Hàng trăm người sập bẫy "học làm giàu" của tiến sỹ rởm

Thứ Năm, 01/03/2018, 19:33
Phạm Thanh Hải từng "nổi tiếng" một thời gian trên mạng Internet trong vai "tiến sỹ", diễn giả của dự án "học làm giàu", trong đó có dự án làm giàu từ trồng cây Macca "tỷ đô"...

Tự xưng là "tiến sỹ", thành lập trang web "hoclamgiau.vn", Phạm Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty IDT đã đưa ra mức lãi suất khủng 40-50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền và trả hoa hồng cho người môi giới để thu hút nhà đầu tư góp vốn vào các dự án "siêu lợi nhuận" do Hải quảng cáo. Tuy nhiên, hàng trăm người đã bị chiếm đoạt tiền tỷ khi học làm giàu...

Sau 2 năm điều tra với 3 lần thực hiện kết luận điều tra bổ sung theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, Cơ quan CSĐT (PC46) Công an TP Hà Nội đã hoàn tất Kết luận điều tra bổ sung lần 3, đề nghị truy tố Phạm Thanh Hải (52 tuổi), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại, đầu tư và phát triển quốc tế (IDT - viết tắt là công ty IDT) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo khoản 4 điều 139 Bộ luật Hình sự. Phạm Thanh Hải từng "nổi tiếng" một thời gian trên mạng Internet trong vai "tiến sỹ", diễn giả của dự án "học làm giàu", trong đó có dự án làm giàu từ trồng cây Macca "tỷ đô"...

"Tiến sỹ" dạy làm giàu

Theo Cơ quan điều tra, năm 2007, Phạm Thanh Hải thành lập Công ty cổ phần thương mại, đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (công ty IDT) trụ sở chính tại khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) do Phạm Thanh Hải (52 tuổi) là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Công ty IDT đăng ký kinh doanh các hoạt động: dịch vụ hỗ trợ giáo dục, tư vấn quản lý, sản xuất, bán buôn và bán lẻ thực phẩm, dịch vụ tổ chức hội thảo, hội nghị.... Công ty hoạt động kinh doanh trên mạng Internet nhưng không hiệu quả.

Đối tượng Phạm Thanh Hải thuyết trình "học làm giàu" tại các buổi hội thảo để dẫn dụ nhà đầu tư nộp tiền.

Đến năm 2008, đột nhiên Phạm Thanh Hải rầm rộ tổ chức các hoạt động hội thảo, quảng cáo hình ảnh công ty, đưa ra các thông tin về công ty và các dự án mang lại lợi nhuận cao...

Theo đó, Phạm Thanh Hải tự giới thiệu là tiến sỹ, diễn giả, bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại trường ĐH Tổng hợp Belarus (Liên Xô cũ), có bề dày kinh nghiệm trong kinh doanh, với vốn kiến thức tài chính, kiến thức làm giàu phong phú, kiến thức về khoa học làm giàu, là "người anh cả" của dự án học làm giàu. Trong các buổi diễn thuyết, "tiến sỹ" dạy làm giàu khẳng định việc làm giàu có thể học được và mọi người đều có thể thành công làm giàu.

Trong các thông tin mà Phạm Thanh Hải đưa ra, có thông tin công ty IDT đang triển khai dự án trồng cây Macca có giá trị kinh tế cao, 1ha Maccadamia mang tới thu nhập 2.000 - 3.000 USD. Do đó, triển vọng làm giàu từ cây Macca "tỷ đô" là khả thi với mục tiêu phát triển sự án Maccadamia có doanh thu trong chu kỳ kinh doanh 20 năm là 2.595 tỷ đồng (?!)... Nhằm tăng tính thuyết phục với các nhà đầu tư, tháng 6-2014, công ty của Hải đã cho ra thị trường các sản phẩm nhân Macca dán nhãn cao cấp.

Ông Phạm Thanh Hải khi đó còn cho biết, do hạt Macca thu hoạch trong nước không đáng kể nên các sản phẩm của IDT đều được chế biến chủ yếu từ hạt Macca nhập khẩu của Australia. Do vậy, ngoài việc phát triển các sản phẩm chế biến từ nhân Macca, IDT cũng đang triển khai dự án trồng gần 4.000 ha giống cây này tại Điện Biên. Thế nhưng, trên thực tế, dự án "Macca tỷ đô" chỉ là bánh vẽ. Dự án 4.000 ha Macca mà Phạm Thanh Hải huy động vốn để trồng không nhìn thấy kết quả.

Không những vậy, đến tháng 4-2015, Bộ NN&PTNT cũng đã khẳng định, chưa đủ căn cứ khoa học để phê duyệt quy hoạch cây Macca, quy trình nhân giống, chăm sóc và công nghệ chế biến Macca cũng chưa được hoàn thiện.

Mặc dù huy động vốn để phục vụ mục đích cá nhân, nhưng Phạm Thanh Hải yêu cầu một số nhân viên kế toán công ty IDT soạn thảo, ký kết hợp đồng, thu chi kiểm đếm tiền giúp Hải tại trụ sở công ty.  Hải đưa ra các bản Hợp đồng góp vốn đầu tư, Hợp đồng ủy thác đầu tư... với nội dung bên A là nhà đầu tư, bên B là cá nhân Phạm Thanh Hải, sau đó tự ý sử dụng con dấu công ty IDT xác nhận vào các bản hợp đồng này, lập phiếu thu, chi và nộp tiền tại trụ sở công ty IDT, gây lầm tưởng khiến nhà đầu tư tin tưởng rằng họ đang góp vốn cho công ty IDT. Tiền nhận của nhà đầu tư, Hải chỉ đạo không nhập vào hệ thống sổ sách kế toán của công ty IDT mà để Hải sử dụng vào mục đích cá nhân.

Để thu hút được nhiều người góp vốn, Hải đưa ra các hợp đồng có lãi suất cao hơn rất nhiều lần so với lãi suất ngân hàng (40-50%/năm) với nhiều loại hợp đồng theo thời hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng và 18 tháng... Không chỉ đưa ra lãi suất cao để nhà đầu tư thấy "hiệu quả" làm giàu nhanh, Phạm Thanh Hải còn chỉ đạo cắt lãi ngay cho nhà đầu tư khi nộp tiền và chi từ 2-10% tiền thưởng "kết nối, môi giới" cho những người giới thiệu hợp đồng mới.

Với thủ đoạn trên, chỉ trong thời gian 1 năm từ tháng 10-2004 đến tháng 10-2005, Phạm Thanh Hải đã huy động được trên 2.700 tỷ đồng từ nhà đầu tư. Tuy nhiên, Hải sử dụng tiền này chủ yếu để cho vay cá nhân, thanh toán cả gốc và lãi cho những hợp đồng đến hạn, chi thưởng kết nối, chi các cuộc hội thảo, tham quan du lịch, quảng bá dự án... Hải chỉ sử dụng  một phần nhỏ gồm 114 tỷ đồng để góp vốn vào một số công ty, dự án.

Tuy nhiên đây là những công ty mới thành lập hoặc đang trong quá trình đầu tư, chi phí vào trang thiết bị, cơ sở vật chất, trả lương cho nhân viên nên chưa có lợi nhuận hoặc lợi nhuận rất ít; có công ty còn  hoạt động không hiệu quả, thua lỗ hoặc không có khả năng sinh lợi nhuận cao như Phạm Thanh Hải hứa hẹn với nhà đầu tư. Ngoài ra, Hải còn dùng tiền của nhà đầu tư để cho vay cá nhân 22,9 tỷ đồng.

Do không quản lý việc thu, chi tiền cho các nhà đầu tư theo sổ sách kế toán, không nắm được số tiền đã huy động được nên khi số người góp vốn cho Hải ngày một tăng, việc chi trả tiền gốc, lãi và chi phí hàng tháng lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Hải tiếp tục dùng tiền của người sau trả cho người trước, thanh toán đúng hẹn để không bị các nhà đầu tư phát hiện.

Sau này Phạm Thanh Hải khai nhận, do việc huy động vốn là việc của cá nhân nên Hải không theo dõi, quản lý việc thu - chi tiền theo hệ thống sổ sách kế toán của công ty IDT mà chỉ quan tâm đến số tiền còn phải thanh toán cho các nhà đầu tư đúng hạn, tính toán cân đối để tiếp tục huy động. Việc sử dụng tiền của nhà đầu tư thế nào, Hải không công khai cho họ biết.

Quá trình điều tra, cơ quan công an đã xác minh tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Đối ngoại - Bộ Công an xác định: Thông tin Phạm Thanh Hải được  cấp bằng tiến sỹ lại Belarus là không có căn cứ.

Với các tài liệu thu thập được, đến thời điểm cuối năm 2017, Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội xác định có 496 cá nhân trình báo và đề nghị xử lý theo pháp luật về việc bị Phạm Thanh Hải chiếm đoạt trên 455 tỷ đồng (theo phiếu thu). Về dân sự, căn cứ theo nội dung hợp đồng mà Phạm Thanh Hải ký kết với nhà đầu tư thì tổng số tiền các cá nhân đề nghị được bồi thường là trên 577 tỷ đồng. Cơ quan CSĐT đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội truy tố Phạm Thanh Hải về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo khoản 4 điều 139 Bộ luật Hình sự.

Đáng chú ý, sau khi Phạm Thanh Hải bị bắt giam vào cuối năm 2015, người nhà của Hải qua giới thiệu đã tìm gặp Tô Văn Tập (46 tuổi, ở Phúc Thọ, Hà Nội)  để nhờ "chạy án" cho Hải và bị Tập đưa vào bẫy lừa. Tô Văn Tập tự giới thiệu có nhiều mối quan hệ với các lãnh đạo, có khả năng "chạy" cho Phạm Thanh Hải được tại ngoại, yêu cầu người nhà của Hải đưa tiền và mua điện thoại có giá trị cao để đi "lo lót", chiếm đoạt nhiều lần tổng số tiền khoảng 2,5 tỷ đồng.

Sau khi người nhà của Hải có đơn trình báo, chính Cơ quan CSĐT (PC46) Công an Hà Nội (đơn vị điều tra, bắt giam Phạm Thanh Hải) đã tổ chức bắt giữ quả tang hành vi nhận tiền "chạy án" của Tô Văn Tập. Vụ án đã được đưa ra xét xử với mức án cho Tô Văn Tập là 14  năm tù giam.

Bài học đắt giá khi góp tiền đầu tư "làm giàu nhanh"

Cùng thời điểm với vụ án Phạm Thanh Hải lừa đảo, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cũng đã vạch trần chân tướng của Trịnh Anh Minh (34 tuổi), HKTT phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội,  Tổng giám đốc Công ty CP Williams Việt Nam, can tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng với hình thức  góp vốn đầu tư kinh doanh, trả lãi suất cực cao so với lãi suất ngân hàng.

Trịnh Anh Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Williams Việt Nam, bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng với thủ đoạn huy động vốn đầu tư kinh doanh trả lãi suất cao.

Theo đó, mặc dù không được cấp phép huy động tiền gửi của khách hàng nhưng Trịnh Anh Minh đã ký hợp đồng ủy thác góp vốn đầu tư kinh doanh với thời hạn 6, 9 và 12 tháng, lãi suất 3,4-5,4%/tháng trong khi lãi suất ngân hàng thời điểm đó chỉ khoảng 6-7%/năm. Số tiền lãi sẽ được quy ra tiền mặt cụ thể tùy theo thời hạn cho vay và được ghi trong hợp đồng thành "lợi nhuận thu được trong quá trình kinh doanh".

Đến ngày thanh toán, nếu trả chậm, phía Công ty Williams sẽ phải tiếp tục trả thêm số tiền lợi nhuận trong quá trình kinh doanh của những ngày chậm thanh toán và thời gian trả chậm không quá 30 ngày. Đáng chú ý, khi khách hàng giới thiệu thêm người mang tiền đến gửi sẽ được Minh chi trả khoản hoa hồng môi giới từ 2-4%, được quy ra tiền và cộng vào hợp đồng ủy thác của họ đã gửi trước đó.

Khi khách hàng đến tìm hiểu sẽ được Minh hoặc các nhân viên đưa đi giới thiệu  hàng loạt bất động sản, nhà hàng ở Hà Nội và cho biết tiền huy động sẽ được đầu tư vào các địa chỉ này. Thực tế, Trịnh Anh Minh chẳng có tài liệu chứng minh việc đóng góp cổ phần kinh doanh tại các cửa hàng trên, nhưng vì choáng ngợp với mức lãi suất tiền gửi quá lớn do Minh đưa ra nên đã có rất nhiều người mắc bẫy.

Cũng giống như Phạm Thanh Hải, sau khi nhận tiền ủy thác đầu tư của khách hàng, Trịnh Anh Minh đã không dùng tiền đó để đầu tư vào các nhà hàng, dự án như đã hứa hẹn mà sử dụng tiền huy động được vào mục đích cá nhân. Phần lớn Minh sử dụng trả lợi nhuận cho những người đầu tư đã đến hạn hợp đồng thanh toán, chi trả tiền hoa hồng cho những người kết nối, dẫn đến không có khả năng thanh toán.

Để thu hút được nhiều tiền vốn của nhà đầu tư, Minh đã đưa ra mức lợi nhuận rất cao theo các gói sản phẩm gửi tiền, tùy theo thời hạn. Lợi nhuận hợp đồng thấp nhất khoảng 3,5% mỗi tháng; cao nhất có thể lên tới 5,5%, tổng lợi nhuận là 49,5%/9 tháng.

Với lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng và "chế độ" chi trả hoa hồng hậu hĩnh từ 10-30% giá trị hợp đồng cho những người môi giới, cắt tiền ngay khi ký hợp đồng  từ  tháng 5-2014 đến tháng 10-2015, Trịnh Anh Minh đã ký kết 2.115 hợp đồng ủy thác đầu tư với trên 500 người, tổng số tiền huy động là trên 1,13 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 263 người bị hại làm đơn tố cáo, với tổng số tiền đã nộp và bị Trịnh Anh Minh chiếm đoạt  203 tỷ đồng.

Huy động vốn với mức lãi suất hàng chục phần trăm một năm, cao gấp nhiều lần so với gửi ngân hàng chính là cái bẫy đã được rất nhiều đối tượng lừa đảo sử dụng thành công. Thực tế việc lừa đảo dưới hình thức góp vốn đầu tư này chỉ là dùng tiền của người đến sau trả lãi cho người đến trước, tương tự như việc lừa đảo của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp.

Duy Trần
.
.