Khi kẻ thủ ác là người gần gũi

Thứ Bảy, 01/05/2021, 13:36
Những ngày qua, dư luận cả nước lại rúng động trước thông tin những vụ xâm hại trẻ em đặc biệt nghiêm trọng liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi. Chiều 26-4, Nguyễn Văn Quân - kẻ đang tâm giết hại cháu T (SN 2010, ở xã Yên Cường, Ý Yên, Nam Định) đã bị bắt giữ.

Trước đó là vụ gã hàng xóm xâm hại tình dục rồi giết chết bé P.N.Q.N tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vụ cháu gái 12 tuổi bị mẹ ruột bạo hành và bạn trai của mẹ xâm hại tình dục ở Hà Đông…

Điểm chung nhất ở các vụ án này, đó là hung thủ chính là người gần gũi với trẻ, như là hàng xóm, bạn bè của bố mẹ, thậm chí người cùng gia đình. Cần làm gì để bảo vệ trẻ em trước những tai họa tiềm ẩn, bất ngờ ấy là đòi hỏi bức thiết đặt ra từ dư luận.

Tội ác cận kề

Khi chúng tôi có mặt tại thôn Trực Mỹ (xã Yên Cường, huyện Ý Yên, Nam Định), không khí tang tóc vẫn bao trùm ngôi nhà anh Q (bố nạn nhân). Nhiều người đau xót, thương cảm trước cái chết của cháu T, đồng thời quá đỗi bất ngờ khi kẻ thường xuyên sang nhà anh Q chơi, chính là hung thủ gây án. Chiều 26-4, Công an tỉnh Nam Định cho biết đã bắt giữ Nguyễn Văn Quân (SN 1978, ở cùng thôn Trực Mỹ) về hành vi Giết người.

Đối tượng Phạm Văn Dũng bị cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt giữ

Trước đó, sáng ngày 24-4, Quân nảy sinh ý định trộm cắp tài sản lấy tiền tiêu xài nên đã đột nhập vào nhà anh Q. (bố cháu T) để lục lọi. Lên tầng 2, Quân phát hiện có két sắt liền phá két, lấy đi 16 triệu đồng. Khi quay xuống tầng 1 thì gặp cháu T. Sợ bị phát hiện, Quân đã dùng tay bóp cổ cháu bé, kéo vào phòng tắm, ấn đầu nạn nhân xuống chậu nước. Khi thấy cháu T. đã bất động, Quân chạy về nhà thay quần áo, cất giấu 10 triệu đồng vào hòm tôn trong phòng ngủ, số tiền còn lại y giữ trong người rồi bỏ đi chơi, giả vờ như không biết chuyện gì xảy ra. Khi gia đình nạn nhân tổ chức tang lễ cho cháu bé, Q vẫn thản  nhiên sang thắp hương rồi ngồi lại cùng hàng xóm để chia buồn với tang chủ.

Gây án man rợ, xong vẫn thản nhiên quay lại nhà nạn nhân để chia buồn, giúp công việc tang chay… là phản ứng tâm lý thường thấy ở các hung thủ có quan hệ với gia đình nạn nhân như là hàng xóm, bạn bè, người thân. Điều này đi ra từ tâm lý bất an, muốn che giấu tội phạm bằng các ứng xử bình thường để không gây nghi ngờ, đồng thời để nghe ngóng dư luận, hướng điều tra của cơ quan chức năng. Đó cũng là phản ứng tâm lý của tên Phạm Văn Dũng (SN 1975, ở khu phố 3, phường Long Tâm, TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu), sau khi giết hại và xâm hại tình dục bé P.N.Q.N, y vẫn thản nhiên quay lại gia đình nạn nhân

Chiều 17-4, sau khi nhậu ở nhà hàng xóm xong, khoảng 20h cùng ngày, Dũng về nhà không thấy vợ nên đi bộ xuống nhà mẹ vợ. Trên đường đi bộ ra đầu hẻm 122, đường Võ Thị Sáu (phường Long Tâm), Dũng thấy cháu N. (5 tuổi) và một cháu trai đi theo sau nên đối tượng đã nảy sinh ý định xâm hại tình dục N. Dũng đứng lại tại khu đất nghĩa địa và đợi cháu N. đến. Dũng bế cháu N. đặt lên gò cát cạnh sân bóng thì bị cháu la lên. Lúc này, Dũng sợ có người phát hiện nên đã bóp cổ cháu N đến chết, rồi dùng tay xâm hại tình dục cháu bé. Sau đó y bỏ đi… Phạm Văn Dũng đã bị khởi tố bị can và bắt tạm giam về tội Giết người và Hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

Thực nghiệm điều tra vụ án Phạm Văn Dũng can tội giết người và hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

 Những vụ án nêu trên chỉ là những điển hình của tội ác do người gần gũi với trẻ gây ra trong thời gian gần đây. Theo Trung tá Nguyễn Văn Cường (cán bộ Cục Cảnh sát hình sự) thì hành vi phạm tội của các đối tượng nêu trên là đặc biệt nguy hiểm, cùng lúc xâm hại 2 khách thể được luật hình sự bảo vệ, đó là quyền được sống và quyền bất khả xâm phạm tình dục của trẻ em. Trẻ em là đối tượng bảo vệ đặc biệt của xã hội và pháp luật. Do đó, mọi hành vi xâm hại trẻ em cần phải bị trừng trị thích đáng.

Nhận diện nguyên nhân

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, năm 2020 cả nước đã phát hiện 1.945 vụ xâm hại trẻ em. Trong đó có khoảng 73% số vụ thủ phạm và nạn nhân quen biết nhau, chiếm 10% trong số này là các vụ cha dượng hoặc chính bố đẻ xâm hại tình dục con mình. Đáng sợ hơn, vấn nạn xâm hại trẻ em đã len lỏi và xuất hiện trong môi trường giáo dục, vốn được coi là an toàn, lành mạnh để trẻ em hoàn thiện nhân cách và kẻ thủ ác lại chính là người được quyền dạy dỗ nhân cách cho các con.

Phân tích về nguy cơ trẻ bị tấn công bởi những người quen, Trung tá Cường cho rằng trẻ có thể đã được cha mẹ dặn dò cần đề phòng người lạ. Nhưng đây lại là người quen, gần gũi trong đời sống, nên các con thường không cảnh giác, thậm chí còn tin tưởng đi theo. Mà không chỉ có con trẻ, chính người lớn chúng ta cũng thường an tâm khi thấy con chơi cùng người quen. Trên thực tế, kẻ phạm tội xâm hại tình dục hay bắt cóc trẻ em, có thể là bất kỳ ai.

Đã từng xảy ra nhiều vụ người trong họ hàng bắt cóc con cháu mình đưa đi bán, hay xâm hại trẻ em là người một nhà. Kẻ phạm tội thường lợi dụng sự sơ hở, lòng tin của trẻ em và gia đình, sự non nớt của trẻ, đồng thời khai thác triệt để các tình huống thuận lợi cho việc phạm tội, như trẻ ở nhà một mình, chơi một mình nơi công cộng, làm việc ở nơi vắng vẻ tại vùng nông thôn, miền núi rẻo cao. Các đối tượng còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết về giới tính và không có kỹ năng tự bảo vệ của trẻ để dụ dỗ, đe dọa và thực hiện hành vi xâm hại. 

Mặc dù chế tài xử lý hành vi xâm hại trẻ em trong pháp luật hiện hành đã rất nghiêm khắc, nhưng các vụ phạm tội vẫn gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Công tác phòng ngừa xã hội đối với tội phạm xâm hại trẻ em nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, còn hình thức, chưa tiếp cận đời sống người dân. Tại các nhà trường, việc giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại cho trẻ em lứa tuổi học đường còn bị xem nhẹ, hoặc chưa được triển khai, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số,…

Bên cạnh đó, công tác điều tra các vụ án xâm hại trẻ em là rất khó khăn, có nhiều vụ bế tắc nên không kịp thời xử lý tội phạm để tạo sự răn đe phòng ngừa, bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp luật.

Nhiều vụ án bị phát hiện muộn do trẻ em non nớt không biết bị xâm hại, hoặc không dám kể vì xấu hổ hay do sợ bị trả thù. Vì thế khi phát hiện, dấu vết giúp truy nguyên thủ phạm không còn nữa. Thêm vào đó là khó khăn trong việc lấy lời khai. Nạn nhân hạn chế về nhận thức và khả năng tri giác... nên việc khai báo thường không chính xác và thống nhất, mỗi lúc khai một kiểu. Trong khi đó, nghi phạm tìm mọi cách cãi bay mọi cáo buộc.

Các bé lớp mầm non tới vĩnh biệt bạn.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình nạn nhân không am hiểu pháp luật nên không kịp thời trình báo sự việc với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi phát hiện con em mình bị xâm hại. Trong điều tra án, vấn đề quan trọng hàng đầu là chứng cứ, nếu không đủ căn cứ, thì phải theo nguyên tắc suy đoán vô tội... Cơ quan pháp luật dẫu muốn, cũng không thể kết tội một người chỉ vì nghi thực hiện tội phạm mà không có chứng cứ rõ ràng.

"Giữ" trẻ từ nhận thức

"Luôn giữ trẻ trong tầm mắt, tầm tay, đó là cách bảo vệ con tốt nhất. Còn khi không thể làm điều này, thì phải trang bị từ trước cho con những kỹ năng nhận biết các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra trong đời sống đe dọa sự an toàn, để trẻ không tự đặt mình vào hoàn cảnh đó. Và khi chẳng may đối diện với nguy cơ bị tấn công, các con biết cách lựa chọn phương án tốt nhất cho mình để thoát hiểm. Cái này thì bố mẹ trẻ phải tự trau dồi kiến thức cho mình để nói lại với con. Giáo dục gia đình vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em" - bà Đào Kim Hoa (Giáo viên trường THCS Đền Lừ, Hoàng Mai,  Hà Nội) tư vấn.

Vẫn theo bà Hoa, cha mẹ cần phải quan tâm sâu sát các biểu hiện bất thường về tâm sinh lý của trẻ, để kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường và có hướng xử lý phù hợp. Ngoài cha mẹ, bác sĩ (khi có cha mẹ giám sát), thầy cô giáo giúp đỡ khi bệnh tật... thì không ai khác được đụng chạm vào các bộ phận kín.

Nếu xảy ra, phải biết la hét, bỏ đi và báo ngay cho cha mẹ. Khi các con bước vào các cấp học, bà Hoa hướng dẫn con đọc về quyền trẻ em và cho chúng học võ và học bơi từ rất sớm. Giải thích về điều này, bà Hoa nói: "Chúng ta không thể luôn ôm giữ con cái trong vòng tay mình cả đời được, chúng buộc phải ra xã hội trong quá trình học tập, sinh hoạt, nên gia đình tôi rất có ý thức trau dồi cho các con các kỹ năng tự bảo vệ mình, trong đó võ thuật là một lựa chọn tốt vì vừa giúp các con nâng cao thể lực, vừa cho chúng khả năng tự vệ trong các tình huống cần thiết" - bà Hoa chia sẻ.

Nhận xét về vai trò của trường học trong việc bồi dưỡng kỹ năng sống an toàn cho trẻ, bà Hoa cho rằng các nhà trường cần thực hiện lồng ghép giảng dạy kỹ năng vào các buổi học chính khóa hoặc ngoại khóa. Việc nâng cao nhận thức cho chính các thầy cô để truyền dạy cho các em học sinh kỹ năng tự bảo vệ mình cũng hết sức cần thiết.

Dưới góc độ chuyên môn, Trung tá Cường cho rằng tội phạm xâm hại trẻ em chủ yếu đến từ những người gần gũi trong đời sống của trẻ, nên các bậc cha mẹ cần lưu ý câu nói của người xưa: "tin, nhưng vẫn phải phòng". Nghĩa là dù có sự tin cậy nhất định một ai đó, nhưng cũng không nên phó thác hoàn toàn con mình cho họ. Phải luôn quan sát, kiểm tra, nếu không thể thường xuyên bên con, thì nên nhờ nhiều người cùng trông nom trẻ.

Điều này có tác dụng ngăn ngừa những ý định xấu từ những người đang tiếp cận trẻ. Trường hợp chẳng may trẻ đã bị xâm hại, cha mẹ không được cho đi tắm, giặt, mà phải giữ nguyên bộ quần áo trẻ đang mặc, khẩn trương đưa trẻ đi khám thương, giám định tổn thương sản khoa, ghi nhận dấu vết và trình báo cơ quan chức năng gần nhất để kịp thời xử lý.

Đào Trung Hiếu
.
.