Chặt "vòi bạch tuộc" tín dụng đen

Thứ Năm, 10/12/2020, 20:46
Những ngày cuối năm, nắm bắt tình hình khó khăn về mặt kinh tế do ảnh hưởng "kép" của đại dịch COVID-19 và bão lũ liên tục hoành hành tại các tỉnh miền Trung, một số đối tượng đã nắm bắt tâm lý cần tiền của các cá nhân, tổ chức đứng ra cho vay "nóng" với lãi suất cắt cổ. Mặc dù cơ quan chức năng tập trung đánh mạnh, truy quét; song do mức lợi nhuận "khủng", tội phạm trong lĩnh vực này vẫn nhức nhối.


Liên tiếp triệt xóa nhiều đường dây "tín dụng đen"

Ngày 5-11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã triệt xóa thành công chuyên án "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" tại TP Vinh, bắt giữ đối tượng cầm đầu Phạm Kiều Hưng (sinh năm 1982) trú tại khối 8, phường Đội Cung, TP Vinh.

Theo tài liệu của Ban chuyên án, trong thời gian gần một năm qua, Phạm Kiều Hưng đã tổ chức cho khách hàng vay với hình thức "bốc bát họ" trên địa bàn TP Vinh. Khi cho vay, Hưng cắt trước tiền lãi với lãi suất từ 109,5% - 136,87% tương đương với 3.000 - 4.000 đồng/1 triệu/ngày. Người vay phải trả tiền gốc vào các buổi chiều hằng ngày. Đối với những khách hàng không trả tiền đúng kỳ hạn, Hưng cho đồng bọn điện thoại thúc giục, chửi bới và đe dọa.

Để mở rộng việc "làm ăn", Hưng thu nạp thêm Nguyễn Thanh Đức (sinh năm 1993) trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh cùng tham gia. Đức có nhiệm vụ đi thu tiền gốc hằng ngày và thúc ép, đe dọa các "con nợ" trả tiền.

Hoạt động của các đối tượng này gây bất ổn xã hội, tạo dư luận không tốt, trong đó có một số con nợ bị thúc ép, đánh đập và phải trả lãi với số tiền lớn nên đã tố giác đến cơ quan công an. Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng đã có đủ chứng cứ nên tiến hành bắt khẩn cấp đối tượng Phạm Kiều Hưng và Nguyễn Thanh Đức về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; thu giữ nhiều sổ sách ghi chép việc vay nợ cùng nhiều tang vật liên quan.

Trước đó, cũng bị khởi tố về hành vi nói trên, nhưng số tiền mà đối tượng Nguyễn Lê Tân (sinh năm 1971) trú tại khối 5, phường Lê Lợi, TP Vinh cho vay lên đến 6 tỉ đồng, với lãi suất 5.000 - 7.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày.

Cơ quan Công an làm việc với đối tượng cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Nạn nhân của Tân là chị Phan Thị Thu H. (sinh năm 1979) trú tại xóm 18, xã Nghi Phú, TP Vinh. Do cần tiền để làm ăn nên chị H. đã nhiều lần vay tiền của Tân với tổng số nợ 540 là triệu đồng. Trong khoảng thời gian gần 2 năm, Nguyễn Lê Tân đã thu lợi bất chính đối với chị H. số tiền 809 triệu đồng. Khi người vay không còn khả năng trả nợ, đối tượng đã ép chị H. viết 2 giấy vay tiền với nội dung nhận tiền để đưa người đi xuất khẩu lao động sang Anh.

Tân còn nhiều lần gọi điện chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chị H và cho người đến nhà nạn nhân để đòi tiền. Ngoài ra, có nhiều nạn nhân khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi tìm đến đối tượng này để vay tiền. Cùng thời gian này, đối tượng Trần Viết Trà (sinh năm 1989) trú tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc cũng đã bị Phòng CSHS Công an Nghệ An bắt tạm giam khi tổ chức cho 349 người vay với số tiền hơn 10 tỉ đồng, số tiền lãi đối tượng được hưởng là 7 tỉ đồng.

Thời gian gần đây, tình trạng hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh Nghệ An có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự núp bóng dưới nhiều hình thức như: Công ty dịch vụ tài chính, tiệm cầm đồ để cho người có nhu cầu vay tiền với lãi suất cắt cổ. Hoạt động này kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có dịch vụ đòi nợ thuê, người vay tiền bị khủng bố cả về tinh thần lẫn sức khoẻ, ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn.

Trong số các ổ nhóm bị cơ quan công an triệt xóa vừa qua, có thể kể đến hình thức hoạt động tinh vi của Công ty TNHH hỗ trợ tài chính Tín Nghĩa, địa chỉ tại phường Hưng Bình, TP Vinh (Nghệ An), do Trần Trọng Hoàng (sinh năm 1990) trú tại phường Cửa Nam, TP Vinh làm Giám đốc.

Núp bóng doanh nghiệp, thực chất hoạt động của công ty này là cầm cố tài sản, cho vay nặng lãi. Để qua mặt lực lượng chức năng trong hoạt động cho vay, khi có người cần vay vốn, Hoàng cho nhân viên dưới quyền đi xác minh nhân thân của người vay.

Nếu thấy khách hàng có nhà cửa, công việc ổn định thì chúng làm hợp đồng cho vay mà không cần thế chấp bất cứ tài sản gì. Tinh vi hơn, số tiền lãi suất không được ghi rõ trong hợp đồng vay tiền, tuy nhiên theo thoả thuận ngầm thì lãi suất lên đến 4.000 đồng/ngày cho 1 triệu tiền vay.

Quá trình xác minh ban đầu, Ban chuyên án cũng xác định từ năm 2018 đến nay, Công ty TNHH hỗ trợ tài chính Tín Nghĩa đã cho vay hơn 6 tỷ đồng và thu lợi bất chính với số tiền hàng tỉ đồng. Tháng 7-2020, đối tượng này cùng đồng bọn đã bị bắt giữ cùng nhiều tài liệu, tang vật liên quan.

Ngăn chặn "sóng ngầm"

Đại tá Phạm Hoài Nam, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Trong thời gian vừa qua, diễn biến của tội phạm liên quan đến "tín dụng đen", cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự diễn ra khá phức tạp. Trước đây, hoạt động này chủ yếu diễn ra ở thành thị, song gần đây len lỏi về tận các phố huyện, thậm chí là ở các vùng nông thôn, miền núi. 

Một số đối tượng cho vay nặng lãi bị Công an Nghệ An phát hiện, bắt giữ.

Bằng chứng là trong thời gian 6 tháng cuối năm, công an các huyện, thành thị trên địa bàn Nghệ An đã liên tiếp phát hiện, triệt xóa nhiều đường dây, đối tượng cho vay nặng lãi với lãi suất ngất ngưởng, có nơi thậm chí 216%/năm, tương đương 6.000 đồng/1 triệu/ngày. Các huyện Nam Đàn, Con Cuông, Anh Sơn, Kỳ Sơn, Tân Kỳ… là những địa bàn gần đây đã phát hiện, bắt giữ các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này.

Riêng trên địa bàn TP Vinh, hoạt động này khá tinh vi, kín kẽ, tạo nên những đợt "sóng ngầm" trong giao dịch tài chính. Trước tình hình đó, Công an TP Vinh đã chủ động xác lập các chuyên án đấu tranh với hoạt động cho vay lãi nặng phát sinh phức tạp trong nhân dân. Từ tháng 7-2020 đến nay, đơn vị đã phá 5 chuyên án, bắt giữ 5 đối tượng có các hoạt động cho vay lãi nặng.

Điều đáng nói, trong số này có cả đối tượng hình sự nguy hiểm, các công ty tài chính kiêm luôn cho vay lãi "cắt cổ". Có thể kể đến băng nhóm của Nguyễn Trọng Dương (sinh năm 1989) trú tại phường Trường Thi, TP Vinh. Là đối tượng hình sự cộm cán đã từng có tiền sự, để đứng ra cho vay, đối tượng này đã thu nạp và nuôi ăn ở hơn 30 đối tượng để phục vụ cho việc đòi nợ. Núp bóng là doanh nghiệp hỗ trợ tài chính, Dương sử dụng mạng xã hội, phát tờ rơi quảng cáo về việc cho vay, hỗ trợ tài chính với thủ tục nhanh gọn, không cần tài sản thế chấp, với lãi suất cao từ 4.000 - 100.000 đồng/1 triệu/1 ngày, tương đương 144% - 3.600% năm.

Xuất phát từ nhu cầu cá nhân, nhiều bị hại chấp nhận tìm đến Dương vay mượn với lãi suất cắt cổ. Do số tiền lãi cao nên nhiều người đã mất khả năng thanh toán. Đối với những con nợ đến kỳ hạn chưa trả, Dương sẽ cho "đàn em" đến nhà đe dọa, uy hiếp, quấy rối nơi làm việc. Băng nhóm của Dương là nỗi khiếp sợ của các nạn nhân bởi sự manh động, liều lĩnh.

Nhiều con nợ vì không có khả năng thanh toán, vừa lo sợ bị hãm hại nên đã phải bán nhà cầm cố trả nợ hoặc bỏ đi biệt xứ trong thời gian dài. Sau hơn 3 tháng kiên trì vào cuộc điều tra, Công an Nghệ An đã tiến hành bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở của Dương, thu giữ nhiều chứng cứ quan trọng gồm 31 giấy vay nợ, 5 điện thoại di động, hơn 200 tờ rơi có in hình con nợ, trên 700 triệu đồng tiền mặt và thẻ ngân hàng.

Toàn “Tương”, đối tượng mang 5 tiền án hoạt động "tín dụng đen" núp bóng cơ sở cho thuê xe tự lái bị bắt giữ.

Đặc biệt, chiến công lớn của Công an TP Vinh được ghi nhận trong lĩnh vực này là việc bắt giữ thành công đối tượng hình sự nguy hiểm Nguyễn Văn Toàn (thường gọi là Toàn “Tương”), sinh năm 1972, trú tại xã Nghi Kim, thành phố Vinh. Mang trên mình 5 tiền án, Toàn mở công ty cho thuê xe ô tô tự lái, nhưng chủ yếu là hoạt động cho vay lãi nặng, thường xuyên sử dụng ma túy dạng đá, nhiều lần có hiện tượng "ngáo đá".

Người có nhu cầu đến vay tiền đúng thời điểm Toàn lên cơn ngáo đá thì bị đối tượng này ép vào trong nhà rồi khóa cửa lại, dùng dao, súng đe dọa, đánh đập gây thương tích và giữ trái phép trong nhiều giờ đồng hồ. Tiến hành khám xét chỗ ở của Toàn, cơ quan công an thu giữ 1 khẩu súng tự chế, 3 kiếm dài, 1 gói ma túy tổng hợp dạng đá, 2 xe ô tô, 3 cuốn sổ ghi tên người vay nợ, có khoảng hơn 300 giấy vay tiền với số tiền 6 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 113 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, 102 cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính có biểu hiện nghi vấn hoạt động "tín dụng đen". Trong đó, chỉ tính riêng trên địa bàn TP Vinh, đã có tới 60 cơ sở kinh doanh cầm đồ, 71 cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính. Trong số này, có những đối tượng còn thành lập cả công ty, cho vay với số tiền hàng tỉ đồng.

Trước đây, hoạt động trong lĩnh vực "tín dụng đen" chủ yếu hoạt động ở khu vực thành phố và vùng phụ cận. Tuy nhiên, gần đây, trước nhu cầu ngày càng cao của một số người dân, hệ thống chân rết của loại tội phạm này đã vươn tận vùng nông thôn, miền núi với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Sở dĩ cơ quan chức năng đã tập trung đánh mạnh vào loại tội phạm này, song hoạt động trong lĩnh vực "tín dụng đen" vẫn nhức nhối, thậm chí tạo nên những đợt "sóng ngầm" trong xã hội là do việc thu lợi bất chính từ việc cho vay rất lớn, nhu cầu người vay luôn cao nên các đối tượng vẫn tìm mọi cách để lén lút hoạt động.

Ngoài ra, các quy định về việc đăng ký hoạt động trong lĩnh vực tài chính vẫn còn nhiều kẽ hở. Thủ tục đăng ký kinh doanh tài chính thuận lợi, dễ dàng và không bị hạn chế. Các quy định về hoạt động giao dịch tài chính còn chung chung không phân định rõ hoạt động nào được phép kinh doanh, hoạt động nào bị cấm. Qua tổng kiểm tra toàn diện trên địa bàn, Công an Nghệ An đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổng hợp những khó khăn, vướng mắc; rà soát những bất cập trong quy định các văn bản pháp luật để đấu tranh và ngăn chặn hiệu quả hoạt động phạm pháp này.

Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 25-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", Công an tỉnh Nghệ An đã đồng loạt ra quân, triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn, triệt xóa loại tội phạm này.

Trước đó, khi Chỉ thị 12 có hiệu lực, từ ngày 15-11-2018 đến 25-4-2019, Công an Nghệ An đã khởi tố 9 vụ, 17 bị can về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự"; xử lý hành chính 40 đối tượng cho vay nặng lãi; khởi tố 6 vụ, 23 bị can về các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động này như đòi nợ thuê, xiết nợ, cố ý gây thương tích. Thực hiện Chỉ thị 12, sau hơn một năm ra quân, Công an Nghệ An tiếp tục phát hiện, bắt giữ, khởi tố 25 vụ, hơn 40 bị can liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực này.
Thiện Thành
.
.