Bài học đắt giá từ vụ sai phạm đất đai ở Khánh Hòa

Chủ Nhật, 25/07/2021, 14:43
Lịch sử sau 32 năm tái lập tỉnh Khánh Hòa, lần đầu tiên có tới 5 cựu quan chức cấp tỉnh bị khởi tố, bắt tạm giam trong hai vụ án đều liên quan tới đất đai. Đó là 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh; cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Công Thiên và hai cựu Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) Lê Mộng Điệp, Võ Tấn Thái…


Đi tù vì… đất

Hàng chục năm về trước, Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa được giao sử dụng 7.388m2 đất tại  số 1 Trần Hưng Đạo, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, được xem là “đất vàng” vì ở trung tâm nội thành và rất gần bãi biển. Cách đây 7 năm, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng có văn bản chấp thuận Công ty CP Thanh Yến ở Long An thực hiện hợp đồng BT, đầu tư 149 tỷ đồng xây dựng cơ sở mới Trường Chính trị Khánh Hòa tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang.

Đổi lại, địa phương hoàn vốn cho doanh nghiệp bằng khu “đất vàng” nêu trên để thực hiện dự án Khu phức hợp Nha Trang Center 2 – nay là Nha Trang Gold Coast. Mặc dù khu này đã quy hoạch đất thương mại - dịch vụ, nhưng ngày 21-7-2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Công Thiên vẫn ký quyết định phê duyệt, giao cho Công ty CP Thanh Yến 4.440m2 đất ở với mức giá gần 22,5 triệu đồng/m2 và cho thuê 2.949m2 đất phi nông nghiệp thời hạn 49 năm với mức giá hơn 7,8 triệu đồng/m2.

Khu “đất vàng” tại Dự án Nha Trang Gold Coast.

Bằng quyết định này, ông Nguyễn Chiến Thắng và Đào Công Thiên cùng Giám đốc Sở TN-MT Võ Tấn Thái đã gây thất thu ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng, vì tổng số tiền thu được từ giao đất, cho thuê đất tại khu “đất vàng” nêu trên chỉ được 114,8 tỷ đồng, trong khi thời điểm đó giá đất nơi này không dưới 100 triệu đồng/m2.

Ngày 30-3-2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố vụ án: “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, đến ngày 20-5-2021 đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Đào Công Thiên và Võ Tấn Thái về tội danh trên. 

Tiếp đó, ngày 8-6-2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa tiếp tục khởi tố vụ án hình sự: “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” tại dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Biệt thự sông núi Vĩnh Trung do Công ty TNHH sản xuất và xây dựng (SXXD) Khánh Hoà làm chủ đầu tư. Cùng ngày, cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa là Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh cùng cựu Giám đốc Sở TN-MT Lê Mộng Điệp. Ngoài ra, ông Nguyễn Chiến Thắng còn bị khởi tố do liên quan trong vụ giao “đất vàng” cho Công ty CP Thanh Yến tại dự án Nha Trang Center 2.

Gần 10 năm về trước, UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất 123,2 ha trên núi Chín Khúc ở phía Tây TP Nha Trang cho Công ty TNHH SXXD Khánh Hòa trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái. Đến ngày 30-6-2014, UBND tỉnh Khánh Hòa mở rộng diện tích giao đất cho doanh nghiệp này 513,5ha; trong đó có 107 ha đất trồng rừng sản xuất, 372,6ha đất khoanh nuôi tái sinh rừng, 24ha đất làm đường lâm nghiệp, hồ chứa nước và 3,53 ha dự án Khu biệt thự – du lịch sinh thái Đất Lành, sau đó chuyển thành Khu du lịch sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự hơn 5ha.

Dù chưa chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác, nhưng tháng 10-2015, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng ký quyết định chủ trương đầu tư, giao 7.500m2 đất ở nông thôn trên núi Chín Khúc, có thu tiền sử dụng đất, người mua nhà gắn liền quyền sử dụng đất được sử dụng ổn định lâu dài. Đến ngày 18-9-2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Công Thiên ký quyết định điều chỉnh 7.500m2 “đất ở nông thôn” thành “đất trồng rừng sản xuất”, nhưng lại “trả tiền thuê đất hằng năm”. Và khi chưa có phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 cùng các thủ tục đánh giá tác động môi trường, thiết kế… nhưng chủ đầu tư đã “băm nát” 44 ha núi Chín Khúc để triển khai dự án.

Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung sau nhiều lần điều chỉnh trong 7 năm (2011-2018) đã được UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định chủ trương đầu tư ngày 2-7-2018 gồm 19,65ha để đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự kết hợp du lịch sinh thái và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500. Dù chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng, nhưng chủ đầu tư vẫn thi công san nền, xây lắp một số hạng mục hệ thống điện, nước trái quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng…

Còn nhiều sai phạm tại 3 dự án đang được làm rõ

Tại TP Nha Trang còn có 3 dự án khác đang được điều tra, trong số đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát lãng phí” tại dự án Golden Gate ở 28E Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, do Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang (ĐVNT) làm chủ đầu tư.

Núi Chín Khúc đã bị “băm nát” để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự.

Dự án này được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 10-12-2014 để xây dựng khu tổ hợp khách sạn, căn hộ du lịch cao cấp, với tổng vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng. Ngày 16-2-2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Công Thiên ký quyết định giao và# cho thuê 20.112m2 mặt tiền đường Trần Phú hướng ra vịnh biển Nha Trang. “Đất vàng” nhưng lại phê duyệt giao cho Công ty ĐVNT 4.675m2 đất ở đô thị để xây dựng căn hộ chung cư với mức giá chỉ 5,3 triệu đồng/m2; cho thuê 8.224m2 đất thương mại – dịch vụ 50 năm để xây dựng khách sạn, căn hộ du lịch, trung tâm thương mại với mức giá hơn 6,6 triệu đồng/m2. Ngoài ra, trong dự án còn có 7.212 m2 đất thuê trả tiền hàng năm, bao gồm công viên cây xanh 3.541 m2; đất giao thông, sân bãi 3.670 m2.

Đối chiếu quy hoạch sử dụng đất tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020, khu đất này là tổ hợp dịch vụ - thương mại, nhưng Công ty ĐVNT được giao 4.675m2 đất ở đô thị với giá rẻ bất thường so với thực tế thời điểm đó hơn 100 triệu đồng/m2, giá đất cho thuê cũng quá rẻ, gây thất thoát lãng phí tài sản nhà nước.

Dù đã được “ưu ái” nhưng sau nhiều lần điều chỉnh phương án kiến trúc quy hoạch, đến nay dự án Nha Trang Golden Gate vẫn chưa hoàn thiện. Thậm chí chưa có giấy phép xây dựng, nhưng đầu năm 2017, Công ty ĐVNT vẫn triển khai dự án, nên đơn vị thi công đã bị xử phạt 35 triệu đồng. Và do chưa giải quyết nhiều vướng mắc, hơn 6 năm qua dự án Nha Trang Golden Gate vẫn trong tình trạng ì ạch, hoạt động thi công đã phải tạm dừng.

Dự án thứ hai là chung cư Napoleon Castle 1 cao 40 tầng gồm 824 căn hộ do Công ty TNHH Cat Tiger Khareal làm chủ đầu tư trên khu đất 2.900m2 tại số 25-26 Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang. Khu đất này trước đây giao cho Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) có 100% vốn nhà nước quản lý, sử dụng. Ngày 18-12-2014, UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Khatoco đầu tư dự án chung cư và thu tiền sử dụng đất hơn 38,4 tỉ đồng mà không tổ chức đấu giá. Theo đề nghị của Khatoco ngày 5-2-2016, UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty TNHH MTV đầu tư và kinh doanh bất động sản Khatoco (Khareal) là đơn vị “con” của Khatoco làm chủ đầu tư dự án.

Sau đó Khareal xin liên kết với Công ty TNHH TMDL Cat Tiger là doanh nghiệp tư nhân để hình thành Công ty TNHH HTV Cat Tiger Khareal và đã được UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý theo quyết định ngày 14-11-2016. Sau khi góp vốn bằng tiền và đất một thời gian, hai bên nâng vốn điều lệ rồi Cat Tiger trả cho Khareal một phần tiền đất không nằm trong vốn góp, đến ngày 30-12-2017, Khareal rút hết vốn góp, nên hơn 2.900m2 đất công có giá trị cao do doanh nghiệp nhà nước quản lý đã rơi vào tay doanh nghiệp tư nhân với giá rẻ, gây thất thoát tài sản nhà nước rất lớn.

Dự án thứ ba là Khu đô thị đồi Đất Lành ở khu vực núi Chín Khúc do Công ty TNHH SXXD Khánh Hòa làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận chủ trương từ ngày 20-10-2015 với quy mô 131ha ở khu vực núi Chín Khúc. Mục tiêu dự án đầu tư khu thương mại kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái. Đến cuối năm 2019, dự án chưa được phê duyệt quy hoạch 1/500, chưa thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục đầu tư từ báo cáo đánh giá tác động môi trường, thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy… nhưng chủ đầu tư đã thi công san nền khoảng 60ha, xây dựng đường nội bộ, hệ thống thoát nước, hồ chứa…

Bài học về công tác quản lý đất đai

Đến thời điểm này chưa có căn cứ nào cho thấy 5 cựu quan chức đã bị khởi tố, bắt tạm giam có động cơ, mục đích cá nhân, nhưng hành vi của họ đã có dấu hiệu tội phạm theo tội danh đã khởi tố. Khi lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các dự án nêu trên họ đã bất chấp các quy định pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, đấu thầu… Rõ nét nhất là làm trái quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phê duyệt mức giá giao đất, cho thuê đất quá rẻ, không tổ chức đấu thầu dự án để lựa chọn nhà đầu tư…

Các bị can: Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên, Lê Mộng Điệp, Võ Tấn Thái.

Thậm chí trong văn bản ngày 15-6-2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã cảnh báo rằng việc đầu tư các dự án theo hình thức BT là phù hợp, nhưng danh mục các dự án UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất không thuộc một trong các trường hợp được áp dụng chỉ định nhà đầu tư, đồng thời “Đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành”, thế nhưng cựu Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng cùng các cộng sự vẫn cố tình phớt lờ nên họ phải trả giá khi vào vòng tố tụng hình sự.

Do những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, thực hiện dự án đầu tư, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai, tài sản và ngân sách nhà nước, ngày 5-11-2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định kỷ luật cảnh cáo tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa hai nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa hai nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021.

Nhiều sai phạm về đất đai ở Khánh Hoà đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo pháp luật. Tuy nhiên, bài học đau xót là việc quản lý đất đai, xây dựng, đầu tư ở một thành phố lớn có tiềm năng du lịch đã bị buông lỏng kéo dài dẫn đến thất thoát nghiêm trọng tài sản nhà nước.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.