Dựa vào đâu một số lãnh đạo VEAM tiêu tiền như “đốt lá rừng”?

Thứ Năm, 12/03/2020, 15:32
Hoạt động theo mô hình công ty MẸ - công ty con, với 24 thành viên, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM) có lãi khủng hàng năm đến từ các liên doanh góp vốn (với Honda, Toyota, Ford) và từ tiền lãi gửi ngân hàng.

Tuy nhiên, một số lãnh đạo có hành vi tham ô, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí đã khiến hàng nghìn tỉ đồng của VEAM “biến mất”. Cách sử dụng tiền như “đốt lá rừng” của những người có trách nhiệm tại VEAM khiến doanh nghiệp này sa lầy vào những dự án thua lỗ, thất thoát hàng trăm tỉ đồng.

Liên danh “gà đẻ trứng vàng” và lợi nhuận khủng của VEAM

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).

Đồng thời Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với các bị can Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang, nguyên Tổng giám đốc VEAM; Vũ Từ Công, Phó tổng giám đốc VEAM và Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty TNHH Máy kéo nông nghiệp; Vũ Quang Tâm, nguyên Phó Tổng giám đốc VEAM để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015. Các bị can Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Nhà máy ôtô Veam và  Trần Thị Thanh Tâm, cán bộ Nhà máy ôtô Veam bị khởi tố để điều tra về  tội “Tham ô tài sản”.

Veam có nguy cơ thất thoát hàng trăm tỉ đồng.

Theo kết quả điều tra ban đầu, những lãnh đạo VEAM bị khởi tố và bắt tạm giam có trách nhiệm liên quan đến những sai phạm ngàn tỉ.

Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM) là Công ty TNHH Nhà nước một thành viên, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, thuộc Bộ Công thương, thành lập ngày 12/5/1990.

Giai đoạn từ năm 2010- 2018, VEAM là doanh nghiệp có 88,47% vốn nhà nước với 24 công ty thành viên. Lĩnh vực hoạt động chính của VEAM là sản xuất các loại động cơ, máy nông nghiệp, sản xuất các loại linh kiện, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, chế tạo và lắp ráp ôtô - xe máy; vận chuyển hàng hóa...

Đặc biệt, VEAM đang nắm giữ 30% cổ phần tại Honda Việt Nam, 20% cổ phần tại Toyota Việt Nam và 25% cổ phần tại Ford Việt Nam. Mỗi năm VEAM nhận về hàng nghìn tỉ cổ tức từ các liên doanh này. VEAM là đơn vị kinh doanh có lãi, với tổng lợi nhuận trước thuế từ năm 2010 đến tháng 6/2018 lên tới trên 19.776 tỉ đồng.

Chiếu theo báo cáo tài chính hợp nhất, tính đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản của VEAM ở mức 31.044 tỷ đồng. Mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi, tuy nhiên thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda, Ford...) mang lại.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót.

Chi tiêu xả láng

Theo kết quả điều tra ban đầu, có khoản tiền mặt "nhàn rỗi" khá lớn, thay vì sử dụng vốn nhà nước hiệu quả, giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6/2018, một số lãnh đạo tại VEAM lại đi đầu tư, rót tiền vào các chi nhánh, công ty con.

Việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác kiểm tra, giám sát thiếu chặt chẽ đối với xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch tài chính hằng năm dẫn đến hoạt động của VEAM và một số đơn vị thành viên nhiều năm không hiệu quả, gây thất thoát vốn nhà nước, tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động kinh doanh. 

Việc quản lý sử dụng vốn tại một số đơn vị VEAM hoạt động thua lỗ, gây mất vốn chủ sở hữu như: Chi nhánh VEAM tại Bắc Kạn, Nhà máy ôtô VEAM (VM) kinh doanh trong giai đoạn 2010 - 6 tháng đầu năm 2018 gây mất vốn đầu tư của VEAM là hơn 331,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đến ngày 1/1/2018, Công ty TNHH Một thành viên Máy kéo và Máy nông nghiệp (TAMAC) đã mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và bị âm vốn hơn 36,1 tỷ đồng; Công ty Mê Linh thuộc Viện Công nghệ mất vốn 5,6 tỷ đồng; Công ty VEAM Korea mất vốn 208 triệu Won (tiền Hàn Quốc), trong đó, Tổng công ty VEAM mất vốn 185,4 triệu Won (tương đương hơn 3,7 tỷ đồng).

7 bị can nguyên là lãnh đạo VEAM bị khởi tố.

Trong đó, có việc gây thua lỗ lớn tại nhà máy ôtô VEAM (VM) ở Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Dự án được triển khai từ năm 2004 với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 600 tỉ đồng, bằng cách mua lại nhà máy cùng dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc với công suất thiết kế 30.000 xe tải và 3.000 xe khách/năm.

Tính đến 31/12/2018, tổng vốn đầu tư Tổng công ty VEAM chuyển cho dự án nhà máy ôtô này lên đến gần 2.000 tỉ đồng và lỗ lũy kế 343 tỉ đồng. Hàng tồn kho vào thời điểm này là 2.950 xe, gây thua lỗ nặng cho tổng công ty lên tới hơn 595,3 tỉ đồng. Chưa kể tình trạng mua sắm trang thiết bị, đầu tư dự án không hiệu quả, gây thiệt hại lên tới gần 40 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, với số tiền mà công ty mẹ liên tục rót vốn theo chỉ đạo của một số cá nhân lãnh đạo, VM đã thực hiện việc mua bán linh kiện "lòng vòng" không đúng quy định. Thay vì chuyển tiền trực tiếp cho VM nhập khẩu linh kiện, VEAM giao tiền cho đơn vị trung gian mua linh kiện và bán lại cho VM.

Điển hình là vụ VEAM chi ra gần 79 tỉ đồng mua 1.500 linh kiện từ Công ty Mekong Auto (MKA), trong khi chưa có phương án kinh doanh, tiêu thụ. Trong số đó, có 600 bộ linh kiện dù chưa có hợp đồng nhưng VEAM đã ứng tiền cho MKA nhập về và tổ chức sản xuất, khiến cho VM rơi vào khó khăn do hàng tồn kho quá lớn lên tới hàng trăm xe. Hiện nay, toàn bộ số xe đã lắp đặt của MKA là 540 xe không thực hiện đăng kiểm được; còn 300 bộ chưa lắp ráp và 600 bộ đến thời điểm giao hàng.

Theo báo cáo về hoạt động của VM, tính đến 31/12/2018 lượng hàng tồn kho lên tới gần 3.000 xe nhưng chỉ có 632 xe được trích lập dự phòng giảm giá với trên 36 tỉ đồng, so với giá gốc của các xe này là 289 tỉ đồng. Điều đáng nói là trong số này có tới 2.355 xe chỉ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2, khiến xe rất khó tiêu thụ vì lỗi mốt, chất lượng xuống cấp nhiều do xe để ngoài trời thời gian dài.

Ngoài việc đầu tư, rót vốn và kinh doanh thương mại vào các công ty con không hiệu quả, với lượng tiền mặt nhàn rỗi khá lớn, một số lãnh đạo của VEAM đã sử dụng để thực hiện các hoạt động tài chính không đúng quy định.

Cụ thể, mặc dù không có chức năng tín dụng nhưng VEAM đã tự ý cho các đơn vị thành viên vay vốn, tính đến hết năm 2017, giá trị cả gốc lẫn lãi lên tới trên 658 tỉ đồng. Nếu tính cả khoản lãi phải thu trong các năm 2016 và 2017 là gần 701 tỉ đồng.

Trong đó, nhiều khoản vay, tính lãi, gia hạn nợ gốc và giảm lãi, miễn lãi không có văn bản quy định, thậm chí một số trường hợp vay không có hợp đồng mà chỉ có giấy nhận nợ, dẫn tới hệ quả là việc quản lý sử dụng vốn tại một số đơn vị hoạt động thua lỗ, gây mất vốn chủ sở hữu.

Hiện tại, Bộ Công an đang điều tra những sai phạm trong việc mua linh kiện phụ tùng ôtô; Vụ chuyển tiền từ VEAM cho Nhà máy ôtô VEAM; Vụ việc sử dụng nguồn vốn 112 tỉ đồng không đúng mục đích từ nguồn vốn chuyển quyền sử dụng đất tại 191 và 193 Bà Triệu - Hà Nội, tại Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo,…

Báo cáo không trung thực để qua mặt Bộ Công thương

Theo kết quả điều tra ban đầu, có nhiều việc ở VEAM đã bị báo cáo sai sự thật với Bộ Công thương dẫn đến việc Bộ Công thương không nắm được những sai phạm trong quá trình hoạt động của VEAM. Điển hình, sự việc Công ty TNHH một thành viên Chế tạo động cơ (VINAPPRO) thuộc VEAM bị sáp nhập, một số người ở VEAM đã báo cáo không trung thực Bộ Công thương về khoản nợ IRA. Việc MATEXIM Hải Phòng (đơn vị trực thuộc VEAM) nợ thương mại và cho vay rất lớn từ đó đến nay cũng bị báo cáo sai.

Bên cạnh đó, việc chuyển khoản phải thu từ kinh doanh thương mại thành khoản cho vay đầu tư đối với MATEXIM (thuộc VEAM); Việc kinh doanh máy kéo tân trang không tuân thủ quy định tạm nhập - tái xuất của Chính phủ và hậu quả còn đến ngày nay; Việc kinh doanh xe Huantao, Lifan, Mudan với Mekong Auto (như kinh doanh xe Changan hiện nay) để lại hậu quả là những khoản tiền (phải thu) và hàng hóa, vật chất (tồn kho) không thể thu hồi… đều được báo cáo, thông tin không trung thực.

Hoạt động kinh doanh với VETRANCO dẫn đến một khoản phải thu khó đòi hiện nay (gần 71,5 tỷ đồng). Ngoài ra, VEAM bảo lãnh cho VETRANCO vay ngân hàng dẫn đến tồn tại khoản phải thu hỗ trợ vốn 144,5 tỷ đồng… cũng không được báo cáo đầy đủ.

Từ những báo cáo không trung thực của VEAM và việc quản lý trên “báo cáo” của Bộ Công thương, dẫn đến những sai phạm của VEAM đã diễn ra từ lâu nhưng khó bị phát hiện để kịp thời xử lý. Đến khi vụ việc được thanh tra, phát hiện thì VEAM đã “sa lầy” trong những sai phạm, khó khắc phục.

Cách sử dụng tiền như “đốt lá rừng” của một số lãnh đạo VEAM khiến doanh nghiệp này sa lầy vào những dự án thua lỗ, thất thoát hàng trăm tỉ đồng.  Hiện cơ quan chức năng đang mở rộng điều tra vụ án.

Trần Tâm
.
.