Điều tra xâm hại trẻ em - lời kể từ người trong cuộc

Thứ Tư, 24/04/2019, 15:40
Thời gian qua, dư luận tại một số thành phố lớn nói riêng, cả nước nói chung sôi sục về các vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã vào cuộc với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và khẳng định “không có vùng cấm”.

Tuy nhiên, công tác điều tra xử lý các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em luôn có nhiều khó khăn, vướng mắc mà chỉ những người trong cuộc mới biết...

1. Ngày 21-4 Cơ quan CSĐT Công an quận 4 TP Hồ Chí Minh đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Hữu Linh (sinh năm 1958, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng, vừa nghỉ hưu năm 2018) về hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Ngày 22-4, viện kiểm sát nhân dân đồng cấp đã phê chuẩn các lệnh này.

Trước đó, ngày 8-4 Công an quận Thanh Xuân nhận được tin báo về việc tối 4-4, có hai bé gái 4 tuổi và 10 tuổi ở phường Khương Trung bị một đối tượng lạ mặt sàm sỡ trong ngõ vắng. Tiếp nhận tin báo, lực lượng điều tra đã khẩn trương vào cuộc, xác minh, rà soát đối tượng.

Đối tượng Nguyễn Đình Phúc bị khởi tố vì dâm ô bé gái ở Hà Nội.

Cho đến ngày 12-4 Công an quận Thanh Xuân đã xác định nghi can Nguyễn Đình Phúc (sinh năm 1978, trú tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) có liên quan đến vụ việc và tiến hành triệu tập đối tượng để làm rõ.

Tại cơ quan điều tra, Phúc thành khẩn khai nhận: Chiều 4-4, Phúc uống bia ở khu vực Đầm Hồng, quận Thanh Xuân. Sau khi đã ngà ngà say, Phúc điều khiển xe máy không biển kiểm soát đi đổ xăng rồi về khu vực phường Khương Trung. Đến đầu ngõ 132 phố Khương Trung, trông thấy 2 bé gái đang đi bộ, Phúc liền nảy ý đồ xấu.

Anh ta đi xe máy vào ngõ rồi đứng đợi 2 bé gái. Vờ nói đang đi tìm bạn trong ngõ, Phúc nhờ 2 bé chỉ đường. Khi đi vào ngõ tối, vắng vẻ, Phúc đã dùng tay thực hiện hành vi bậy bạ đối với bé gái lớn. Hoảng sợ, bé gạt tay Phúc và gào khóc. Đối tượng Phúc đã lên xe máy bỏ chạy.

Ngày 21-4, Cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Đình Phúc về hành vi dâm ô người dưới 16 tuổi.

Mặc dù các đối tượng có hành vi xâm hại tình dục trẻ em sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật, song quá trình tố tụng còn nhiều việc phải làm. Bởi, trên thực tế, quá trình điều tra những vụ án xâm hại tình dục trẻ em luôn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Một buổi ngoại khóa hướng dẫn kĩ năng chống xâm hại trẻ em cho học sinh tại quận Hà Đông, Hà Nội.

2. Theo một điều tra viên Đội Điều tra án rõ, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, từ khi tiếp nhận thông tin của bị hại tố cáo hành vi xâm hại cho đến khi ra được bản kết luận điều tra, chuyển viện kiểm sát để ra cáo trạng truy tố đối tượng là một quá trình không hề đơn giản.

Đơn cử năm 2016, tại huyện B. (Hà Nội) xảy ra vụ xâm hại tình dục một bé gái hơn 2 tuổi. Nghi can là người đàn ông hơn 70 tuổi. Sau khi nhận được đơn tố cáo của gia đình bị hại, các điều tra viên vào cuộc. Do người nhà nạn nhân không nắm rõ pháp luật nên đưa cháu bé đi giám định thương tích muộn, những dấu vết xâm hại không rõ ràng.

Bên cạnh đó, nghi can tuổi cao sức yếu, mỗi lần được gọi lên cơ quan điều tra đều thoái thác, thậm chí có hồ sơ chữa bệnh của bệnh viện khiến cho quá trình điều tra bị trì hoãn.

Ngoài ra, sau khi điều tra viên đã thu thập được đủ chứng cứ, lời khai... thể hiện bản chất của vụ việc để chuyển sang viện kiểm sát đồng cấp phê chuẩn lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi “Hiếp dâm trẻ em” thì viện lại chưa đồng ý. Lý do là có thông tin đối tượng không còn khả năng sinh hoạt tình dục từ nhiều năm trước nên không thể có hành vi cấu thành tội phạm.

Từ lý do này, viện kiểm sát yêu cầu cơ quan điều tra phải tiến hành trưng cầu Viện Khoa học hình sự giám định xem đối tượng có còn khả năng tình dục hay không. Ngoài ra, trong quá trình tố tụng còn nhiều tình huống khách quan, ảnh hưởng đến thời gian để củng cố lời khai, chứng cứ...

Theo Trung tá Vũ Văn Bình, điều tra viên Đội Hướng dẫn và điều tra tội phạm có yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, mục tiêu là bằng mọi biện pháp làm sáng tỏ các vụ án nhưng quá trình điều tra tội phạm xâm hại tình dục trẻ em luôn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt đối với trẻ em nam thì lại càng nhiều cản trở.

Trung tá Bình nhớ lại, cuối năm 2017 anh được giao nhiệm vụ truy tìm một đối tượng người nước ngoài chuyên tìm các bé trai để thực hiện hành vi đê tiện. Hắn là Roman Zmajkovic, quốc tịch Slovakia. Đây là một trong những đối tượng chuyên “săn” các bé trai để dụ dỗ, làm trò “người lớn” với các cháu.

Dù quyết tâm là vậy, song để có thể bắt quả tang đối tượng lại là điều không đơn giản. Theo quan niệm, một bộ phận cán bộ hiện công tác tại cơ quan chức năng vẫn cho rằng bị hại của các vụ xâm hại tình dục là các bé gái, hiếm có bị hại là bé trai. Nếu không đủ chứng cứ hoặc chứng cứ còn “non” thì rất khó thuyết phục. Chính vì thế, bắt quả tang là điều kiện tiên quyết để chứng minh được tội của đối tượng, cũng như thuyết phục các cơ quan tố tụng.

Đồng thời, đối tượng trong vụ án này lại là người nước ngoài nên công tác điều tra càng phải được thực hiện một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng. Bởi nếu không sẽ ảnh hưởng đến công tác ngoại giao. Bên cạnh đó đối tượng cũng đủ kiến thức pháp luật để biết rằng, chỉ cần một lần sơ sẩy là gã sẽ phải trả giá đắt. Chính vì thế, gã giở mọi mánh khóe tinh vi đã học được ở nhiều quốc gia khác để mang ra đối phó trên đất Việt Nam.

Đối tượng này thường xuyên thay đổi địa chỉ nơi ở và nơi “hành sự”. Thỉnh thoảng hắn cũng tìm đến những đối tượng trên 18 tuổi để quan hệ... Thêm một khó khăn nữa cho cơ quan điều tra là một số bị hại bị mua chuộc, vì những món lợi nhỏ nên không hợp tác với Cơ quan công an.

Đầu tháng 5-2018, trinh sát hình sự phát hiện Zmajkovic có dấu hiệu hoạt động trở lại. Lập tức, một tấm lưới được giăng sẵn... Và đến ngày 4-5, Zmajkovic đã sa lưới pháp luật. Hắn bị bắt quả tang khi đang có hành vi xâm hại đối với một cháu bé tại khách sạn trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội.

Tháng 9-2018, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa bị cáo Roman Zmajkovic ra xét xử về tội “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi”. Tòa tuyên phạt Roman Zmaikovic 3 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố, hình phạt bổ sung là trục xuất khỏi Việt Nam sau khi thụ án xong.

Thượng tá Ngô Văn Đáp, nguyên điều tra viên Đội Điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự chia sẻ, trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em đa phần các bị hại đều phải có người giám hộ. Và người giám hộ thường lúng túng, nửa muốn hợp tác, nửa lại muốn giấu dẫn đến trình báo không trung thực. Thêm vào đó, không ít vụ việc đối tượng thường “đi đêm” với người giám hộ, để rồi khi Cơ quan công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ thì nhận được đơn... bãi nại từ bị hại!

Ngoài ra, có những vụ án mà cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định lại tuổi của bị hại mới có đủ cơ sở tiến hành các biện pháp tố tụng tiếp theo. Điều này cũng khiến cho thời gian thụ lý vụ án bị kéo dài.

Điển hình như vụ việc cách đây vài năm, đối tượng Benderman, quốc tịch Canada, đã có hành vi dâm ô với nhiều bé trai tại Hà Nội. Theo biên bản tự khai, các cháu đều dưới 16 tuổi nên đủ cơ sở để khởi tố điều tra. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra xác minh, điều tra viên phát hiện trong sổ hộ khẩu gia đình, giấy khai sinh, các giấy tờ, tài liệu khác... phát hiện mỗi giấy lại ghi năm sinh khác nhau. Chính vì thế, cơ quan tố tụng phải trưng cầu giám định tại Viện Khoa học hình sự để có được tuổi chính xác của những bé trai này.

Qua các biện pháp như đo xương, đo thời kỳ sinh lý mọc răng, sự mòn răng và rụng răng... đã xác định tuổi thật cho các bé. Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra đủ cơ sở kết luận Benderman đã phạm tội dâm ô trẻ em và sau đó bị tuyên phạt 4 năm tù giam.

Vụ án đối tượng Phạm Văn Hải (còn gọi là Tuấn “Phát”) hiếp dâm cháu T.T.G tại nhà nghỉ V.H 2, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, đối tượng nhất định không chịu khai nhận tội lỗi. Quá trình điều tra, cơ quan Công an có đủ tài liệu chứng cứ chứng minh trong một đêm Hải đã 2 lần xâm hại cháu G., khi đó cháu chưa đủ 13 tuổi. Bản thân Hải cũng khai nhận đã đưa cháu G. vào nhà nghỉ này, song hắn khẳng định chỉ vào để nói chuyện, tâm sự(!)

Thời điểm chuẩn bị phải đứng trước vành móng ngựa, Hải đã kịp nhắn gia đình mang tiền đến đưa cho người nhà bị hại để yêu cầu được bãi nại. Tuy nhiên, gia đình cháu G. đã khước từ. Hải sau đó đã bị tuyên 20 năm tù giam về tội “Hiếp dâm trẻ em”.

Đối tượng Nguyễn Hữu Linh đã bị khởi tố về hành vi Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

3. Theo số liệu từ Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, năm 2017 toàn quốc khởi tố 1.214 vụ, 1.156 bị can về các tội liên quan đến xâm hại trẻ em. Trong đó, tội dâm ô với trẻ em là 306 vụ, 280 bị can.

Năm 2018, viện kiểm sát đã phê chuẩn khởi tố 1.350 vụ, 1.311 bị can về các tội liên quan đến xâm hại trẻ em. Trong đó có 419 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi, 663 vụ giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Cũng trong năm 2018, viện kiểm sát các cấp truy tố 1.227 vụ, 1.314 bị can; thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm 1.213 vụ, 1.303 bị cáo về các tội có liên quan đến xâm hại trẻ em.

Theo một lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, công tác phòng chống nạn xâm hại tình dục trẻ em hiện đang còn những tồn tại, hạn chế là chưa xử lý được tất cả các vụ việc xâm hại trẻ em đã phát hiện hoặc những vụ này bị kéo dài thời gian giải quyết. Có nhiều trường hợp người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ tố giác muộn, không cung cấp đủ thông tin về tội phạm, dấu vết tội phạm không còn hoặc không đủ giá trị chứng minh. Ngoài ra, việc xác định tuổi của bị hại cũng gặp khó khăn do không đăng ký khai sinh, không có tài liệu xác định thời điểm sinh, kết quả giám định tuổi mâu thuẫn...

Lại có trường hợp, khi phát hiện hoặc tiếp nhận vụ việc không đúng thẩm quyền nhưng cấp cơ sở (xã/huyện) vẫn giữ xác minh, một thời gian sau mới chuyển lên cấp trên thì dấu hiệu tội phạm không còn hoặc chứng cứ không thể thu thập được, từ đó, kéo dài thời gian giải quyết hoặc không chứng minh được tội phạm.

Đặc biệt, trong các vụ xâm hại trẻ em, việc lấy lời khai ban đầu thường không khách quan, không chính xác, bị hại thay đổi lời khai, việc không có nhân chứng trực tiếp, bị hại còn nhỏ, bị nhiều người xâm hại... cũng gây khó khăn cho công tác điều tra. Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật còn chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau mà đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể.

Ví dụ, quy định của Bộ luật Hình sự về hành vi “dâm ô”, “quan hệ tình dục khác”..., dẫn đến khó khăn cho việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng... Điều mong muốn của các điều tra viên là người dân và nhất là người thân của các bị hại chủ động, nhanh chóng phối hợp với cơ quan điều tra để cung cấp, thu thập chứng cứ làm sáng tỏ vụ việc.

Yên Chi
.
.