Hậu quả đau lòng của ảo giác từ nghiện game

Thứ Ba, 16/06/2020, 21:35
Những ngày qua, dư luận cả nước bàng hoàng, phẫn nộ trước cái chết đau lòng của cháu bé 5 tuổi ở Nghệ An. Thủ phạm gây ra cái chết này là một nam sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

Nguyên nhân vô cùng lãng xẹt, chỉ vì muốn thế vai “anh hùng” trong trò chơi trên mạng để giải cứu một vụ việc bắt cóc, kẻ này đã đi từ thế giới ảo ra đời thực và hậu quả vô cùng đau đớn.

Màn kịch “giải cứu nạn nhân” cướp đi sinh mạng bé trai 5 tuổi

Khoảng 15h ngày 7-6, cháu Đ. xin phép gia đình sang nhà hàng xóm chơi rồi không thấy về. Người thân và gia đình tìm kiếm khắp nơi nhưng vô vọng nên đã trình báo Cơ quan công an.

Qua trích xuất camera và với những tài liệu thu thập được, lực lượng chức năng xác định Đào Ngọc H. là người tiếp xúc cuối cùng với cháu Đ. trước thời điểm mất tích nên tập trung đấu tranh, khai thác. Song nam sinh này quanh co, một mực phủ nhận mình liên quan đến sự mất tích của cháu bé.

H. cho rằng, chiều ngày 7-6, cháu Đ. có đến nhà mình chơi và H. đã lấy xe chở cháu ra đường. Nhưng khi đến cổng trường Tiểu học Quỳnh Tam thì cháu Đ. đòi xuống để tự đi nên H. đã thả cháu bé xuống và đi việc riêng, từ đó về sau không biết gì về cháu bé này nữa.

Ông Hồ Văn Tụ đau đớn khi con trai 5 tuổi bị sát hại.

Thậm chí, để chứng minh, quá trình mọi người đi tìm cháu Đ., H. cũng sốt sắng tham gia với thái độ rất tích cực. Tuy nhiên, hành động vụng về của nam sinh này đã không qua khỏi con mắt nghiệp vụ của các chiến sĩ cảnh sát, cuối cùng H. phải thừa nhận mình có liên quan đến việc cháu Đ. mất tích.

H. là con nghiện game, thường chơi các trò cảm giác mạnh như bắt cóc, giải cứu. Đối tượng này nghĩ ra việc bắt cóc và giấu cháu Đ. khi mọi người đi tìm H. sẽ giả vờ tìm thấy, giải cứu để lập công. Ngày 7-6, thấy Đ. sang nhà chơi, nam sinh này đã khống chế, đưa vào rừng. Sau khi giấu nạn nhân ở cách nhà khoảng 10 km, H. trở về thấy người thân cháu bé đang đổ xô đi tìm. Loa phóng thanh xã liên tục phát đi thông báo tìm kiếm người mất tích khiến H. hoảng loạn, không dám tự đi tìm để đưa về như ý định ban đầu.

Sau khi làm việc với Cơ quan công an, thừa nhận mình có liên quan đến việc cháu Đ. mất tích, chiều 9-6, H. đã dẫn đường đưa công an tới nơi giam cháu Đ. Song, nạn nhân đã tử vong trong tình trạng bị trói chân tay, miệng và đầu bị quấn chặt bằng băng keo, áo len trùm lên đầu ở ngôi nhà hoang trong rừng. Vị trí phát hiện thi thể nạn nhân là khu rừng do Tổng đội Thanh niên xung phong quản lý, thuộc xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Thi thể cháu bé không có dấu vết bị đánh, đâm chém, Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân tử vong do đói, khát.

Được biết, cháu Hồ Trần Văn Đ. là con thứ ba của vợ chồng anh Hồ Văn Tụ và chị Trần Thị Trí. Gia đình H. và Đ. có mối quan hệ hàng xóm thân tình, hai nhà cách nhau chỉ khoảng 300m.

Cô Nguyễn Thị Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 11 Trường THPT Quỳnh Lưu 4, nơi H. đang theo học trước thời điểm gây ra sự việc, cho biết: H. mới chuyển vào trường từ giữa năm học lớp 10, học lực trung bình, tham gia nhiều hoạt động văn nghệ, quá trình học không có biểu hiện của nghiện game.

Sáng 8-6, nam sinh này tới trường với vẻ mặt mệt mỏi do thiếu ngủ. Một ngày sau đó, H. có thái độ bồn chồn, hay cúi đầu xuống mặt bàn, cô Trang quan tâm, hỏi han thì H. cho biết, buồn vì bị triệu tập, nghi ngờ có liên quan đến sự mất tích của Đ., dù đã giải thích nhưng mọi người có vẻ không tin. Lúc này, H. đã bật khóc, dù vẫn phủ nhận mình có liên quan.

Hàng xóm láng giềng chia buồn cùng gia đình cháu Đ.

Chiều cùng ngày, cô Trang nhận được tin H. đã bị tạm giữ hình sự vì là người trực tiếp gây ra cái chết của cháu bé. Thầy Cao Thanh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Lưu 4 cũng cho biết thêm thời gian qua, H. không có biểu hiện tâm lý gì bất thường cho đến khi gây ra sự việc tày trời.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu tại địa phương và bạn bè của Đào Ngọc H. chúng tôi được biết, nam sinh này là con nghiện game, có nợ nần ở một số quán trên địa bàn. Hoàng thường chơi các game cảm giác mạnh như bắt cóc, trinh thám. Đối tượng này nghĩ ra việc bắt cóc và giấu cháu Đ., trong lúc mọi người đi tìm, H. sẽ giả vờ tìm thấy, giải cứu để lập công.

Tuy nhiên, khi thấy cả xã rầm rộ đi tìm cháu bé, H. mới bừng tỉnh, không còn ảo giác của game mà trở về bản chất là một nam sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Nỗi sợ hãi lấn át lý trí khiến H. không dám thực hiện ý đồ của mình, bỏ mặc nạn nhân trong ngôi nhà hoang. Hậu quả đau lòng của màn kịch từ game ảo đến thực tế đã cướp đi sinh mạng của cháu bé 5 tuổi, khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ.

Để phục vụ công tác điều tra, ngoài nam sinh H., một nam sinh khác học cùng lớp cũng đã được công an triệu tập. Người này đã được H. nhờ chở đến hiện trường giấu xác cháu bé để nghe ngóng tình hình trong khi mọi người đổ xô đi tìm.

Hậu quả của nghiện game

Câu chuyện đau lòng về cái chết của cháu bé 5 tuổi tại Nghệ An chỉ vì trò chơi bắt cóc, giả anh hùng của nam sinh lớp 11 chỉ là hậu quả của một trong rất nhiều những vụ việc đau lòng liên quan đến game online hiện nay. Ảo giác từ game ảo, không ít người đã hóa mình thành những nhân vật trong game, để rồi gây ra những, hậu quả hết sức đau lòng cho bản thân, gia đình và xã hội.

Câu chuyện của Triệu Quân Sự (29 tuổi), trú tại tỉnh Thái Nguyên là một ví dụ điển hình như vậy. Chỉ vì nghiện game mà đối tượng này 5 lần đào ngũ, trốn ra ngoài rồi sát hại, cướp tài sản của một nữ chủ quán cà phê để có tiền chơi game.

Theo lý lịch, Sự học giỏi nhưng vì mê các trò chơi điện tử trên mạng internet nên học chưa hết lớp 10 đã nghỉ học. Năm 2011, anh ta khám nghĩa vụ quân sự và trúng tuyển, trở thành chiến sĩ tại Đại đội 1, Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 3, Quân khu 1. Tuy nhiên, trong thời gian quân ngũ, Sự vẫn không cai được trò chơi điện tử nên 5 lần bỏ trốn khỏi đơn vị để đi chơi game.

Sau lần lấy trộm 9 chiếc điện thoại di động của đồng đội rồi bỏ trốn khỏi đơn vị bán lấy tiền tiêu xài, Sự đào ngũ, chuẩn bị 1 con dao mang theo người với ý định giết người, cướp tài sản để lấy tiền chơi game.

Tại Hà Nội, Triệu Quân Sự đã ra tay sát hại chị Phạm Thị Xuân Hoa (49 tuổi), chủ quán cà phê Hương Sen để cướp chiếc nhẫn vàng trị giá 3 chỉ, đôi hoa tai và 2 máy điện thoại di động cùng 250.000 đồng của nạn nhân rồi tẩu thoát. Đối tượng sau đó bị bắt, bị kết án tù chung thân với các tội danh giết người, cướp tài sản, đào ngũ.

Trong thời gian thụ án tại Trại giam T10, Sự đã 2 lần vượt ngục. Lần thứ nhất, vào sáng 8-11-2015, Sự cùng bạn tù dùng vật sắc nhọn cưa song sắt cửa sổ của buồng giam rồi tẩu thoát. 1 tháng sau, đối tượng bị bắt trở lại, tiếp tục thụ án tại Trại giam T10.

Mới đây nhất, vào khoảng 15 giờ chiều 3-6, Triệu Quân Sự tiếp tục trèo qua tường rào kẽm gai tại khu giam của Trại giam T10 trốn thoát. Hiện, lực lượng chức năng đang ráo riết truy tìm đối tượng đặc biệt nguy hiểm này.

Đó chỉ là 2 trong số nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua, nguyên nhân do hung thủ là người nghiện chơi những trò chơi bạo lực trên thế giới ảo. Bị kích động, ám ảnh nên nhiều “game thủ” đã bị ảo giác, muốn biến mình thành những nhân vật anh hùng trong các trò chơi ảo này, hoặc đơn giản là chỉ cần có tiền để tiếp tục nướng vào game, nhiều đối tượng sẵn sàng trộm cắp, cướp của, thậm chí giết người để thỏa mãn.

Có thể kể đến câu chuyện của nam sinh viên Vương Đình Khánh, cựu sinh viên một trường cao đẳng tại TX. Cửa Lò (Nghệ An). Nghiện game, bị ám ảnh bởi các trò chém giết trên “thế giới ảo”, cách đây 5 năm, khi mới 21 tuổi, Khánh đã dùng sợi dây dù siết cổ mẹ ruột của mình đến chết. Điều đáng nói, trước thời điểm gây ra vụ việc, Khánh đã từng phải điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An trong suốt thời gian dài do chứng hoang tưởng vì game.

Trước đó không lâu, cũng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Trần Ngọc Quân (16 tuổi), học sinh lớp 10 của một trường THPT trên địa bàn TX. Thái Hòa, cũng vì nghiện game đã ra tay sát hại bác dâu của mình để cướp đôi bông tai bằng vàng đem bán lấy tiền chơi game.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người trẻ nghiện game kéo theo nhiều hệ lụy, theo đánh giá của tiến sĩ tâm lý Lê Thục Anh, giảng viên Khoa Giáo dục (Trường Đại học Vinh) là do sự buông lỏng, thiếu giám sát của gia đình, nhiều bậc phụ huynh vì mải mê kiếm tiền mà chểnh mảng việc quản lý con cái. Trong khi hiện nay, trên mạng xã hội tràn lan các trò chơi bạo lực, người trẻ thiếu kinh nghiệm sống, sa đà dễ gây nghiện và không điều chỉnh được hành vi của mình.

Ảo giác từ game dễ dẫn đến hậu quả khôn lường (Ảnh chụp trong một quán game ở Nghệ An).

Bác sĩ Phan Kim Thìn, Giám đốc Bệnh viện tâm thần Nghệ An cũng cho biết, hằng năm bệnh viện đều tiếp nhận một số trẻ vị thành niên, thậm chí cả những người trong độ tuổi từ 20-30 tuổi nhập viện điều trị vì ảo giác do chơi game quá nhiều dẫn đến không kiểm soát được hành vi. Theo bác sĩ Thìn, thế giới ảo của game online sẽ khiến giới trẻ lệch trí tưởng tượng, nghiện game là con đường ngắn nhất dẫn đến nhiều hành vi khác, trong đó có cả loạn thần, thậm chí tử tự.

Thực tế cho thấy, bản thân game trực tuyến không có gì xấu nếu người chơi biết kiềm chế bản thân và xem đó như một kênh để giải trí, giảm stress. Chơi game ở mức độ giải trí và được kiểm soát tốt thậm chí còn có tác dụng hữu ích đối với người chơi. Song, một bộ phận giới trẻ quá sa đà, nghiện ngập vào các trò chơi bạo lực trên mạng ảo, dẫn đến bị nghiện, lệ thuộc hoàn toàn vào game, lâu dần gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng về tâm lý cũng như sự phát triển của trí não. Mới đây, trong hướng dẫn phân loại bệnh của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nghiện chơi game được ghi nhận là bệnh tâm thần.

Nói thế để thấy rằng, hậu quả của việc nghiện game online sẽ rất nghiêm trọng nếu chúng ta bị lệ thuộc quá nhiều vào thế giới ảo này. Câu chuyện của nam sinh Đào Ngọc H., vì muốn thế thân vào vai anh hùng để ra tay giải cứu vụ việc bắt cóc khiến cháu bé 5 tuổi ở Nghệ An phải thiệt mạng, hay chuyện về Triệu Quân Sự cũng vì game mà đào ngũ, vượt ngục, giết người, cướp của là những minh chứng điển hình nhất cho sự tác hại khi nghiện game.

Để hạn chế thấp nhất những hậu quả, tác hại do game online gây ra, thiết nghĩ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, cần có sự phối hợp nhịp nhàng hơn nữa để ngăn ngừa việc chơi game quá nhiều dẫn đến mất kiểm soát của con em mình. Tạo ra môi trường sống lành mạnh, thân thiện và sự quan tâm, gần gũi thường xuyên là yếu tố tiên quyết để một người trẻ có thể xa rời game một khi đã lỡ sa vào.

Ngày 12-6, Công an huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳnh Lưu đã hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đào Ngọc H. (SN 2003), trú tại xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, hiện đang là học sinh lớp 11 Trường THPT Quỳnh Lưu 4 về tội giết người. H. là thủ phạm gây ra cái chết thương tâm cho cháu Hồ Trần Văn Đ. (5 tuổi), trú xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Thiên Thành
.
.