20.000 giấy tờ giả bị phát hiện như thế nào?

Thứ Tư, 29/12/2021, 13:45

Hơn 20.000 giấy tờ, văn bằng như: căn cước công dân, chứng minh thư, giấy phép lái xe, biển số xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy kiểm định, tem kiểm định, các loại bằng đại học, thạc sĩ, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông... do Nguyễn Tấn Huy (37 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh) cùng đồng phạm làm giả của các cơ quan, tổ chức được làm rõ.

Đến chiều 22-12, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định, có 30 đối tượng tham gia đường dây sản xuất giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả và hiện 6 đối tượng chính đã bị bắt giữ.

Giấy tờ, văn bằng giả rao bán tràn lan

Đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, vào tháng 4-2021, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế phát hiện nhiều đối tượng sử dụng tài khoản Facebook, Zalo “ảo” để rao bán các loại bằng cấp, giấy tờ, tài liệu của các tổ chức, cơ quan nhà nước trên toàn quốc...

20.000 giấy tờ giả bị phát hiện như thế nào? -0
Theo cơ quan điều tra, đây là đường dây sản xuất tài liệu giả của các cơ quan, tổ chức có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại địa bàn Huế.

Một tài khoản Facebook đã đăng thông tin nhận làm tất cả các loại giấy tờ giả từ A đến Z... Bên cạnh đó, các đối tượng còn ngang nhiên sử dụng sim rác để nhắn tin tiếp thị đến điện thoại của nhiều người dân. Cụ thể, số điện thoại 09183394... đã gửi tin nhắn đến hàng ngàn thuê bao điện thoại với nội dung: “Bên em hỗ trợ, tư vấn cấp lại, làm mới bằng lái xe các hạng: A, B, C, D, F... và tất cả các loại giấy tờ khác. Giao nhận thu phí tại nhà”.

Quá trình tìm hiểu, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan công an xác định, đã có rất nhiều người đặt mua các loại tài liệu giả này để phục vụ cho mục đích cá nhân. Một nam sinh viên vừa tốt nghiệp đại học tại TP Hồ Chí Minh cho biết, do nhu cầu công việc nên người này cần bằng thạc sĩ để xin việc làm. Sinh viên này cho rằng, nếu đi học thì phải mất thêm 2 năm, rất tốn kém và đáng lo là lúc học xong, cơ hội việc làm không còn. Trong khi đó, bằng thạc sĩ được làm giả chỉ có giá 2 triệu đồng và từ khi đặt hàng đến khi nhận bằng chỉ mất khoảng 1 tuần...

20.000 giấy tờ giả bị phát hiện như thế nào? -0
20.000 giấy tờ giả bị phát hiện như thế nào? -1
Nhiều căn cước công dân, chứng minh thư, giấy phép lái xe, biển kiểm soát giả... được Công an thu giữ tại nhà của các đối tượng.

Chỉ cần gõ cụm từ “mua bằng giả” trên Google hay trên thanh công cụ tìm kiếm của Facebook, ngay lập tức được trả lời bằng hàng nghìn kết quả là các website, fanpage, nhóm Facebook và tài khoản mạng xã hội nhận làm các loại văn bằng, chứng chỉ giả từ bằng trung học phổ thông, bằng trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học, đến thạc sĩ, tiến sĩ cùng nhiều loại giấy tờ giả khác. Các đối tượng còn công khai cả quy trình, cách thức làm giả và cả phương thức giao hàng, thanh toán...

Đối với bằng đại học giả, các đối tượng khẳng định có thể làm giả với phôi chuẩn dán tem 7 màu 6 cánh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có mộc nổi giáp lai giống thật, chữ ký hiệu trưởng kể cả đã về hưu vẫn làm được; nếu chưa chắc chắn thì các đối tượng sẽ đi công chứng cho người mua trước khi giao hàng. Để củng cố niềm tin người mua, các đối tượng cam kết người mua chỉ trả tiền khi đã kiểm tra độ chuẩn của văn bằng, chứng chỉ, nếu không giống thì không cần trả tiền.

Thủ đoạn tinh vi

Ngay sau khi chuyên án đấu tranh được xác lập, lực lượng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tập trung điều tra và phát hiện đường dây tội phạm này hoạt động rất tinh vi, sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau nhằm che giấu hành vi phạm tội. Với nhiều tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 12-12, Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an huyện Phú Lộc và các cục nghiệp vụ Bộ Công an quyết định triệt phá đường dây sản xuất con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Sau hơn 20 ngày ròng rã bám địa bàn tại TP Hồ Chí Minh, Thượng tá Phan Thế Hùng, Phó trưởng Phòng CSHS chỉ huy một tổ công tác cùng nhiều cán bộ chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm, giỏi nghiệp vụ đã bắt giữ kẻ cầm đầu đường dây là Nguyễn Tấn Huy. Cùng thời điểm này, 3 tổ công tác còn lại đồng loạt tiến hành bắt giữ đồng bọn của Huy, gồm: Võ Thành Long, 53 tuổi; Nguyễn Công Chức, 33 tuổi, cùng trú tỉnh Quảng Ngãi; Nguyễn Văn Tuân, 27 tuổi; Lê Văn Chung, 28 tuổi và Trần Văn Minh, 37 tuổi, cùng ở tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Theo cơ quan điều tra, đường dây tội phạm này hoạt động liên quan đến nhiều đối tượng ở các địa bàn khác nhau. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, mỗi khi có người đặt làm giấy tờ, bằng giả, các đối tượng dùng sim rác để liên lạc với nhau. Các đối tượng sử dụng các tài khoản ngân hàng mua lại của người khác để giao dịch chuyển khoản và thông qua các dịch vụ phát hàng thu tiền hộ để chuyển các loại giấy tờ khách đặt làm giả...

20.000 giấy tờ giả bị phát hiện như thế nào? -0
Đấu tranh với đối tượng cầm đầu Phạm Tấn Huy.

Thượng tá Phan Thế Hùng cho biết, cái khó nhất là các đối tượng trong đường dây này ở rải rác nhiều tỉnh, thành khác nhau như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi... Vì vậy, lực lượng trinh sát phải di chuyển liên tục từ địa phương này sang địa phương khác và “nằm vùng” nhiều ngày để thu thập chứng cứ.

Đối tượng Phạm Tấn Huy mặc dù có nhà ở TP Hồ Chí Minh nhưng lại thuê một căn phòng rất rộng trên tầng 2 của nhà dân nằm khuất trong con hẻm ở quận Bình Tân để thực hiện hành vi sản xuất tài liệu giả. Vì vậy, việc tiếp cận hiện trường rất khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên chỉ cần một sơ hở nhỏ thì công sức theo đuổi vụ án lâu nay sẽ đổ xuống sông xuống biển.

Vì vậy, quá trình phá án, các trinh sát đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nghiên cứu kỹ địa hình, đưa ra nhiều giải pháp, chiến thuật tùy vào tình huống. Xác định được đối tượng cầm đầu Phạm Tấn Huy đang trực tiếp sản xuất một lượng lớn căn cước công dân, tài liệu, văn bằng giả để chuẩn bị giao cho khách vào cuối tháng 12-2021, lực lượng CSHS Công an Thừa Thiên-Huế đã bất ngờ ập vào khống chế, bắt quả tang. Tại hiện trường, Cơ quan công an đã phát hiện hàng ngàn tài liệu làm giả như: gần ngàn căn cước công dân, chứng minh thư, biển kiểm soát, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bằng đại học, bằng thạc sĩ, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, giấy kiểm định... cùng nhiều loại tài liệu giả khác.

Khám xét nơi ở và làm việc của các đối tượng khác trong đường dây, cơ quan điều tra thu giữ hơn 100 mẫu con dấu giả của các cơ quan, tổ chức cùng nhiều máy tính, điện thoại, thiết bị máy in màu, máy scan, máy dập chữ, máy in thẻ nhựa, máy ép nhiệt, phôi bằng... và hàng ngàn loại giấy tờ, chứng từ giả như giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô, ôtô; giấy chứng nhận đăng kiểm, tem kiểm định, biển số xe, giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài sản trên đất, các loại bằng cấp, chứng chỉ của các trường và số lượng lớn vàng, tiền của nhiều quốc gia.

Làm giả hơn 20.000 giấy tờ, tài liệu

Qua đấu tranh khai thác ban đầu, cơ quan điều tra xác định, từ đầu năm 2020 đến nay, đường dây tội phạm do Phạm Tấn Huy cầm đầu đã trực tiếp làm giả hơn 20.000 giấy tờ, tài liệu và chuyển cho người đặt mua trên toàn quốc, thu lợi bất chính số tiền hơn 30 tỷ đồng. Các giấy tờ giả như: căn cước công dân, chứng minh thư, giấy kiểm định, tem kiểm định có giá dao động từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (kèm hoặc không kèm tài sản gắn liền trên đất) có giá lần lượt là 3 và 5 triệu đồng. Đối với bằng đại học có giá giao động từ 4 đến 7 triệu đồng tùy trường và tùy loại...

20.000 giấy tờ giả bị phát hiện như thế nào? -0
6 đối tượng trong đường dây sản xuất bằng giả.

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, qua điều tra bước đầu xác định có khoảng 10.000 cá nhân trên toàn quốc đã đặt mua để sử dụng các loại tài liệu, giấy tờ giả.

“Việc làm giả và sử dụng các loại giấy tờ, tài liệu, con dấu của các cơ quan, tổ chức là hành vi hết sức nguy hiểm cho xã hội. Đại tá Sơn cho rằng, đây là hành vi tiếp tay cho các loại tội phạm, các hình thức vi phạm pháp luật, như lừa đảo, vi phạm các lĩnh vực trong hoạt động xã hội và đặc biệt là người sử dụng các loại giấy tờ, tài liệu giả này nhằm để che đậy các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi trái pháp luật. Việc đấu tranh để ngăn chặn, xử lý với các loại hành vi làm giả cũng như sử dụng các loại giấy tờ giả, tài liệu giả này là hết sức cần thiết và cần tập trung đấu tranh. Đối với những người mua bán, sử dụng các loại giấy tờ giả này, Cơ quan công an sẽ tiếp tục xác minh, làm rõ và phải có biện pháp xử lý nghiêm”, Đại tá Đặng Ngọc Sơn chia sẻ.

Đến chiều 22-12, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định, có khoảng 30 đối tượng tham gia đường dây sản xuất bằng giả này. Hiện, Cơ quan công an đã bắt giữ 6 đối tượng và đang truy bắt các đối tượng còn lại. Đồng thời, tiếp tục điều tra mở rộng làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội của đường dây tội phạm này để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hải Lan
.
.