắn với phát triển du lịch và đang đề nghị UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch tổng thể Đề án tỉ lệ 1/500. Gia Lâm cũng từng bước nghiên cứu và đề xuất thành lập Hội doanh nghiệp huyện Gia Lâm và các hiệp hội làng nghề nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm, ủng hộ, đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội làng nghề trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội tại địa phương.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Làng gốm Bát Tràng là một trường hợp điển hình trong phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch của Hà Nội. Theo bà Hà Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô có tới 1.350 làng có nghề, trong đó có 317 làng nghề truyền thống, có những làng nghề đã lên tới cả ngàn năm hoặc vài trăm năm, lưu giữ hồn cốt, tinh hoa của dân tộc nói chung, Thăng Long - Hà Nội nói riêng. Từ khi chưa có sản xuất công nghiệp, các vật dụng thiết yếu phục vụ cho dân sinh đều được sản xuất từ trong các làng nghề. 36 phố phường cổ của Thủ đô là chợ, là phường bán các sản vật của các làng nghề từ xa xưa.

Hiện nay, cộng đồng làng nghề của Thủ đô vẫn đang hàng ngày lưu giữ bản sắc văn hoá của mình, làm nghề mưu sinh mà cha ông đã trao truyền, nỗ lực hội nhập, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, đa dạng từng dòng sản phẩm, mang theo tinh hoa nghề nhưng vẫn đủ sức cạnh tranh. Tuy nhiên, bà Vinh cũng thừa nhận, nhưng chuyện hấp dẫn từ làng nghề truyền thống chưa thực sự được “kể” nhiều, hấp dẫn như cần có.

Việc ban hành và triển khai Nghị Quyết 09 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ là cơ hội để cho cộng đồng các làng nghề, trong đó có các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của Thủ đô được kể thật nhiều câu chuyện hay của nhiều đời ông cha, tổ nghiệp đến du khách trong nước và quốc tế, tạo dấu ấn riêng và góp phần quảng bá văn hoá, con người Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới.

N.H
.
.