1001 chiêu trò kiếm tiền “bẩn”

Thứ Năm, 10/03/2022, 10:40

Người xưa có câu: “Ăn mày là ai? Ăn mày là ta/ Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày” để nói về tình cảnh bi đát của người phải chọn cách cùng đường ấy để kiếm cơm qua ngày. Giờ đây, có những kẻ lành lặn, khỏe mạnh nhưng thay vì chăm chỉ lao động, lại chọn ăn mày làm nghề kiếm sống vì... dễ kiếm tiền.

1. Ăn Tết xong, Hoàng Văn H. (28 tuổi, quê Đắk Lắk) dẫn theo vợ con vào TP Hồ Chí Minh làm ăn. Năm 2021, H. là công nhân công ty xuất khẩu gỗ tại Bình Dương nhưng do dịch bệnh nên nghỉ ngang, trở về quê nhà. Lần này quay lại thành phố, H. không có ý định đi làm công ty nữa mà nghĩ ra cách kiếm tiền mới lạ, đó là đi... ăn xin. H. bị cà thọt một chân từ nhỏ, sẵn “lợi thế” bẩm sinh, H. trang bị cho mình vài thứ đồ nghề để ra đường. Nhằm che mắt thiên hạ, H. lận lưng xấp vé số, đôi gói tăm bông, hộp bút bi... để cho mọi người thấy anh ta vẫn đi làm chân chính chứ không phải đi ăn xin.

Ngày đầu tiên, H. hoạt động tại khu vực chợ Bình Điền, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Làm được vài hôm thì gặp “ma cũ”, chúng phát hiện ra một tên “ăn mày dĩ vãng” ở đâu lảng vảng tới địa bàn nên lùa anh ta vào một con hẻm, quay phim, chụp hình làm bằng chứng việc giả tàn tật để ăn xin của H. và dọa sẽ phát trên mạng xã hội. H. sợ quá, cầu xin tha thứ rồi thề sẽ “biến mất” khỏi khu vực này, không bao giờ xuất hiện nữa.

1001 chiêu trò kiếm tiền “bẩn”  -0
Để gây sự chú ý, nhiều người còn viết thơ, ca dao cùng những triết lý ở đời lên tấm bảng đặt xung quanh chỗ ngồi.

H. chuyển sang ngã tư Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Hữu Thọ, Q.7 sau đó dạt về cầu Kênh Tẻ, Q.4 và chỉ dám hành nghề chớp nhoáng vì sợ gặp “đại ca” địa bàn. Mỗi ngày lê đôi chân “tật nguyền” ra đường, H. kiếm được ngót triệu bạc tiền người đi đường cho, riêng tiền bán mấy thứ đồ lặt vặt cũng được thêm một khoản nữa. Thấy làm ăn được, H. đưa vợ con đi theo. Cả gia đình 3 người cứ ngồi lê lết, vật vờ giữa trời nắng tại ngã tư đường, đứa trẻ 4 tuổi khi thức cũng được dạy giơ tay xin tiền, lúc ngủ thì được vợ H. bế ngửa mặt ra đường cho thiên hạ nhìn mà thương, rồi rút hầu bao cho.

Công việc của vợ chồng H. tương đối thuận lợi, tiền kiếm được cũng rủng rỉnh, gấp mấy lần lương làm công nhân.Một ngày đẹp trời đầu tháng 3, H. được một YouTube đường phố tìm đến quay phim nhằm mục đích kêu gọi cộng đồng hỗ trợ. H. cố tình xua đuổi từ chối nhưng vẫn bị YouTube áp sát quay. Trong lúc bí bách, H. quên mất mình bị tàn phế nên nhanh chân dắt vợ con bỏ chạy thì lòi ra vụ giả tàn tật, thế là toàn bộ kịch bản diễn xuất “cái bang” đường phố của H. bị phá sản. H. quay trở lại năn nỉ chủ YouTube, cầu xin anh ta rộng lượng bỏ qua không phanh phui sự thật. H. thề sẽ bỏ nghề quay trở về làm người lương thiện, kiếm tiền chân chính.YouTube không những cảm thông mà còn hỗ trợ vợ chồng H. một tháng tiền thuê nhà trọ và một tháng uống sữa cho con gái.

1001 chiêu trò kiếm tiền “bẩn”  -0
Nhiều người chọn ăn xin là nghề nuôi sống gia đình.

Sau sự cố, H. chuyển nhà trọ tới TP Thủ Đức nhằm “cắt đuôi” và xóa dấu vết những người đã biết sự thật, H. tiếp tục hành nghề “cái bang” trên thân phận kẻ tàn tật đáng thương. Lần này, gia đình H. xé lẻ ra để tiện bề hoạt động. Theo đó, H. một mình đi về xa lộ Hà Nội, đoạn giáp cầu Đồng Nai, tuyến đường luôn đông đúc và nhộn nhịp xe cộ. Cũng nhờ dịch bệnh nên H. càng ngụy trang thật kỹ với 3 lớp khẩu trang, khăn trùm chỉ hở đúng con mắt. Đôi chân “tật nguyền” của H. cũng được ngụy trang bằng ba tầng bảy lớp giẻ rách te tua, xơ xác, nhàu nhĩ và cáu bẩn. H. sẽ giấu đôi chân trong đó, chỉ thừa ra túm vải nát rồi lết từ xe ba bánh xuống đường, rồi lại từ đường bò lên chiếc xe.

Mỗi ngày, H. đủng đỉnh bán 100 tờ vé số, cái chính là người ta cho tiền chứ H. không quan tâm đến chuyện bán hết hay còn vé số. Kiếm ăn bằng nghề “cái bang bại liệt” này, H. thu về cả triệu đồng mỗi ngày. Vợ H. cũng kiếm được việc làm trong khu chế xuất, lương 7 triệu/tháng, con gái thì gửi nhà trẻ.

H. luôn suy nghĩ, sẽ chỉ làm nghề này một thời gian rồi sẽ vào công ty cho ổn định nhưng cám dỗ của đồng tiền đã ngăn cản bước chân của anh ta hướng đến công việc lương thiện. H. say sưa, mải mê với cuộc “lột xác, hóa kiếp” mỗi ngày, rồi “cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”. Lần này, H. bị chính người đồng hương Tây Nguyên của mình cởi bỏ mặt nạ. Anh này âm thầm quay lại cảnh H. đi làm rồi tung lên mạng xã hội, chia sẻ rộng khắp cho bạn bè quen biết. H. bẽ bàng, xấu hổ nhưng đã chai sạn mất rồi. H. nghĩ, mặc kệ bạn bè chê cười chế giễu, miễn sao anh ra đường vẫn kiếm được tiền, quan trọng là thiên hạ có mấy ai quan tâm đến Facbook của vài đứa bạn làm công nhân.

2. Nhưng, cách kiểm tiền của H. vẫn chưa phải cao thủ. Mới đây, một tài khoản Facebook tên “T.K Hương mùa hè” có hơn 1.000 lượt người theo dõi, kết bạn đã đăng một bản tin kể về hoàn cảnh bi đát của gia đình. Theo đó, T.K có người chị dâu đang khỏe bệnh thì bỗng dưng gặp phải chứng bệnh lạ, toàn thân lở loét, bốc mùi hôi thối. Căn bệnh ngày một trầm trọng khiến chị dâu phải ăn đâu nằm đó, toàn thân băng bó trắng xóa. Chồng chị dâu làm phụ hồ bữa có bữa không, chẳng thể nuôi nổi gia đình. Nguy cơ hiện hữu là hai đứa con nhỏ không được đến trường. T.K tha thiết kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ, gửi thẳng vào số tài khoản của T.K để chị này chuyển lại cho gia đình chị dâu.

Liên tiếp những ngày sau đó, hình ảnh của mấy đứa con chị dâu của T.K hốc hác, đói rách được đăng tải kèm theo tấm ảnh chị dâu nằm bất động trên giường bệnh. Nhiều lời chia sẻ, động viên từ bạn bè, người quen của T.K gửi tới và cũng nhiều lượt chuyển tiền giúp đỡ chị dâu của T.K.

1001 chiêu trò kiếm tiền “bẩn”  -0
Các đối tượng lấy hình ảnh của gia đình em bé bị nạn tung lên mạng kêu gọi quyên góp tiền vào số tài khoản cá nhân.

Khoảng 1 tuần sau, bỗng dưng Facebook của T.K khóa, mất hút trên diễn đàn mạng.Thay vào đó, một Facebook khác, giới thiệu là bạn thân của T.K đăng đàn “bóc phốt” cô gái này. Tài khoản Facebook đưa ra bằng chứng T.K đã dàn dựng, bịa đặt hoàn cảnh của chị dâu để lừa đảo lấy tiền ăn tiêu. Thực tế, T.K không hề có chị dâu, gia đình cô này chỉ có hai chị em gái, cũng chưa ai lập gia đình. T.K vốn là biên tập viên của một tạp chí làm đẹp nhưng đã nghỉ việc chuyển sang bán hàng online. Thời gian gần đây, T.K sa lầy vào con đường cờ bạc nên túng quẫn nghĩ ra nhiều trò “bẩn” kiếm tiền. Trước khi dựng chuyện chị dâu, T.K cũng từng bị phanh phui một vụ dàn dựng tai nạn của “anh trai” mình. Sau đó, cô ta giải thích là anh trai “nuôi”.

Vẽ ra kịch bản một vụ việc, kiếm được một số tiền nhất định là T.K lập tức xóa status, không để lại dấu vết nên đã thực hiện trót lọt vài vụ. Chị Lê Thị Hảo, một người bạn học chung cấp 3 với T.K cho biết, bố mẹ ở quê cũng bị con gái cho lên mạng “quảng cáo” đang bị bệnh hiểm nghèo để xin tiền thiên hạ. Gia đình nhờ cả công an can thiệp để răn đe con gái.

Dựng chuyện, bịa đặt ra những câu chuyện thương tâm, những hoàn cảnh éo le thê lương để kiếm tiền đã trở thành một hình thức lừa đảo mới, xuất hiện nhiều thời gian gần đây.

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Thắm, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, lừa đảo bằng hành vi dựng chuyện, bịa đặt để kiếm tiền đã xảy ra nhiều dưới mác quyên góp từ thiện hoặc kêu gọi giúp đỡ cho chính mình. Trước hết, nó làm xói mòn lòng tin của con người với nhau, làm giảm tính lương thiện trong mỗi người, làm ảnh hưởng đến đạo đức, nhân phẩm của cá nhân. Theo quy định pháp luật, dùng thủ đoạn gian dối, giả danh cơ quan tổ chức, nạn nhân, đưa ra thông tin gian dối để có được tài sản từ các nhà hảo tâm và chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã có tiền án, tiền sự chưa được xóa án tích hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội... có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

1001 chiêu trò kiếm tiền “bẩn”  -0
Đối tượng Nguyễn Thị Mỹ Siêu dựng chuyện bản thân bị bệnh hiểm nghèo, phải sang Singapore chữa trị, kêu gọi nhà hảo tâm chuyển tiền vào tài khoản của mình để tiêu xài.

Về hành vi giả nghèo giả khổ hoặc tự hủy hoại bản thân, lợi dụng lòng thương người để xin tiền hiện nay pháp luật chưa có quy định xử lý cụ thể. Hành vi này xuất phát từ bản thân người đi xin, có khi người cho tiền vì thấy thương nên cho chứ giữa người ăn xin và người cho không có bất cứ một sự giao tiếp nào. Lợi dụng kẽ hở pháp lý này, đã có rất nhiều người kiếm bộn tiền nhờ vào nghề giả danh tàn tật đi ăn xin.

Ngày 5-3-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông đã tiến hành điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Nguyễn Thị Mỹ Siêu, SN 1995, ngụ xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp. Ngày 11-9-2021, Nguyễn Thị Mỹ Siêu sử dụng Facebook cá nhân mang tên “An Khang” đăng tải thông tin sai sự thật với nội dung bản thân mắc bệnh hiểm nghèo, phải qua Singapore chữa bệnh.

Sau đó, cô gái này sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo khác nhau giả làm một số nhân vật như bạn trai cũ, bác sĩ... tham gia đoàn đưa Siêu qua Singapore chữa trị. Mục đích của việc này nhằm tạo dựng thông tin sai sự thật quá trình Siêu đi chữa trị tại Singapore như bị sốc phản vệ, nguy hiểm tính mạng, không đủ tiền chi trả viện phí... Sau đó, Siêu tiếp tục giả làm các nhân vật trên, nhắn tin cho bạn bè của Siêu qua mạng xã hội, kêu gọi bạn bè ủng hộ tiền vào tài khoản của Siêu.

Đã có 145 lượt chuyển tiền ủng hộ với tổng số tiền hơn 56 triệu đồng. Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Đắk R’lấp đã làm rõ 8 cá nhân chuyển tiền ủng hộ và bị Siêu chiếm đoạt gần 16 triệu đồng.

Ngọc Thiện
.
.