Bạo hành trẻ em là tội ác

Thứ Hai, 24/02/2020, 18:47
Bạo hành trẻ em vẫn là vấn nạn khó phòng, khó tránh. Một điều dễ nhận thấy rằng các đối tượng gây ra các vụ bạo hành đều là có mối quan hệ vợ chồng, tình nhân phức tạp, nghiện ma túy, tuổi đời còn trẻ, sống buông thả và thiếu trách nhiệm với chính đứa con mình sinh ra.

Việc bạo hành trẻ em ngoài việc trả đũa cá nhân còn có cả mục đích thỏa mãn sự bực tức riêng của mình.

Nhìn cháu trai 4 tháng tuổi (Châu Minh K., ngụ quận 9) đau đớn, quằn quại, 2 chân phải treo lên để cố định vết thương bị gãy, nhiều người trong Bệnh viện Nhi Đồng 2 vừa xót thương vừa căm phẫn hành vi độc ác của cha ruột cháu. Giám định pháp y, cháu K. bị thương tật 37%.

Công an quận 9 sau một thời gian điều tra cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam 4 tháng đối với Châu Minh Tiến (sinh năm 1996, cha ruột bé K.) để xử lý về hành vi "cố ý gây thương tích cho người dưới 16 tuổi". Điều đáng buồn là trong những ngày cháu K. nhập viện, nhiều người ít thấy sự có mặt của người mẹ trẻ vô tâm. Cháu K. nằm bệnh viện chỉ được một mình bà ngoại chăm sóc. Lâu lâu mới thấy mẹ cháu K. vào giường bệnh rồi lại bỏ đi.

Bé K. 4 tháng tuổi bị cha ruột bạo hành được chữa trị tại bệnh viện.

Theo hồ sơ điều tra, Tiến nghiện ma túy, từng được đưa đi cai nghiện bắt buộc và đang được quản lý tại địa phương. Năm 20 tuổi Tiến sống như vợ chồng với  Nguyễn Hồng Tím (sinh năm 2000, quê Cà Mau), lúc này Tím mới 16 tuổi. Họ có với nhau 2 mặt con. Cả hai cùng nghiện nên đứa con đầu Tiến gửi về cho mẹ vợ nuôi, đứa con thứ hai là cháu K., 4 tháng tuổi ở cùng vợ chồng Tiến. Dù là cha mẹ, nhưng việc chăm sóc con, cả hai lại giao phó hoàn toàn cho người giữ trẻ.

Chuyện trẻ em bị bạo hành luôn là đề tài gây bức xúc trong dư luận. Việc thiếu quan tâm, chăm sóc trẻ để trẻ bị bạo hành đã làm người dân căm phẫn. Những vụ án gần đây, những nạn nhân là trẻ em bị bạo hành bởi chính cha mẹ mình lại khiến người dân bức xúc hơn. Thường thì chỉ vì những mâu thuẫn của người lớn mà nhiều đứa trẻ vô tình trở thành nạn nhân của chính cha mẹ mình.

Đoạn clip được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội với hình ảnh người mẹ cột dây vào cổ đứa con trai nhỏ rồi nhấc bổng lên kèm theo lời mắng nhiếc khiến người xem nổi gai ốc. Không dừng lại, mặc cháu nhỏ la hét, người phụ nữ trên chẳng thay đổi sắc mặt, dùng tay đánh liên tiếp vào người cháu trai khiến ai xem qua đoạn clip này cũng bức xúc.

Chúng tôi đã thăm, gặp nhiều đứa trẻ bị bạo hành. Những cháu bé còn quá ít tuổi, gương mặt ngây thơ lúc nào cũng mang vẻ sợ sệt. Người xung quanh lớn tiếng hay bất ngờ có tiếng động mạnh, các cháu đều giật mình co rúm người. Nhiều cháu gầy còm, yếu ớt, mình mẩy chi chít các vết thương, bằng chứng không thể xóa từ các vụ bạo hành do cha mẹ chúng gây ra. 

Rất khó ngăn ngừa, phòng chống vấn nạn có thể trở thành tội ác này, khi mà các đối tượng làm cha mẹ trong các vụ đều là thuộc thành phần nghiện ngập, bất hảo.

Những đứa bé dường như được sinh ra ngoài sự mong muốn nên chúng dễ trở thành nơi trút giận, giải tỏa bức xúc của cha mẹ ngay từ khi các cháu còn nhỏ  xíu.

Một vụ trọng án kinh hoàng cũng xảy ra bắt đầu từ nguyên nhân không tưởng như thế. Vy Thanh Thiện (sinh năm 1986, quê Bình Thuận, tạm trú Đồng Nai) từng có tình cảm với chị H.T.N. (quê Cẩm Mỹ, Đồng Nai), tuy nhiên 2 người đã chia tay.

Gần đây Thiện bỗng tìm đến chị N. mong nối lại tình xưa. Quay lại với Thiện một thời gian, giữa hai người lại tiếp tục xảy ra mâu thuẫn. Chị N. không chịu được, chủ động chia tay Thiện. Nuôi ý định trả thù, chiều 12/2/2020, Thiện điều khiển xe máy đến nhà chị N. chở cháu T.T.K. (10 tuổi, là con của chị N.) đi đến trại chăn nuôi bỏ hoang ở ấp 2, xã Lâm San, rồi ra tay sát hại cháu K..

Sau khi gây án, Thiện chạy xe máy về Bình Thuận rồi châm lửa đốt xe máy và tự tử. Hung thủ đã tử vong, hồ sơ vụ án đã khép lại, nhưng đối với chị N., nỗi đau này sẽ còn kéo dài mãi, bởi chính mối quan hệ tình cảm của mình mà đứa con trai 10 tuổi phải chết dưới tay của người tình.

Vấn nạn bạo hành trẻ em vẫn gây nhức nhối lương tri, đặt ra hàng loạt câu hỏi lớn về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và xã hội. Những đứa trẻ đáng lẽ được chăm bẵm, được hưởng một cuộc sống tốt đẹp, được sự quan tâm của cha mẹ thì nay phải sống trong sợ hãi, sống trong đòn roi và sự hành hạ tinh thần của cha mẹ.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho biết, những trường hợp trẻ em bị bạo hành trong ngay chính ngôi nhà của mình, nơi tưởng chừng như an toàn nhất, đối tượng bạo hành cũng chính là cha mẹ của mình, những người tưởng rằng yêu thương bảo bọc mình nhất. Bị bạo hành ngay trong chính căn nhà của mình trong thời gian dài gây ảnh hưởng đến thể xác lẫn tinh thần những đứa trẻ.

Hầu như trẻ bị bạo hành đều không được phát hiện sớm, không ai đứng ra tố cáo. Khi đối diện với cơ quan pháp luật, các đối tượng bạo hành trẻ em thường viện ra nhiều lý do để biện minh cho hành vi, tự cho mình cái quyền trút sự tức giận của mình lên trẻ nhỏ.

Việc xử lý cũng rất khó đầy đủ. Cách ly trẻ với cha mẹ, thủ phạm bạo hành cũng không đơn giản, bởi vướng rất nhiều ràng buộc, trong đó quan trọng nhất vẫn là ràng buộc máu mủ thiêng liêng. Đạo lý và công lý, đôi khi vẫn khó đồng hành trọn vẹn.

Thống kê cho thấy hơn 90% các vụ bạo hành trẻ em đều xuất phát từ người thân quen. Để hạn chế các đối tượng bạo hành trẻ em cần phải có bản án nghiêm khắc.

Ngoài ra để phòng ngừa các vụ bạo hành, chính quyền địa phương cần quản lý địa bàn chặt chẽ, nắm bắt những gia đình có biểu hiện hành hạ trẻ nhỏ để có biện pháp ngăn ngừa, tránh trẻ phải sống trong môi trường bị hành hạ về thể xác và tinh thần.

Mạnh Đức - Bùi Hào
.
.