Đường dây làm giấy tờ giả cực lớn bị bóc gỡ như thế nào?

Thứ Hai, 31/08/2020, 12:02
Sau hơn một ngày đêm liên tục quanh co, đổ lỗi cho nhau hòng chạy tội, đến sáng 27-8, các đối tượng trong đường dây làm giả nhiều loại giấy tờ, bằng cấp, biển số xe và con dấu của các cơ quan Nhà nước hoạt động tại các tỉnh, thành phía Nam đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Từ những lời khai này, cơ quan Công an mở rộng điều tra và đang tiếp tục truy bắt những đối tượng còn lại.

Cuộc tấn công bất ngờ

Sau thời gian dài liên tục theo dõi, chiều 25-8, các trinh sát Phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về trật tự xã hội - Bộ Công an phối hợp với Phân viện Khoa học hình sự phía Nam, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai và Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 - Công an TP. Hồ Chí Minh đồng loạt ra quân. Đường dây chuyên sản xuất các loại giấy tờ và biển số xe giả, con dấu của cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương được xem là lớn nhất từ trước đến nay đã bị triệt phá.

Cầm đầu đường dây này gồm các đối tượng Trần Đức Toàn (sinh năm 1990, ngụ quận Bình Tân), Nguyễn Thanh Sang (sinh năm 1993, ngụ quận 9, TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Trọng Dương (sinh năm 1989, ngụ phường Tân Biên, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và Nguyễn Thanh Phong (sinh năm 1976, ngụ tỉnh Vĩnh Long). Ngoài ra, Cơ quan công an còn bắt thêm 15 đối tượng giúp việc đắc lực cho Dương, Toàn, Phong và đang truy bắt một số đối tượng là nhân viên điều hành ở các điểm sản xuất giấy tờ giả.

Cơ quan Công an thống kê các loại giấy tờ, biển số xe giả đã tịch thu.

Khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan điều tra đã thu giữ hàng chục bộ máy tính, máy in, máy dập số cùng hàng trăm loại giấy tờ giả như giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe, bằng tốt nghiệp phổ thông trung học, đại học, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy kết hôn, biển số xe... Đặc biệt, còn thu giữ trên 1.000 con dấu của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương...

Từ giữa năm 2020. Trong lúc phối hợp tuần tra nắm tình hình địa bàn, các trinh sát Phòng 6, Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện dấu hiệu về một đường dây làm giấy tờ giả đang hoạt động ở khu vực tiếp giáp giữa quận 9, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Sau thời gian thu thập, củng cố chứng cứ, lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội quyết định thành lập chuyên án đấu tranh. Chỉ đạo trực tiếp là Thiếu tướng - Cục trưởng Trần Ngọc Hà. Đại tá - Phó Cục trưởng Lê Ngọc Phương làm trưởng ban chuyên án.

Mặc dù đã nắm rõ quy luật hoạt động nhưng do những nhánh trong đường dây này liên tục thay đổi địa điểm hoạt động, thuê người cảnh giới và tay chân phục vụ đắc lực cho hai đường dây này không thường xuyên tụ tập tại một điểm mà chỉ liên lạc với nhau qua mạng xã hội nên để hốt trọn ổ, các trinh sát buộc phải giành thêm thời gian theo dõi. Đến chiều ngày 25-8, khi hồ sơ được củng cố chặt chẽ, lực lượng phối hợp đã đồng loạt ra quân tấn công, bất ngờ ập vào 8 địa điểm thực hiện lệnh bắt trong tình trạng khẩn cấp và khám xét nơi ở đối với các đối tượng cầm đầu là Nguyễn Trọng Dương, Trần Đức Toàn, Nguyễn Thanh Sang và Nguyễn Thanh Phong.

Tại nơi ở của Nguyễn Thanh Sang, một căn hộ chung cư nằm trên địa bàn phường Hiệp Phú, quận 9, TP. Hồ Chí Minh, khám xét khẩn cấp, Cơ quan công an thu giữ 6 máy in màu, 2 dàn máy tính, 1 máy scan, 1 máy cắt giấy, 1 máy sấy, 11 phôi bằng đại học, 54 phôi chưa ghi nội dung cùng rất nhiều loại giấy tờ khác có liên quan. Tại nhà của Trịnh Quang Trưởng ở phường Tân Biên, TP. Biên Hòa có rất nhiều phôi giấy tờ các loại được cất giấu trong tủ.

Đối tượng Nguyễn Trọng Dương và Nguyễn Văn Đạt.

Cũng thời điểm này các tổ trinh sát khác bất ngờ ập vào nơi ở của Nguyễn Trọng Dương ở KP Tân Mai 2, phường Phước Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và 6 địa điểm khác do các đối tượng Nguyễn Thanh Phong, Trần Đức Toàn điều hành được đặt ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Tại các điểm này, trinh sát thu giữ gần 50 bộ máy móc, thiết bị phục vụ cho việc sản xuất giấy tờ giả, biển số xe giả, hàng ngàn loại phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bằng đại học, giấy kết hôn, giấy phép lái xe ô tô và mô tô, giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô, mô tô... cùng nhiều biển số xe của một số tỉnh thành trên cả nước.

Cũng tại các địa điểm này, trinh sát còn thu giữ trên 1.000 con giấu giả của các cơ quan nhà nước các cấp. Tiếp tục mở rộng truy xét, đến chiều 26-8, các trinh sát bắt thêm 15 đối tượng khác, đồng thời triệu tập nhiều đối tượng có liên quan lên làm việc, thu giữ thêm rất nhiều loại tang vật. Tại một địa điểm khác của Nguyễn Thanh Phong ở huyện Bình Chánh, Cơ quan công an thu giữ một két sắt, bên trong có chứa nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được in thành phẩm nhưng chưa kịp giao cho người đặt hàng.

Sẵn sàng làm giả miễn là có yêu cầu

Khi lấy lời khai ban đầu, Dương, Phong, Toàn, cùng các đối tượng là những mắt xích trong hai đường dây vẫn cố tình lảng tránh các câu hỏi của Cơ quan công an. Các đối tượng dường như đã chuẩn bị trước, rất thuộc bài, đều cho rằng bản thân do không có công ăn việc làm nên đánh liều nhận lời gia công cho một đối tượng không rõ nơi cư ngụ. Trải qua hơn một ngày đêm “thi gan” với Cơ quan công an, đến sáng 27-8, các đối tượng đều khai nhận hành vi.

Trước đây tuy có liên hệ với nhau để trao đổi các loại giấy tờ cần làm nhưng mỗi đối tượng đều tự hoạt động riêng lẻ. Đầu năm 2018, khi chấp nhận nhập lại với nhau thì tất cả đều thống nhất đề cử Dương là đầu mối chỉ huy cao nhất bởi ngoài việc có khả năng làm giả các loại giấy tờ tinh vi nhất thì Dương còn có quan hệ mật thiết với một đối tượng chuyên cung cấp phôi tên là Phạm Văn Phi. Toàn, Phong, Sang tuy vẫn có tiếng nói nhất định nhưng chấp nhận lùi một bậc để cùng nhau trục lợi.

Một số loại giấy tờ giả thu giữ được tại nhà các đối tượng.

Để đối phó với cơ quan chức năng, Toàn, Phong, Dương bàn nhau không tổ chức sản xuất tại nơi ở mà thuê nhiều nhà ở nhiều địa bàn khác nhau. Ở mỗi nơi, các đối tượng đều lắp đặt những máy móc, thiết bị chuyên làm giả một nhóm giấy tờ riêng. Cứ 4 đến 6 tháng lại thay đổi địa điểm một lần. Chúng cũng không thường xuyên ra mặt, mà thuê nhân viên rồi giao toàn bộ từ việc quản lý, điều hành, thiết kế nội dung quảng cáo trên các trang mạng xã hội, nhận lệnh đặt hàng, thu tiền cho đến trực tiếp sản xuất cho những người được thuê. Mỗi người phụ trách một công đoạn khác nhau. Việc giao nhận hàng thì thuê xe ôm công nghệ. Nếu khách hàng ở tỉnh thì hàng được đóng gói gửi theo đường bưu điện hoặc xe khách liên tỉnh.

Để đảm bảo các chi tiết trên các loại giấy tờ giả giống như thật, Dương, Toàn, Phong tự lên mạng tìm kiếm rồi tải về tất cả các văn bản, bằng cấp, giấy tờ để nghiên cứu hoa văn, màu sắc, kiểu chữ, số hiệu trước khi copy sang cho Phi làm phôi. Con dấu của cơ quan chức năng và chữ ký của người có thẩm quyền do chính các đối tượng tự khắc, tự nhái. Khi có khách đặt làm giấy tờ giả, nhân viên quảng cáo sẽ thông báo giá (giao động từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng tùy theo loại giấy), lưu lại họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi ở, ảnh thẻ của khách rồi yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của nhân viên thu tiền trước khi chuyển tiếp đến các bộ phận thiết kế, sản xuất.

Khách đặt làm giả giấy tờ xe mô tô, ô tô thì buộc phải đặt mua thêm bộ biển kiểm soát được đóng dấu chìm hình quốc huy và số trùng khớp theo giấy với tổng giá trị trên dưới 10 triệu đồng. Đến cuối ngày, các bộ phận chuyển toàn bộ số tiền thu được vào tài khoản chung của Dương, Toàn, Phong. Số tiền thu thu được, sau khi trích trả lương, thưởng cho các nhân viên, chi phí thuê nhà, khấu hao thiết bị, máy móc, tiền điện, nước, các đối tượng phân chia cho nhau theo các cấp được thống nhất từ trước. Nhưng chúng vẫn không gặp mặt nhau mà chỉ nhắn tin bàn bạc và chuyển tiền qua internet banking. Chỉ khi nào có việc quan trọng cần phải trực tiếp giải quyết thì Dương, Toàn, Phong mới xuất hiện nhưng dưới cái vỏ bọc là chuyên viên kỹ thuật tên A,B,C nào đó tương ứng với các loại giấy tờ giả tự làm cho mình.

Một số đối tượng trong đường dây sản xuất giấy tờ giả bị bắt.

Đến đầu năm 2020, nhận thấy số lượng khách đặt làm giấy tờ giả ngày càng nhiều, cần phải mở rộng cơ sở và đầu mối hoạt động, Dương, Toàn, Phong đã liên lạc rồi gặp mặt nhau tại một địa điểm kín đáo ở trung tâm quận 1. Sau khi bàn bạc, tất cả thống nhất tách đường dây ra thành 4 nhánh, mỗi nhánh do một đối tượng tự điều hành và mở thêm nhiều nhánh khác ở nhiều nơi để dễ bề thu hút khách hàng. Tuy hoạt động đơn lẻ nhưng mỗi nhánh chỉ làm giả một số loại giấy tờ nhất định và trao đổi qua lại với nhau. Đặc biệt, khi có khách đặt loại giấy tờ cần độ tinh xảo như thẻ nhà báo, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, căn cước công dân hoặc biển số cùng giấy chứng nhận đăng ký xe thì đều giao lại cho Dương thực hiện bởi Dương có trình độ kỹ thuật cao hơn các đối tượng còn lại.

Ngoài thuê nhiều địa điểm, Dương còn mua một căn nhà rộng lớn ở khu phố Tân Mai, phường Phước Tân, TP. Biên Hòa để đặt máy móc thiết bị và thuê công nhân về sản xuất giấy đăng ký và biển số xe các loại. Ở điểm này, Dương giao cho Nguyễn Văn Đạt, sinh năm 1998, tại tỉnh Lâm Đồng trực tiếp quản lý và là người truyền đạt ý kiến từ “ông chủ” đến các nhân viên. Tất cả các sản phẩm khi ra lò đều được nhân viên cất vào một căn phòng có nhiều lớp khóa số. Khi những nhân viên này hết giờ làm, về nhà thì Đạt sẽ thông báo cho Dương đến dùng kính lúp soi đi soi lại nhiều lần, nếu không phát hiện lỗi thì mới cử người mang giao cho khách hàng.

Cơ quan công an đã thống kê sơ bộ, trong thời gian từ cuối năm 2017 đến lúc bị bắt, các đối tượng đã cho ra lò hàng chục ngàn giấy tờ giả các loại để bán cho nhiều người ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Nếu căn cứ vào mức giá trong bản khai ban đầu thì các đối tượng đã trục lợi bất chính và chia nhau mỗi người hàng chục tỷ đồng. Hiện Cơ quan công an đang tiếp tục điều tra mở rộng để truy bắt những đối tượng còn lại trong đường dây và triệu tập những đối tượng có liên quan đến đường dây này lên làm việc.

Đức Cương – Bùi Hào
.
.