Cần có quy chế cho những hiệp sỹ

Thứ Tư, 16/05/2018, 09:29
Vào tối 13-5, trong lúc truy bắt một nhóm trộm xe SH trên đường Cách Mạng Tháng Tám (CMT8 - phường 10, quận 3), nhóm hiệp sĩ Tân Bình đã bị các đối tượng thuộc nhóm trộm cướp trên dùng hung khí chống trả kịch liệt. 2 hiệp sĩ đã tử vong, 3 hiệp sĩ khác bị thương. Các đối tượng đã nhanh chân tẩu thoát.

Đây là hành động dũng cảm rất đáng trân trọng của các hiệp sĩ trong tấn công tội phạm; là vụ việc nghiêm trọng nhất từ trước đến nay đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu để làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm.

“Lục Vân Tiên” thời nay

Khoảng 20 giờ ngày 13-5, nhóm hiệp sĩ Tân Bình do ông Trần Văn Hoàng làm trưởng nhóm cùng các anh Nguyễn Văn Thôi, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Đức Huy, Đinh Phú Quý, Đinh Văn Tài và anh Lê Văn Tuyên lưu thông trên 4 xe máy tại khu vực quận 3, TP Hồ Chí Minh. Khi nhóm hiệp sĩ đến khu vực Bắc Hải, quận 10 thì phát hiện 2 thanh niên đi xe máy hiệu Exiter có dấu hiệu khả nghi nên tiến hành theo dõi.

Phát hiện một xe SH đang dựng trước số 348C đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3, đối tượng ngồi sau xuống xe, dùng dụng cụ bẻ khóa chiếc SH. Nhóm “hiệp sĩ” đã xông vào khống chế. 2 đối tượng lên xe bỏ chạy, các hiệp sĩ đuổi theo, khoảng vài trăm mét thì các anh áp sát và tông thẳng khiến chúng bị té ngã. Ngay lúc đó, chúng sử dụng hung khí xông vào đâm chém. Bị bất ngờ, trong tay lại không có vũ khí nên các hiệp sĩ gục xuống. Nhóm đối tượng đã nhanh chóng tẩu thoát khỏi hiện trường.

Người dân nhanh chóng đưa các “hiệp sĩ” vào Bệnh viện 115 và Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu nhưng vì thương tích nặng nên 2 hiệp sĩ Nguyễn Văn Thôi và Nguyễn Hoàng Nam đã tử vong. các hiệp sĩ Trần Văn Hoàng, Đinh Phú Quý và Nguyễn Đức Huy đều bị thương nặng, hiện cả 3 đã qua cơn nguy kịch.

Đại diện Báo CAND và ông Lâm Tấn Lợi thăm hỏi, tặng quà cho các thân nhân hiệp sĩ.

Công an TP Hồ Chí Minh đã lập tức cử nhiều tổ công tác xuống hiện trường, phối hợp với Công an quận 3, thu thập thông tin chứng cứ và xác minh nhóm đối tượng gây án. Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, trực tiếp chỉ đạo phá án. Đội 9, Đội trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an quận 3, đã phân công nhiều tổ công tác khẩn trương điều tra, truy lùng hung thủ.

Trinh sát nhận định, các đối tượng gây án là một nhóm “đá xế” chuyên nghiệp, rất manh động và luôn mang theo hung khí, có thể có cả hàng nóng (súng). Nhóm nghi can nhanh chóng được khoanh vùng. 

Một nhân chứng cho biết: “Khi nhóm hiệp sĩ truy đuổi và chặn xe nhóm trộm thì bị chúng rút dao, mã tấu chém tới tấp. Một người dân chạy vào hỗ trợ cũng bị đâm gục tại chỗ (cơ quan điều tra đang xác minh thông tin về người dân này). Khi người dân chạy lại thì các nạn nhân bị thương khắp người, máu chảy rất nhiều... Nhóm đối tượng cầm hung khí nên không ai dám lại gần để hỗ trợ các hiệp sĩ. Chúng bỏ chạy về hướng công viên Lê Thị Riêng...”.

Tại Bệnh viện 115, các bác sĩ cho biết, hiệp sĩ Trần Văn Hoàng bị thương rất nặng, nhưng đã qua cơn nguy kịch. Anh Hoàng sinh năm 1967, quê Bình Định, có hơn 20 năm làm nghề “vác tù và hàng tổng” và đã  500 lần bắt giữ bọn cướp giật. Chị Trương Thị Xí, vợ anh Hoàng cho biết, đã nhiều lần khuyên chồng bỏ nhưng anh nhất định không nghe. “Máu hiệp sĩ” nó “lây” sang chị lúc nào chẳng hay. Nhiều lần chị đã cùng chồng cùng ra tay nghĩa hiệp. Con trai của anh chị cũng thi thoảng theo cha “hành hiệp” khi thấy việc bất bình.

Làm nghề chạy xe ôm nhưng khách gần nhà thường không dám đi xe của anh. Nhiều khi đang đi, anh “vứt” khách giữa đường để theo dấu tội phạm, họ sợ bị vạ lây. Chở vợ đi công việc, anh cũng từng cho chị đi bộ vì lo chuyện... bao đồng. Hiện anh ở nhà trọ, phụ vợ bán nón bảo hiểm ở góc đường Trường Chinh - Trương Công Định. Anh Hoàng từng 6 lần được Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh tặng giấy khen về thành tích bắt cướp. Năm 2014, anh được vinh danh "Gương sáng phố phường" toàn thành phố.

Nguyễn Đức Huy và Đinh Phú Quý cùng 22 tuổi, là bạn học từ nhỏ, hiện cả hai đang là sinh viên năm cuối Khoa Công nghệ thông tin, người kia học ngành hóa thực phẩm Đại học Công nghiệp.  Cả hai cùng theo đuổi một niềm đam mê hành hiệp “lộ kiến bất bình, bạt đao tương trợ”. Gia đình nhiều lần can ngăn, hứa hết lần này đến lần khác song các em vẫn không nghỉ. Bị thương rất nặng, nhưng cả hai đều khẳng định, nếu còn sức khỏe vẫn tiếp tục bắt cướp!

Cơ quan Công an đang kiểm tra hiện trường.

Trên giường bệnh, không lo cho bản thân mình vừa qua cơn thập tử nhất sinh, các hiệp sĩ chỉ nghĩ đến đồng đội Nguyễn Văn Thôi, Nguyễn Hoàng Nam. Anh Nguyễn Văn Thôi 42 tuổi, quê Bình Định, tạm trú ở quận Gò Vấp, làm nghề chạy xe Grab. Tuy không còn sống cùng nhau nhưng vợ chồng anh đều dành tất cả tình thương cho cậu con trai lên 10. Cháu bé theo mẹ tới trung tâm pháp y thành phố để nhìn mặt cha lần cuối.

Bà Lâm Thị Nhung (50 tuổi, quê Đồng Nai, mẹ của hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Nam) nghẹn ngào cho biết: Nam là con lớn trong gia đình có 2 anh em. Gia đình khó khăn, bà cùng 2 con lên TP Hồ Chí Minh kiếm sống. Nam lái xe tải cho một công ty. Nam tham gia bắt cướp đã gần 10 năm, được tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Sau giờ làm việc, Nam lại cùng anh em trong nhóm dạo quanh thành phố để tìm chặn, bắt kẻ xấu. Gia đình biết nhưng không ngăn cản. Nam sắp lấy vợ, ngày cưới đã định nhưng anh chẳng thể quay về...

Khóc ngất, ôm quan tài của Nam khi chiếc xe tang chuẩn bị chuyển bánh, chị Nguyễn Đào Thảo Trang (21 tuổi, ngụ Gò Vấp) - vợ sắp cưới của Nam nghẹn ngào. “Tối qua anh còn hẹn em đi sửa, giờ sao anh lại bỏ em?”. Nhiều người nghe vậy cũng khóc òa.

Không để hiệp sĩ đường phố bị hiểm nguy

Đại tá Đinh Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã đến trung tâm pháp y, bệnh viện chia sẻ những mất mát đau thương đối với người thân của các nạn nhân. Đại tá Nhàn cho biết, Công an TP Hồ Chí Minh sẽ làm hết sức mình, khẩn trương điều tra và truy bắt các đối tượng gây án để xử lý nghiêm trước pháp luật.

Ngày 14-5, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, các tổ chức, cá nhân đã tới thăm và chia sẻ đau thương với gia đình, thân nhân các hiệp sĩ. Báo CAND phối hợp với ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty Võng xếp Duy Lợi đã thăm hỏi động viên gia đình có hiệp sĩ tử vong mỗi nạn nhân 3 triệu đồng, mỗi hiệp sĩ bị thương 2 triệu đồng.

Ngoài xã hội, trên mạng, rất nhiều nhóm, cá nhân khác, có cả các nghệ sĩ... đều tự đứng ra kêu gọi, vận động người thân, người quen và cộng đồng chung tay quyên góp ủng hộ gia đình, con em các hiệp sĩ - nạn nhân...

Trên giường bệnh, mặc dù vết thương còn rất đau nhưng hiệp sĩ Trần Văn Hoàng vẫn không quên cảm ơn lãnh đạo, các cơ quan, ban ngành đã quan tâm tới anh và đồng đội.

Bao nhiêu năm thành lập, bấy nhiên năm những hiệp sĩ đội hiệp sĩ Tân Bình và các đội hiệp sĩ khác đã thầm lặng góp phần gìn giữ bình yên cho phố phường. Rủi ro nguy hiểm là không tránh khỏi, là điều ai cũng biết trước, thế nhưng thương vong nặng nề lần này, theo chính các hiệp sĩ, cũng một phần nguyên nhân do tính tự phát của mô hình.

Trong số các hiệp sĩ, nhiều người không được huấn luyện chuyên môn, kỹ năng xử lý tình huống bất ngờ, không giỏi võ thuật, không được trang bị công cụ hỗ trợ để tự bảo vệ và trấn áp khi tội phạm manh động... Vụ việc xảy ra tối 13-5, hầu hết các hiệp sĩ trong nhóm đều bị bất ngờ khi bị các đối tượng quay lại tấn công bằng hung khí trong khi các hiệp sĩ đang tham gia truy bắt đều tay không.

Lãnh đạo thành phố chỉ đạo phải truy bắt bằng được các đối tượng gây án, đồng thời bày tỏ trăn trở khi chính quyền chưa có quy chế, giải pháp hỗ trợ cho các hiệp sĩ. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chia sẻ cho dù đối đầu với những tên trộm, cướp có hung khí, các hiệp sĩ đã bất chấp nguy hiểm, kể cả tính mạng vì việc bất bình, vì cuộc sống bình yên của người dân, vì ANTT của thành phố, vậy không có lý do gì không có quy chế cũng như giải pháp hỗ trợ cho anh em.

Quy chế giải pháp hỗ trợ là gì, câu hỏi vẫn cần thời gian để giải đáp. Nhưng với cam kết của chính lãnh đạo TP Hồ Chí Minh lần này, dư luận đang rất hy vọng sẽ tạo ra một tiền lệ, hay ít nhất là một lối đi khác chính danh hơn cho những hoạt động của nhóm hiệp sĩ đường phố. Có như vậy mới có thể giảm thiểu hiểm nguy cho họ.

Nguyễn Tấn Tài (Tài “mụn”).

"Chúng tôi sẽ chỉ đạo Công an thành phố tìm biện pháp bảo vệ các hiệp sĩ - những con người đã xả thân vì sự bình yên của người dân", Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thì yêu cầu trước mắt ngành công an nên tính đến chuyện trang bị áo giáp cho các hiệp sĩ săn bắt cướp...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của chính phủ cũng đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân, thân nhân người bị nạn. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng sớm điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Thời gian gần đây tội phạm đường phố, hoạt động băng nhóm… có dấu hiệu gia tăng gây mất ANTT khiến nhiều người dân hoang mang. Để trấn áp các băng nhóm tội phạm đường phố trộm cắp cướp giật... Công an TP Hồ Chí Minh đã thành lập các đội đặc nhiệm phản ứng nhanh. Các đội đặc nhiệm này hoạt động có hiệu quả, phần nào đem lại niềm tin cho người dân. Song, do tội phạm ngày càng lộng hành và cực kỳ manh động, trong khi lực lượng trấn áp lại mỏng nên chung tay bảo vệ ANTT, một số đội, câu lạc bộ phòng chống tội phạm ra đời.

Hầu hết mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, không được huấn luyện bài bản, không có công cụ hỗ trợ vì không có khung pháp lý nào cho phép lực lượng tự phát được phép trang bị công cụ hỗ trợ. Khi xảy ra vụ việc, thương vong khó tránh khỏi.

Trung tướng Lê Đông Phong (Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh) từng nhìn nhận tính hiệu quả của các nhóm hiệp sĩ đường phố, mong muốn nghiên cứu thành lập các đội giống mô hình ở Bình Dương. Tuy nhiên, Công an TP Hồ Chí Minh đã có lần kiến nghị với các ban ngành việc sử dụng ngân sách, các quỹ để đãi ngộ cho hiệp sĩ nhưng chưa thể giải quyết.

Ngày 14-5, Công an huyện Hóc Môn phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh đã vây bắt, đưa về trụ sở một nam thanh niên nghi vấn có liên quan đến vụ đâm chém gây thương vong cho các hiệp sĩ. Đối tượng được xác định là Nguyễn Tấn Tài (24 tuổi, thường gọi là Tài “mụn”, ngụ quận 12), từng có tiền án, tiền sự. Trước đó, trên mạng xã hội, hình ảnh và danh tính đối tượng này đã được lan truyền.

Đến tối 14-5, qua hệ thống camera an ninh, các trinh sát phát hiện được nghi can thứ hai đang trốn trong một ngôi nhà nằm trên đường Phạm Văn Chiêu, phường 9, quận Gò Vấp. Khi bị vây bắt, đối tượng này đã leo lên mái nhà dùng súng dọa chống trả. Tuy nhiên, đối tượng này cũng đã bị bắt gọn mà không gây thương vong nào cho hàng chục cán bộ, chiến sĩ tham gia vây bắt cũng như người dân xung quanh.

Trong nhà nghi can lẩn trốn, cảnh sát đã thu giữ được một chiếc xe Exciter, loại xe mà nhóm trộm cướp đã sử dụng khi gây án trên đường Cách Mạng Tháng Tám vào đêm hôm trước...

Đức Hà
.
.