Chuyện hy hữu tại bệnh viện Hoàn Mỹ 2-Tp HCM: Tán sỏi thận làm vỡ gan
Trước đó tại BV Hoàn Mỹ 1 cũng đã xảy ra vụ tử vong của kỳ thủ cờ vua Đắk Lắk 7 tuổi sau khi mới lên bàn làm thủ thuật nội soi dạ dày chưa đầy 1 phút. Đến nay vụ việc trên còn chưa xác định được nguyên nhân. Hiện dư luận rất thắc mắc vì sao tại BV Hoàn Mỹ thời gian này liên tiếp xảy ra những ca ngoài ý muốn. Và liệu vụ tán sỏi thận vỡ gan này có là vụ sau cùng?
Không có trong y văn
Anh DVD ngụ tại Đức Linh, Bình Thuận vốn có tiền sử bệnh sỏi thận và vào năm 2004, sau chẩn đoán của BV Chợ Rẫy cho biết trong thận anh D có 1 viên sỏi to 2 phân và thêm 13 viên nhỏ. Bệnh viện quyết định mổ cho bệnh nhân (BN) D tuy nhiên vẫn còn sót lại một viên 7 ly.
Là giáo viên chuẩn bị tới ngày khai giảng năm học mới nên anh quyết định đi tán sỏi. Đến bệnh viện công thì mất thời gian làm thủ tục nên anh quyết định tới BV Hoàn Mỹ 2 để được điều trị. Tại đây BV tư vấn cho anh D tán sỏi ngoài cơ thể. Anh chấp nhận và ký vào đơn cam kết.
Ngày 30/7/2008, sau khi được thực hiện tán sỏi thận từ 8 giờ tới 12 giờ 30 phút, 16 giờ 30 phút anh xuất viện về Bình Thuận. Tuy nhiên, ngay tối hôm đó các cơn đau cứ dồn dập, cho tới 3 giờ sáng ngày 31/7 anh buộc phải nhập viện Đức Linh, Bình Thuận. Tại đây, qua X-quang phát hiện có tụ máu trong gan. Anh được chuyển gấp lên cấp cứu tại BV Chợ Rẫy vào lúc 11 giờ 30 phút. Kết quả chẩn đoán các xét nghiệm tại Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy cho biết, anh D bị dập gan, lách, tràn dịch bao gan. Tình trạng nguy hiểm khiến anh phải kéo dài thời gian điều trị.
Tính ra, sau hơn 13 ngày được tán... gan, anh D đang từ một thanh niên khỏe mạnh cân nặng trên 70 kg nay chỉ còn hơn 50kg, da dẻ vàng bợt... Ngay cả chúng tôi cũng bất ngờ khi nhận được thông tin anh đã xuất viện vào chiều ngày 13/8. Theo yêu cầu của các bác sĩ anh phải trở lại BV Chợ Rẫy sau 1 tháng. Anh khẳng định: “BV Hoàn Mỹ tư vấn cho tôi dùng biện pháp tán sỏi ngoài cơ thể. Dù tôi đã làm cam kết nhưng là cam kết rủi ro của tán sỏi thận như chảy máu, đau bụng... chứ không làm cam kết chấp nhận là tổn thương gan”.
Được biết sau khi anh D vào cấp cứu tại BV Chợ Rẫy, BV Hoàn Mỹ 2 đã cho người vào thăm tất cả 5 lần và có “thương lượng” nhưng anh chỉ mong sớm khỏi bệnh để về trường công tác.
Mẹ anh D cho biết: “Một phụ nữ nhận là người của BV Hoàn Vũ tới thăm nói là sẽ thanh toán hết chi phí cho con tôi tại BV Chợ Rẫy và ngỏ ý đền bù nhưng tôi chưa nói gì!. Tôi có thắc mắc là gan nằm phía trước, thận nằm sau lưng mà làm sao tán sỏi thận lại làm gan tụ máu, dập gan? BV nói thận và gan cũng gần nhau và do một viên nằm phía sau gần thận, còn một viên nằm phía trước!? Vậy là con tôi có 2 viên chứ không phải là 1 viên sỏi như trong siêu âm ghi?
PV đã tìm gặp những nhà chuyên môn và đã có rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. “Tôi cũng chưa nghe y văn nói tán sỏi thận gây dập gan, lách bao giờ. Và nếu trong trường hợp gan có sỏi thì cũng dễ dàng phát hiện ra. Tán sỏi mà bác sĩ chuyên môn không giỏi thì tán không trúng cục sỏi chứ nhầm thì... khó” - PGS-TS Phạm Văn Bùi trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nói.
Trong cuộc tiếp xúc với BV ngày 11/8/2008, ông Nguyễn Hữu Kiệt - Giám đốc BV Hoàn Mỹ 2 đã thừa nhận: đây là một trường hợp tai biến ngoài ý muốn mà BV gặp phải lần đầu tiên sau thời gian đã làm được 1.200 ca tại đây. Thiết bị được dùng là chiếc máy tán sỏi thận của Mỹ trị giá nhiều tỉ đồng. Ông Kiệt khẳng định, trước khi làm thủ thuật cho BN đã có tư vấn kỹ càng về những rủi ro và BN D đã cam kết. Và cho rằng, tán sỏi ngoài cơ thể là một trong những biện pháp mà thế giới đang phổ biến áp dụng. Và... các bộ phận gan, lách thận con người cũng... ở “gần gần nhau” nên nhiều khi có thể bị ảnh hưởng bởi tia sóng xung động? Tỉ lệ y văn là 1/1.000 trường hợp sẽ bị rủi ro.
PGS-TS Vũ Lê Chuyên, Trưởng Khoa Thận niệu BV Bình Dân TP HCM cũng đưa ra kiến của mình: Theo ông thì tán sỏi cũng là biện pháp ít gây biến chứng, hiệu quả nhất trong điều trị sỏi thận. Trong 3 phương pháp thì mổ lấy sỏi, nội soi qua da và tán sỏi bên ngoài cơ thể thì biện pháp tán sỏi bên ngoài cơ thể được coi là nhẹ nhất. Nó được ngành y đưa vào áp dụng từ năm 1980 làm cải thiện hẳn tình hình BN bị sỏi thận.
Tuy nhiên, cũng ghi nhận có nhiều biến chứng sau tán sỏi thận bằng phương pháp này: Tại BV Bình Dân trong thời gian qua đã tán được 6.000 ca, trong đó tỉ lệ biến chứng ghi nhận: 4% bị ói, 1% bị ho do ảnh hưởng phổi, 1% nhiễm trùng. Nhiễm vi khuẩn 118 trường hợp. Ghi nhận có 1 ca bị vỡ thận. Và theo ông Chuyên việc bị tổn thương gan tụ máu dưới gan như BN D của Hoàn Mỹ thì cũng là biến chứng có thể chấp nhận được...?”. Rõ ràng vẫn có sự vênh nhất định trong quan điểm của các nhà chuyên môn.
Có điều gì bất ổn?
Cũng theo PGS-TS Phạm Văn Bùi, sỏi trong cơ thể con người có cấu trúc là những chất tinh thể kết dính với nhau bởi một chất nền. Cơ chế tán sỏi thận hay sỏi mật thực chất chỉ làm cấu trúc bên trong nó nát ra nhưng không vỡ vụn mà nó giữ nguyên hình khối đã bị làm mềm và xốp đi. Cho tới khi gặp nước tiểu thì bắt đầu rời ra và theo nước tiểu ra ngoài dưới dạng cặn. Nên chính vì vậy sau khi tán sỏi thì chụp phim thấy... vẫn còn như nguyên. Nước tiểu hàng ngày làm nó tan rã dần dần.
Theo cơ chế tác động của sóng xung động thì khi những chùm sóng sử dụng để tán sỏi là đi qua da mà không làm ảnh hưởng tới phần mềm. Khi gặp vật cứng thì tia sóng mới bật ngược trở lại. Khi phản trở lại thì đúng lúc gặp tia sóng kế tiếp đi từ ngoài vào. Hai tia sóng này gặp nhau tạo thành một lực ép mới làm nát sỏi từ trong ra. Và dù chùm tia có trúng vị trí gan cũng không làm dập gan bởi gan là phần mềm, ngoại trừ những trường hợp BN có bướu máu trong gan và lại là bướu máu hóa vôi khi gặp tia chiếu tới làm vỡ. Để xác định chỉ cần là citi scan... để xác định cho đúng.
Biến chứng có thể chấp nhận được?
Trước khi làm thủ thuật cho BN D, BV Hoàn Mỹ 2 cho biết đã làm các xét nghiệm: X-quang, niệu đồ, siêu âm, chụp citi... xác định sỏi thận 13 ly và ở vị trí trong đài bể thận. Có chỉ định tán được. Và tất cả các thông số về BN là bình thường về huyết áp, tim mạch, máu... Thời gian tán cho BN, ông Kiệt cho hay là 50 phút. Với tần số áp dụng 70-80 lần/phút. Shock xung động là 3000. Với câu hỏi của PV liệu tán sỏi như vậy có ảnh hưởng gì tới gan hay thận BN không thì ông Kiệt khẳng định “như đinh đóng cột” là không ảnh hưởng gì tới sau này nhưng lại có “hứa” rằng sẽ cam kết với gia đình BN bằng văn bản rằng nếu sau này BN gặp di chứng trên gan thì BV sẽ lo liệu hết.
Tất cả những điều BV muốn diễn giải làm cho người ta hiểu đây là một vụ... biến chứng ngoài ý muốn và phía BV cũng luôn bày tỏ thiện ý hỗ trợ về mặt kinh tế cho BN trong điều trị trước mắt và di chứng nếu có sau này. Nhưng có thực sự đây là một ca biến chứng ngoài ý muốn hay là một sơ suất trong chuyên môn. TS Phạm Văn Bùi cũng cho biết: “Cái tôi lo ngại nhất trong ngành y của ta bây giờ là máy móc có tiền là mua được nhưng cơ bản là tay nghề chuyên môn. Sử dụng máy móc cho đúng chỉ định, đúng cách lại là vấn đề khác...”.
Các trường hợp chống chỉ định tán sỏi thận nữa là sỏi quá lớn vẫn có thể tán được nhưng thường phải phối hợp với phương pháp khác như lấy sỏi qua da... Hoặc đang có nhiễm trùng niệu, đang có những bệnh nội khoa chống chỉ định tán (rối loạn đông máu, cao huyết áp). Những bệnh lý dị dạng qua thận niệu chưa được điều trị mà đã tán thì rất nguy hiểm. Một yếu tố cần chú ý nữa là trong trường hợp của BN D có tụ máu ở gan thì cũng có thể nghĩ tới tình huống có một rối loạn đông máu.
Theo ông Bùi cần thiết lập một hội đồng khoa học để lý giải về trường hợp này. Kết luận của hội đồng khoa học sẽ giải tỏa được những lo lắng của dư luận xung quanh vụ việc. Trong đó cần lý giải rõ nguyên nhân gì khiến BN Dcó tổn thương gan trầm trọng như vậy. Có thể do trong các bước xét nghiệm, đã không kiểm tra các bộ phận nội tạng liên quan. Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Châu cho biết, cho tới nay vẫn chưa nhận được báo cáo từ phía Bệnh viện Hoàn Mỹ 2 nhưng sẽ cho kiểm tra và có hướng chỉ đạo