Làm giả chứng minh thư, đoạt số điện thoại để lừa đảo

Thứ Ba, 27/04/2021, 07:38
Ngày 22-4, Công an TP Thanh Hóa cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 7 đối tượng vì có hành vi “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các đối tượng đã có hành vi làm giả giấy tờ, “cướp” số điện thoại để giả danh bị hại vay tiền.


Bỗng dưng thành con nợ xấu

Khoảng 15h ngày 23-2, anh Nguyễn Văn Nhứt ở Đông Thới, Cái Nước, Cà Mau giật mình khi nhận được điện thoại của cán bộ Bưu điện TP Thanh Hóa hỏi về việc anh có vay tiền của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (Fe Credit) hay không? Điều này làm anh quá bất ngờ bởi anh chỉ ở phía Nam, chưa ra Bắc bao giờ, cũng không vay tiền của ngân hàng.

Qua trao đổi, anh mới biết, đã có kẻ giả danh anh làm thủ tục vay của Fe Creadit, đã được giải ngân tại bưu điện TP Thanh Hóa hơn 30 triệu đồng. Anh Hồ Vũ Tuấn ở xã Thường Thới Hậu, Hồng Ngự, Đồng Tháp cũng là bị hại tương tự như vậy, khi nhận được điện thoại anh mới tá hỏa khi biết mình là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, chúng có cả CMND, số điện thoại của anh để đăng ký vay tiền qua mạng, sau đó được giải ngân tại Thanh Hóa gần 50 triệu đồng.

Hình ảnh các đối tượng giao dịch tại Bưu điện Thanh Hóa do camera ghi lại.

Cũng là nạn nhân của thủ đoạn trên, chị Nguyễn Thị Hà M ở Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh khi đến ngân hàng làm thủ tục vay tiền để kinh doanh thì bất ngờ biết mình đang là nợ xấu của Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng. Do có lịch sử nợ xấu nên chị không được bất cứ ngân hàng nào giải ngân cho vay nữa! Chị M cho biết, chị có vay của Fe từ mấy năm trước nhưng đã trả đầy đủ. Tuy nhiên, thông tin mà phía ngân hàng đưa ra là chị mới vay 1 khoản bằng hình thức trực tuyến, giải ngân ở phía Bắc.

Khoản vay 44 triệu đồng đã quá hạn nhưng chưa trả được đồng nào. Nhìn số điện thoại trong hồ sơ vay, chị M mới nhớ ra vào cuối năm 2020, có một số đối tượng đòi nợ nhiều lần gọi vào điện thoại của chị đòi tiền. Vì không vay, lại bị gọi điện làm phiền nhiều lần nên chị thay luôn số điện thoại mới. Chị không ngờ, chị bị nằm trong “danh sách đen” của tín dụng vì vay tiền không trả.

Không được vay tiền, bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh, chị M khiếu nại nhưng chưa giải quyết được vì hồ sơ, giấy tờ, số điện thoại đều đúng tên chị vay, việc chứng minh có người giả mạo không dễ.

May mắn hơn là trường hợp anh Ngô Hữu Bằng ở Giồng Giềng, Kiên Giang. Công ty Fe Credit đã giải ngân cho một đối tượng giả mạo anh vay 41,5 triệu đồng nhưng nhân viên giao dịch của bưu điện Thanh Hóa phát hiện người vay có nhiều nghi vấn nên đề nghị gọi điện vào số điện thoại theo thông tin giải ngân thì đối tượng bỏ chạy, không kịp mang theo CMND. Sau khi phát hiện có trường hợp giả mạo CMND đến vay tiền, cán bộ bưu điện TP Thanh Hóa đã gọi điện báo trực ban hình sự Công an TP Thanh Hóa. Nhận được tin, Thượng tá Lê Ngọc Anh, Trưởng Công an TP Thanh Hóa đã giao CBCS Đội Điều tra tổng hợp khẩn trương, xác minh làm rõ, truy bắt bằng được các đối tượng gây án.

Các đối tượng trong vụ án bị bắt giữ.

Hành trình truy bắt các đối tượng lừa đảo

Qua xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ, Cơ quan công an xác định đây là loại hình tội phạm mới, thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ cao, làm giả giấy tờ, chiếm đoạt thông tin cá nhân và đánh cắp số điện thoại của người dân để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Do đó, ngày 19-3, Cơ quan CSĐT Công an TP Thanh Hóa đã lập chuyên án để đấu tranh, triệt phá ổ nhóm tội phạm này.

Trung tá Vũ Xuân Thái, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an TP Thanh Hóa cho biết: việc điều tra, làm rõ các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn vì sau khi bị lộ, các đối tượng lập tức bỏ trốn, không để lại dấu vết. Đặc biệt, các đối tượng đều là người tỉnh ngoài, không có hộ khẩu Thanh Hóa.

“Chúng tôi xác định thủ đoạn của chúng rất tinh vi, ngoài làm giả CMND, chúng đánh cắp số điện thoại của bị hại để nhận mã OTP giải ngân. Việc đánh cắp này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn khiến bị hại không hề biết số điện thoại của mình đã bị đánh cắp để thực hiện mục đích vay tiền. Thủ đoạn này khiến nhiều người tự dưng trở thành con nợ xấu của ngân hàng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giao dịch, vay mượn sau này. Chính vì vậy, chúng tôi quyết tâm nhanh chóng điều tra, làm rõ, bắt giữ đối tượng để ngăn chặn hậu quả” - Trung tá Vũ Xuân Thái cho biết.

Quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã phát hiện chiếc xe ô tô chở các đối tượng vào Bưu điện Thanh Hóa thực hiện hành vi lừa đảo. Chủ xe ô tô trên là người Hà Nội cho biết, anh chỉ được chúng thuê chở về Thanh Hóa, không hề biết thông tin gì về chúng. Đặc biệt, trong suốt quá trình đi trên xe, chúng không hề nói chuyện nên anh không biết chúng ở đâu, làm việc gì.

Quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ Công an TP Thanh Hóa phát hiện đối tượng nữ đi trong nhóm là Trần Như Ngọc. Tuy nhiên, đã rất lâu, Ngọc không về quê. Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan công an phát hiện Ngọc có mặt ở Kim Sơn, Ninh Bình nên đã phối hợp với Công an huyện Kim Sơn triệu tập đối tượng đấu tranh, làm rõ đồng thời xác định nhóm đối tượng đồng phạm với Ngọc hiện đang ở TP Đà Nẵng.

Đối tượng Tuấn Anh.

Thượng tá Lê Ngọc Anh cử tổ công tác của Đội Điều tra tổng hợp lập tức vào Đà Nẵng bắt giữ các đối tượng trước khi chúng trốn sang địa bàn khác. “Do dịch bệnh, máy bay từ Thanh Hóa và Đà Nẵng không bay nên chúng tôi đi ô tô ngày đêm vào Đà Nẵng, để tiết kiệm thời gian, chúng tôi hầu như không nghỉ, quyết tâm đến Đà Nẵng nhanh nhất.

Cũng nhờ triển khai lực lượng nhanh chóng, được sự giúp đỡ nhiệt tình của Công an TP Đà Nẵng, chúng tôi đã khoanh vùng, bắt giữ được các đối tượng, thu giữ 37 CMND giả với nhiều tên, địa chỉ ở nhiều tỉnh, thành khác nhau nhưng gắn ảnh của đối tượng trong nhóm; 27 thẻ sim điện thại chưa sẻ dụng, máy tính, máy in màu, máy dập công an hiệu, 300 triệu đồng... và các tang vật khác các đối tượng sử dụng để làm CMND giả” - Trung tá Phùng Văn Thạo, Phó Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an TP Thanh Hóa cho biết.

Cơ quan công an cũng xác định, cầm đầu đường dây lừa đảo và làm giả giấy tờ trên là Nguyễn Huy Anh Tuấn (sinh năm 1987, ở tổ 4, phường Bắc Cường, TP Lào Cai). Tuấn là đối tượng khởi xướng, phân công nhiệm vụ, cầm tiền và chia chác cho các đối tượng khác.

Các đối tượng “cướp” số điện thoại của bị hại như thế nào?

Điểm mấu chốt để có thể vay được tiền, chiếm đoạt tài sản, đó là các đối tượng phải có thông tin khách hàng; có CMND của khách hàng và số điện thoại để nhận mã OTP giải ngân. Theo lời khai của các đối tượng thì khoảng tháng 1-2021, Nguyễn Đại Nghĩa, Trần Như Ngọc và Nguyễn Huy Anh Tuấn gặp nhau ở quán nước trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tuấn rủ Nghĩa và Ngọc tham gia lấy thông tin tên, địa chỉ, số CMND và số điện thoại của các cá nhân từng vay tiền của Fe Credit. Sau khi có thông tin của khách hàng Fe Credit, Tuấn chuyển cho Lê Quốc Huy để Huy thực hiện việc làm giả CMND theo thông tin trong CMND đã đánh cắp rồi dán ảnh của một trong các đối tượng của nhóm vào CMND được làm giả.

Theo sự phân công của các đối tượng thì Ngọc và Nghĩa có trách nhiệm tìm người tham gia để hack sim và rút tiền. Tuấn có trách nhiệm lấy thông tin khách hàng đã từng vay tiền của Fe Credit và liên hệ với Huy để Huy làm giả CMND. Sau khi có CMND giả và thông tin khách hàng, Tuấn chuyển cho Ngọc và Nghĩa để hai đối tượng này cùng đối tượng có ảnh trong CMND giả cầm CMND đến các điểm của nhà mạng để báo mất sim và xin cấp lại.

Khi có được sim, Ngọc vào ứng dụng vay tiền tín chấp của Fe Credit điền thông tin vay, hạn mức vay và đề nghị chi trả qua bưu điện. Sau đó, Ngọc, Nghĩa cùng “chủ” CMND giả đến bưu điện rút tiền. Sau khi chiếm đoạt được tiền, Tuấn được hưởng 75%, Huy được 1 triệu đồng/1 CMND giả, Ngọc, Nghĩa và các đối tượng trong nhóm của chúng được hưởng 25% trên tổng số tiền chiếm đoạt được.

Chứng minh thư và thẻ ngân hàng do nhóm đối tượng chiếm đoạt bị thu giữ.

Đặc biệt, để che giấu hành vi, Nguyễn Huy Anh Tuấn không trực tiếp ra mặt, ngoài việc quen biết Ngọc và Nghĩa, Tuấn không gặp gỡ, giao dịch với đối tượng khác mà chỉ liên hệ qua Zalo. Mỗi “phi vụ”, Tuấn sẽ cấp số điện thoại dùng Zalo với các tên khác nhau, số điện thoại khác nhau để liên hệ với các đối tượng. Chính vì vậy, khi bị bắt, các đối tượng không hề biết Tuấn là ai, mặt mũi như thế nào.

Với thủ đoạn trên, các đối tượng đã hoành hành tại rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước, chiếm đoạt số tiền rất lớn. Sau khi Công an TP Thanh Hóa bắt được nhóm đối tượng trên, công an nhiều tỉnh, thành đã liên hệ đề nghị phối hợp điều tra để làm rõ những vụ lừa đảo có thủ đoạn tương tự xảy ra trên địa bàn. Việc Công an TP Thanh Hóa triệt phá ổ nhóm tội phạm trên, không chỉ ngăn chặn chúng tiếp tục phạm tội mà còn giúp cho những người dân khác không trở thành nạn nhân, không bị những món nợ “từ trên trời” rơi trúng đầu mình.

Nhóm đối tượng gồm: Nguyễn Huy Anh Tuấn (sinh năm 1983, ở tổ 4, phường Bắc Cường, TP Lào Cai), Trần Như Ngọc (sinh năm 1992, ở xã Tuy Lộc, TP Yên Bái), Nguyễn Đại Nghĩa (sinh năm 1992, ở xã Lưu Phương, Kim Sơn, Ninh Bình), Ngụy Văn Thạch (sinh năm 1992, ở thị trấn Tân Dân, Yên Dũng, Bắc Giang), Trần Tuấn Anh (sinh năm 1994, ở xã Quang Thiện, Kim Sơn, Ninh Bình), Trần Văn Hưng (sinh năm 1983, trú ở xã Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ), Lê Quốc Huy (sinh năm 1994, ở thị trấn Quân Chu, Đại Từ, Thái Nguyên).

Thủ đoạn cướp số điện thoại

Một trong các thủ đoạn quan trọng nhất để chiếm đoạt được tiền, đó là việc chiếm được số điện thoại của khách hàng. Để “cướp” được số điện thoại, chúng thực hiện một số cuộc gọi vào số máy điện thoại trên để “chứng minh” các số gọi đến gần nhất, sau đó dùng CMND giả đến các điểm cung cấp sim, thẻ của nhà mạng báo mất sim, số đề nghị được cấp lại sim mới. Với thủ đoạn này, chúng đánh cắp được số điện thoại.

Ngay khi “cướp” được số điện thoại, các đối tượng liên tục gọi cho nhau để điện thoại liên tục bận, tránh việc chủ sim phát hiện bị mất số, yêu cầu nhà mạng thu hồi.

Sau khi có đầy đủ CMND, số điện thoại trong tay, lập tức các đối tượng làm hợp đồng vay tiền tín chấp qua mạng với Fe Credit với các khoản vay từ 20 triệu đến 70 triệu đồng. Khi các đối tượng nhập hợp đồng vay vốn thành công, công ty Fe Credit sẽ nhắn tin vào số điện thoại chúng “cướp” được mã OTP để chúng đến bưu điện lấy tiền. Nhận tiền xong, lập tức các đối tượng “chuồn êm”, hủy CMND giả và sim điện thoại vừa chiếm được.

Cũng vì chúng chỉ chiếm đoạt số điện thoại trong một thời gian rất ngắn nên chủ thuê bao thường nghĩ sim bị hỏng phải làm lại chứ không nghi ngờ mình vừa bị “cướp” số để vay tiền.

Phương Thủy
.
.