Bộ mặt thật của siêu lừa “chạy án”

Thứ Ba, 08/03/2016, 21:30
Từ trước đến nay, đã có rất nhiều kẻ lừa đảo “chạy án” sa lưới pháp luật. Dựa vào tâm lý lo lắng, nôn nóng của thân nhân của các bị can, bị cáo muốn dùng tiền chạy chọt để mong người thân của mình được nhẹ tội, hoặc được tại ngoại trong thời gian bị tạm giam, những kẻ lừa đảo đã bày trò “chạy án” nhằm chiếm đoạt tiền của họ.

Để người bị hại tin tưởng, kẻ lừa đảo thường vẽ ra một loạt quan hệ mật thiết với những người có vị trí trong các cơ quan thực thi pháp luật. Một khi đã tin rồi thì siêu lừa phán gì, bị hại cũng nghe. Tô Văn Tập (SN 1972), ở cụm 1 thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội là một trong những siêu lừa “chạy án” tinh vi như vậy.

Vai diễn “con nuôi của ông bố quyền lực” 

Vụ lừa “chạy án” khá ly kỳ do Tô Văn Tập một mình “đạo diễn” và thủ vai chính bắt nguồn từ vụ án Phạm Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (công ty IDT), ông chủ dự án “Học làm giàu” và “Mắc ca tỷ đô”  từng gây ồn ào trong dư luận một thời gian, phạm tội “Kinh doanh trái phép” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Khởi điểm là từ ngày 19-10-2015, Phạm Thanh Hải bị  Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội bắt giữ vì liên quan đến việc huy động vốn trái phép. Đương nhiên, khi Hải bị bắt thì những người thân thiết với anh ta không tránh khỏi tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, chạy đôn chạy đáo tìm cách “cứu” người thân.

Trong số những người có ý định muốn giúp anh Hải có chị Mai Ngọc Diễm, ở phường Kim Liên, quận Đống Đa, trước đây là nhân viên công ty IDT. Thời gian còn làm việc tại công ty IDT, thông qua quan hệ xã hội, chị Diễm được giới thiệu gặp Tô Văn Tập để nhờ giúp đỡ việc liên quan đến thủ tục vận chuyển hàng hóa. Tập giới thiệu là con nuôi một đồng chí lãnh đạo cao cấp nên anh ta có quan hệ thân thiết với nhiều cán bộ cao cấp khác đang giữ các chức vụ quan trọng.

Vì vậy khi biết tin anh Hải bị bắt, chị Diễm nghĩ đến Tập bèn điện thoại hỏi xem trường hợp này, Tập có thể “can thiệp” giúp đỡ được không? Tô Văn Tập nói việc “chạy án” cho anh Hải là việc trong tầm tay của anh ta và cho  địa chỉ nhà riêng tại nhà 4D khu đô thị Trung Hòa, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội để chị Diễm đến gặp, bàn việc cụ thể. Tưởng Tập có quan hệ thật nên chị Diễm nói chuyện với chị Phạm Minh Ngọc, em gái của anh Phạm Thanh Hải.

Siêu lừa Tô Văn Tập bị bắt quả tang trong vụ nhận tiền “chạy án”.

Tối 22-10-2015, chị Diễm đưa chị Ngọc đến nhà riêng của Tập. Tại đây, Tập tiếp tục giới thiệu mình là con nuôi đồng chí cán bộ lãnh đạo cao cấp một bộ. Miệng anh ta xoen xoét khoe về “ông bố nuôi” quyền lực, rằng việc gì “bố” cũng giải quyết được hết.

Đối với việc của anh Hải, “bố” chỉ cần gọi một cú điện thoại chỉ đạo là anh Hải sẽ được tại ngoại. Nghe Tập “chém gió” như vậy, chị Ngọc mừng lắm, đặt vấn đề nhờ Tập giúp đỡ cho anh trai. Tập vờ hỏi chuyện về gia cảnh của anh Hải để “moi thông tin”. Khi biết chị Ngọc sinh năm 1982, Tập nhăn mặt chê non tuổi quá, chỉ là “sửu nhi” nên không thể gặp “bố” anh ta được và yêu cầu chị Ngọc phải đưa người nhà đến gặp Tập thì anh ta mới “nói chuyện”.

Trưa 23-10, theo yêu cầu của Tập, chị Diễm đưa chị Lê Thị Hải Yến, vợ của Phạm Thanh Hải đến nhà Tập. Siêu lừa lại diễn lại bài giới thiệu về thân thế “con nuôi của bố” như đã lòe chị Ngọc. Tập hứa sẽ đưa chị Yến đến gặp “bố” để xin cho anh Hải được tại ngoại nhưng ra điều kiện phải mua 1 chiếc điện thoại Vertu loại đắt tiền làm quà biếu để anh ta thưa chuyện với “bố”.

Chiều cùng ngày, Tập đưa chị Yến về công ty IDT để vay tiền mua điện thoại rồi đến một cửa hàng bán điện thoại “xịn” trên phố Điện Biên Phủ. Tập chỉ xem những chiếc điện thoại dòng cao cấp nhất và yêu cầu chị Yến mua chiếc Vertu dát vàng nhãn hiệu Singnature S Chocolate Rose Gold giá 30.700 USD, tương đương 682 triệu đồng. Khi chị Yến thanh toán tiền, do đã âm mưu từ trước nên Tập đề nghị viết “Biên bản bàn giao và bảo hành thiết bị”, người nhận hàng là anh Tập. Tập giải thích viết như thế cho “tế nhị” khi đưa quà biếu cho “bố”.

Xong việc, Tập bảo lái xe đưa mọi người đến gần cổng một cơ quan bộ có bảo vệ nghiêm ngặt. Tưởng là Tập đưa vào gặp “bố”  biếu điện thoại, chị Diễm định cầm điện thoại đi theo anh ta nhưng Tập ngăn lại, nói để tối mang về nhà chứ không đưa ở cơ quan. Tập không cho ai đi theo, một mình anh ta đi bộ tới chốt gác, vờ hỏi thăm vài câu rồi quay ra xe lắc đầu, nói với chị Yến và chị Diễm rằng “bố” đang đi họp nên tối nay, anh ta sẽ mang chiếc điện thoại đến nhà riêng của “bố” biếu và thưa chuyện của anh Hải.

Đến ngày 30-10-2015, Phạm Thanh Hải bị Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội khởi tố bị can, bắt tạm giam về hành vi phạm tội khác. Tập chủ động liên lạc với chị Yến nói chỉ có anh ta mới lo được cho anh Hải tại ngoại. Anh ta nói chị Yến chuẩn bị ngay 200.000 USD để lo việc. Khi nào xong xuôi, anh Hải được tại ngoại thì anh ta mới lấy “công” là 100.000 USD. Vì Tập yêu cầu đưa một số tiền quá lớn như vậy nên chị Yến đề nghị phải được gặp “bố” của anh ta. Nhiều lần, Tập hứa hẹn đưa chị Yến đi gặp “bố”, sau đó lấy các lý do “bố” bận đi công tác, “bố” bận làm việc với lãnh đạo Nhà nước... nên không gặp được. Về phía chị Yến, thấy Tập không lo được việc như anh ta “chém”, chồng lại bị tạm giam không có tin tức gì nên chị Yến không liên lạc với Tập nữa.

Thấy không “moi” được tiền của chị Yến, Tô Văn Tập quay sang lừa chị Ngọc. Tập “đánh” vào tình cảm anh em ruột của chị Ngọc với anh Hải và hứa hẹn chỉ anh ta mới giải quyết được việc của anh Hải. Thương anh trai, chị Ngọc tiếp tục nhờ Tập “giúp đỡ”. Tối 3-11-2015, Tập hẹn gặp chị Ngọc ở khu vực Mỹ Đình. Anh ta khẳng định chắc nịch rằng việc của anh Hải, chỉ có “bố” anh ta mới chỉ đạo được. Lần này, Tập tăng giá “chạy án” lên 500.000 USD và hướng dẫn chị Ngọc chuyển tiền vào tài khoản của anh ta với lý do “hợp tác kinh doanh”.

Sáng 4-11, Tập hẹn chị Ngọc đến khách sạn Hilton trên phố Lê Thánh Tông gặp anh ta và yêu cầu chị  mang theo 200 triệu đồng làm “quà biếu” để gặp lãnh đạo Công an TP Hà Nội làm đơn xin tại ngoại cho anh Hải.

Khi chị Ngọc đến trước cửa khách sạn Hilton, Tập vờ đi từ trong khách sạn ra nói lãnh đạo Công an Hà Nội đi vắng nên buổi chiều sẽ đưa đi gặp “bố”. Chiều cùng ngày, Tập lại đưa chị Ngọc đến cổng cơ quan bộ. Để chị Ngọc  chờ bên ngoài, Tập lại “lượn” một lúc rồi quay lại thông báo “bố” đã đi đám cưới. Đến sáng 5-11, Tập soạn thảo sẵn một tờ đơn xin bảo lãnh cho bị can đang bị giam giữ được áp dụng biện pháp tại ngoại, nội dung gửi lãnh đạo Công an TP Hà Nội rồi gọi chị Ngọc đến ký đơn. Lần này Tập cam đoan rằng “bố” anh ta đã điện thoại thì chỉ cần mang tờ đơn này đến cho lãnh đạo Công an Hà Nội là anh Hải được về nhà.

10h ngày 6-11, Tập hẹn chị Ngọc mang theo 600 triệu đồng gặp anh ta ở khu vực gần cổng cơ quan bộ. Khi gặp, Tập nói số tiền này chỉ để mua quà và phong bì, còn để lo xong việc cho anh Hải thì chị Ngọc cần chuẩn bị khoảng chục tỷ đồng. Tập đưa chị Ngọc lên xe ôtô của anh ta, giả vờ gọi điện thoại cho “bố” rồi nói “bố” bảo đã gọi cho lãnh đạo Công an Hà Nội rồi. Tập bảo lái xe chở chị Ngọc đi lòng vòng.

Qua trụ sở Công an TP Hà Nội 87 Trần Hưng Đạo, Tập lại diễn bài đi vào cổng hỏi trực ban rồi quay ra nói lãnh đạo đi vắng. Tập an ủi chị Ngọc “cứ yên tâm” để lại túi tiền 600 triệu đồng cho anh ta tự xử lý, chị Ngọc không cần đi lại nhiều cho mất công. Khi Tập dừng xe tại cổng Cung Văn hóa Lao động để chị Ngọc xuống xe đã bị tổ công tác Phòng PC46 Công an Hà Nội bắt quả tang cùng tang vật.

Tiến hành khám xét khẩn cấp tại chỗ ở và nơi làm việc của Tô Văn Tập, cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của siêu lừa như đơn xin tại ngoại, đơn đề nghị, đơn khiếu kiện, hồ sơ xin việc... của nhiều người ở nhiều địa phương khác nhau và 27.300 USD.

Từng lừa “chạy” dự án

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT (PC46) Công an Hà Nội làm rõ, ngoài vụ “chạy án” trên, siêu lừa Tô Văn Tập còn có “tài” chạy dự án, chiếm đoạt tiền tỷ. Mặc dù trình độ văn hóa chỉ hết lớp 7 nhưng từ những năm 2013, bằng thủ đoạn sử dụng bằng cấp giả, Tập đã trở thành nhân viên một cơ quan tạp chí và được cơ quan này duyệt danh sách đề nghị cấp thẻ nhà báo. Tại thời điểm bắt giữ Tô Văn Tập, cơ quan điều tra đã thu giữ được tấm thẻ này.

Những giấy tờ liên quan đến hành vi lừa đảo của Tô Văn Tập bị thu giữ khi khám xét.

Cuối năm 2013, thông qua quan hệ xã hội, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH 27-7 Uông Bí, Quảng Ninh được giới thiệu gặp Tô Văn Tập để nhờ “chạy dự án” khai thác bã xít phục vụ san lấp xây dựng. Tập tự giới thiệu là nhà báo đang làm việc tại một tờ báo điện tử, đồng thời là cháu một lãnh đạo cao cấp nên quan hệ thân với nhiều lãnh đạo bộ cũng như lãnh đạo cấp Nhà nước. Tập nói sẽ nhờ những người này “có ý kiến” với Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam thì Công ty 27-7 của ông Sơn sẽ được mỏ than Vàng Danh cho khai thác mỏ phế liệu bã xít.

Thấy Tập “trưng” thẻ nhà báo ra, ông Sơn tin tưởng Tập “có thế lực” thật nên ngày 22-1-2014, ông Sơn cùng 2 nhân viên công ty 27-7 đến gặp Tập tại Xuân Phương, Từ Liêm đưa 1 tỷ đồng nhờ “giúp đỡ” lo lót việc “chạy dự án”. Tập viết giấy nhận tiền, cam kết sau 45 ngày Công ty 27-2 sẽ được mỏ than Vàng Danh cho khai thác bã xít.

Đến ngày 21-2-2014, Tập đi cùng một nữ thư ký xuống Quảng Ninh gặp ông Sơn, nói đã lo được thư tay của lãnh đạo đề nghị Tập đoàn Than Khoáng sản cho công ty của ông Sơn khai thác bã xít. Tập yêu cầu ông Sơn đưa 300 triệu đồng để chuyến công tác này, Tập sẽ chi phí làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh trước khi ông Sơn triển khai thực hiện dự án.

Đưa cho Tô Văn Tập tổng số 1,3 tỷ đồng mà không thấy “dự án” khai thác bã xít được phê duyệt, ông Sơn đề nghị Tập trả lại tiền nhưng anh ta tìm lý do lần lữa không trả. Đến đầu tháng 4-2014, Tập lấy lý do đã “ngoại giao” chi phí “chạy dự án” nên ông Sơn chỉ được nhận lại 500 triệu đồng và yêu cầu ông phải viết giấy xác nhận đồng ý mới trả tiền. Để lấy lại tiền nên ông Sơn đành đồng ý viết giấy biên nhận và được Tập trả 2 lần tổng số 500 triệu đồng.

Bức xúc vì bị Tập lừa, dùng thủ đoạn để không trả số tiền 800 triệu đồng còn lại, ông Sơn mất công “truy” dấu vết của siêu lừa để đòi tiền. Ngày 16-6-2014, khi biết Tập đang ở Lào Cai, ông Sơn cử một số người ở Công ty 27-2 cùng ông Nguyễn Khanh Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thương binh da cam dioxin Long Biên, Hà Nội lên Lào Cai tìm Tập để đòi tiền.

Khi đến Yên Bái, thấy xe của Tập đang đi về hướng Hà Nội, mọi người đuổi theo chặn xe, đưa Tập về trụ sở công ty của ông Quang. Tại đây, Tập để lại 1 xe ô tô, 66 triệu đồng và viết cam kết 20 ngày sau sẽ trả đủ số tiền nợ ông Sơn. Ngày 17-6-2016, Tô Văn Tập làm đơn gửi cơ quan công an tố cáo việc bị bắt giữ trái pháp luật. Phía ông Sơn, ông Quang cũng làm đơn tố cáo Tô Văn Tập hành vi lừa đảo chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng.

Theo Cơ quan điều tra (PC46) Công an Hà Nội, đơn tố cáo việc bị bắt giữ trái pháp luật của Tô Văn Tập thuộc thẩm quyền giải quyết của PC45, nếu có đủ căn cứ sẽ xử lý trong một vụ án khác. Còn hành vi lừa đảo chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng, tại cơ quan điều tra, Tô Văn Tập đã khai nhận không có quan hệ với ai nhưng vẫn nhận tiền, hứa hẹn và cam kết sẽ giúp công ty của ông Sơn được khai thác bã xít.

Trong vụ “chạy án” chiếm đoạt chiếc điện thoại Vertu trị giá 682 triệu đồng và 600.000 triệu đồng tiền mặt của thân nhân bị can Phạm Thanh Hải, bản thân Tô Văn Tập cũng khai nhận anh ta không có quan hệ họ hàng, không quen biết cũng như không thông qua người khác để đặt vấn đề nhờ giải quyết việc cho bị can Hải. Một vài lần tình cờ, Tập đã chen chân để được chụp ảnh chung với một số đồng chí lãnh đạo và dùng những tấm ảnh này để lừa đảo có quan hệ nhằm chiếm đoạt tài sản của người bị hại.

Với tổng số tiền đã chiếm đoạt trong 2 vụ việc là 2.580.000.000 đồng, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã đề nghị truy tố siêu lừa Tô Văn Tập về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 điều 139 Bộ luật hình sự.

Hương Vũ
.
.