Đường dây sản xuất thuốc giả sắp ra tòa

Thứ Ba, 10/03/2020, 18:28
Các đối tượng thành lập công ty có chức năng sản xuất, kinh doanh thuốc tân dược và thực phẩm chức năng, nhưng thực chất chỉ là bình phong để sản xuất sản phẩm giả rồi đem đi tiêu thụ. Chúng tạo thành một đường dây khép kín từ cung cấp nguyên liệu đến tung sản phẩm ra thị trường.


Đường dây sản xuất thuốc giả

Ngày 3/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, đã hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 9 bị can trong đường dây sản xuất, mua bán thuốc giả.

Nguyễn Đình Lạc Thư - Phó Giám đốc Công ty TNHH thương mại Asia Pharmacy (phường Tân Quy, quận 7) bị đề nghị truy tố về 2 tội: "Buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh"; Lê Văn Khối - Giám đốc Công ty TNHH dược phẩm Đông Dược Việt (huyện Bình Chánh) bị đề nghị truy tố về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm"; 7 bị can còn lại gồm: Nguyễn Đình Thái Dương, Nguyễn Đình Kính Như, Trần Thị Châu Thanh, Nguyễn Thành Xuân, Thạch Đết, Nguyễn Đình Bảo, Dương Văn Toản bị đề nghị truy tố về các tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh", "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm", "Sản xuất hàng giả là thực phẩm".

Công an kiểm tra cơ sở sản xuất thuốc giả.

Kết luận điều tra xác định, từ tháng 2/2018, Nguyễn Đình Lạc Thư bắt đầu tổ chức sản xuất, buôn bán tân dược giả và thực phẩm chức năng giả các loại. Còn Lê Văn Khối bắt đầu tham gia sản xuất, buôn bán hàng giả từ khoảng tháng 10/2018. 

Hai đối tượng này "bắt tay" nhau để thiết lập quy trình sản xuất khép kín cùng một mạng lưới phân phối thuốc và thực phẩm chức năng giả rộng khắp các nhà thuốc quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh và vươn tới tận các tỉnh miền Tây.

Cuối năm 2018, trinh sát Phòng cảnh sát Kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã  phát hiện ra đường dây này. 

Trưa ngày 25/7/2019, tổ công tác của Đội 7 - Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện Nguyễn Văn Thanh Tuấn (sinh năm 1972, ngụ huyện Bình Chánh) lái xe ô tô chở 20 thùng cacton (200 hộp/thùng), bên trong chứa thực phẩm chức năng giả một số nhãn hiệu nổi tiếng đến giao cho Nguyễn Đình Thái Dương (sinh năm 1978) tại một căn nhà trong hẻm 64 đường Hoà Bình, phường 5, quận 11. Trong lúc các đối tượng đang giao nhận hàng, các trinh sát ập vào bắt quả tang. Đây là cơ sở sản xuất thuốc giả của Nguyễn Đình Lạc Thư.

Cơ quan chức năng thu giữ số lượng lớn thuốc và thực phẩm chức năng giả.

Khám xét căn nhà trên, tổ công tác phát hiện hai đối tượng nữ tên Trần Thị Châu Thanh (sinh năm 1982) và Thạch Đết (sinh năm 1992) đang sản xuất thực phẩm chức năng giả.

Ngay trong ngày, tổ công tác đã kiểm tra Công ty TNHH Dược phẩm Đông Dược Việt (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) phát hiện Lê Văn Khối, Nguyễn Thành Xuân và 4 công nhân đang sản xuất thuốc thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả nhiều nhãn hiệu, thành phẩm giả thu được hơn 10 thùng (200 hộp/thùng).

Khối còn thành lập Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nhật Mỹ (đường Tô Hiệu, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú) và Công ty Cổ phần Dược phẩm Amtex Pharma (ấp 1B, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Khối điều hành 3 công ty này sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng giả. Khối khai nhận từ 4/2018 đến khi bị bắt đã sản xuất và giao cho Nguyễn Đình Lạc Thư các mặt hàng thực phẩm chức năng giả nhiều thương hiệu lớn.

Khám xét tại nhiều địa điểm khác ở quận 8, 10, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, liên quan đến đường dây này, công an đã thu giữ nhiều tang vật phục vụ cho việc sản xuất thuốc giả như: 2 máy cán UV dùng để cán dấu bóng lên tem, nhãn của sản phẩm thuốc lợi gan, mật; khuôn kim loại để sản xuất vỏ chai nhựa, lượng lớn thực phẩm giả, nhiều tài liệu liên quan đến việc sản xuất tân dược... 

Để làm giả các loại thực phẩm chức năng, các đối tượng đã mua sản phẩm cùng loại với sản phẩm muốn làm giả (nhưng có giá thành thấp hơn nhiều) được bán trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ mang về sau đó xé bỏ nhãn mác nguyên bản, dán nhãn mác của sản phẩm làm giả lên hộp sản phẩm rồi đóng thùng, mang đi tiêu thụ bán với giá cao hơn. Thị trường chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây.

Các loại thực phẩm chức năng bị làm giả là những loại có chức năng hỗ trợ điều trị rất nhiều loại bệnh, có giá bán khá cao trên thị trường như: Viên uống nội tiết tố nữ; thuốc cốm dùng cho trẻ sơ sinh ọc sữa, ăn không tiêu, người lớn đau dạ dày, ói mửa, chống thừa acid; viên uống mát gan lợi mật;  viên uống tráng dương bổ thận, viên uống hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày, viên uống giải rượu …

Mặc dù bao bì nhãn mác các loại thực phẩm chức năng do các đối tượng làm giả khá tinh vi, nhưng vẫn có nhiều điểm khác biệt so với sản phẩm chính hãng. Dễ thấy nhất, đó là bao bì hàng chính hãng có chữ, màu sắc rõ ràng sắc nét hơn hàng giả. Các thông tin ghi trên bao bì sản phẩm hàng giả, nhiều chỗ không khớp so với sản phẩm thật. 

Sản phẩm viên uống nội tiết tố nữ, hạn sử dụng của sản phẩm thật được in chìm ở vỏ hộp với nét in nhỏ, sờ thấy nhám, trong khi sản phẩm giả thì in nhũ nổi với nét thô vụng; số điện thoại liên hệ trên sản phẩm thật là số điện thoại với mã vùng hiện tại của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội lần lượt là 028 và 024 trong khi sản phẩm giả vẫn là 08 và 04...

Nguyên liệu dùng để sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng giả của Lê Văn Khối.

Có 7 đối tượng được xác định có liên quan, cầm đầu là Nguyễn Đình Lạc Thư, tổ chức sản xuất, buôn bán tân dược và thực phẩm chức năng giả các loại từ tháng 2/2018. Các đối tượng còn lại đều làm thuê cho Thư. Nguyễn Đình Thái Dương điều hành việc sản xuất hàng giả. Trần Thị Châu Thanh và Thạch Đết tham gia sản xuất và Nguyễn Đình Kính Như giao hàng theo yêu cầu của Thư.

Thư mua một số tân dược của Công ty Asia Pharmacy sau đó cho vào chai nhựa, ép seal, đóng nắp, và dán nhãn và "hô biến" thành sản phẩm tân dược mang nhãn hiệu khác. Các loại chai nhựa để đựng tân dược giả thì Thư đặt công ty nhựa sản xuất và đặt in các loại bao bì, vỏ hộp, tem nhãn. Các loại thực phẩm chức năng giả thì Thư lấy từ Lê Văn Khối - Giám đốc công ty TNHH Dược phẩm Đông dược Việt.

Lê Văn Khối cũng tổ chức sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả từ khoảng tháng 10-2018. Những người làm thuê cho Khối thực hiện các công việc: Pha chế thực phẩm chức năng để "tạo" ra công thức cụ thể cho từng loại, dập thực phẩm chức năng giả thành viên nang, ép vỉ và thuê người in vỏ hộp, tem, toa hướng dẫn sử dụng. Sau khi sản xuất ra thành phẩm, Khối giao cho Thư để tiêu thụ.

Hai "đầu mối" tiêu thụ chính là Nguyễn Đình Bảo (ngụ quận 8) và Dương Văn Toản (ngụ quận 10). Theo sổ sách, Thư đã bán cho Bảo và Toản từ tháng 12/2018 đến 7/2019 hàng chục ngàn hộp thuốc, thực phẩm chức năng giả các loại. Ngoài ra, Thư còn bán cho chợ thuốc quận 10 và một số khách hàng nhỏ lẻ, không có thông tin lai lịch... Tổng cộng, cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 14.000 hộp tân dược, thực phẩm chức năng giả các loại, trị giá hơn 2 tỉ đồng.

Cần quản lý chặt chẽ hơn

Theo Cơ quan điều tra, các nghi phạm nằm trong đường dây sản xuất, kinh doanh tân dược, thực phẩm chức năng đều núp bóng các công ty sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng. 

Hai nghi phạm chủ mưu Thư, Khối là những người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thuốc nên tổ chức thực hiện sản xuất, tiêu thụ hàng giả rất thuần thục, tinh vi, quy mô rất lớn. Các đối tượng sản xuất không phải nhỏ lẻ mà lập hẳn công ty, nhà xưởng sản xuất công khai, tinh vi nhằm qua mắt lực lượng chức năng.

Nơi sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng giả tại công ty của Lê Văn Khối.

Theo Bộ Y tế, đây là nhóm hàng có nhu cầu sử dụng cao, cho lợi nhuận lớn nên hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp. Tuy nhiên, sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương lại chưa kịp thời, công tác phối hợp liên ngành một số nơi chưa được chặt chẽ và việc xử lý vi phạm chưa nghiêm. Chưa kể, một số bất cập phát sinh từ chính sách của cơ quan quản lý nhà nước.

Một ví dụ: việc cấp các giấy xác nhận của doanh nghiệp được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Quy định này dễ bị một số đối tượng lợi dụng để làm giả giấy tờ. Đồng thời, tình trạng lợi dụng bán sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe được giới thiệu là "hàng xách tay" trong đó có hàng giả, hàng lậu vi phạm pháp luật vẫn xuất hiện nhiều trên thị trường.

Nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất thuốc chữa bệnh chưa được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản xuất thuốc giả. Việc mua bán thuốc không có hóa đơn chứng từ cũng tạo ra khoảng trống quản lý, dù hiện nay đã triển khai mạng kết nối các nhà thuốc, tăng cường bán thuốc kê đơn góp phần hướng nhà thuốc đến việc phải mua thuốc có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, giá thuốc rõ ràng.

Bộ Y tế cho biết thời gian tới sẽ tập trung thanh tra việc thực hiện quy định về đăng ký, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm tại một số cơ sở liên quan. 

Đồng thời, Bộ Y tế cũng sẽ thanh tra thực hiện quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt; tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan đến thanh, kiểm tra dược liệu lậu qua đường tiểu ngạch ở khu vực biên giới.

Thúy Hà - Nguyễn Cảnh
.
.