Băng trộm chuông chùa sa lưới
Được cầm đầu bởi một đối tượng có lệnh truy nã, với biệt hiệu "Con cáo chín ngón", băng trộm này đã liên tục gây án trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tài sản bọn chúng nhắm đến là các chuông chùa làm bằng đồng để sau đó đem nung chảy lấy đồng... bán phế liệu.
Trộm dòm chốn tôn nghiêm
Ngay từ năm 2006, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã liên tục xảy ra các vụ mất trộm chuông đồng ở các ngôi chùa. Thủ đoạn của bọn trộm là cứ thấy ngôi chùa nào có chuông bằng đồng, là cho người mật phục trong hoặc ngoài chùa cả ngày lẫn đêm và chọn thời cơ “bứng” chuông ra khỏi chùa mang đến một nơi trống trải nấu lấy đồng đem đi bán phế liệu.
Mặc dù giá trị vật chất bị mất cắp không lớn, nhưng xét về khía cạnh tâm linh, các vụ mất trộm chuông chùa tại Bến Tre gây nên tâm lý hoang mang cho các sư trụ trì.
Nhận định cần phải bắt trọn ổ băng trộm cắp quái đản này, Lực lượng Công an tỉnh Bến Tre nhanh chóng mở cuộc điều tra. Đến ngày 12/10/2006, toàn bộ băng trộm chuông chùa đã bị tạm giữ. Tuy nhiên, tên cầm đầu là Phạm Hùng Chiến (SN 1963, ngụ ấp 1, xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, Bến Tre) đã nhanh chân tẩu thoát, Lực lượng Công an Bến Tre ra quyết định truy nã đối tượng này.
Phạm Hùng Chiến (với hỗn danh “Con cáo chín ngón”) nhanh chóng dạt sang các tỉnh khác, tụ tập và huấn luyện thêm nhiều đàn em mới, hình thành nên băng trộm chuông chùa liên tỉnh chuyên nghiệp có quy mô nhất từ trước đến nay trên địa bàn ĐBSCL.
Sáng ngày 11/10/2007, sư trụ trì chùa Phước An (thuộc ấp 8, xã An Trường, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) phát hiện chuông của chùa làm bằng đồng, nặng trên 50kg cùng nhiều vật dụng khác như lư, chân đèn... đã không cánh mà bay. Ngay lập tức, sư trụ trì đã đến Công an xã trình báo vụ việc.
Tiến hành điều tra, Lực lượng Công an địa phương bước đầu đưa ra nhận định vụ trộm chuông này được gây nên bởi một đường dây trộm chuông chùa chuyên nghiệp.
Vì chuông khá nặng, thường được treo cách mặt đất bằng dây cáp loại lớn, để có thể trộm được chuông một cách êm thấm, không gây ra tiếng động, băng trộm phải gồm nhiều tên và đã được “thực tập” thành thục các động tác khi tiến hành "ăn hàng".
Cũng cần phải nói thêm, chùa Phước An nằm sát bờ sông, nên phương tiện giao thông thuận tiện nhất để đến chùa là bằng thuyền hoặc ghe. Trước khi xảy ra vụ mất đại hồng chung này, sư trụ trì phát hiện có một chiếc ghe đậu tại khu vực bến sông gần chùa, trên ghe là nhiều đối tượng lạ mặt không phải người trong xã. Khả năng những người lạ mặt này chính là bọn trộm.
Các vật dụng được băng trộm đại hồng chung sử dụng |
Vụ trộm chuông ở chùa Phước An chỉ là một trong số nhiều vụ trộm chuông đã xảy ra từ nhiều tháng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Trước đó, các nơi thờ tự tại các huyện Tiểu Cần, Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú... nhiều đại hồng chung đã “bốc hơi” ra khỏi nhà chùa.
Điều đáng phải lưu tâm, tình trạng mất cắp đại hồng chung đã được Công an các tỉnh như Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng... thông báo và chỉ đạo công an các địa phương tăng cường biện pháp nghiệp vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống loại tội phạm này, nhưng số vụ trộm cắp chuông vẫn xảy ra. Đặc biệt, tình hình trộm cắp đại hồng chung ở tỉnh Trà Vinh ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp.
Trở lại vụ mất trộm chuông ở chùa Phước An, Lực lượng Công an địa phương đã báo cáo xin chỉ đạo của cấp trên, và Lực lượng Công an tỉnh Trà Vinh đã vào cuộc.
Lấy vụ mất chuông ở chùa Phước An làm trọng điểm, Công an tỉnh đã tiến hành rà soát 65 cơ sở thờ tự có chuông và nhiều vật dụng thờ cúng làm bằng đồng thau đóng trên địa bàn của 5 huyện thuộc tỉnh Trà Vinh. Trong 65 cơ sở thờ tự này, Lực lượng Công an tỉnh đã bố trí chiến sĩ mật phục 24/24 giờ tại 15 cơ sở được cho là nhiều khả năng băng trộm sẽ “ăn hàng” ở đây.
Đúng như dự đoán của các chiến sĩ công an, chỉ 2 ngày sau vụ “ăn hàng” ở chùa Phước An, thì đêm 13/11/2007, lực lượng mật phục đang ém quân tại khu vực chùa Long Sơn (thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh) đã phát hiện nhiều bóng người lợi dụng đêm tối tiến sát vào khu vực chùa.
Tuy nhiên, bằng sự ranh mãnh, tên cầm đầu lập tức đánh hơi thấy có mật phục đã quay người tháo chạy. Mặc dù chưa hốt trọn băng trộm trong đêm này, nhưng khi tháo chạy, bọn chúng đã để lộ chứng cứ quan trọng. Đó là một dấu chân in trên nền đất chỉ có bốn ngón chân, khuyết mất ngón út.
Đối chiếu với hồ sơ của Công an tỉnh Bến Tre, từ bàn chân khuyết ngón út này của một đối tượng, Lực lượng Công an đã xác định được tên cầm đầu chính là kẻ có lệnh truy nã: tên Phạm Hùng Chiến.
Sau khi xác định được tên cầm đầu băng trộm, biết rằng không thể nóng vội “đánh rắn động cỏ”, Lực lượng Công an bắt đầu phân tích kỹ thủ đoạn “ăn hàng” của băng trộm đại hồng chung này.
Các ngôi chùa mất chuông có một điểm chung là đều có vị trí nằm cạnh bờ sông. Đặc biệt để cứu nhân độ thế, ở các điểm thờ tự này thường có các tổ chức thuốc nam nhân đạo chuyên bốc thuốc miễn phí giúp người nghèo, nên băng trộm này dễ dàng cử người đến “tham quan” địa hình chùa trước khi hành động.
Có lúc chúng giả làm bệnh nhân nghèo mắc bệnh trầm kha, cần sự giúp đỡ của chùa. Có khi, chúng lại hóa trang ăn vận sang trọng đóng vai "Mạnh Thường Quân" đến chùa xin ủng hộ tiền bạc. Sau khi quan sát địa thế của chùa, đêm đến, chúng bắt đầu ra tay. Để “ăn hàng”, bọn chúng chuẩn bị rất kỹ từ đồ nghề gây án cho đến phương tiện vận chuyển chuông. Đồ nghề của bọn trộm đủ loại từ bả thuốc chó, cho đến kìm cộng lực, máy cắt sắt loại xách tay. Sau khi trộm được chuông, chúng đưa ra bến sông chuyển lên ghe, vận chuyển đến nơi cất hàng. Điều đặc biệt hơn, trong băng nhóm này, chắc chắn có các tên rất rành về lộ trình đường thủy ở địa phương nơi bọn chúng “ăn hàng”.
Cuộc truy lùng "con cáo chín ngón"
Nắm được quy luật của bọn trộm chuông, một chuyên án có quy mô lớn huy động nhiều chiến sĩ công an tham gia đã được Công an tỉnh Trà Vinh đề ra. Chỉ riêng các hướng mật phục ở những cơ sở thờ tự có khả năng bọn trộm sẽ gây án, Công an tỉnh đã tổ chức đến 164 cuộc với 1.278 lượt chiến sĩ tham gia.
Sau khi có lệnh truy nã của Công an tỉnh Bến Tre từ cuối năm 2006, "Con cáo chín ngón" Phạm Hùng Chiến đã lặn không sủi tăm. Dấu vết duy nhất mà y để lại chính là dấu chân khuyết ngón út khi tẩu thoát khỏi ngôi chùa Long Sơn. Có lần, trinh sát mừng như bắt được vàng khi nhận được tin báo tên Chiến xuất hiện tại nhà em gái của y ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu và một người em khác ngụ ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Các trinh sát lập tức đến Bạc Liêu và Cà Mau để “săn cáo”. Tuy nhiên, với sự ranh ma y đã kịp tẩu thoát trước khi trinh sát đến nơi.
Kế hoạch đón lõng tên Chiến đang được tiến hành, thì Ban chuyên án lại nhận được nguồn tin tên Phạm Thanh Toàn, một đàn em của Chiến đã bị Công an tỉnh Bến Tre bắt giữ vừa chấp hành xong án tù đang tìm cách móc nối với Chiến để xin làm đệ tử. Trinh sát theo dõi Toàn, cho biết, Toàn thường xuyên xuất hiện tại nhà ông Phạm Văn Bàng (ấp Gò Tranh, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long).
Từ nguồn tin quý giá này, Công an tỉnh Trà Vinh đã phối kết hợp với công an địa phương tiến hành xác minh. Ông Bàng cho biết, dưới bến sông khu vực nhà ông thường xuyên có 2 chiếc ghe neo đậu, không biết là của ai. Họ tìm cách tiếp cận hai chiếc ghe lạ này, đến khi xác minh có tên Chiến đang ẩn nấp trong ghe, gọng kìm của Ban chuyên án từ từ khép lại.
Lần này, “Con cáo chín ngón” đã không thể trốn thoát. Ngoài Phạm Hùng Chiến, Lực lượng Công an đã tóm được toàn bộ đàn em của hắn, bao gồm: Phạm Chí Hiếu (con trai Chiến), Đặng Văn Vũ (tự Vũ trắng, ngụ ấp Mỹ Thới 1, huyện Bình Minh, Vĩnh Long), Dương Văn Vũ (tự Vũ đen, ngụ ấp Vĩnh Lạc, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), Phạm Thị Út Hết (SN 1984, ngụ ấp 19, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu).
Sau khi bị bắt, tên Chiến đã khai nhận từ năm 2006, hắn đã tổ chức và lôi kéo nhiều đàn em hình thành băng trộm chuyên nghiệp, nhắm vào các ngôi chùa để trộm đại hồng chung và các vật dụng bằng đồng khác. Bọn chúng đã gây ra hơn 20 vụ trộm đại hồng chung ở Bến Tre trước khi bị bắt.
Sau khi bị truy nã, Chiến thành lập băng nhóm mới. Chiến và đàn em xuôi ghe về các tỉnh phía nam sông Hậu gây ra 4 vụ trộm ở Hậu Giang, 13 vụ trộm ở Sóc Trăng. Tiếp đó, bọn chúng kéo về Trà Vinh trộm thêm 9 chuông đồng khác. Lì lợm hơn, Chiến còn kéo đàn em về Bến Tre (nơi y đang trốn lệnh truy nã) để cuỗm thêm chuông nữa