Tác động đa chiều của công nghệ thông tin, mạng xã hội đến văn hóa, nghệ thuật
Công nghệ thông tin và mạng xã hội (CNTT-MXH) đã tạo ra những thay đổi sâu sắc đối với hoạt động văn hóa, nghệ thuật (VHNT). Chỉ tính đến thời điểm năm 2024, trong 10 triệu cư dân TP Hồ Chí Minh, đã có đến hơn 20 triệu tài khoản MXH được tạo.
Điều này cho thấy người dân không chỉ sử dụng MXH để xem và tiếp nhận thông tin mà còn là những người sáng tạo nội dung. Trong số người dùng MXH, chắc chắn có những văn nghệ sĩ cũng có xu hướng tiếp cận sự phát triển, cách tân hiện đại trong cách truyền tải thông tin đến với công chúng.
Trong lĩnh vực VHNT, có thể thấy sự tác động của CNTT-MXH đã tạo ra những điểm tích cực đáng lưu ý trong việc sáng tạo như tạo điều kiện phát triển ở các lĩnh vực nghệ thuật khác: điện ảnh, hội họa..., góp phần thúc đẩy sự phát triển, sáng tạo, đổi mới nội dung, cơ hội phát triển cho các tác giả, nghệ sĩ, mở rộng đối tượng công chúng.
MXH sẽ giúp các nghệ sĩ và đơn vị nghệ thuật vươn xa hơn, tiếp cận khán giả trên toàn cầu mà không bị giới hạn bởi không gian hay thời gian. Các trang MXH như: YouTube, TikTok và Facebook đóng vai trò quan trọng trong việc đưa tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng.
Không chỉ giúp quảng bá, MXH còn giúp nghệ sĩ tương tác trực tiếp với người hâm mộ, khán giả, thu thập phản hồi nhanh chóng. Công nghệ cũng giúp nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn theo những cách chưa từng có, thúc đẩy sự đổi mới trong nghệ thuật. Ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) không chỉ hỗ trợ sáng tác nhạc, hội họa mà còn có thể tự tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Các thuật toán như OpenAI's Jukebox có thể sáng tác nhạc theo phong cách của các nhạc sĩ nổi tiếng.

Xu hướng livestream biểu diễn trên các nền tảng số ngày càng phổ biến, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Các buổi hòa nhạc trực tuyến, vở diễn kịch tương tác hay triển lãm tranh số giúp nghệ sĩ tiếp cận nhiều khán giả hơn mà không cần tốn nhiều chi phí tổ chức sự kiện vật lý.
Công nghệ không chỉ giúp nghệ sĩ tiếp cận khán giả mà còn mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới. Thay vì bán vé theo cách truyền thống, nhiều nghệ sĩ và đơn vị tổ chức sự kiện đã chuyển sang mô hình vé điện tử. MXH và nền tảng số còn giúp nghệ sĩ dễ dàng kết nối với các thương hiệu để hợp tác quảng bá.
CNTT-MXH đang thay đổi sâu sắc cách nghệ thuật được sáng tạo, biểu diễn và thương mại hóa. Việc tận dụng các công cụ số không chỉ giúp nghệ sĩ tiếp cận nhiều khán giả hơn mà còn mở ra nhiều cơ hội kiếm tiền, tạo sự bền vững cho ngành công nghiệp sáng tạo…
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, CNTT-MXH cũng đặt ra nhiều thách thức như bảo vệ bản quyền, kiểm soát nội dung và nguy cơ thương mại hóa quá mức… Trong đó, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trở thành một thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh nội dung số có thể bị phát tán rộng rãi mà không có sự kiểm soát chặt chẽ.
Các tác phẩm nghệ thuật như tranh vẽ, thiết kế đồ họa, nhiếp ảnh bị tải về và sử dụng mà không xin phép. Video, bài hát, phim ảnh thường bị re-upload (đăng lại) lên YouTube, TikTok, Facebook mà không có sự đồng ý của tác giả. Hình ảnh hoặc nội dung nghệ thuật bị sử dụng để in ấn lên sản phẩm (áo thun, cốc, poster...) để bán trên các nền tảng như Shopee, Lazada, Amazon mà không trả tiền bản quyền. Âm nhạc bị sử dụng trong video quảng cáo, chương trình truyền hình hoặc phát sóng trực tiếp mà không có giấy phép.
Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng mạnh mẽ, có thể tạo ra nội dung giả mạo, chỉnh sửa hoặc tái tạo giọng nói và hình ảnh của nghệ sĩ mà không có sự đồng thuận của họ. Ví dụ, AI có thể tạo ra một bài hát mới mô phỏng giọng hát của ca sĩ nổi tiếng mà không cần sự tham gia của họ (Nền tảng Deepfake).
Với nguy cơ thương mại hóa quá mức, các nghệ sĩ và nhà sản xuất nội dung ngày càng bị cuốn vào vòng xoáy sáng tạo theo xu hướng thị trường, liên tục chạy theo các trào lưu mới để giữ được sự quan tâm của khán giả, thay vì tập trung vào sáng tạo thuần túy, theo đuổi những giá trị nghệ thuật thực sự…
Do đó, giải pháp đặt ra trước các thách thức, theo nhóm tác giả là ứng dụng công nghệ blockchain (công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối (blocks) được liên kết với nhau thông qua mã hóa) và NFT (Non-Fungible Token: duy nhất, không thể thay thế) để xác minh quyền sở hữu. Blockchain cho phép ghi lại thông tin quyền sở hữu một cách minh bạch và không thể sửa đổi. Khi một tác phẩm được đăng ký trên blockchain, mọi giao dịch và thay đổi đều có thể theo dõi được. NFT giúp nghệ sĩ chứng minh quyền sở hữu và bán tác phẩm trên các nền tảng như OpenSea, Rarible, giúp hạn chế việc sao chép trái phép.
Theo PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật thành phố; Giảng viên cao cấp Trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh, việc tận dụng các nền tảng thương mại điện tử và blockchain để bảo vệ bản quyền là điều cần thiết để bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ và doanh nghiệp, đồng thời tăng cường sự minh bạch và tin cậy trong ngành…
Cùng ý kiến, TS Trần Lan Anh, Trường Đại học Lạc Hồng, cũng cho rằng việc kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, quy trình quản lý minh bạch và sự phối hợp giữa các bên liên quan sẽ là chìa khóa để ngăn chặn và giảm thiểu tối đa những vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các cá nhân và tổ chức.
Hiện nay, việc sử dụng công cụ bảo vệ bản quyền trên các nền tảng số cũng trở nên cấp thiết. Đơn cử như: YouTube Content ID (nội dung của chủ sở hữu) tự động quét nội dung vi phạm và cho phép chủ sở hữu quyết định có gỡ bỏ, chặn hay kiếm tiền từ video vi phạm. Hay Facebook Rights Manager (phần mềm hỗ trợ phát hiện và kiểm soát nội dung bị sử dụng trái phép) trên Facebook và Instagram (2 mạng xã hội phổ biến).
Chính phủ và các tổ chức cần cập nhật Luật bản quyền để phù hợp với thời đại số, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các nền tảng số cần có cơ chế phạt mạnh hơn, không chỉ gỡ bỏ nội dung mà còn có biện pháp cấm tài khoản vi phạm nhiều lần.
Để tránh tình trạng thương mại hóa quá mức, nghệ sĩ và các nền tảng cần có chiến lược phát triển bền vững. Nghệ sĩ cần giữ vững bản sắc nghệ thuật, tạo ra các tác phẩm có giá trị nghệ thuật lâu dài thay vì chạy theo xu hướng ngắn hạn; kết hợp sáng tạo nghệ thuật với cách tiếp cận khán giả thông minh mà không đánh mất chất riêng… Để cân bằng giữa nghệ thuật và thương mại, nghệ sĩ cần giữ vững bản sắc sáng tạo, tận dụng công nghệ một cách thông minh, đồng thời xây dựng một cộng đồng yêu nghệ thuật thực sự…