Chuyện “sâu” trong làng báo
- Bắt nhóm phóng viên cưỡng đoạt tiền ở Hải Phòng
- 2 phóng viên bị thu hồi thẻ nhà báo
- Một Phó tổng biên tập bị thu hồi thẻ nhà báo
Nghi án nhà báo đe dọa tống tiền
17 giờ 10 phút ngày 24-03-2017, lực lượng Công an Hình sự quận Hồng Bàng, Hải Phòng đã bắt quả tang Phan Thành Long, 26 tuổi, là nhân viên báo Kinh doanh và Pháp luật đang nhận tiền từ tay của một phụ nữ được cho là nạn nhân của vụ tống tiền.
Người phụ nữ tên Đào Thị Đài, là một doanh nhân, cư ngụ ở Máy Tơ, Ngô Quyền, Hải Phòng tố rằng, Phan Thành Long đã đe dọa để tống tiền bà. Bà tường trình rằng, Phan Thành Long cùng Phạm Văn Tân (sinh năm 1990, cư ngụ Trường Thọ, An Lão, Hải Phòng) đã tìm gặp bà, xưng là nhà báo được cơ quan văn phòng đại diện báo Kinh doanh & Pháp luật cử đi tìm hiểu về những sai phạm trong kinh doanh của bà.
Sau khi dọa đăng tải những thông tin gây bất lợi cho việc kinh doanh của bà trên báo Kinh doanh & Pháp luật, Long và Tân chủ động đề nghị bà nộp tiền sẽ được bỏ qua. Bà Đài hẹn gặp Long để chung chi tiền. Khi Long đang nhận tiền thì bị lực lượng trinh sát bắt quả tang. Ngay sau đó, Tân cũng bị bắt.
Theo thông tin công bố trên cổng thông tin điện tử TP Hải Phòng thì, ngay sau khi bị bắt, Phan Thành Long và Phạm Văn Tân đã khai làm theo sự chỉ đạo của Phan Văn Thương (sinh năm 1974, ở Tổ 31, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân) là Trưởng văn phòng đại diện báo Kinh doanh & Pháp luật tại Hải Phòng.
Phan Văn Thương. (Ảnh: nguoilaodong.com.vn). |
Khi lực lượng chức năng khám xét khẩn cấp nơi ở và nơi làm việc của Phan Văn Thương đã thu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi hình sự.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo báo Kinh doanh & Pháp luật lên tiếng: "...Chúng tôi coi đây là một vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng làm vẩn đục môi trường báo chí cách mạng cần phải vạch trần và xử lý nghiêm để làm gương. Quan điểm của Ban biên tập không dung túng, bao che, ủng hộ... đối với những hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật của bất kỳ cá nhân, phóng viên nào. Qua vụ việc vừa xảy ra, Ban Biên tập sẽ chủ động rà soát, đánh giá đạo đức, phẩm chất, năng lực cán bộ phóng viên của báo; nhất là các phóng viên đang công tác tại các văn phòng đại diện ở địa phương.
Hành vi của nhóm phóng viên và cộng tác viên của Văn phòng Đại diện báo tại TP. Hải Phòng, chúng tôi xác định đây là những việc làm đã vi phạm quy chế của tòa soạn và không phù hợp với tôn chỉ, mục đích và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, làm ảnh hưởng đến những người làm báo chân chính.
Ban Biên tập báo Kinh doanh và Pháp luật rất mong được sự hợp tác cùng cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ hành vi vi phạm của những người này, coi đó là bài học trong việc tuyển chọn, quản lý và giáo dục cán bộ, phóng viên, đặc biệt là số cán bộ phóng viên công tác tại các văn phòng đại diện, thường trú ở các địa phương.
Chúng tôi rất mong được độc giả của báo hiểu và chia sẻ về sự việc này. Ban biên tập sẽ cố gắng phục vụ độc giả tốt hơn nữa trong thời gian tới".
Nghi án nhà báo nhận chạy án “phóng thích bị can”
Đêm 25-03-2017, căn cứ vào trình báo của một phụ nữ được cho là nạn nhân, trinh sát hình sự Công an quận phối hợp cùng Công an phường 8 trực thuộc bố trí đội hình mai phục bắt nóng một người đàn ông tên T. - tự xưng là nhà báo - có nhiều dấu hiệu lừa đảo chạy án hình sự. Khi đưa về trụ sở cơ quan điều tra Công an quận Phú Nhuận để lấy lời khai, người đàn ông này cương quyết im lặng. Hiện các điều tra viên vẫn đang đấu tranh khai thác lời khai từ người đàn ông tự xưng nhà báo này.
Nữ nạn nhân trình bày rằng, chồng bà và 2 em trai của bà là nghi can của một vụ ẩu đả bằng hung khí xảy ra vào ngày 5-06-2016 tại bệnh viện Quốc Anh. Vụ ẩu đả có nhiều yếu tố hình sự nên chồng và 2 em của bà bị các cơ quan thực thi pháp luật của quận Bình Tân tạm giam để thực hiện các biện pháp truy tố.
Những mẫu "thẻ phóng viên" sai quy định, quy chuẩn được cấp cho những đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật. |
Giữa lúc rối bời tâm trí thì có một người tự xưng tên T., làm việc ở văn phòng đại diện báo Bảo vệ Pháp luật tại TP Hồ Chí Minh, tìm gặp bà để lấy thông tin vụ án. Trong lúc trao đổi thông tin, người đàn ông tên T. gợi ý rằng, chồng và 2 em trai của bà có nhiều yếu tố thoát tội nếu được "bổn báo" can thiệp sẽ "trắng án" và được phóng thích trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, muốn "bổn báo" can thiệp, bà phải chấp nhận chung chi 100 triệu đồng.
Cũng theo tường trình của nạn nhân, người đàn ông tên T còn hướng dẫn bà đến văn phòng đại diện của báo Bảo vệ Pháp luật trên đường Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận để gặp một người tên Th., được giới thiệu là Trưởng Văn phòng đại diện.
Tại đây, Th. cũng khẳng định sẽ giúp chồng bà và 2 em trai được phóng thích khỏi trại tạm giam Công an Bình Tân trong vòng 1 tháng nếu bà đồng ý nộp "các khoản lệ phí" 100 triệu đồng. Bà còn được yêu cầu viết đơn cầu cứu gởi đến báo Bảo vệ Pháp luật để "đúng trình tự thủ tục" - theo lời giải thích của ông T.. Tin vào lời hứa của Th. và T., bà giao khoản tiền 100 triệu đồng và chờ đợi.
Hết 1 tháng, thấy chồng và em vẫn chưa được phóng thích. Bà liên tục nhắc nhở thì Th. hứa chắc là người thân của bà khi ra tòa sẽ được hưởng án treo hay thời hạn phạt tù bằng thời hạn tạm giam, sẽ được thả tại tòa.
Thế nhưng phiên tòa kết thúc ngày 16-03-2017, chồng và em trai của bà vẫn nhận án phạt tù từ 6 năm đến 8 năm 6 tháng.
Biết đã bị lừa, bà hẹn gặp lại T., tiếp tục đặt vấn đề "gỡ án" cho 3 người thân trong phiên xét xử phúc thẩm sắp tới. T. viện lý do "án khó", đề nghị bà chung thêm 500 triệu đồng. Nếu đồng ý mức giá đó thì gặp nhau. Đêm 25-03-2017, bà và T. gặp nhau.
Lần này bà yêu cầu T. viết biên nhận đã nhận 100 triệu đồng trước và cam kết sẽ đưa tiếp 500 triệu đồng. Công an bất ngờ xuất hiện và mời cả 2 về trụ sở Công an phường 8, Phú Nhuận sau đó được chuyển giao cho đội Hình sự Công an quận Phú Nhuận.
Nhằm làm rõ nghi án, Công an đã tìm Th nhưng Th đã rời trụ sở làm việc đi Hà Nội khẩn cấp.
Nguồn tin mới nhất cho biết, ông Phạm Xuân Chiến - Tổng Biên tập báo Bảo vệ Pháp luật - đã nhận được báo cáo giải trình của ông Nguyễn Quốc Thiều - Trưởng văn phòng đại diện báo Bảo vệ Pháp luật tại Tp Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo giải trình thì ông Thiều phủ nhận mình liên quan đến nội dung tố cáo của nữ nạn nhân và cho rằng những bằng chứng của nạn nhân đưa ra là giả mạo. Ngoài ra ông Thiều còn khẳng định người đàn ông tên T đang bị Công an quận Phú Nhuận tạm giữ không phải là phóng viên hoặc cộng tác viên của báo Bảo vệ Pháp luật.
Những kẻ “khệnh khạng”?
Những vụ án liên quan đến hành vi đe dọa tống tiền, chạy án liên quan đến người viết báo không chỉ mới xảy thời gian gần đây. Hầu như năm nào cũng có vài vụ.
Cuối năm 2016, phiên tòa được xét xử công khai tại huyện Yên Thành, Nghệ An cũng liên quan đến 3 nhân vật là phóng viên, cộng tác viên của báo Bảo vệ Pháp luật có hành vi tống tiền doanh nghiệp.
Phiên tòa xét xử Nguyễn Gia Th. và đồng phạm. |
Vào cuối tháng 3-2016, Nguyễn Gia Th. là cộng tác viên của báo Bảo vệ Pháp luật phát hiện một vài doanh nghiệp khai thác khoáng sản trái phép ở xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Sau khi thu thập chứng cứ, Nguyễn Gia T.h chấp bút viết một loạt phóng sự "Quỳ Hợp, Nghệ An: Bất chấp luật, doanh nghiệp vẫn vô tư xẻ thịt tài nguyên".
Trong bài viết, Nguyễn Gia Th. nêu đích danh một doanh nghiệp vi phạm do ông Nguyễn Cao Ch. làm chủ. Sau khi hoàn tất một kỳ, Th gởi bài cho Bùi Văn T. (là phóng viên của báo Bảo vệ Pháp luật) để biên tập rồi gởi cho ban biên tập. Bài được duyệt và đăng tải trên số báo phát hành vào cuối tháng 3-2016.
Sau khi báo phát hành, Nguyễn Gia Th. nhận được cuộc điện thoại của một người tên Nguyễn Cao Ch là giám đốc một hợp tác xã có liên quan đến việc khai thác khoáng sản bị nêu trong loạt phóng sự. Người này xin thương lượng Nguyễn Gia Th. đừng viết tiếp phóng sự. Nguyễn Gia Th. từ chối thương lượng.
Bị từ chối thương lượng, ông Nguyễn Cao Ch. nhờ Phan Văn Q., cũng là cộng tác viên của báo Bảo vệ Pháp luật, giúp ông gặp trực tiếp Nguyễn Gia Th.. Tại cuộc gặp này, Nguyễn Gia Th. đồng ý dừng bài nếu ông Nguyễn Cao C. chấp nhận chung chi 50 triệu đồng để "cúng cho sếp".
Ngày 1-4-2016, khi Nguyễn Gia Th. vừa đưa tay nhận tiền từ Nguyễn Cao Ch thì bị Công an huyện Yên Thành bắt quả tang.
Nguyễn Gia Th. nhận hình phạt 16 tháng tù; Phan Văn Q. nhận 14 tháng tù giam và Bùi Văn T. nhận 12 tháng tù treo.
Liên tục trong hơn 5 năm, thỉnh thoảng lại xuất hiện một vụ án, vụ việc tương tự có liên quan đến cộng tác viên báo chí.
Đa số những vụ việc đó, các đối tượng cộng tác viên đều có giấy giới thiệu hoặc được cấp một loại thẻ giống như thẻ nhà báo.
Trong những giấy giới thiệu đó, mặc dù cấp cho cộng tác viên khai thác quảng cáo nhưng một số báo ghi rõ chức danh là phóng viên có nhiệm vụ "điều tra viết bài". Đó là sơ hở, tạo điều kiện cho những đối tượng xấu nhũng nhiễu, tạo áp lực để ký hợp đồng quảng cáo hoặc tệ hơn, đe dọa đăng bài bêu xấu để tống tiền.
Ngoài ra, một số cơ quan báo chí lại tự in một mẫu "thẻ phóng viên" giống như thẻ nhà báo. Đó là việc làm trái qui định.
Theo qui chuẩn, một phóng viên có thời gian làm việc tại một cơ quan báo chí liên tục 3 năm và được lãnh đạo cơ quan báo chí xác nhận mới được Bộ Thông tin Truyền thông cấp thẻ nhà báo.
Việc tạo mẫu thẻ trái qui định, qui chuẩn của một số tờ báo cũng tạo điều kiện cho những đối tượng xấu lợi dụng danh nghĩa báo chí làm chuyện sai trái, gây ảnh hưởng đến uy tính chung của nghề báo.
Báo chí là một nghề đặc thù, được hưởng một số quy chế ưu tiên khi tác nghiệp. Lợi dụng điều đó, một số đối tượng xấu tự in ấn, giả mạo giấy tờ, xưng danh nhà báo để gây án lừa đảo. Đã từng có nhiều trường hợp giả mạo nhà báo bị lực lượng chức năng phát hiện. Thậm chí có kẻ là đối tượng hình sự chuyên giả danh nhà báo để đến các cuộc họp báo nhận phong bì.
Vì vậy, việc điều tra làm rõ nghi án "phóng thích bị can" liên quan đến văn phòng đại diện báo Bảo vệ Pháp luật cần được các cơ quan chức năng điều tra sớm làm rõ và xử lý thích đáng để minh oan danh dự cho những nhà báo chân chính.