Không có vùng cấm trong vụ án "mượn" sổ hồng tại Đà Nẵng

Thứ Năm, 10/09/2020, 20:16
Những ngày qua, trên mạng xã hội có khá nhiều tài khoản cá nhân đã áp đặt, suy diễn chủ quan về hoạt động điều tra của Công an TP Đà Nẵng xoay quanh vụ án "mượn" sổ hồng của người dân tại Văn phòng đăng ký Quyền sử dụng đất (QSDĐ) quận Sơn Trà.

Những thông tin này hoài nghi về tính công minh, khách quan và ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tham gia tố tụng, có biểu hiện vi phạm pháp luật. Công an TP Đà Nẵng khẳng định không có "vùng cấm", càng không có thiên lệch trong hoạt động điều tra.

Sáng 8/9, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã cung cấp cho Báo Công an nhân dân một số thông tin chi tiết về quá trình điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng có liên quan; phản bác những thông tin không chính xác liên quan đến vụ việc. 

Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng cho biết: Ngày 25/8, Công an quận Sơn Trà có báo cáo về việc nhiều sổ hồng của người dân nộp làm thủ tục tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) quận bị đưa ra ngoài để cầm cố, chiếm dụng.

Đào Thị Như Lệ.

Ngay trong ngày, Giám đốc Công an TP đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Kinh tế phối hợp với Công an quận Sơn Trà lập tức vào cuộc điều tra. Kết quả xác minh cho thấy Dương Thị Ngọc Anh, cán bộ VPĐKQSDĐ quận Sơn Trà đã 2 lần tự ý lấy 6 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ hồng) của người dân đưa cho bạn là Đào Thị Như Lệ sử dụng phi pháp nhưng Lệ đã mang trả lại kịp thời.

Đến đầu tháng 8/2020, Anh tiếp tục lấy 19 sổ hồng của người dân đưa cho Lệ mượn. Đối tượng này đã sử dụng 19 sổ hồng nói trên cho 7 cá nhân, tổ chức trên địa bàn. Lệ nói dối đó là sổ hồng của các lô đất mà Lệ hoặc người nhà đã mua nhưng chưa ra công chứng sang tên để được chấp nhận kéo dài thời gian trả nợ đối với các khoản vay từ trước.

Trong số này, ông Phạm Thanh (1967, trú đường Hùng Vương, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) nắm giữ 7 sổ. Bà Nguyễn Vũ Xuân Anh giữ 5 sổ. Bà Nguyễn Thị Minh Phượng giữ 2 sổ… Sự việc bị phát hiện khi quá thời hạn quy định, Lệ không lấy lại được sổ trả cho Anh để giao lại cho người dân nên tránh mặt, đi khỏi nơi cư trú.

Ngày 27/8, Công an TP Đà Nẵng đã yêu cầu các cá nhân, tổ chức đến làm việc và giao nộp số sổ hồng bị chiếm dụng trái phép, tuy nhiên chỉ có 4 cá nhân, tổ chức tự nguyện giao nộp 4 sổ hồng. Vì vậy, Cơ quan Công an đã thực hiện khám xét nơi ở của 4 cá nhân khác, thu giữ 15 sổ hồng còn lại.  

Cũng ngày 27/8, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, bắt khẩn cấp Dương Thị Ngọc Anh. Cơ quan Công an cũng thực hiện các biện pháp để truy bắt Đào Thị Như Lệ. Ngày 28/8, Cơ quan Công an đã vận động được Lệ từ Quảng Nam ra Đà Nẵng đầu thú và tiến hành tạm giữ hình sự. Củng cố hồ sơ, chứng cứ, ngày 3/9, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Anh và Lệ để điều tra về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" (Lệ là đồng phạm với Anh về hành vi này).

Cơ quan Công an khám xét, thu giữ tài liệu tại nhà Đào Thị Như Lệ.

Đào Thị Như Lệ từng làm việc tại Chi cục thuế quận Thanh Khê (Đà Nẵng) nhưng sau đó nghỉ và bắt đầu hoạt động môi giới, đầu tư bất động sản (BĐS). Từ sự táo bạo và việc kinh doanh thuận lợi, chỉ sau vài năm, Lệ và người nhà đã sở hữu nhiều BĐS ở các vị trí đắc địa, có giá trị lớn. Lệ mở 3 công ty hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn và làm giám đốc hoặc để người nhà đứng tên.

Cùng với việc gia tăng khối BĐS, khoản nợ vay của Lệ và các công ty liên quan tại các ngân hàng đã lên đến hơn 500 tỷ đồng. Trong số đó, Lệ đã vay rất nhiều để mua BĐS vào đầu năm 2019, khi giá đất đã gần đạt đỉnh. Không lâu sau đó, thị trường BĐS suy yếu cộng với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến giá đất giảm 30-35% nhưng bán không có ai mua. Vì vậy, Lệ phải tiếp tục đi vay bên ngoài hơn 500 tỷ đồng với lãi suất cao từ 5-30% để "cầm cự" nhưng đã mất khả năng thanh toán.

Trong quá trình điều tra, Công an TP Đà Nẵng đã phát hiện ông Phạm Thanh, một người cho Lệ vay tiền có hành vi vi phạm pháp luật. Theo tài liệu cơ quan Công an thu giữ, Đào Thị Như Lệ đã vay của ông Thanh 72 tỷ đồng và trả lãi trước, thực nhận hơn 68,7 tỷ đồng. Lệ đã mang 7 sổ hồng mà Kim Anh cho mượn đưa cho ông Thanh để xin gia hạn thời gian trả nợ. Ngày 8/8, ông Thanh đã gọi điện buộc Lệ đến nhà.

Tại đây, ông Thanh đã dùng hai tay tát liên tục vào mặt con nợ, sau đó buộc Lệ viết giấy vay nợ từ 72 tỷ đồng lên 122 tỷ, đồng thời viết khống giấy nhận cọc 50 tỷ đồng để bán một số BĐS đang thế chấp tại ngân hàng cho ông Thanh. Lệ sau đó phải đến bệnh viện thăm khám, điều trị. Tối ngày 4/9, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Phạm Thanh về hành vi "cưỡng đoạt tài sản"...

Công an TP Đà Nẵng cũng đang điều tra việc Đào Thị Như Lệ làm giấy xác nhận các khoản vay tại ngân hàng thấp hơn số tiền vay thực tế để vay bên ngoài hoặc nhận tiền cọc bán một số BĐS đang thế chấp tại ngân hàng (cho ông Thanh hoặc người khác) để tiếp tục xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Như vậy, những thông tin cho rằng Lệ phạm tội nhưng không bị bắt và ông Phạm Thanh "bị oan" là không chính xác. Ông Thanh có thể là nạn nhân bị Lệ lừa dối để vay tiền, nhưng là bị can về tội danh cưỡng đoạt tài sản. 

Công an TP Đà Nẵng khẳng định việc điều tra, khởi tố, bắt giữ nói trên là đúng người đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Cơ quan Công an đang tiếp tục làm rõ động cơ, mục đích của Dương Thị Ngọc Anh khi đưa sổ hồng của khách cho Lệ mượn; điều tra hành vi cho vay lãi nặng và các hành vi vi phạm pháp luật khác của một số cá nhân có liên quan.

Vụ án sẽ tiếp tục được thông tin công khai dựa trên kết quả điều tra và đảm bảo nguyên tắc không gây ảnh hưởng đến công tác điều tra, phá án.  

Thân Lai
.
.