Hồ sơ vụ án Charles Manson
- Bắt giữ kẻ giết người hàng loạt sau 40 năm nhờ ADN
- Phá án giết người hàng loạt nhờ côn trùng
- Rùng mình vì kẻ giết người hàng loạt ở Toronto
Manson càn quét toàn bộ khu vực miền Nam tiểu bang California trong thời điểm năm 1969 với một chuỗi vụ trọng án man rợ mà nạn nhân bao gồm cả nữ diễn viên trẻ trung với tương lai đầy hứa hẹn tên là Sharon Tate.
Tội ác tàn bạo khó tha, cuối cùng Manson cũng đền tội bằng mức án tử hình, còn cái tên của hắn ta cũng đồng nghĩa với sự xấu xa, đồi trụy. Charles Manson, kẻ “bóc lịch” suốt 48 năm trong xà lim, đã qua đời vào một đêm chủ nhật tại Bệnh viện Hạt Kern, hưởng dương 83 tuổi. Sở Cải cách trừng giới và phục hồi nhân phẩm California (DCR) loan tin đó.
Thời niên thiếu hư hỏng
Giới chức DRC tuyên bố rằng phạm nhân Charles Manson qua đời trong hoàn cảnh tự nhiên vào lúc 8 giờ 13 phút tối. Y bị phạt tù tại Nhà tù công California ở Corcoran hồi năm 1989 cho đến khi đổ bệnh vài ngày rồi chết. Bà Dianne Lake, thành viên trẻ nhất trong gia tộc Manson khét tiếng, đã mô tả khoảng thời gian bà sống với Charles Manson.
Theo bà Diana Lake thì Charles Manson bỗng dưng trỗi thú tính cuồng bệnh kinh hoàng với vô số hành vi bạo lực nhằm hy vọng đốt cháy một cuộc chiến tranh do hắn ta tưởng tượng ra. Charles Manson gọi cái thứ chiến tranh đó là “Helter Skelter”, một cái tên cũng giống như thứ khác mà gã đã đánh cắp trong cuộc đời mình.
“Helter Skelter” là tựa đề của một bài hát mà Paul McCartney từng mô tả nó như là một nỗ lực nhằm tạo nên “tiếng hét nguyên bản” nhất có thể. Tại hiện trường của một trong những vụ giết người, những tên sát nhân đã dùng chính máu của nạn nhân viết nguệch ngoạc 2 chữ “Helter Skelter” trên cửa tủ lạnh.
Những chữ viết bằng máu tại hiện trường đã thể hiện sự kỳ quái ma quỷ, vĩ đại và si mê khó hiểu. Chỉ trong thời gian ngắn ra tay giết người lia lịa khiến công chúng hoang mang, càng thúc đẩy niềm tin của họ rằng “kẻ biến thái” Charles Manson đích thị là kẻ loạn trí và dường như người ta quên bẵng hắn vào các năm cuối đời khi cánh phóng viên tìm tới nhà ngục để phỏng vấn hắn.
“Giáo chủ tà đạo” Charles Manson với biểu tượng thập ngoặc xăm trên trán lúc ra tòa. Ảnh: Variety. |
Trong lần phỏng vấn tại DRC vào năm 1994, “sói nhân” (vì con mắt hắn chiếu xạ như chó sói) Charles Manson đã công khai thừa nhận mọi tội lỗi và rằng đã “thực hiện tội ác bởi một sự ám ảnh không thể giải thích được”. Charles Manson, một công dân gốc ở Cincinnati (tiểu bang Ohio), hồi nhỏ hắn ta được bà dì và ông chú nuôi nấng sau khi mẹ đẻ phải ngồi tù do làm tràn xăng tại cây xăng công cộng. Còn hắn ta cũng không kém thành tích bất hảo, giữa các lần chuyển trại giam, Charles đã đánh cắp xe hơi, khoắng sạch một cửa hàng rượu, lừa gạt các quản giáo, làm “trai bao” và cả trộm cắp. Charles cũng tập tành viết lời bài hát nhằm khởi động một sự nghiệp âm nhạc, nhưng có vẻ chả ai buồn nghe nên là nhạc nhọe sau đó đương nhiên là đi tong.
“Giáo chủ” tà đạo
Hồi cuối thập niên 1960, bản tính phong trần, kỳ cục, bất cần đời của Charles Manson đã khiến hắn ta lọt vào mắt của một giáo phái nhỏ, chủ yếu là các tín đồ thanh nữ, những người này cho Charles xài thứ ma túy gây ra ảo giác và họ gọi giáo phái là “gia đình”. Khoảng mùa hè năm 1969, sau một thời gian bù khú ở San Francisco và các trang trại gần Thung lũng chết, giáo phái này đã dọn tới khu vực Los Angeles và náu mình hoạt động trong một nông trang vốn từng là nơi quay các bộ phim cao bồi miền Tây.
Cuối tháng 7-1969, theo lệnh của Charles Manson, các tín đồ của phái tà đạo đã tìm cách giết hại một giáo viên nhạc trạc tuổi 22, nạn nhân cũng là người quen của “thủ lĩnh” Manson, tên là Gary Hinman. Vụ án mạng xảy ra là bởi Charles Manson bỗng dưng nghĩ rằng Gray Hinman sẽ là người “phỗng” tiền thừa kế của giáo phái trong tương lai.
Chưa hết. Hai tuần sau đó. Vào ngày 9-8-1969, các thành viên trong giáo phái đã tới một ngôi nhà trong hẻm núi Benedict, nơi đây vốn là tài sản của nhà sản xuất thu âm, người được cho là làm cản trở sự nghiệp của Charles Manson. Ở đó, những tên sát nhân đã ra tay hạ sát 5 người bao gồm cả nữ diễn viên Sharon Tate, người vừa kết hôn với đạo diễn phim Roman Polanski và đang mang thai 8 tháng. 4 trong số 5 nạn nhân bị đâm chết với tổng cộng 102 nhát dao.
Đạo diễn Roman Polanski và nữ diễn viên Sharon Tate trong lễ cưới của họ vào tháng 1-1968, lúc đó Sharon Tate đã mang thai được 8 tháng. Ảnh: CNN. |
Susan Atkins, một trong các tín đồ của “giáo chủ” Charles Manson nhớ lại rằng tại phòng khách trong ngôi nhà tang tóc, Susan nhìn thấy một tín đồ nam giới của Charles Manson tên là Charles “Tex” Watson đã cầm dao đâm chết nữ diễn viên nổi tiếng. Cũng theo sự hồi tưởng của Susan Atkins thì khi đó bà ta vớ lấy cái khăn, nhúng vào máu của nữ diễn viên và viết chữ “Pig” (“con lợn”) trên cửa nhà trước. Susan Atkins rùng mình nhớ lại: “Lần đầu tiên trong đời, tôi đã nhận thức sâu sắc về cái ác. Xin Chúa tha thứ, con là quỷ sứ!”.
Đêm kế tiếp, “giáo chủ” Charles Manson cùng 6 đệ tử đã tiến đến ngôi nhà trên sườn đồi Los Angeles vốn của chủ nhân siêu thị tên là Leno LaBianca và bà xã Rosemary và đâm chết hai vợ chồng, xác 2 nạn nhân hiển thị rõ tổng cộng 67 vết thương. Một công tố viên khẳng định rằng gia đình của LaBianca xui xẻo được “lựa chọn” là bởi vì nhà họ nằm kề với một địa điểm tổ chức tiệc tùng mà Charles Manson từng có lần tham dự.
Những vụ giết người rùng rợn mà buổi ban đầu dường như chả mấy liên quan, đã làm đau đầu các thám tử tư. Phải mất nhiều tháng ròng rã sàng lọc các đối tượng tình nghi, cảnh sát California mới ghép các manh mối để dẫn họ đến với Charles Manson và các đệ tử của hắn ta. Đối với cảnh sát, bức màn bí mật của các vụ án mạng nghiêm trọng chỉ được hé lộ khi họ đột kích vào một nông trại hoang mạc nơi Charles Manson đang chứa chấp một loạt những chiếc xe hơi do ăn cắp được. Cảnh sát khám phá ra “giáo chủ” Charles Manson đang trốn dưới bồn rửa.
Phiên tòa dai dẳng
Phiên tòa xét xử “sát nhân” Charles Manson và 3 thành viên gia đình đã kéo dài lê thê suốt 8 tháng ròng khiến cả nước Mỹ phát hoảng. Mỗi ngày diễn ra phiên xét xử là bằng ấy luồng thông tin báo chí và dư luận chúi mắt vào, nếu có mạng internet như ngày hôm nay thì e là mọi ngóc ngách, bàn dân thiên hạ đều biết rõ sự vụ. Ngay phiên tòa xét xử, người ta thấy “giáo chủ” Charles Manson khắc một chữ “X” nhỏ lên trán, hắn ta lạnh lùng tuyên bố mình không có tội bởi lý do điên rồ, cũng không có tội (!?).
3 đồng phạm Susan Atkins, Patricia Krenwinkel và Leslie Van Houten cùng với “giáo chủ” Charles Manson thực hiện các vụ án giết người. Ảnh: The New York Times. |
Khi chi tiết về những vụ giết người ghê rợn được nói ra từ bục nhân chứng – chủ yếu đến từ một thành viên của giáo phái tên là Linda Kasabian, người này được đề nghị miễn trừ với điều kiện phải khai hết – còn những người khác hay các thành viên còn lại trong giáo phái đều tỏ thái độ chống đối với phiên tòa bằng những tiếng huýt sáo, tụng kinh, cười khúc khích, phản đối… nói chung là gây mất trật tự tối đa. Còn có lúc bị cáo Charles Manson nhảy hẳn lên bàn và tấn công ngài thẩm phán Charles Older. Sợ hãi với các hành vi điên cuồng của “giáo chủ”, sau lần đó thẩm phán Charles Older đã phải lận súng lục dưới áo choàng đen để đề phòng bất trắc.
Phê phán về Charles Manson, công tố viên Vincent Bugliosi nhấn mạnh: “Một số người thật sự rất xấu xa. Bị cáo rõ ràng là người xấu nhất!”. Sau khi bồi thẩm đoàn xem xét và thấy rằng Charles Manson có tội và trong khi đang nghị án để xem xét có nên đề xuất mức án tử hình hay không thì “giáo chủ” Charles Manson gọt trọc đầu của y. Không chịu thua kém “sư phụ”, 3 đồng phạm Susan Atkins, Patricia Krenwinkel và Leslie Van Houten liền bắt chước theo và cũng tự cạo trọc đầu chính mình. Charles Manson gào lên: “Ta là Sa Tăng. Quỷ Sa Tăng luôn có đầu hói…”.
Tòa tuyên án ngồi tù vĩnh viễn đối với Charles Manson. Năm 1972, tên sát nhân Charles Manson nhận mức án tù chung thân sau khi Tòa án tối cao California (CSC) bãi bỏ tất cả bản án tử hình hiện có. Riêng 3 đồng phạm Susan Atkins, Patricia Krenwinkel và Leslie Van Houten bị kết tội giết người. Patricia Krenwinkel và Leslie Van Houten vẫn đang “bóc lịch” sau song sắt, mọi đề nghị tạm tha từ 2 phạm nhân này đều liên tục bị từ chối.
Tháng 9-1972, Hội đồng tạm tha sau khi xem xét các hành vi phạm tội của 3 nữ phạm nhân, cuối cùng cho rằng phạm nhân Leslie Van Houten là thích hợp nhất để phóng thích. Thống đốc California-Jerry Brown là người đã từng chống lại việc tha bổng Van Houten. Phạm nhân Susan Atkins qua đời trong tù vào năm 2009. Watson và thành viên giáo phái Bobby Beausoleil – 2 kẻ bị kết tội giết người trong các phiên tòa riêng biệt – vẫn còn bị giam.
Charles Manson trải qua những ngày tháng cuối đời trong tù, nhưng hắn ta không hề có dấu hiệu ăn năn hối cải, mà vẫn tiếp tục phá hỏng các quy tắc nhà giam, vẫn quỷ quyệt điều hành đường dây buôn bán ma túy bên ngoài, đe dọa các bạn tù khác và sử dụng các điện thoại di động tuồn lậu. Với một “phạm nhân biệt giam” như Charles Manson thật có rất ít cơ hội cho hắn ta thách thức với thế giới văn minh, nhưng hắn ta vẫn khiến không ít người giận dữ đối với hình ảnh của gã bằng cách bỏ chữ khắc “X” lên trán và thay thế vào đó một hình dấu thập ngoặc.
Chân dung tên sát nhân hàng loạt Charles Manson, những năm tháng cuối đời “bóc lịch” tại nhà tù công California. Ảnh: RadioAgriculture. |
Cơ chế quản thúc phạm nhân Charles Manson của nhà tù công California đã bị thất bại khi họ không sao ngăn cản được đám đông “tín đồ” theo chân tên sát nhân. Một trong số các “đệ tử” của Charles Manson trong nhà tù là cựu vũ công múa dân gian trẻ con Lynette “Squeaky” Fromme, người này đã ở Sacramento vào tháng 9-1975 và gần với nhà tù Folsom nơi phạm nhân Charles Manson bị giam giữ tại thời điểm đó.
Trong công viên kế cận tòa nhà Capitol, Lynette Fromme chĩa khẩu súng lục cỡ nòng 4,5 ly vào Tổng thống Mỹ khi đó là Gerald Ford. Có 4 viên đạn trong khẩu súng nhưng không có viên đạn nào trúng đích. Lynette Fromme nhanh chóng bị tóm gọn và ả bị kết tội cố ý mưu sát. Nhưng tới năm 2009, Lynette Fromme được phóng thích theo hình thức tạm tha.
Charles Manson đệ đơn xin tạm tha 12 lần, nhưng tất cả đều bị từ chối, lần bị từ chối gần nhất là năm 2012. “Chúng tôi xem xét các đơn xin tạm tha của phạm nhân Charles Manson và không tìm thấy có bất kỳ nhân tố nào phù hợp cả”, dẫn lời tuyên bố của ông John Peck, một thành viên của Hội đồng tạm tha tại nhà tù công California vào thời điểm năm 2012.
Bản kiến nghị tiếp theo về việc tạm tha dự kiến sẽ được công bố vào năm 2027 khi phạm nhân Charles Manson, nếu hắn còn sống, tròn 92 tuổi. Năm 1987, tên sát nhân vẫn còn có những lời phát ngôn hung hăng ngay trong tù. Nhưng cuối cùng thì cái ác đã phải đền tội.