Xét xử vụ án tại Công ty Nhật Cường:

Đường dây buôn lậu tinh vi được "phân hệ" như thế nào?

Thứ Tư, 12/05/2021, 08:37
Sau nhiều ngày xét xử, vụ án buôn lậu, vi phạm về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Nhật Cường được làm sáng tỏ. Tại phiên xét xử, nhiều bị cáo ngậm ngùi phân trần, mình chỉ là người làm công ăn lương, nhận lệnh trực tiếp từ Bùi Quang Huy làm một công việc cụ thể, không ngờ lại là “mắt xích” trong đường dây buôn lậu.

Bùi Quang Huy “phân hệ” từng cá nhân chỉ biết mảng việc của mình, nhằm thâu tóm và điều hành đường dây buôn lậu qua mặt cơ quan chức năng, qua mặt cả chính những nhân viên cấp dưới bị đưa ra xét xử với vai trò là đồng phạm của Huy.

Tự chọn nhà cung cấp

Tại phiên xét xử vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và một số đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đại diện VKS thực hành quyền công tố tại phiên tòa cáo buộc, vụ án là vụ đồng phạm có tổ chức, có sự câu kết giữa các bị cáo trong việc thực hiện hành vi phạm tội, trong đó Bùi Quang Huy là người tổ chức, chủ mưu, điều hành toàn bộ hoạt động buôn lậu tại Công ty Nhật Cường. Các bị cáo đã giao dịch 255.311 sản phẩm di động, máy tính... trị giá 2.927 tỉ đồng. 

Sau khi mua hàng, Bùi Quang Huy và đồng phạm không ký hợp đồng với các nhà cung cấp để nhập khẩu chính ngạch mà chi số tiền gần 73 tỉ đồng để thuê các đối tượng vận chuyển tiếp nhận hàng của nhà cung cấp tại Hong Kong, tổ chức vận chuyển trái phép từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ trên hệ thống các cửa hàng của Công ty Nhật Cường. Tiêu thụ 254.364 sản phẩm, thu được trên 3.213 tỉ đồng, hưởng lợi 221 tỉ đồng, còn lại 974 sản phẩm, trị giá trên 7,7 tỉ đồng chưa được tiêu thụ.

Phiên tòa xét xử vụ án tại Công ty Nhật Cường.

Tại phiên xét xử, từ lời khai của các bị cáo Trần Ngọc Ánh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường), Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường), toàn bộ hoạt động mua bán, thuê vận chuyển, tiếp nhận, tiêu thụ, thu tiền hàng của số sản phẩm trên đều được Huy chỉ đạo ghi chép đầy đủ trên hệ thống phần mềm ERP do Huy lập ra để quản lý. Huy trực tiếp chỉ đạo toàn diện, phân công công việc, nhiệm vụ cụ thể theo từng công đoạn khác nhau cho các đối tượng liên quan: giao dịch với các nhà cung cấp để mua hàng; giao dịch với đối tượng vận chuyển để thuê vận chuyển, tổ chức nhận hàng từ đối tượng vận chuyển, thanh toán tiền hàng, tiền vận chuyển, tiêu thụ hàng lậu...

Là bị cáo bị đề nghị mức án cao nhất (từ 15-16 năm tù), Trần Ngọc Ánh thành khẩn khai báo, đã đến bước này (bị đưa ra xét xử - PV), bị cáo không có gì phải giấu giếm, bị cáo xin được thành thật khai báo hành vi của mình. Theo bị cáo, Ánh được phân công giao dịch đặt mua hàng từ 12/16 nhà cung cấp của Công ty Nhật Cường. Tuy nhiên, Bùi Quang Huy là người quyết định việc tìm kiếm, giao dịch, làm việc với các đối tượng người Việt Nam và người nước ngoài để đặt vấn đề mua hàng tại nước ngoài, Ánh chỉ là người được giao khi thỏa thuận về giá cả, số lượng, hình thức thanh toán, giao hàng... để đặt mua.

Trần Ngọc Ánh khai thêm, trong nhóm giao dịch với nhà cung cấp để mua hàng có Hoàng Văn Phong, Mai Tiến Dũng, Đỗ Quốc Huy... còn một số nhà cung cấp là đối tác người Trung Quốc. Do Ánh không biết tiếng Trung nên Bùi Quang Huy trực tiếp giao dịch hoặc giao cho đối tượng khác.

Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc khai, Ngọc sẽ nhận thông tin giao dịch mua hàng từ Bùi Quang Huy, Ánh, Phong và Dũng về nội dung về số lượng, chủng loại, đơn giá, lên hệ thống phần mềm ERP và ghi rõ “Hàng nhập khẩu không VAT” để phân biệt với các loại hàng khác.

Điều phối từng “mắt xích” vận chuyển hàng về kho

Theo cáo buộc của VKS, Bùi Quang Huy đã thuê 9 đường dây vận chuyển hàng lậu từ Hong Kong về Việt Nam. Trần Ngọc Ánh khai, nhóm vận chuyển và phương thức vận chuyển: bằng đường bộ, đường hàng không, đường biển... có nhiều thủ đoạn khác nhau cũng do Bùi Quang Huy điều hành.

Đại diện Viện Kiểm sát công bố cáo trạng.

Khai báo tại tòa, Trần Tất Khoa (Giám đốc) và Lê Hoài Phương (nhân viên) thuộc Công ty Nhật Cường tại Quảng Châu có nhiệu vụ tiếp nhận hàng được chuyển từ Hong Kong về Quảng Châu, kiểm đếm, đóng gói và gửi các hãng vận chuyển từ Quảng Châu về khu vực biên giới Việt Nam- Trung Quốc. Khoa và Lương đều cho rằng, mình chỉ biết công đoạn nhận hàng tại địa chỉ được Bùi Quang Huy báo, kiểm đếm rồi gửi về địa chỉ cũng được Huy báo. Các bị cáo không biết mình đang thực hiện một công đoạn trong việc buôn lậu hàng về Việt Nam. 

Nông Văn Lư (lái xe Công ty Nhật Cường) khai, sau khi hàng được vận chuyển đưa về địa bàn Hà Nội, Huy chỉ đạo Lư lái xe của công ty đến tiếp nhận hàng và đưa về kho của công ty.

Theo lời khai của Nguyễn Bảo Ngọc, khi hàng do Lư đưa về kho, Ngọc cùng nhân viên bộ phận kho tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu số lượng, chủng loại với hàng hóa trên đơn hàng “Nhập khẩu không VAT” do Ngọc tạo trên hệ thống.

Tiếp đó, hàng hóa sẽ được đưa đến các cửa hàng của Nhật Cường để tiêu thụ, các cửa hàng trưởng, nhân viên bán hàng tiêu thụ quy trình giống như các loại hàng hóa khác, không biết nguồn gốc hàng hóa, chỉ biết nhận từ công ty để bán.

Chuyển tiền qua tiệm vàng với 14 tài khoản và 8 cá nhân đứng tên

Tại phiên xét xử, chủ tọa công bố tài liệu điều tra, khi trích xuất dữ liệu điện tử từ hệ thống của Nhật Cường, cơ quan tố tụng xác định Bùi Quang Huy và đồng phạm đã thông qua hai tiệm vàng tại Hà Nội là Lộc Phát (ở phố Hà Trung) và Thuận Phát (ở phố Hàng Dầu, do Bùi Thanh Phượng điều hành) để chuyển tiền hàng, tiền cước vận chuyển hàng lậu cho các chủ hàng ở nước ngoài. Trong đó tiệm vàng Lộc Phát đã chuyển hơn 1.700 tỉ đồng, tiệm vàng Thuận Phát chuyển gần 800 tỉ đồng.

Các bị cáo tại phiên xét xử.

Khai tại tòa, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc, thừa nhận mình là người trực tiếp thanh toán tiền cho các chủ hàng nước ngoài thông qua trung gian là hai tiệm vàng. Việc chuyển tiền này được thực hiện trong thời gian dài, với số tiền lên đến hơn 2.500 tỉ đồng. Cụ thể trung gian là tiệm vàng ở Hàng Dầu và tiệm vàng ở Hà Trung. Việc chuyển tiền thông qua nhiều tài khoản cá nhân do bên tiệm vàng cung cấp, bị cáo không nhớ cụ thể. Riêng tiệm vàng tại phố Hàng Dầu có khoảng 14 tài khoản do 8 cá nhân đứng tên

Bị cáo Ngọc xác nhận, Bùi Quang Huy chỉ đạo và qua đầu mối là bị cáo thanh toán hết. Toàn bộ dữ liệu trích xuất số tiền thông qua hai trung gian tiệm vàng chuyển ra nước ngoài là chính xác. Ngoài ra, bị cáo có chuyển tiền qua các tài khoản do chủ hàng cung cấp cho bộ phận kinh doanh. Bị cáo trực tiếp và chỉ đạo thủ quỹ bên dưới thanh toán theo thông tin mà Tổng Giám đốc Bùi Quang Huy đưa cho.

Bị cáo Ngọc còn khai việc thanh toán tiền công vận chuyển được Bùi Quang Huy yêu cầu bị cáo chuyển tiền mặt cho Nông Văn Lư, Bùi Quốc Việt... việc đưa tiền mặt có kiểm đếm nhưng không có hóa đơn, không viết biên nhận theo chỉ thị của Bùi Quang Huy.

Yêu cầu “giấu” doanh thu thực

Theo đại diện VKS, năm 2014 Bùi Quang Huy chỉ đạo lập 2 hệ thống sổ sách kế toán để theo dõi hoạt động kinh doanh của công ty, chỉ đạo Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính và Nguyễn Thị Bích Hằng, Kế toán trưởng của Công ty Nhật Cường, sử dụng, ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động của Công ty Nhật Cường trên hai hệ thống sổ sách kế toán tại phần mềm ERP và phần mềm MISA. Đồng thời, nhằm mục đích che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng. Công ty Nhật Cường đã trốn thuế với số tiền gần 30 tỉ đồng.

Bị cáo Trần Ngọc Ánh khai, từ năm 2013, Bùi Quang Huy chỉ đạo xây dựng hai phần mềm nội bộ để quản lý hàng hóa và theo dõi tài chính là ERP và MISA. Phần mềm ERP có nhiều phân hệ như khai báo danh mục, mua hàng, quản lý hàng hóa, bán hàng, kế toán, tài sản, quản lý nhân sự.

Phần mềm nội bộ ERP do Bùi Quang Huy lập ra với mục đích để quản lý chặt chẽ dòng tiền, tránh bị rơi rớt. Các nhân viên sẽ được cấp quyền để ghi chép cụ thể các số liệu về hoạt động kinh doanh lên phần mềm ERP. Bị cáo thường truy cập vào phần mềm ERP để xem báo cáo doanh thu, tồn kho hàng hóa. Theo bị cáo Ngọc, phần mềm ERP do Huy sáng lập để dùng riêng trong nội bộ công ty, tất cả nhân viên đều được cấp quyền ghi chép trên đó. Khi truy cập vào ERP sẽ biết đâu là hàng có VAT, đâu là hàng không có hóa đơn chứng từ.

Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng, Kế toán trưởng Nhật Cường cho biết phần mềm MISA được ông chủ dựng ra để dành riêng cho việc hệ thống sổ sách kế toán. Trước khi gửi báo cáo thuế cho cơ quan có thẩm quyền, bà Hằng không thông qua ai mà sẽ gửi thẳng lên Bùi Quang Huy để ông chủ phê duyệt.

Trả lời trước HĐXX, nhiều bị cáo cho rằng tất cả các nhân viên dưới quyền ông chủ Bùi Quang Huy ở Công ty Nhật Cường đều là người làm công, ăn lương theo hợp đồng lao động. Các bị cáo tuyệt đối không được chia lợi nhuận nào khác. Thậm chí nhiều tháng họ còn không được nhận đủ lương do không hoàn thành chỉ tiêu ông chủ giao cho. Đồng thời, nhiều bị cáo cho rằng, không nhận thức được mình là một “mắt xích” trong đường dây buôn lậu. Nhiều bị cáo ngậm ngùi, người hưởng lợi duy nhất ở Công ty Nhật Cường là Bùi Quang Huy nhưng ông ta lại bỏ trốn, không có mặt ở đây để gánh hậu quả cùng các bị cáo.

Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo là lãnh đạo, nhân viên Công ty Nhật Cường, bị đề nghị mức án cao nhất là Trần Ngọc Ánh và Nguyễn Bảo Ngọc, từ 14-16 năm tù, thấp nhất là từ 3-4 năm tù.


Ngoài án phạt tù, đại diện VKS còn đề nghị tịch thu sung công quỹ Nhà nước các vật chứng là hàng hóa nhập lậu, điện thoại di động, máy tính là phương tiện các bị cáo sử dụng liên lạc để thực hiện hành vi buôn lậu; tiếp tục tạm giữ để đảm bảo thi hành án đối với khoản tiền hơn 774 tỉ đồng và hàng hóa có hóa đơn chứng từ thu giữ của Công ty Nhật Cường trong quá trình khám xét; tiếp tục phong tỏa 7 tài khoản có số dư hơn 8,5 tỉ đồng của bị can Đoàn Mạnh Phong (hiện đang bỏ trốn) tại các ngân hàng, khi nào bắt được bị can Phong sẽ giải quyết sau.

Đồng thời, VKS đề nghị HĐXX tuyên tịch thu gần 14 tỉ đồng là số tiền bị cáo Nguyễn Bảo Trung hưởng lợi từ hành vi phạm tội, đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo có trách nhiệm bồi thường 30 tỉ đồng thiệt hại của Nhà nước.

Kim Sa
.
.