Bóc gỡ đường dây mang thai hộ xuyên biên giới

Thứ Tư, 17/04/2019, 13:36
Trong một thời gian ngắn, đường dây do nữ quái Phạm Thị Huế (35 tuổi, trú tại xã Song Mai, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cầm đầu cấu kết với người tự xưng là giám đốc tại một bệnh viện Trung Quốc đã đưa hơn 10 phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc cấy ghép phôi.

Sau khi 15 người đậu thai, Huế đưa những người này quay về Việt Nam, thuê nhà tại TP Hạ Long, Quảng Ninh để "nuôi" các "sản phụ" tới lúc sinh. Mỗi người mang thai hộ, sau khi giao con thành công được hưởng từ 300 triệu đến 340 triệu đồng.

Quán cà phê không hoạt động và những dấu hiệu mờ ám

Thời gian gần đây, người dân sinh sống ở tổ 2B, khu 1A, phường Hồng Hải, TP Hạ Long (Quảng Ninh) thắc mắc về sự bất thường của quán cafe Family (số 79, tổ 2B, khu 1A, phường Hồng Hải). Ngôi nhà 3 tầng không có hoạt động buôn bán cà phê như biển hiệu quảng cáo, thỉnh thoảng có người ra vào.

Tuy không có biểu hiện hoạt động bán cà phê và thường xuyên đóng cửa, nhưng trong nhà có đông phụ nữ sinh sống. Đáng chú ý, nhiều trong số đó là các cô gái người miền Nam, họ không làm việc mà chỉ quanh quẩn trong nhà, ít ra ngoài. Theo thời gian, bụng các cô ngày một to lên, giống như người đến đây ở để "dưỡng thai" hơn là có cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Phạm Thị Huế khai nhận đã đưa phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc cấy ghép phôi để mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Những bất thường này làm người dân dấy lên nghi ngờ các cô là người mang thai hộ. Thông tin này đã được báo đến Công an TP Hạ Long. Cơ quan CSĐT Công an thành phố nhận được tin báo của quần chúng tại ngôi nhà có treo biển cafe Family diễn ra một số hoạt động bất thường, có nghi vấn về việc "tổ chức mang thai hộ nhằm mục đích thương mại", ngày 13-3-2019 đã phối hợp cùng Công an phường Hồng Hải tiến hành kiểm tra nhân, hộ khẩu.

Qua kiểm tra, xác định bên trong ngôi nhà có 3 người đang tạm trú gồm: Phạm Thị Huế (35 tuổi, trú tại xã Song Giang, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang); Trần Văn Khải (21 tuổi, trú tại xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) và Phạm Thị Hồng T (30 tuổi, trú tại TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Do thời điểm kiểm tra không có chị T ở nhà nên Cơ quan Công an đã triệu tập Huế và Khải về trụ sở để làm việc.

Tới đây, một đường dây tổ chức mang thai hộ xuyên quốc gia, vượt biên giới đã hé lộ. Với thủ đoạn tinh vi, đường dây hoạt động khép kín, hình thành nên một tổ chức mang thai hộ vì tiền.

Thuê các cô gái trẻ qua facebook

Qua khai thác, bước đầu Phạm Thị Huế khai nhận, cuối năm 2017, đối tượng này làm nghề bán quần áo tại Trung Quốc, qua webchat có quen một người đàn ông họ Dương (không rõ thông tin lai lịch, địa chỉ) tự xưng là giám đốc một bệnh viện ở Trung Quốc. Huế đã thỏa thuận với giám đốc họ Dương nếu tìm người Việt Nam sang Trung Quốc mang thai hộ sẽ được số tiền từ 50 đến 60 triệu đồng/người và tiền công chăm sóc người mang thai hộ là 1.000 tệ (tương đương 3,4 triệu đồng/1 người/tháng).

Sau đó, Huế về Việt Nam, lên fecebook tìm người sang Trung Quốc mang thai hộ. Gặp Huế tại trại tạm giam, cô ta kể lại với phóng viên: "Tôi tìm thấy một nhóm đăng trên facebook cần tìm người mang thai hộ và muốn mang thai hộ. Tôi vào xem nhưng không đăng bài, cũng không tham gia. Tuy nhiên, qua facebook tôi tìm được 4 cô gái trẻ, trong đó có Ninh Thị Hải Yến ((31 tuổi, ở số 13, Nguyễn Biểu, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội-PV) có nguyện vọng mang thai hộ".

Để thuyết phục được 4 người này, Huế đã đưa ra một cái giá và điều kiện mang thai hộ. Đó là mỗi người mang thai hộ phía Trung Quốc sẽ trả 380 triệu đến 390 triệu đồng tùy lứa tuổi, tuy nhiên số tiền này các cô không được hưởng hết mà mỗi người phải trả lại cho Huế từ 50 - 60 triệu đồng.

Sau khi 4 cô gái đồng ý, Huế hẹn các cô sang Trung Quốc cấy phôi, cho họ số điện thoại của nhà xe đón từ cửa khẩu phía Trung Quốc. Cả 4 cô gái tự làm thủ tục xuất cảnh, sang tới Trung Quốc gọi điện thoại cho nhà xe tới đón đưa tới Quảng Châu.

Cơ quan Công an khám nhà trọ, thu nhiều sổ khám thai, phiếu siêu âm thai của các "thai phụ".

Huế đợi đón các cô ở Quảng Châu và phụ trách đưa các cô về chung cư mà bệnh viện thuê để cho người mang thai hộ ở. Huế làm người phiên dịch, đưa các cô đi khám, việc ăn uống của các cô là do một người giúp việc Trung Quốc đảm nhận.

Khi các cô gái đủ điều kiện mang thai hộ, Huế đưa các cô tới bệnh viện cấy ghép. Trong tài liệu mà Cơ quan điều tra thu được của Huế, có quyển sổ theo dõi tỉ mỉ ngày các cô gái sang Trung Quốc, kỳ kinh cuối, ngày cấy ghép phôi thai. Trong 4 người cấy ghép thì có 3 người thành công, riêng Yến không đủ điều kiện để mang thai nên phải từ bỏ.

Kể về quá trình sang Trung Quốc cấy ghép phôi không thành công, Ninh Thị Hải Yến cho phóng viên biết: "Sang được nửa tháng em có kinh, người giúp việc đưa em đi khám. Khám lần thứ nhất kết quả bình thường nhưng do quên uống thuốc nên bị tụt niêm mạc không ghép được. Tháng thứ 2 em chuẩn bị ghép thì đến ngày cuối cùng bị dịch nên không ghép được. Tháng thứ 3 đã đủ tiêu chuẩn để ghép nhưng bệnh viện thông báo do sơ suất khám, em bị viêm gan B nên không được ghép nữa".

Tuy thất bại, nhưng vì lòng tham, khi được Huế dụ dỗ tìm người mang thai hộ cô ta sẽ trả hoa hồng 30 triệu/người, Yến đã quay về Việt Nam thực hiện ngay. Theo lời kể của Yến thì trước khi quen Huế, cô ta lên fecebook bắt gặp một mẩu tin tìm người mang thai hộ và đã tham gia vào nhóm kín "Mang thai hộ".

Sau đó cô ta quen biết với Huế, hẹn gặp mặt trao đổi về số tiền được hưởng khi mang thai hộ và cách thức đi Trung Quốc cấy ghép phôi, nhưng chỉ dừng lại ở đó. Tháng 4-2018, Yến sang Đông Hưng, Trung Quốc làm lao động phổ thông. Sau một tuần không chịu được vất vả, Yến đã gọi điện cho Huế nói mình muốn mang thai hộ.

Tuy nhiên, do bị viêm gan B không đủ điều kiện mang thai nên Yến đã quay về Việt Nam và lên mạng xã hội tìm được 5 cô gái trẻ có đủ điều kiện đưa sang Trung Quốc cho Huế để cấy phôi. Nhưng chỉ có 1 người mang thai, 4 người còn lại thất bại nên bị đưa về Việt Nam.

Đường dây thu lời từ việc làm phi pháp

Theo lời khai của Huế, ngoài việc tìm đưa người sang Trung Quốc cấy phôi, cô ta được giám đốc họ Dương thuê chăm sóc "sản phụ" cho đến ngày sinh. Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 10-2018, Huế đưa toàn bộ số người trên sang một bệnh viện ở Quảng Châu, Trung Quốc, đồng thời đối tượng này được giám đốc họ Dương thuê phiên dịch, chăm sóc cho tổng số 17 người, trong đó có 15 người mang thai và Ninh Thị Hải Yến và Phan Anh (không rõ nhân thân, lai lịch cụ thể).

Cuối tháng 11-2018, giám đốc họ Dương yêu cầu Huế về Việt Nam tìm thuê nhà để đưa một số phụ nữ đang mang thai từ Trung Quốc về chăm sóc. Sau đó đối tượng này đã thuê nhà số nhà 79, tổ 2B, khu 1A, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, đặt tấm biển quán cafe để che mắt mọi người xung quanh. Ngày 4-12-2018 sau khi đưa số "sản phụ" trên vượt biên về Việt Nam, Huế đã sắp xếp họ ở ngôi nhà trên, hàng ngày chăm sóc cho những người đang mang thai hộ. Thời gian này có một người đã đẻ xong được Huế thuê đến nấu cơm và chăm sóc những người mang thai trên.

Tổng số tiền Huế đã thu được từ việc giới thiệu và chăm sóc 15 người mang thai hộ là 260 triệu đồng. Ninh Thị Hải Yến được số tiền môi giới người mang thai hộ do Huế trả là 30 triệu đồng. Những người mang thai hộ sau khi giao con thành công sẽ được từ 300 triệu đồng đến 340 triệu đồng.

Ngoài ra, trong quá trình ở Trung Quốc, Ninh Thị Hải Yến đã quen một phụ nữ người Việt Nam tên Thủy. Giáp Tết 2019, Yến nhận được điện thoại của Thủy nói mình quen với một bác sĩ hiếm muộn ở Trung Quốc, muốn tìm người mang thai hộ, nếu Yến tìm được dẫn sang sẽ trả tiền hoa hồng 30 triệu đồng/người. Yến lên mạng tìm các cô gái trẻ, chẳng mấy chốc đã có 5 người nhận lời.

Do đã có kinh nghiệm nên chị ta rất nhanh đã đưa 5 cô gái này sang Trung Quốc giao cho Thủy để cấy ghép phôi. Yến khai nhận vì hoàn cảnh khó khăn, chị ta đã giấu diếm chồng làm việc này. Tới ngày bị bắt, chồng Yến mới "ngã ngửa" khi biết vợ mình từng là người sang Trung Quốc với mục đích mang thai hộ và giờ trở thành đối tượng tổ chức mang thai hộ để kiếm tiền.

 Huế khai nhận hiện còn 9 người Việt Nam mang thai hộ đang ở Trung Quốc. Cơ quan CSĐT Công an TP Hạ Long đã tiến hành khám xét khẩn cấp các đối tượng liên quan, thu giữ một số giấy khám sức khỏe của các thai phụ, 1 quyển sổ ghi chép và số tiền liên quan đến việc mua bán thực phẩm chăm sóc những người mang thai.

Cơ quan CSĐT Công an TP Hạ Long đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt khẩn cấp đối với Phạm Thị Huế và Ninh Thị Hải Yến về tội  "tổ chức mang thai hộ nhằm mục đích thương mại". Hiện Công an TP Hạ Long đã chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh để tiếp tục xác minh làm rõ nội dung vụ việc.

Cần ngăn chặn việc lợi dụng thân thể phụ nữ để thu lời bất chính

Mang thai hộ vì mục đích thương mại bị nghiêm cấm, bị pháp luật xử lý, tuy nhiên nhiều người vì lợi nhuận đã tìm đủ mọi cách mang thai hộ. Đặc biệt, những đường dây tổ chức cho phụ nữ Việt Nam có nhu cầu ra nước ngoài mang thai hộ đã không ngừng xuất hiện. Ở vụ án này, đối tượng mang thai hộ đều là các cô gái trẻ ở một số tỉnh phía Bắc, miền Trung và miền Nam. Lợi dụng vào hoàn cảnh khó khăn của họ, các đối tượng tiếp cận, hứa hẹn và đặc biệt trả công cao, khiến nhiều người chấp nhận đồng ý.

Trước đó, vào tháng 12-2018, Công an TP Móng Cái (Quảng Ninh) nhận được tin tại các phòng 204, 303, 305, 307 nhà nghỉ Sa Chi (ở khu 8, phường Hải Hòa, TP Móng Cái) phát hiện 8 phụ nữ đang mang thai có nhiều biểu hiện nghi vấn.

Đơn vị tiến hành kiểm tra hành chính, phát hiện tại các phòng nghỉ nói trên có 8 phụ nữ, gồm: Trương Thị M. (SN 1999, trú tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), Nguyễn Thị Kim H. (SN 1990, trú tại huyện Long Xuyên, tỉnh An Giang), Lê Thị Triệu V. (SN 2003, trú tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), Nguyễn Thị U. (SN 1995, trú tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), Lê Thị Y. (SN 1983, trú tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), Trần Thị L. (SN 1989, trú tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), Lê Thị Ngọc M. (SN 2002, trú tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), Trần Thị H. (SN 1988, trú tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau).

Qua xác minh cho thấy, tháng 4-2018, 8 người phụ nữ này đã vượt biên trái phép từ đường biên giới Lạng Sơn sang Trung Quốc để cấy phôi và mang thai hộ. Đến 30-11-2018, nhóm phụ nữ này bị Công an Trung Quốc phát hiện, bắt giữ và trả về Việt Nam theo đường biên giới tại TP Móng Cái, sau đó họ đã thuê phòng tại địa chỉ trên để nghỉ ngơi, đợi ngày về quê. Công an TP Móng Cái sau đó đã bàn giao các "thai phụ" cho Tổ chức Rồng Xanh để hỗ trợ đưa họ về với gia đình.

Theo Trung tá Trịnh Ngọc Thanh, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp, Công an TP Hạ Long, khi thực hiện chuyên án tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, có một số vấn đề xã hội đặt ra cần phải giải quyết.

Thứ nhất, đã xuất hiện loại đối tượng sẵn sàng lợi dụng thân thể của người phụ nữ để tổ chức mang thai hộ, hành vi này của họ đã xâm hại đến các giá trị nhân văn của các cơ quan, tổ chức được cấp phép tổ chức mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Thứ hai, rất đông chị em phụ nữ độ tuổi từ 20 đến 30, có những người phụ nữ chưa chồng, chưa sinh con sẵn sàng kiếm tiền bằng việc mang thai hộ. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của chính họ mà còn đặt ra vấn đề về đạo đức xã hội bị xuống cấp khi những người phụ nữ, những người mẹ sẵn sàng trao đứa trẻ mình đẻ ra cho người khác vì tiền.    

Để ngăn chặn hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, theo Trung tá Trịnh Ngọc Thanh, các đoàn thể, chính quyền địa phương cần tiến hành tuyên truyền sâu rộng về giá trị phi đạo đức của việc tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại tới người dân. Đồng thời tuyên truyền để những phụ nữ nhận thức được mang thai hộ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của bản thân họ.

Các cơ quan chức năng cần quyết liệt đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa các đối tượng đang có ý định thực hiện hành vi này.  

Nguyễn Khánh - Trần Hằng
.
.