"Bỗng dưng" tâm thần

Thứ Tư, 14/07/2021, 10:37
Khi tai tiếng từ vụ "bệnh nhân" Nguyễn Xuân Quý biến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Thường Tín, Hà Nội) thành địa điểm "bay lắc" và mua bán ma tuý vẫn chưa lắng xuống, thì mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) - Công an TP Hà Nội tiếp tục triệt phá một băng nhóm tội phạm khác, mà kẻ cầm đầu cũng đang điều trị bệnh tâm thần tại cơ sở y tế này.

Khi bệnh án tâm thần thành bùa hộ mệnh

Sau vụ Nguyễn Xuân Quý biến phòng điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 thành điểm bay lắc và mua bán ma tuý, mới đây Phòng CSHS - Công an TP Hà Nội tiếp tục triệt xoá băng nhóm tội phạm do Nguyễn Việt Dũng (tức Dũng "ốt", 39 tuổi, trú quận Cầu Giấy) cầm đầu.

Đối tượng Nguyễn Việt Dũng (tức Dũng "ốt") cầm đầu băng nhóm tội phạm là "bệnh nhân" tâm thần.

Một chỉ huy Đội CSHS Đặc nhiệm kể rằng hành trình theo dõi ổ nhóm của Dũng được bắt đầu từ cuối năm 2020. Quá trình "nghiên cứu" về Dũng, các anh phát hiện tên này là bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Năm 2011, Dũng là bị can trong vụ án giết người xảy ra tại quận Cầu Giấy. Sau khi gây án, gã bỏ trốn rồi đột ngột trở về đầu thú cùng với một bệnh án tâm thần (BATT). Vì lý do này mà Dũng được áp dụng biện pháp đưa đi chữa bệnh bắt buộc. Trong thời gian điều trị, Dũng vẫn ra ngoài bệnh viện để tập hợp "đàn em", hình thành nên một băng nhóm hoạt động cho vay lãi nặng, tổ chức đánh bạc, cưỡng đoạt tài sản... Dũng câu kết với Ngô Quang Trung (41 tuổi, quận Cầu Giấy), đưa cho tên này 1 tỉ đồng để điều hành hoạt động cho vay nặng lãi, với lãi suất 3.000-5.000 đồng/triệu đồng/ngày. Hằng ngày, Trung đưa danh sách khách vay tiền cho đàn em, đến 18h nhóm đàn em về nộp tiền để Trung chốt sổ sách và báo cáo Dũng. Nếu người vay tiền không trả, nhóm này nhắn tin, gọi điện đe dọa, đổ chất bẩn để khủng bố.

Bên cạnh đó, Dũng chỉ đạo đàn em lấn chiếm các khu đất trống sát với các dự án xây dựng để dựng nhà tôn, nhà container phục vụ ăn ở, sinh hoạt cho cả băng nhóm, dùng diện tích đất lấn chiếm làm bãi trông giữ xe, buôn bán vật liệu xây dựng, tổ chức đánh bạc, cho vay lãi nặng... Tại những nơi này, băng nhóm của Dũng cất giấu nhiều dao kiếm, vũ khí thô sơ phục vụ việc đi đòi nợ, bảo kê... Khi tổ chức triệt phá băng nhóm do Dũng "ốt" cầm đầu vào ngày 24-5, lực lượng phá án đã thành lập 11 tổ công tác để đồng loạt triển khai bắt, khám xét, kiểm tra hành chính các bãi trông xe, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng.... Kết quả phá án đã bắt giữ Dũng cùng 6 tên trong ổ nhóm, thu giữ hàng chục dao kiếm, vũ khí thô sơ các loại, cùng hàng trăm tài liệu giấy tờ, sổ sách liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng, hoạt động bảo kê bến bãi vật liệu xây dựng, thu nhiều két sắt, bảng thống kê hơn 500 khách vay nặng lãi của ổ nhóm tội phạm này.

Nguyễn Xuân Quý - kẻ biến phòng điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 trở thành địa điểm bay lắc và mua bán ma túy.

Phía sau trang bệnh án

Theo Trung tá Nguyễn Văn Sơn - (Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội), một trong những mánh khóe của các tay anh chị trong giới giang hồ, là dù không bị bệnh vẫn lo lót tiền bạc để có thể "chui" vào một bệnh viện tâm thần nào đó nằm "an dưỡng" một thời gian, nhằm có bệnh án thật. Trong lúc nằm viện chúng vẫn điều hành hoạt động bên ngoài xã hội. Khi ra viện, với BATT trong tay, chúng càng "tự tin" vì biết có cớ để thoát tội.

Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.

Giữa năm 2018, khi điều tra một vụ án cố ý gây thương tích nhưng đối tượng chủ mưu lại có hồ sơ BATT, Công an TP Hà Nội đã từng phát hiện đường dây làm giả BATT với 78 hồ sơ được làm giả, trong đó có 41 hồ sơ của các đối tượng giang hồ cộm cán. Trong quá trình điều tra vụ án Lê Thanh Tùng can tội cố ý gây thương tích xảy ra ngày 28-10-2017 tại trước cửa quán bar Camellia Lounge số 20 Hàng Tre, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Cơ quan CSĐT - Công an quận Hoàn Kiếm thu được BATT của Tùng. Nhận thấy tài liệu có dấu hiệu giả mạo nên ngày 11-6-2018, thông tin được chuyển đến Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội để điều tra. Từ đây vụ mua bán BATT đã dần lộ diện.

Theo đó, sau khi gây án, để trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật, Lê Thanh Tùng đã thông qua trung gian kết nối với Nguyễn Tuấn Sơn (SN 1984, nguyên Kỹ thuật viên trưởng - Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I), để nhờ làm BATT giả cho mình. Sơn đồng ý và đặt vấn đề làm BATT không khám, không điều trị với Thân Thái Phong (Phó Trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi của bệnh viện này).

Phong "báo giá" 85 triệu đồng. Sau khi nhận đủ số tiền do Tùng chuyển, các nhân viên y tế này đã tiến hành các thủ tục lập hồ sơ bệnh án và in sao 1 bản cho Tùng để giao nộp cho cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng đã xử lý hình sự đối với Thân Thái Phong về tội "nhận hối lộ"; Nguyễn Tuấn Sơn về tội "môi giới hối lộ"; Lê Thanh Tùng về tội "đưa hối lộ".

Hai bị cáo Lê Thanh Tùng và Thân Thái Phong trong vụ án làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần.

Cần siết chặt quản lý

Người bình thường thì không ai mong muốn mình bị điên. Nhưng với những tên tội phạm, thì BATT được coi như một thứ "bùa hộ mệnh".

Luật sư Chu Út Quỳnh - (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) giải thích, lợi dụng chính sách khoan hồng, tính nhân đạo, nhân văn của pháp luật nước ta nhằm giảm thiểu hình phạt hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với những người không đủ khả năng nhận thức hoặc hạn chế về nhận thức, các đối tượng phạm tội đã tìm mọi cách để "chạy" những BATT giả. Một khi được xác nhận là bị tâm thần, người phạm tội hoặc không phải chịu trách nhiệm hình sự, thoát án tử hình, hoặc không phải chấp hành hình phạt tù.

Khi đó, vụ án sẽ được đình chỉ hoặc tạm đình chỉ và đối tượng sẽ bị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc. Nếu bệnh tâm thần ổn định, cơ quan điều tra có thể phục hồi điều tra. Khi đó, thời gian chữa bệnh của người phạm tội sẽ được trừ vào thời gian chấp hành án phạt tù. Nhiều trường hợp, đối tượng được Tòa tuyên bằng thời gian điều trị chữa bệnh. Việc một số nhân viên y tế vì tiền mà làm giả BATT không đơn thuần là sai phạm về chuyên môn, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, mà đây chính là hành vi tiếp tay, bao che cho tội ác, tạo điều kiện để tội phạm lộng hành, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Kiên - (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, để giám định pháp y một người có bị mắc tâm thần hay không phải tuân thủ theo một quy trình chặt chẽ, nghiêm ngặt, đặc biệt là đối với các trường hợp liên quan tới các vụ án hình sự. Thông thường, bệnh viện sẽ tiếp nhận hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định. Hội đồng chuyên môn của bệnh viện nghiên cứu hồ sơ của đối tượng. Sau đó, đối tượng sẽ được theo dõi tại buồng bệnh, giám định viên tham gia giám định theo dõi, ghi chép đầy đủ mọi diễn biến của đối tượng vào bệnh án theo dõi giám định. Đối tượng sẽ được thăm khám lâm sàng, khám tâm thần, khám nội khoa và thần kinh, khám cận lâm sàng…

Sau khi theo dõi bệnh nhân một tháng cùng với những kết quả thăm khám, hội đồng chuyên môn sẽ họp để cùng đưa ra quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định này. Tuy nhiên không phải trường hợp bệnh nhân tâm thần nào cũng phải tiến hành hội chẩn. Chỉ những trường hợp nào khó chẩn đoán hoặc đã chẩn đoán song điều trị khó sẽ phải hội chẩn. Điều này dẫn đến việc có một số trường hợp không cần hội chẩn nên cán bộ y tế tự ý đưa ra chẩn đoán để làm hồ sơ, BATT.

Theo Trung tá Sơn, kết luận giám định pháp y tâm thần là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Kết luận giám định đúng đắn giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án chính xác, khách quan, đúng pháp luật, không để bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Việc chứng minh một người có tâm thần hay không phụ thuộc vào kết quả của hội đồng giám định pháp y. Các hoạt động tố tụng đều dựa vào kết quả giám định pháp y để xem xét.

Một hồ sơ bệnh án tâm thần

Nếu giám định không chuẩn, tội phạm sẽ lợi dụng để lách luật, trốn tránh TNHS. Do đó, để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tội phạm lợi dụng BATT nhằm mục đích thoát khung hình phạt cao nhất, trì hoãn, né tránh việc thi hành án hoặc để được miễn TNHS, trước hết rất cần sự công tâm của ngành y tế trong việc giám định tâm thần. Ngành y tế cần có những giải pháp hữu hiệu để nâng cao tính trách nhiệm của đội ngũ giám định viên, tăng cường kiểm tra, xem xét quy trình cung cấp hồ sơ BATT tại các cơ sở y tế và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức công vụ của các nhân viên y tế thực hiện công việc này.

Đối với cán bộ điều tra, khi thu thập được BATT của người phạm tội, cần tiến hành xác minh kỹ về nhân thân, lai lịch, quá trình hoạt động của đối tượng tại gia đình, nơi cư trú, trường học, cơ quan tổ chức đang làm việc…để xác định có hay không những biểu hiện tâm thần. Đồng thời nhất thiết phải ra quyết định trưng cầu giám định pháp y về tâm thần để có kết luận chính xác về tình trạng bệnh lý của người phạm tội…

Đào Trung Hiếu
.
.