Bi kịch gia đình từ nguyên nhân xã hội

Thứ Tư, 14/10/2020, 08:44
Liên tiếp những vụ án đau lòng liên quan đến bạo lực, mâu thuẫn gia đình xảy ra trong thời gian gần đây đã gióng hồi chuông cảnh báo về văn hóa ứng xử trong đời sống gia đình hiện nay. Sự lệch lạc trong nhận thức, lối sống và quan điểm sống sai lầm; đạo đức xuống cấp dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng là nguồn cơn của mọi sự việc.


Báo động bạo lực gia đình

Ngày 5/10, trao đổi với phóng viên, Trung tá Nguyễn Phi Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Lê Minh Hải (sinh năm 1983), trú tại phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh để điều tra về hành vi "Giết người". Trước đó, Hải chính là đối tượng đã gây ra vụ truy sát kinh hoàng tại nhà bố mẹ vợ cũ làm 3 người thương vong khiến dư luận bàng hoàng.

Cụ thể, trưa 28/9, do mâu thuẫn trong việc phân chia tiền bạc đền bù đất dự án, Hải đã dùng dao chém liên tiếp vào mẹ vợ là bà Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1960), trú tại phường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh). Khi hai người chị gái của vợ là Bùi Thị Nhung (sinh năm 1973) và Bùi Thị Huỳnh (sinh năm 1979) chạy đến can ngăn, đối tượng này đã quay ra truy sát, sau đó lên xe máy bỏ trốn khỏi hiện trường.

Đối tượng Lê Minh Hải bị bắt sau khi truy sát khiến mẹ vợ và vợ tử vong.

Hậu quả của trận "mưa dao" khiến bà Vân tử vong tại chỗ, hai nạn nhân còn lại được nhanh chóng đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, chị Bùi Thị Huỳnh cũng đã không qua khỏi. Công an tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng vào cuộc và chỉ sau 5 giờ, đối tượng Lê Minh Hải đã bị bắt khi đang lẩn trốn tại quê nhà ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Bước đầu, nguyên nhân được xác định là do mâu thuẫn trong việc tình cảm, dẫn đến mâu thuẫn trong phân chia tài sản khiến đối tượng bị ức chế, ra tay cuồng sát.

Cụ thể, vào năm 2007, đối tượng Lê Minh Hải từ Nghệ An vào Hà Tĩnh làm rể, được bố mẹ vợ cho mảnh đất để xây dựng nhà cửa. Do cuộc sống vợ chồng gần đây không thuận hòa nên Hải và vợ đã ly thân, chờ ngày ra tòa. Tuy nhiên, đối tượng này lại níu kéo, muốn hòa hợp nhưng gia đình bên nhà vợ không đồng ý.

Nhiều lần níu giữ không thành, Lê Minh Hải đã có nhiều hành động, dùng vũ lực để đe dọa, tạo áp lực. Đỉnh điểm là khi chính quyền địa phương có chủ trương mở rộng con đường đi qua mảnh đất mà Hải được bố mẹ vợ cho, bị thu hồi nên đền bù một khoản tiền lớn, đối tượng này không đồng ý khi gia đình bên vợ chỉ chia cho một khoản tiền nhỏ. Trưa 28/9, sau một lúc cãi vã với mẹ vợ, Hải đã vung dao truy sát khiến 3 mẹ con thương vong.

Vụ việc xót xa nhất liên quan đến mâu thuẫn gia đình xảy ra gần đây là vụ đối tượng Phan Công Cương (sinh năm 1976), trú tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), do muốn níu kéo tình cảm nhưng bất thành, dẫn đến ghen tuông với vợ cũ là chị Nguyễn Thị V.A (sinh năm 1979), trú tại phường Quán Bàu, TP Vinh.

Sáng 27/7/2020, Cương điều khiển xe gắn máy theo dõi hành trình của chị V.A. Khi thấy chị này đi vào con hẻm vắng phía sau chợ Cửa Bắc (TP Vinh), Cương đã chặn đường, dùng dao đâm liên tiếp nhiều nhát khiến chị tử vong. Gây án xong, đối tượng tẩu thoát khỏi hiện trường. Ba ngày sau đó, Phan Công Cương đã tự sát, thi thể được phát hiện tại căn nhà hoang thuộc khu vực Bãi Lữ, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, cách hiện trường vụ án khoảng 20km.

Cần sự chung tay của xã hội

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An, trong 9 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ án mà người gây án, nạn nhân đều trong một gia đình. Trong đó, có không ít vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn trong hôn nhân, quan hệ tình cảm.

Nỗi ân hận của người chồng sát hại vợ.

Theo Trung tá Nguyễn Phi Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh, hằng năm đều xảy ra các vụ việc tương tự. Thậm chí, có những vụ việc vô cùng đau xót như trường hợp chị Lê Thị H. (sinh năm 1989), trú tại xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh, do mâu thuẫn chuyện tiền bạc với gia đình bên chồng, trong khi chồng đang đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Bế tắc, tuyệt vọng vì không lối thoát, khuya ngày 29-7-2020, chị H. đã mua xăng về nhà, tự thiêu khiến chị cùng 3 con nhỏ, đứa lớn 6 tuổi và đứa bé nhất 3 tuổi, tử vong trong chính căn nhà của mình.

Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Hoàng Nghĩa Phượng, điều tra viên cao cấp, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, hằng năm, vẫn xảy ra những vụ trọng án đau lòng liên quan đến mâu thuẫn tích tụ trong gia đình.

Hậu quả của những vụ việc này thường rất lớn, không chỉ tước đoạt đi mạng sống của người thân, mà còn khiến cho con mất cha, vợ mất chồng, kẻ vướng vào lao lý. Đánh giá căn nguyên của sự việc, theo Thượng tá Phượng, do sự lệch lạc về nhận thức, lối sống và quan điểm sống sai lầm; hoặc do tranh chấp, mâu thuẫn về quyền lợi, cụ thể ở đây là tiền bạc, sự phân chia tài sản không hợp lý cũng dẫn đến sự thiếu kiềm chế trong hành động. Hậu quả của những vụ việc mâu thuẫn gia đình thường rất lớn, là do những xung đột bị tích tụ, dồn nén lâu ngày, khi có điều kiện sẽ dẫn đến những hành vi nguy hiểm.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Nghệ An thì cho rằng, trước đây các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình thường xảy ra ở các huyện miền núi, nơi có nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống do nhận thức pháp luật thấp. Tuy nhiên, gần đây nhiều vụ việc xảy ra ngay cả với những gia đình có nhận thức, thậm chí là cán bộ công nhân viên chức, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về văn hóa ứng xử trong đời sống gia đình hiện nay.

Theo ông Thanh, để hạn chế tình trạng này, cần có sự đột phá trong công tác tuyên truyền, và cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, nhất là các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương sở tại. Từ trước đến nay, nhiệm vụ này đang được mặc định là của ngành công an và các cơ quan thực thi pháp luật. Tuy nhiên, đó chỉ là phần ngọn, quan trọng là giải quyết cái gốc, tức là hóa giải những mâu thuẫn thì chưa làm được. Gia đình, vợ chồng, anh em nội tộc xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn chính quyền và đoàn thể đang đứng ngoài cuộc, mặc nhiên coi đó là chuyện riêng của mỗi nhà, đến khi sự việc nghiêm trọng xảy ra thì lực lượng công an phải giải quyết. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến bi kịch gia đình đâu đó vẫn thường xuyên xảy ra.

Thời gian vừa qua, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Nghệ An đã tăng cường tuyên truyền các quy định của Bộ luật Hình sự, pháp luật về trợ giúp pháp lý đến với người dân tại các địa bàn.

Tuy nhiên, để giảm thiểu tối đa những vụ việc đau lòng xuất phát từ mâu thuẫn gia đình, điều quan trọng nhất vẫn là sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội, trong đó đề cao vai trò của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể. Chính những tổ chức này là nơi sâu sát với các gia đình, nhất là khi có sự việc xảy ra, để từ đó có phương pháp hòa giải, hoặc kịp thời báo cáo lên các cấp chính quyền để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Thượng tá Cao Ánh Hồng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết thêm: Sự thiếu hiểu biết pháp luật là một trong những nguyên nhân khiến tình hình tội phạm giết người gia tăng, đặc biệt là những vụ án mạng liên quan đến mâu thuẫn giữa những người thân, nội tộc trong gia đình. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận sự xuống cấp về đạo đức là nguyên nhân chính đẩy sự việc trở nên nghiêm trọng. Mâu thuẫn trong gia đình không phải không có cách giải quyết nếu như những thành viên trong gia đình ngồi lại cùng tìm cách xử lý một cách khéo léo, nhân văn.

Một người mẹ khóc ngất tại tòa khi hai đứa con ruột sát hại nhau.

Theo Thượng tá Hồng, để ngăn chặn những vụ án giết người nguyên nhân từ những mâu thuẫn trong gia đình, lực lượng cơ sở phải chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, các hành vi bạo lực xảy ra trong các gia đình. Đây là biện pháp cần được ưu tiên và có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội. Các tổ chức đoàn thể xã hội, mô hình hòa giải ở cơ sở phải phát huy được vai trò trong việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết những mâu thuẫn một cách kịp thời.

Dưới góc độ tâm lý học, TS. Dương Thị Thanh Thanh, Tổ trưởng Bộ môn Khoa giáo dục Trường Đại học Vinh nhận định, để xảy ra các vụ án mạng liên quan đến gia đình, mỗi người đều có phần lỗi của mình do "cái tôi" quá lớn. Do vậy, mỗi thành viên cần kiềm chế "cái tôi", cùng nhau tìm tiếng nói chung, cùng tạo dựng hạnh phúc để không chỉ bản thân mà con cái và những người thân xung quanh đều được hạnh phúc.

Sự việc mâu thuẫn xảy ra, do không được giải quyết, không tìm được tiếng nói chung lâu ngày tích tụ, sinh ra ấm ức, thù hận dẫn đến tìm mọi cách để trả thù. Giải pháp tiêu cực cuối cùng là tước đoạt mạng sống, thậm chí là truy sát nhiều người sau đó tìm cách tự giải thoát cho bản thân mình.

Thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua, tại một số địa phương trong cả nước, tình trạng truy sát, giết hại người thân trong gia đình đã xảy ra, tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, đã gióng hồi chuông cảnh báo về văn hóa ứng xử trong đời sống gia đình hiện nay.

Thiện Thành
.
.