Bản án nào cho những nghịch tử?

Thứ Bảy, 01/06/2019, 21:15
Liên tục những vụ con cái ngược đãi cha mẹ làm rúng động dư luận những năm qua gây nên tình trạng đáng báo động về bạo lực gia đình. Những đứa con bất hảo, cả trai lẫn gái chửi bới, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, dùng gậy phang tới tấp vào đấng sinh thành; coi như kẻ thù, đuổi cha mẹ ra khỏi nhà… là những gì ta thường xuyên bắt gặp clip trên youtube hoặc facebook.

Đỉnh điểm sự việc gây căm phẫn tột cùng trong xã hội xảy ra trong tháng 5, con gái phóng hoả thiêu đốt mẹ ruột ở Kim Bảng, Hà Nam.

Những đứa con "trời đánh"

Ngay từ đầu mùa hè, cái nắng nóng của nhiệt độ không nóng bằng sự sôi sục của người dân căm phẫn đến tột cùng khi biết tin con gái mua xăng về tự tay phóng hoả thiêu đốt mẹ ruột lúc nửa đêm.

Đêm mồng 1-5  tại thôn Thanh Nộn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam, sau khi cãi vã với mẹ, Lê Thị Thanh Loan (sinh năm 1978) tưới xăng vào giường ngủ của mẹ đẻ, bình thản châm lửa đốt rồi bỏ đi. Cha của Loan xông vào đám cháy cứu vợ.

Bà H. được đưa xuống viện Bỏng quốc gia để điều trị. Do bị thương quá nặng, vài ngày sau bà qua đời. Công an huyện Kim Bảng đã khởi tố vụ án và ngay hôm sau, ngày 2-5 đã bắt được Loan khi đang lẩn trốn tại Thanh Hoá. Loan là đối tượng không có nghề nghiệp nhưng lại thường xuyên cờ bạc, lô đề.

Còn nhớ mùa hè năm ngoái một clip được lan toả chóng mặt trên mạng xã hội gây bàng hoàng cho người xem.

Bà T. ở Lạc Trung, Hà Nội ngăn cản các con đánh nhau nhưng bị con gái đánh đến phải cấp cứu ở Bệnh viện Xanh Pôn.

Hình ảnh quay từ điện thoại cho thấy anh con trai liên tục bằng những cú đạp, đấm, đá vào người cha hơn 80 tuổi, mặc cho mẹ anh ta đứng ngoài khóc lóc van xin. Người con thậm chí còn cầm gậy phang liên tiếp vào đầu cha già khiến ông cụ người còm nhom, gầy guộc ngã dúi dụi và trên đầu chảy máu ròng ròng. Sau đấy ông cụ đã phải đi cấp cứu. 

Chủ của facebook này là cháu ngoại của ông bà cụ đang sinh sống ở Tân Uyên, Bình Dương. Cô cho biết, cảnh tượng cậu ruột đánh ông ngoại xảy ra thường xuyên nhưng lần này cô buộc lòng phải lấy điện thoại quay lại làm chứng cứ để nhờ pháp luật can thiệp.

Nguyên do của vụ việc là đối tượng này không đồng ý cho chị gái mắc đường điện sang nhà bố mẹ, khi cãi cự với chị gái thì người cha can ngăn. Tức giận, hắn đã chửi rủa, đánh đập tàn nhẫn cha đẻ. Sau đó Công an thị xã Tân Uyên đã tạm giữ nghịch tử này để trừng trị theo pháp luật…

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc một trung tâm dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cho biết: Trong trung tâm của ông hiện nay có 3 cụ già bị con cái bỏ lại gần 20 năm không hề ngó ngàng gì tới.

Hồi mới thành lập trung tâm người cao tuổi này, có người con đi taxi đưa cha đến đóng tiền vài tháng cho cha. Sau thời hạn đấy, không thấy người con quay trở lại, nhân viên gọi điện thoại thì số điện thoại luôn không liên lạc được, cực chẳng đã, nhân viên trung tâm theo địa chỉ mà người con cho tìm đến nhà thì mới biết đấy là địa chỉ giả.

Cứ như vậy đã gần 20 năm nay, ông cụ đã già yếu lắm nhưng vẫn không thấy tăm hơi con cái đến thăm, mọi sinh hoạt đều trông cậy vào trung tâm bảo trợ.

Sau này ông đã ngăn chặn sự việc bằng các điều khoản ràng buộc khác, nếu không sẽ còn nhiều cụ bị con cái bỏ rơi. Quy định khi đưa cha mẹ đến ở trung tâm phải có sổ hộ khẩu, cùng chứng minh thư nhân dân và thông qua các biểu hiện để nhận biết con cái có tình cảm trách nhiệm với cha mẹ hay không.

Ông Ngọc kể, ví dụ người con muốn gửi cha mẹ vào trung tâm dưỡng lão thì họ đi lại nhiều lần, có khi đi đến cả chục lần xem môi trường, điều kiện sinh hoạt ăn ở, không gian sống ra sao, gửi gắm cha mẹ có yên tâm được không, về gia đình họp bàn mãi rồi mới quyết định đưa cha mẹ sang.

Còn có những người sáng đến trung tâm chiều đã đưa cha mẹ sang là phải thấy ngay là có vấn đề. Hoặc có người đưa cha mẹ sang đến nơi lập tức quay gót về ngay là mình phải đặt câu hỏi.

Luôn cần sự tương tác giữa cha mẹ và con cái

Nhức nhối trước một số trường hợp con cái bất kính, đối xử tệ bạc với cha mẹ gây ảnh hưởng, tác động xấu đến cộng đồng, nhà nghiên cứu văn hoá Hữu Ngọc bàn luận: "Hằng ngày, báo chí đưa tin về những hiện tượng xã hội mà cách đây ba chục năm khó tưởng tượng được, con cái hành hung bố mẹ, anh chị em chém nhau vì đồng tiền.

Con gái dẫn xã hội đen đến nhà để xử lý mẹ đẻ và em trai.

Tệ nạn ấy đều có nguyên nhân, đặc biệt do tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, chạy theo lợi nhuận và thú vui vật chất và do đạo đức gia đình sút kém. Nhiều người cảm thấy gia đình không còn là nơi ổn định để nuôi dạy con cái. Trong số người giàu, người có quyền thế cũng như người yếu kém, số người thực sự có hạnh phúc với gia đình ngày càng ít".

Nhà nghiên cứu văn hoá đưa ra hướng giải quyết vấn đề nóng: "Trong thời đại toàn cầu hoá như hiện nay cần phải có một sự kết hợp giữa văn hoá phương Đông và phương Tây. Về phương diện gia đình, cần tiếp thu của phương Tây một số yếu tố về dân chủ và về tôn trọng cá nhân.

Đồng thời gia đình truyền thống phải gạt bỏ những quan niệm lỗi thời như cha mẹ lúc nào cũng đúng, coi thường phụ nữ, đề cao phụ quyền, giữ lại những yếu tố tích cực, nên cảm thông chứ không nên xung đột.

Nên hướng cho con cái ngay từ nhỏ được sống trong tình yêu thương nhân ái, hướng đến những tập quán như uống nước nhớ nguồn, thờ phụng tổ tiên, tảo mộ nhân lễ Thanh Minh, giỗ tết, viết gia phả dòng họ, họp họ, họp gia đình... Những yếu tố đó góp phần làm cho tình thân gắn kết, tin yêu".

Ông cũng cho biết thêm: "Ngay từ khi con còn bé, dạy cho con cái biết yêu quý ông bà cha mẹ từ những câu chuyện kể và cảm động. Một đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương cũng sẽ khác với một đứa trẻ được dạy dỗ chỉ bằng roi vọt. Ngay ở nông thôn, một số ông bà cũng muốn ở riêng, phần do thiếu thốn kinh tế chỗ ở, phần do mất gốc truyền thống.

Cần giữ nếp sống ông bà ở với gia đình một người con, nhưng cải tiến đi cho hợp nếp sống hiện đại, không phân biệt con trai hay con gái, hoặc sống luân phiên trong gia đình con cái.

Hợp đồng với nhau rất chi tiết về đời sống hằng ngày để tôn trọng quyền lợi và sở thích từng cá nhân, biết kính trên nhường dưới, bớt cái "tôi" của mình đi để chịu đựng cái "tôi" của người khác, nhìn thấy cái tốt hơn cái xấu của người khác, ông bà tự nguyện giúp đỡ chứ không phải là người ở. Làm được như vậy thì người già sống có ý nghĩa hơn, không cô đơn và sẽ sống lâu hơn, không chịu bơ vơ tủi nhục".

Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng…

Thượng tọa Thích Thiện Thuận (Trụ trì Viện Chuyên Tu - Bà Rịa - Vũng Tàu) kể: 'Có một người mẹ bị ung thư giai đoạn cuối, khi biết mình sắp chết thì đến chùa xin tôi giúp giùm, nhận hai đứa con của cô đến chùa tu học. Một trong hai đứa trẻ này bị thần kinh.

Tôi thật sự đã xúc động trước hình ảnh một người mẹ quỳ dưới chân mình để tìm một con đường bình yên cho con. Cô tiều tuỵ đến kiệt sức, cô biết mình sắp chết, nhưng hơi thở yếu ớt còn lại vẫn chỉ dành để cầu mong cho con được cuộc sống an lành.

Mẹ là thế. Dẫu mẹ có thể không sống đủ trăm năm, nhưng lại cho con dư dả tiếng hát nụ cười, nếu cần thì thân mạng sẵn sàng đắp đổi cho bình yên, hạnh phúc của con. Trái tim của người mẹ là như thế thương yêu con vô bờ bến, không điều kiện, không mong mỏi con cung phụng, và liệu bao nhiêu người trong chúng ta đã hiểu đúng sự thật này?". 

Thượng tọa cho biết: "Thời buổi này con cái thường lấy lý do bận rộn để biện minh cho việc tiết kiệm lời nói, hành động, cử chỉ quan tâm, lo lắng dành cho cha mẹ, thế nhưng lại có tình cảm và thời gian dành cho người khác. Đây là thiếu sót rất đáng trách của con cái mà chúng ta nên lưu tâm không để phạm phải.

Nếu trong gia đình nếu gặp một hoàn cảnh nhạy cảm nào đó không tìm được tiếng nói chung với cha mẹ trước một vấn đề, thì hãy bình tĩnh, tìm cách khéo léo để mối tương giao giữa hai người không trở thành nặng nề.

Nên trong gia đình rất cần một sự tương tác, hoà hợp trong mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, nhìn gì, nghĩ gì cũng nhẹ nhàng lại, cần thiết thì góp ý chân thành để cả hai bên cùng cảm thấy dễ chịu, đừng chấp nhặt từng chút một mà đôi khi con cái cảm thấy sợ khi gần gũi, mà đã sợ rồi thì làm sao còn có cơ hội báo hiếu.

Phận sinh ra làm con, vốn từ tiếng khóc chào đời đã đánh dấu sự mang ơn của mỗi con người với cha mẹ mình, nên nếu nhẫn nhịn một chút để cha mẹ vui lòng thì đây là điều mà tất cả mọi người cùng nên làm.

Và nếu gặp phải hoàn cảnh bất như ý từ cha mẹ, quý vị sẽ nghĩ đến nỗi lòng cha mẹ khi con cái đau yếu, bệnh hoạn mà thực chất thì đây chỉ là một trong vô vàn khó khăn cha mẹ phải trải qua để nuôi con thành người, thế nên nếu làm được một điều gì để cha mẹ yên lòng, mọi người cố gắng làm, đừng để sân hận dẫn mình đi vào con đường lầm lạc, sai trái mà trở thành đứa con bất hiếu".

Ngược đãi cha mẹ sẽ bị xã hội lên án. Con cái hư hỏng ngoài dùng bạo lực gây nên thương tích trên cơ thể của đấng sinh thành, nhưng vết thương về tâm hồn là không thể xoá được, đó thật sự là tận cùng của nỗi đau, và sự bất hạnh đầy tuyệt vọng của những bậc cha mẹ có con bất hiếu.

Đẩy cha mẹ ra lề đường, cự tuyệt tình mẫu tử, phụ tử, thậm chí là gây ra án mạng cần phải bị nghiêm trị. Những đứa con lầm lạc khi nằm trong cánh cửa song sắt của nhà tù có khi nào ân hận, hoặc sống trong căn nhà chăn êm nệm ấm có khi nào bất giác thức dậy thảng thốt: "Bố mẹ đâu?".

Mỹ Trân
.
.