Đấu tranh ngăn chặn nạn mua bán bào thai
- Giải cứu 3 bà bầu chuẩn bị ra nước ngoài bán bào thai
- Nhức nhối mua, bán bào thai qua biên giới
- Truy tố "mẹ mìn' dụ dỗ phụ nữ sang Trung Quốc bán bào thai
Nhiều đường dây tổ chức mang thai hộ, bán con
Trung tuần tháng 9/2020, Cơ quan CSĐT Công an TP Vinh (Nghệ An) đã triệt xóa thành công đường dây đưa người trái phép ra nước ngoài. Qua đó, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 chị em ruột Uông Thị Trang (sinh năm 1989), trú tại xã Hưng Lộc, TP Vinh và Uông Thị Mai (sinh năm 1993) trú tại phường Trung Lương, TX Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh về tội danh "Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép".
Trước đó, Công an TP Vinh phát hiện qua mạng xã hội facebook có một số đối tượng lập nên các fanpage (trang) kêu gọi, lôi kéo, dụ dỗ phụ nữ xuất cảnh trái phép, trốn sang Trung Quốc, Campuchia để mang thai hộ với mục đích thương mại và buôn bán bào thai nhằm trục lợi. Sau khi xác minh nguồn tin, nhận định đây là đường dây có tổ chức, hoạt động khá kín kẽ, tinh vi trên phạm vi rộng nên Cơ quan CSĐT Công an TP Vinh đã xác lập chuyên án để đấu tranh, triệt xóa.
Hai chị em ruột bị bắt vì tổ chức cho hơn 20 phụ nữ vượt biên bán bào thai. |
Đối tượng Uông Thị Trang chính là người đứng sau các fanpage. Thủ đoạn của Trang là lên mạng xã hội lập ra các nhóm kín, hoặc nhóm công khai viết bài, đăng tải thông tin tìm kiếm việc làm cho thiếu nữ, phụ nữ… nhằm thu hút người đọc. Từ đó, tìm kiếm những phụ nữ có nhu cầu việc làm để dụ dỗ trở thành "con mồi" cho chúng thực hiện hành vi phạm tội.
Tìm hiểu sâu hơn về nhân thân người phụ nữ này, được biết vào đầu năm 2019, Uông Thị Trang sang Trung Quốc để tìm kiếm việc làm và tại đây, cô ta từng mang thai hộ cho một người bản địa, sau đó bán con để lấy một số tiền lớn, nhờ vậy Trang có các mối quan hệ sâu hơn với những đối tượng chuyên hoạt động trong lĩnh vực này.
Sau một thời gian củng cố chứng cứ, bám sát di biến động của đối tượng, rạng sáng 16-9, tại bến xe phía Đông TP Vinh, Ban chuyên án đã bắt quả tang đối tượng Uông Thị Mai, là em gái của Trang khi người này đang đưa một phụ nữ trú tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương lên xe khách tuyến Nghệ An - Cao Bằng chuẩn bị vượt biên sang Trung Quốc để tiến hành cấy phôi thai. Cùng thời điểm, Uông Thị Trang đã bị một tổ công tác khác bắt giữ tại nhà riêng.
Tại cơ quan điều tra, Uông Thị Trang khai nhận: Sau khi từ Trung Quốc trở về, Trang đã lên mạng xã hội facebook, zalo, wechat... thành lập nhóm "Mth", "Mang thai hộ", "MTH7" và cấu kết với em gái mình là Uông Thị Mai để tìm và tuyển chọn những người phụ nữ khỏe mạnh, không có công ăn việc làm, cần tiền để đưa sang Trung Quốc mang thai hộ và buôn bán bào thai để kiếm lời.
Những người này sẽ được Trang, Mai cấu kết với một số đối tượng ở Hà Nội, Cao Bằng đưa sang Campuchia rồi vào Trung Quốc hoặc qua các đường tiểu ngạch ở Cao Bằng vào thẳng Trung Quốc cấy phôi thai rồi đưa về Việt Nam dưỡng thai, sau đó, đưa sang Trung Quốc để sinh con và giao con.
Những phụ nữ bán bào thai được giải cứu trở về địa phương. |
Mỗi phụ nữ mang thai và sinh con thành công sẽ được trả số tiền từ 330 - 350 triệu đồng. Mỗi phi vụ trót lọt, hai chị em Mai và Trang sẽ nhận thù lao từ 20 - 30 triệu đồng. Với thủ đoạn này, từ đầu năm 2020 đến nay, đường dây này đã tổ chức cho hơn 20 người vượt biên trái phép sang Trung Quốc để mang thai hộ và hưởng lợi bất chính với số tiền hơn 500 triệu đồng.
Trước đó, vào đầu tháng 5-2020, Công an huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cũng đã triệt xóa thành công đường dây đưa phụ nữ mang thai qua Trung Quốc sinh con rồi đem bán cho người bản địa. Đối tượng cầm đầu đường dây này là Trương Đình Thi (sinh năm 1972) trú tại xóm Đột Vả, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp.
Thi là đối tượng từng có tiền án về tội "Chứa chấp mại dâm", nằm trong diện theo dõi của cơ quan Công an. Thủ đoạn của người đàn ông này là lên mạng xã hội, tìm kiếm những người phụ nữ lỡ làng, trắc trở trong tình duyên, bị người yêu phụ rẫy. Sau đó, cũng thông qua mạng xã hội, Thi tìm kiếm đối tác có nhu cầu về con nuôi để gạ bán. Tìm được mối bán, Trương Đình Thi bắt mối trò chuyện, lôi kéo những phụ nữ này nuôi thai để bán cho người Trung Quốc với giá tiền tùy thuộc vào thai nam hay thai nữ.
Với thủ đoạn này, Thi đã rủ rê, lôi kéo được 3 phụ nữ, gồm: Lê Thị Ngọc K. (sinh năm 1994) trú tại xóm Vĩnh Quới, xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang; Nguyễn Như H. (sinh năm 1982) trú tại thôn 18B, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk và Phạm Thị Thu H. (sinh năm 1997) trú tại số 29/141 Phan Đình Phùng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định.
Những người này đều đang mang thai từ 3 - 7 tháng tuổi, được Thi đưa về Nghệ An, nuôi ăn ở trong một nhà nghỉ trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (Nghệ An).
Đêm 25/5/2020, khi đang đưa 3 người phụ nữ này ra Hà Nội để lên biên giới vượt biên sinh con, đối tượng Trương Đình Thi đã bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳ Hợp phát hiện. Thi đã bị bắt tạm giam, khởi tố về tội danh "đưa người ra nước ngoài trái phép". Riêng 3 phụ nữ được giải cứu, Công an huyện Quỳ Hợp đã trao trả về cho chính quyền địa phương nơi cư trú.
Vẫn luôn nhức nhối
Thực tế cho thấy, kể từ khi vấn nạn phụ nữ mang thai vượt biên trái phép qua bên kia biên giới sinh con rồi bán cho người Trung Quốc bị phát hiện, phanh phui đến nay, đã gần 2 năm, nhưng sự việc vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, dù cơ quan chức năng đã có rất nhiều biện pháp, giải pháp. Vì nhận thức hạn chế và vì lợi nhuận trước mắt, không ít phụ nữ đã nhắm mắt đưa chân, một số đối tượng đục nước béo cò, biết là phạm pháp nhưng vẫn tham gia môi giới, dẫn dắt để trục lợi bất chính.
Đối với các vụ việc dụ dỗ phụ nữ mang thai sang Trung Quốc sinh con đem bán, bản chất của hành vi là "mua bán trẻ em", nhưng do không giải cứu được nạn nhân (cháu bé) và không có tài liệu, căn cứ nào xác định được mẹ nạn nhân đi Trung Quốc (chỉ có lời khai của mẹ nạn nhân và lời khai của đối tượng), nên việc điều tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn.
Chị Xeo Thị T. (sinh năm 1984), trú tại bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), một trong những nạn nhân may mắn giữ lại được mạng sống để trở về địa phương sau khi sang Trung Quốc tham gia vào đường dây mua bán bào thai, hiện đã ổn định về sức khỏe và tâm lý.
Một đối tượng ở xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) bị bắt vì tham gia mua bán bào thai. |
Trước đó, vào tháng 9/2019, khi đang bụng mang dạ chửa, đi trên chuyến xe "chui" cùng 5 phụ nữ khác đến địa điểm tập kết để chờ sinh đẻ rồi bán con, chị T. cùng những người này gặp tai nạn, khiến 1 người tử vong, 4 người còn lại bị thương nặng. Vụ tai nạn giao thông này xảy ra ở xã Dương Cao, huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Chị T. cùng gia đình thậm chí còn mất một khoản tiền lớn để nhờ người "chạy" tìm cách đưa về Việt Nam, song tiền mất tật mang.
Vụ việc chỉ được giải quyết khi Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An và Tổ chức Bảo vệ trẻ em Rồng Xanh vào cuộc, giải cứu thành công chị T. cùng 3 phụ nữ khác trong vụ tai nạn này về tới huyện Kỳ Sơn để bàn giao cho gia đình.
"Ân hận lắm rồi", là câu nói mà chị T. lặp lại rất nhiều lần khi trò chuyện với chúng tôi. Theo người phụ nữ này, không chỉ trực tiếp đi bán con, chị T. còn rủ thêm người hàng xóm là chị Moong Thị L. (sinh năm 1986), khiến chị này phải bỏ mạng. Lúc đó, chị L. đang mang thai tháng thứ 8.
Trần tình cho việc làm của mình, chị T. cho rằng do không hiểu biết pháp luật, không biết như vậy là phạm pháp. Quan trọng hơn, do cuộc sống gia đình quá khó khăn, hai vợ chồng không có việc làm, nuôi 4 đứa con nhỏ, áp lực cuộc sống ngày càng lớn khiến người phụ nữ này "hoa mắt" khi người khác đưa ra lời đề nghị với số tiền lớn, quá hấp dẫn nên đã nhắm mắt đưa chân.
Hoàn cảnh của chị Xeo Thị T. cũng là thực trạng chung của những người phụ nữ ở miền Tây xứ Nghệ, tham gia vào các đường dây mang thai, qua biên giới bán con để kiếm tiền. Cuộc sống khó khăn, nhận thức hạn chế đã trở thành điểm yếu để các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo và trục lợi.
Thực tế cho thấy, số tiền mà họ nhận được rất ít ỏi so với số tiền giao dịch bán trẻ sơ sinh với người bản địa. Đây chính là nguyên nhân khiến cho nhiều đối tượng - biết là vi phạm pháp luật - nhưng vẫn tìm đủ mọi cách để tham gia điều hành đường dây này. Đối tượng không chỉ là những người phụ nữ dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An, mà thời gian gần đây còn mở rộng phạm vi ra khắp các địa phương trong cả nước, nhằm vào những phụ nữ lỡ làng, bị phụ rẫy hoặc gặp những trắc trở trong chuyện tình duyên.
Kỳ Sơn là một trong những "tâm điểm" của tệ nạn mua bán người, mua bán bào thai từ trước đến nay, Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết: Từ khi các vụ việc mua bán bào thai được phát hiện xuất hiện trên địa bàn, một mặt Công an Kỳ Sơn đã đấu tranh, xử lý nghiêm minh các đối tượng có hành vi phạm pháp, mặt khác nâng cao công tác tuyên truyền, quản lý các nạn nhân để không tái phạm. Thậm chí, nhiều tháng nay Công an Kỳ Sơn đã lập danh sách những người phụ nữ mang thai để đưa vào diện quản lý đặc biệt.
Theo Thượng tá Hậu, đây là một trong những biện pháp mà Công an huyện Kỳ Sơn triển khai từ đầu năm nay để phòng ngừa tình trạng mua bán bào thai xảy ra ở địa phương này. Sau khi có danh sách, công an xã có trách nhiệm chia từng người, từng bản để quản lý. Mỗi đồng chí công an xã (chính quy) được giao phụ trách quản lý từng phụ nữ mang thai, ít nhất mỗi tuần phải gặp trực tiếp 2 lần. Quá trình đến gặp phải mặc trang phục công an, vào tận nhà và nhìn thấy bà bầu vẫn còn ở đó thì mới yên tâm trở về để báo cáo.
Quản lý chặt chẽ như vậy, nhưng vẫn có những trường hợp "lách" được, tinh vi hơn khi trốn khỏi địa phương, tạm trú ở nơi khác để mang thai, sau đó vượt biên trái phép sang Trung Quốc bán con rồi mới trở về. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán người, mua bán bào thai vẫn luôn nóng bỏng ở các huyện miền núi, biên giới ở miền Tây xứ Nghệ.
Số liệu thống kê đến ngày 30/9/2020 cho thấy, từ đầu năm đến nay, Công an Nghệ An đã triệt phá thành công 15 vụ mua bán người, trong đó 4 phụ nữ bị khởi tố về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép với mục đích bán bào thai. Trung tá Hoàng Nghĩa Tú, Phó trưởng Công an huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho rằng, hiện nay chế tài xử lý đối với đối tượng có hành vi mua bán bào thai đang còn kẽ hở, pháp luật chưa quy định cụ thể về hình phạt đối với tội danh này nên rất khó để ngăn chặn triệt để. Trong khi chưa có chế tài, thì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân vẫn là biện pháp ngăn chặn hiệu quả nhất mà cơ quan chức năng đang thực hiện. Tuy nhiên, thực tế có không ít phụ nữ tham gia vào việc mua bán bào thai, thậm chí nhiều lần nhưng lại không hợp tác với chính quyền và cơ quan hữu quan, khiến tình hình càng thêm phức tạp, khó ngăn ngừa triệt để, dẫn đến việc xử lý còn khá nhiều vướng mắc. |