Ly kỳ vụ án lừa bán bằng giả thu tiền tỉ

Thứ Tư, 01/07/2015, 15:30
Lang thang trên mạng Internet, Trần Tấn Đạt (SN 1992, trú tại Bà Rịa - Vũng Tàu) phát hiện khá nhiều người có nhu cầu mua bán bằng tốt nghiệp đại học. Trong đầu Đạt lập tức nảy ra ý tưởng kiếm tiền từ việc lừa bán các loại văn bằng chứng chỉ… Trong khoảng một năm, hàng trăm người đã sa bẫy của Đạt. Số tiền đối tượng chiếm đoạt lên đến hơn 3 tỉ đồng.

1. Đầu năm 2015, chị V.T.M.H. (trú tại Khu đô thị Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) có nhu cầu xin việc cho em nên đã lên mạng Internet để tìm người làm giả bằng tốt nghiệp Đại học Luật hệ tại chức. Chị H. đã tìm được thông tin trên trang "Làm bằng đại học" và nhận được lời mời chào của một đối tượng tên là Minh khẳng định có thể làm các loại bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, chứng chỉ tốt nghiệp và các loại giấy tờ khác nhau.

Chị H.  liên hệ với Minh theo số điện thoại 0937323xxx và hộp thư lambang…@gmail.com. Qua điện thoại và Facebook chị H. thuê đối tượng làm giả bằng tốt nghiệp Đại học Luật, hệ tại chức với giá 19 triệu đồng. Đối tượng yêu cầu chị H. chuyển trước 6 triệu đồng vào một tài khoản ngân hàng Sacombank Chi nhánh Đồng Nai.

Tin lời Minh, chị H. đã chuyển 6 triệu cho đối tượng, đồng thời gửi thông tin gồm tên tuổi, ảnh và CMND của người cần làm vào hộp thư điện tử cho hắn. Ngày 2/2/2015,  Minh gọi điện cho chị H. thông báo đã làm xong bằng và yêu cầu chị chuyển nốt cho hắn 13 triệu vào một tài khoản Ngân hàng VCB. Tuy nhiên, nhiều ngày sau chị H. chẳng nhận được tấm bằng nào, và số điện thoại liên lạc với đối tượng cũng không thể liên lạc được nữa.

Tháng 1/2015, anh N.M.C trú tại Cẩm Mỹ (Đồng Nai) cũng lên mạng xã hội Facebook để tìm nơi làm bằng đại học giả. Anh C. tìm được thông tin của đối tượng Minh và đặt vấn đề làm giả bằng tốt nghiệp Trường đại học Ngân hàng TP HCM với giá 15 triệu đồng. Ngày 22/1/2015, người tên Minh yêu cầu anh C. chuyển trước 5 triệu đồng vào tài khoản mở tại Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Đồng Nai. Sau đó đối tượng lấy lý do khác nhau như để làm hồ sơ bằng Đại học có giấy tờ gốc nên yêu cầu anh C. chuyển thêm cho hắn 30 triệu đồng vào tài khoản trên. Tuy nhiên, sau nhiều ngày chuyển tiền mà anh C. chẳng nhận được gì cả.

Qua công tác nắm tình hình và đơn trình báo của các bị hại, các trinh sát Đội 2 Phòng PC50 đã có nhiều chứng cứ về một số đối tượng rao bán bằng tốt nghiệp đại học giả, chứng chỉ và các giấy tờ khác để lừa đảo. Thông tin đã được báo cáo Ban giám đốc Công an TP Hà Nội. Dưới sự chỉ đạo của thủ trưởng Cơ quan điều tra, một chuyên án đã được xác lập để đấu tranh triệt phá nhóm đối tượng trên.

Thượng tá Ngô Minh An, Phó trưởng phòng PC50 Công an TP Hà Nội cho  biết: Tiến hành tập trung xác minh, rà soát các thông tin và dấu vết mà đối tượng tên Minh bỏ lại qua các vụ việc, ban đầu các trinh sát nhận định có thể một nhóm đối tượng đã cùng lập ra trang "Làm bằng đại học" để lừa đảo. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời cử trinh sát vào địa bàn nhiều tỉnh phía Nam xác minh, Cơ quan Công an "gút" lại một đối tượng có địa chỉ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sau khi đã có những thông tin chắc chắn về đối tượng, một tổ công tác đã lên đường truy bắt. Mặc dù đối tượng đã lên Kon Tum chơi với một người bạn, song các trinh sát vẫn lần theo dấu vết và kịp thời tóm được đối tượng vào ngày 18/6 vừa qua. Hắn là Trần Tấn Đạt (SN 1992, trú tại thôn Trung Nghĩa, Nghĩa Thanh, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Trần Tấn Đạt tại cơ quan Công an.

Tiến hành xác minh qua 4 tài khoản ngân hàng của Đạt lập ra để lừa đảo, bước đầu Cơ quan Công an phát hiện số tiền Đạt đã chiếm đoạt lên đến 3 tỉ đồng.

2. Tại Cơ quan Công an, Đạt luôn cúi đầu trước ống kính máy ảnh, máy quay của chúng tôi. Đạt bảo rằng nhiều lúc Đạt cũng nghĩ tới việc bị Cơ quan Công an tìm ra. Và thời gian gần đây đã mấy lần anh ta bụng bảo dạ là dừng lại thôi, song cách kiếm tiền quá dễ và nhu cầu tiêu xài đã khiến cho Đạt cứ lún sâu mãi vào vòng tội lỗi.

Đạt sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh em ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Kinh tế gia đình chủ yếu trông vào mấy sào lúa và mấy nương ngô. Vì là con út nên Đạt được cha mẹ ít nhiều chiều chuộng hơn các anh chị. Sức học vào loại làng nhàng, nên sau khi tốt nghiệp THPT, Đạt chỉ thi vào một trường trung cấp tại TP HCM.

Đạt kể, mỗi tháng được bố mẹ gửi cho khoảng 2 triệu đồng. Đạt cùng bạn bè thuê nhà ở quận Bình Tân, cố gắng dè sẻn. Tuy nhiên, sức học có hạn trong khi chúng bạn đều tốt nghiệp hết thì Đạt vẫn nợ môn triền miên. Chán nản, Đạt bỏ học về quê làm ruộng.

Ngày nông nhàn, Đạt thường ra các quán Internet ở gần nhà, lên mạng Facebook giải sầu. Rồi Đạt phát hiện ra nhiều người có nhu cầu mua bằng tốt nghiệp đại học, trung cấp, chứng chỉ tốt nghiệp giả. Đạt nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người này. Tuy học hành không đến đầu đến đũa, song Đạt lại tỏ ra là một kẻ lừa đảo "có nghề".

Anh ta lập nhiều tài khoản trên trang Facebook, lập fanpage "Làm bằng đại học" rồi spam vào các nhóm khác nhau trên mạng Internet, các diễn đàn trên mạng thông tin mình có thể làm các loại bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng trung cấp, chứng chỉ tốt nghiệp và các loại giấy tờ khác nhau. Giá các loại giấy tờ này từ 1 đến 30 triệu đồng.

Cũng trên page đó, Đạt để lại tên giả, số điện thoại, thư điện tử để người có nhu cầu làm giả bằng, chứng chỉ liên hệ với Đạt. Qua những đoạn chat của Đạt với bị hại thì có thể thấy Đạt là một kẻ hoạt ngôn. Đạt luôn tỏ ra có nhiều khách hàng, nên có phần "kiêu", "chảnh". Nếu ai chê cái giá hắn đưa ra là đắt, đối tượng sẵn sàng "mời anh chị đi mua ở nơi khác". Một điều cần nói ở đây là chính những bị hại cũng biết việc mình làm là chẳng ra gì, nên khi bị Đạt lừa thường chẳng dám kêu ca hay lập topic tố cáo kẻ lừa đảo. Cơ quan điều tra phải động viên mãi họ mới làm đơn trình báo.

Để che giấu hành vi phạm tội, Đạt tìm mua nhiều CMND tại một số nhà nghỉ ở TP HCM sau đó thay ảnh của mình vào CMND để mở tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau nhằm nhận và rút tiền lừa đảo chiếm được.

Để khách hàng tin tưởng Đạt yêu cầu họ phải gửi thông tin cá nhân như họ tên, ảnh, scan CMND… và gửi cho Đạt qua hộp thư do Đạt cung cấp. Sau đó Đạt yêu cầu khách hàng chuyển trước số tiền 30% để đặt cọc. Khoảng 3 ngày sau Đạt liên hệ với khách hàng thông báo đã làm xong bằng cấp, chứng chỉ như đã thỏa thuận và yêu cầu khách hàng chuyển toàn bộ số tiền còn lại cho Đạt qua tài khoản ngân hàng. Sau khi nhận được tiền, Đạt tắt điện thoại và chiếm đoạt số tiền đó. Đạt sử dụng các thẻ ngân hàng thực hiện rút tiền tại các cột ATM tại Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), TP HCM… Khi rút tiền Đạt bịt mặt và đội mũ để tránh bị phát hiện.

Đạt khai rằng ban đầu anh ta lập mấy page chỉ để "cho vui", không nghĩ lại có người gửi tiền vào để mua thật. Lần đầu rút được 3 triệu đồng do một bị hại tại Hà Nội gửi vào, Đạt hồi hộp lắm. Rồi anh ta rủ mấy đứa bạn nối khố đi nhậu một trận mê tơi.

Một trong các trang bán bằng đại học trên facebook.

Bố mẹ Đạt không hề biết về những việc con mình đang làm. Đạt bảo từ khi "khám phá" ra chiêu lên mạng lừa bán bằng thì suốt ngày Đạt chỉ lên mạng Internet để đi spam, giao dịch… Số tiền kiếm được Đạt thường vi vu đi TP HCM, đi các nơi thăm thú bạn bè. Cứ hết tiền Đạt lại ghé vào cây ATM rút ra vài triệu. Và mặc dù "kiếm" được hàng tỉ đồng nhưng Đạt không đưa cho bố mẹ xu nào!?

Hỏi Đạt có người yêu chưa, Đạt bảo có rồi. Người yêu kém Đạt 2 tuổi, đang làm caddie ở một sân golf. Đạt bảo, mai mốt khi thông tin và ảnh về Đạt lên báo, chắc chắc cô ấy sẽ buồn lắm. "Biết vậy sao em còn làm?" - tôi hỏi. Đạt chỉ cúi đầu.

Rồi đây, hành vi phạm tội của Đạt sẽ phải trả giá. Khi ung dung chiếm đoạt tài sản của người khác, khi tiêu xài hoang phí bằng đồng tiền phạm tội, không biết Đạt có hình dung được kết cục này?

Minh Tiến
.
.