Hóa giải mâu thuẫn nhỏ, tránh hậu quả lớn

Thứ Sáu, 19/06/2020, 11:36
Tình yêu không được đáp trả, người ta quay ra hằn học. Mâu thuẫn hằng ngày trong cuộc sống, không có phương án, kỹ năng giải quyết, cứ để âm ỉ kéo dài, rồi một trong những giây phút ý nghĩ cực đoan trỗi dậy, họ tìm cách trả thù, hủy hoại người khác…

Khi những hành vi trả thù xảy ra, không chỉ những người trong cuộc bị ảnh hưởng mà những người không liên quan cũng bị vạ lây. Có một điều đa phần các vụ phóng hỏa giải quyết mâu thuẫn, đối tượng biết trước được hậu quả của mình gây ra, nhưng trong lúc lý trí bị che lấp bởi sự hèn hạ, máu lạnh của mình, các đối tượng vẫn quyết thực hiện hành vi…

Tàn độc một cơn ghen

Phan Văn Quang (tự Chín “cụt” hay Quang "cùi", quê Long An) kẻ đổ xăng phóng hỏa đốt phòng trọ tại số 505, đường 21E, phường Bình Trị Đông b, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh rạng sáng 12-6 khiến chị Đào Thị Dứng, quê An Giang và 2 người cháu gọi chị Dứng bằng cô là Đào Văn Thiệt và Đào Văn Tường thiệt mạng vừa bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ. Mâu thuẫn của Quang xuất phát từ việc bị chị Dứng từ chối tình cảm dẫn đến việc Quang nuôi hận trong lòng và ra tay thực hiện hành vi của mình.

Đối tượng Quang, người phóng hỏa khiến chị Dứng và 2 đứa cháu tử vong.

Hai cháu bé, những người không liên quan gì đến Quang lại phải thiệt mạng một cách vô tội chỉ vì lòng thù hận của Quang. Quang biết trước hậu quả của mình gây ra, biết trước mình phải đối mặt với bản án nghiêm khắc của pháp luật nên trên đường trốn chạy, Quang đã thủ sẵn 3 gói thuốc độc trên người.

Cái biệt danh Chín "cụt" hay Quang "cùi" xuất phát từ thân hình dị tật của Quang. Quang tướng người thấp, bàn tay phải thiếu 3 ngón, bàn tay trái chỉ còn một ngón, chân bị tật đi khập khiễng. Hồi còn ở Long An, Quang "cùi" nổi tiếng là người ham mê cờ bạc, đá gà. Mặc dù có gia đình nhưng Quang "cùi" vẫn bỏ nhà đi lang thang về Tiền Giang rồi lên TP Hồ Chí Minh mưu sinh bằng nghề buôn bán trái cây.

Quang "cùi" gặp chị Dứng khi chị Dứng thôi chồng, cùng con gái từ An Giang lên TP Hồ Chí Minh thuê nhà trọ tìm kế sinh nhai. Chị Dứng buôn bán quần áo, chén dĩa nhưng ế ẩm, gặp thời điểm dịch bệnh, công việc không trôi chảy, chị Dứng cũng chuyển sang bán trái cây. Quang "cùi" là một trong những người bỏ mối trái cây cho chị Dứng.

Nếu không dập tắt kịp thời, hàng chục sinh mạng tại dãy nhà trọ bị đe dọa.

Người phụ nữ không chồng đơn thân nuôi con, mặc dù bươn chải ngoài đường nhưng nhan sắc mặn mòi khiến Quang đem lòng yêu thương. Tuy nhiên, tình cảm của Quang "cùi" không được chị Dứng đáp trả mà bị từ chối thẳng thừng, Quang "cùi" nuôi lòng thù hận.

Từ hồi biết Quang "cùi" có tình cảm với mình, Chị Dứng tìm cách tránh mặt Quang. Mối mít thường lấy của Quang, chị Dứng cũng tìm người khác cung cấp. Quang "cùi" tìm đến phòng trọ, chị Dứng khóa cửa không cho vào. Không những thế chị Dứng thẳng mặt từ chối, đuổi thẳng cổ Quang khi Quang tìm cách tiếp cận.

Quang liên tục gọi điện, nhắn tin cho chị Dứng. Chị Dứng không nghe máy, Quang đổi sim liên tục hoặc dùng các số điện thoại này để dò la, tra hỏi thông tin xem có gã đàn ông nào ve vãn chị Dứng hay không mà để chị Dứng kiên quyết từ chối mình? Cách yêu của Quang cũng cực đoan, chiếm hữu.

Người con gái trẻ phút chốc mất đi người mẹ, chỗ dựa tinh thần của mình bởi ngọn lửa hờn ghen của Quang "cùi".

Chị Đào Thị Thúy, là chị ruột của Dứng cho hay, không được Dứng đáp trả tình cảm nhưng Quang cứ nghĩ Dứng là người của mình nên tỏ thái độ ghen tuông vô cớ. Bị đuổi nhưng Quang vẫn tìm đến phòng trọ của Dứng rình mò rồi hù dọa sẽ "chết một trận" nếu Dứng tiếp tục từ chối tình cảm.

"Tôi nói con Dứng nếu không thương thì nói thẳng cho Quang biết, nếu nó hù dọa, nhắn tin làm phiền như vậy thì báo với chính quyền nhưng Dứng nói mình biết phải làm gì, nó còn nói "Tính Quang là vậy, mình không thích thì thôi, đâu sao!"… vậy mà!" - chị Thùy khóc nghẹn.

Chiếc can nhựa 10 lít còn nồng nặc mùi xăng chỏng chơ tại hiện trường vụ cháy, ụ đất đắp trước cửa phòng trọ của chị Dứng vẫn còn đó, dấu vết be đất thành bờ để Quang chế xăng vào phòng trọ không chảy ngược ra ngoài bị dẫm đạp bởi những người dân hiếu kỳ đến xem hiện trường vụ phóng hỏa.

Căn phòng trọ tan hoang, cháy nham nhở; đồ đạc của chị Dứng và con gái bị cháy nằm lăn lóc trong đống trái cây hư hỏng... Nhiều người dân cho hay, nếu không có lực lượng chữa cháy kịp thời thì không chỉ 3 người thiệt mạng mà cả chục căn phòng trọ xập xệ san sát nhau ở đây cũng bị ảnh hưởng, và ở những căn phòng trọ này có biết bao nhiêu con người  đang ngủ say bị ngọn lửa hận thù của Quang đe dọa.

Tài sản và tính mạng của nhiều người không liên quan cũng bị đe dọa trong vụ cháy.

Nhiều vụ án các đối tượng tìm nhiều cách trả thù mâu thuẫn khác nhau nhưng cốt lõi của cách trả thù là làm sao thỏa được việc giải quyết mâu thuẫn của mình, không từ bằng cách nào, kể cả vi phạm pháp luật. Bởi khi gây án, dường như sự thù hận đã che mất lý trí của họ.

Nói về cách giải quyết mâu thuẫn bằng cách phóng hỏa đến giờ nhiều người còn nhớ đến vụ cháy do Nguyễn Hữu Phước gây ra hồi tháng 1/2020 khiến 5 người nhà bà Lê Thị Huệ thiệt mạng. Chẳng ai ngờ rằng, lý do mà Phước phóng hỏa chỉ vì cái lối đi chung giữa nhà Phước và nhà bà Huệ.

Vì không thích những người nhà bà Huệ hằng ngay đi ngang qua nhà mình nói chuyện lớn tiếng, Phước đã chế xăng vào nùi giẻ ném vào cửa chính nhà bà Huệ.

Ngọn lửa bùng phát bén vào 4 xe gắn máy và cháy dữ dội. 5 người trong căn nhà chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất bị ngọn lửa bao trùm không lối thoát, mất mạng oan uổng. Lúc này Phước mới thật sự sợ hãi về hành vi của mình gây ra nhưng vẫn còn đủ ngoan cố để hòng qua mặt cơ quan điều tra.

Sau khi lao vào dập lửa bất thành, Phước mặc áo mưa rời khỏi hiện trường sau đó quay trở lại giả bộ vào chữa cháy giúp rồi tung tin nhà bà Huệ thiếu nợ, bị giang hồ đến đốt nhà đòi nợ. Phước lại tung tin thấy cảnh 2 thanh niên đi xe máy vào hẻm rồi bỏ đi sau đó đám cháy bùng phát khiến nhiều người mắc lừa và "chia sẻ" tình tiết mà Phước kể, gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng đến quá trình điều tra...

Sớm phát hiện mâu thuẫn để giải quyết

Những mâu thuẫn trong tình cảm, cuộc sống, cách xử sự giữa người với người với nhau trong các mối quan hệ không được giải quyết kịp thời, không được ngăn chặn dẫn đến việc mâu thuẫn âm ỉ kéo dài trở thành thù hận và việc giải quyết mâu thuẫn bằng cách phóng hỏa đốt nhà, đốt phòng trọ hay đốt nhau tạo ra hình ảnh bạo lực khó có thể chấp nhận.

Những người trong cuộc nếu không mất mạng thì thân hình biến dạng, cuộc sống của họ như địa ngục, sống không bằng chết. Đã có nạn nhân không chấp nhận với hình ảnh thực tại của mình khi cơ thể biến dạng dẫn đến việc trầm cảm rồi lại bị người đời nhìn bằng cặp mắt xa lánh khiến họ có ý nghĩ tiêu cực và thường tìm đến cách giải thoát cho mình. Tuy nhiên cũng có người chấp nhận số phận, làm lại cuộc đời, nhẫn nhịn chỉ vì họ nghĩ đến con cái của mình.

Ngôi nhà trong hẻm sâu ở ấp Mũi Cồn Tiểu, xã Hiệp Phước, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh là nơi hai người phụ nữ có hoàn cảnh tương đồng khi gặp phải người chồng vũ phu, mất tính người phóng hỏa… thiêu sống. Họ may mắn giữ được tính mạng của mình nhưng với thân hình biến dạng, các vết sẹo chi chít trên người.

Phải mất nhiều thời gian họ mới vơi đi được quá khứ đau buồn của mình để tiếp tục sống, bởi bên họ còn có trách nhiệm với những đứa con. Đó là hoàn cảnh của chị L.T.K.N., sinh năm 1987, quê Phú Yên. Trong cơn ghen, người chồng đã phóng hỏa đốt nhà khiến chị N bị phỏng đến 93% cơ thể, qua nhiều lần phẫu thuật, giành giật sự sống, chị N thoát khỏi tay tử thần nhưng hình thù biến dạng. Chị bỏ quê vào TP Hồ Chí Minh chữa trị và tìm kế sinh nhai nuôi 2 đứa con ăn học.

Quá khứ được chị N. chôn chặt trong lòng và cố gắng sống với thực tại. Trong một lần đến bệnh viện thăm khám, chị N. gặp H.T.T., sinh năm 1991, quê Yên Bái. Cô gái trẻ với nhiều vết sẹo trên người cũng từng bị người chồng vũ phu phóng hỏa khiến thân thể biến dạng, giữ được mạng nhưng không thể sống với sự kỳ thị của xóm làng, T. gửi 2 con cho ông bà nội rồi khăn gói vào TP Hồ Chí Minh.

Cảnh ngộ tương đồng, chị N. không ngần ngại rủ T. về ở chung. Hai người phụ nữ, 2 số phận nhưng có một điểm chung là tình duyên lận đận, lấy phải ác thú, đồng cảm, nương tựa nhau, vượt qua nỗi đau thể xác để cùng nhau chữa lành vết thương tâm hồn. 

Nói về những vụ án giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày, trong đó có việc các đối tượng dùng thủ đoạn phóng hỏa giải quyết mâu thuẫn, Thượng tá Nguyễn Thế Lâm - Phó Trưởng phòng tham mưu -Công an TP Hồ Chí Minh nhận định, thời gian qua cách hành xử xã hội đang tồn tại một số vấn đề.

Trong đó các mâu thuẫn nhỏ không được giải quyết kịp thời, không được phát hiện xử lý ngay, để âm ỉ lâu dài dẫn đến việc các đối tượng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Kỹ năng ứng xử, kỹ năng kiểm soát hành vi của con người quá kém lại bị tác động chi phối bởi nhiều vấn đề trong cuộc sống mưu sinh hằng ngày.

Trong khi đó, việc phát hiện mâu thuẫn, ngăn chặn mầm mống bạo lực bước đầu của nhiều đoàn thể còn yếu.

"Người phát hiện mâu thuẫn là những người trong cuộc, là những người sống cận kề nhau, những tổ chức đoàn thể địa phương, chính quyền, cảnh sát khu vực, bảo vệ dân phố… nhưng có những vụ mâu thuẫn họ không nắm bắt được để có biện pháp hóa giải. Nếu phát hiện, giải quyết, hóa giải các mâu thuẫn ngay từ đầu thì các vụ án như thế này có thể được hạn chế. Bởi vậy, công tác ban đầu để ngăn ngừa thì ngoài kỹ năng giải quyết mâu thuẫn giữa những người trong cuộc thì cần phải có sự quan tâm của nhiều tổ chức đoàn thể" - Thượng tá Lâm nhấn mạnh.

Nói về hành vi giải quyết mâu thuẫn cực đoan của các đối tượng sử dụng biện pháp phóng hỏa để giải quyết mâu thuẫn, Luật sư Nguyễn Văn Trường - Văn phòng Luật sư Trường - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, những đối tượng nhận thức rõ hành vi phóng hỏa không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến những người không liên quan, gây nguy hại đến tài sản của người khác, đe dọa tính mạng của nhiều người nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi của mình, đây là hành vi giết người.

Tùy vào động cơ gây án của đối tượng, số người bị ảnh hưởng mà có khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù, chung thân đến tử hình.

Qua những vụ phóng hỏa tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua cho thấy cách giải quyết mâu thuẫn của các đối tượng có tính chất côn đồ và động cơ gây án đê hèn. Để giải quyết và hạn chế những hành vi bạo lực xuất phát từ những mâu thuẫn bộc phát đòi hỏi phải có cách hành xử và lối sống đúng mực, đúng pháp luật. Người trong cuộc cần phải bình tĩnh, tỉnh táo, kiềm chế để không gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Đã có nhiều án tử đối với các đối tượng gây án bằng cách phóng hỏa giết người nên đứng trước những mâu thuẫn trong cuộc hãy tự răn mình bằng những bài học trên, chấm dứt ngay việc lạm dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.

Mạnh Đức - P. Tuyền
.
.