Lật tẩy mánh khóe lừa đảo xin việc

Thứ Sáu, 05/07/2019, 08:27
Thời gian qua, Công an TP Hà Nội đã bóc gỡ hàng loạt đường dây “chạy việc” của nhiều nhóm đối tượng với thủ đoạn cực kỳ tinh vi. Bọn chúng đã tổ chức lừa trót lọt hàng trăm người, chiếm đoạt số tiền lên đến vài chục tỷ đồng. Đây thực sự là bài học cảnh giác cho những ai không chịu đi theo con đường thẳng mà lại muốn “chạy việc” không rõ ràng.

Từ chiêu “mày râu nhẵn nhụi”...

Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết hiện các trinh sát, cán bộ điều tra đang ráo riết truy tìm đối tượng Đỗ Tuấn Anh (SN 1981, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Trước đó, đơn vị đã ra quyết định truy nã đối với Tuấn Anh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đỗ Tuấn Anh được xác định a kẻ cầm đầu một đường dây chuyên “chạy việc” vào các học viện, trường đại học, trung cấp trong lực lượng vũ trang... Qua thống kê sơ bộ, đường dây của Tuấn Anh đã nhận hàng trăm hồ sơ các loại, thu về số tiền lên đến hơn 50 tỷ đồng. Hầu hết các bị hại, sau một thời gian dài chờ đợi mà không thấy có động tĩnh gì, mới đồng loạt đi tìm Tuấn Anh và phát hiện bị lừa.

Anh Hoàng Văn B. (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể lại: Vài năm trước, bất kỳ ai gặp Tuấn Anh đều ít nhiều thấy thiện cảm bởi anh ta có khuôn mặt điển trai, thân hình cao to. Tuấn Anh thường “cưỡi” trên những xe ô tô đời mới, luôn ăn vận trau chuốt, sử dụng các loại thiết bị công nghệ sang chảnh. Gã cũng giới thiệu là thạc sĩ luật, hiện công tác tại một học viện danh giá ở Hà Nội. Mối quan hệ của Tuấn Anh cũng thuộc hàng “khủng”, có thể sắp xếp những cuộc hẹn với quan chức chỉ “trong một nốt nhạc”.

Tin lời “chém gió” của Tuấn Anh và thông qua đối tượng Dương Xuân Đầy (sinh năm 1983, trú tại phố Nguyễn Viết Xuân, phường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội) anh B. và nhiều bị hại đặt vấn đề nhờ xin việc vào các học viện, trường đại học... Hầu hết các bị hại đều đặt cọc cho anh ta từ 20-30 triệu đồng, có người đã nộp tới 600 triệu đồng.

Quyết định truy nã Đỗ Tuấn Anh.

Tuy nhiên, sau khi đã nhận tiền của các bị hại, hầu như Tuấn Anh không thực hiện được bất kỳ một lời hứa nào. Thống kê sơ bộ, trong khoảng thời gian 3 năm (từ năm 2016-2018) Đỗ Tuấn Anh đã nhận tiền của gần 200 người, tổng số tiền khoảng 50 tỷ đồng. Chỉ riêng “nhánh” của Dương Xuân Đầy đã hút được hơn 100 người và đưa cho Đỗ Tuấn Anh khoảng 40 tỷ đồng. Khi các bị hại phát hiện ra chân tướng của kẻ lừa đảo thì Tuấn Anh đã “cao chạy xa bay”.

Tương tự đối tượng Tuấn Anh, Lê Quang Hòa (SN 1980, trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An) cũng bị cơ quan chức năng khởi tố điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua hình thức xin việc.

Dù bản thân sống vất vưởng, song Hòa được biết đến là người có cuộc sống khá giả. Hòa luôn khoác trên mình những bộ vest đắt tiền, liên tục thay đổi xe ô tô, ăn uống ở những địa điểm, nhà hàng sang trọng. Thậm chí, trên mạng xã hội, Hòa thường xuyên đăng tải những hình ảnh sang chảnh về nhà ở, xe hơi hay những lần đi chơi, uống cà phê với một số người có địa vị xã hội. Điều này khiến không ít nạn nhân tin tưởng, đưa tiền nhờ Hòa chạy việc vào các cơ quan nhà nước.

Đối tượng Lê Quang Hòa.

Bà N.T.M.H. (trú tại Hà Tĩnh) - một trong những bị hại của Hòa - kể lại: Năm 2017, được người quen giới thiệu Hòa “đang công tác tại Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An”, đồng thời có mối quen biết rộng với lãnh đạo cấp cao nên khi cô con gái vừa tốt nghiệp đại học, bà H. đã tìm đến nhà riêng của Hòa nhờ xin việc cho con gái.

Kẻ lừa đảo lập tức “chém gió” sẽ xin cho con gái bà làm kế toán tại Ban Dự án kinh tế Nghệ An, thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An. Hòa yêu cầu bà H. đưa trước 5 triệu đồng làm chi phí “chạy việc”. Tuy nhiên, vì hôm đó không mang sẵn tiền mặt nên bà H. chỉ gửi lại hồ sơ xin việc và hẹn lần sau mang tiền đến.

Những ngày sau, Hòa liên tục gọi điện, nhắn tin với bà H. cho biết mình đang đi với “sếp” hay “sếp” đã nhận hồ sơ và sẽ nhanh chóng trình lên UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, Hòa còn nói với bà H. nếu muốn nhanh thì đưa sẵn tiền mặt để nhận một suất vào làm kế toán tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Nóng ruột và cả tin, bà H. vội gom góp tiền bạc, bắt xe ra Nghệ An đưa cho Hòa số tiền 500 triệu đồng.

Sau thời gian chờ đợi mòn mỏi nhưng không có kết quả, liên lạc với Hòa không được, người phụ nữ này mới biết mình bị lừa nên quyết định trình báo Cơ quan Công an. Đến tháng 9-2018, biết chuyện bị bại lộ, Hòa đã trả cho bà H. 270 triệu đồng để “bịt miệng” nạn nhân, số tiền còn lại Hòa xin khất.

Với thủ đoạn trên, theo điều tra ban đầu, tính đến năm 2019 Hòa đã lừa 11 người đưa tiền để chạy việc với tổng số tiền lên đến hơn 3 tỷ đồng.

Đối tượng lừa đảo thường “chế” các loại văn bản lấy trên mạng Internet để tạo sự tin tưởng của bị hại.

...đến mỹ nhân kế

Nếu như các đối tượng nam giới thường dùng thủ đoạn khoe “bóng sáng”, khoe quan hệ “khủng” để lừa chạy việc thì một số “kiều nữ” lại dùng “mỹ nhân kế” để chăn dắt các con mồi. Đối tượng Nguyễn Thị Hằng (SN 1982, trú tại khu đô thị Royal City, quận Thanh Xuân, Hà Nội) là một ví dụ.

Theo bị hại Vũ Đức T. (trú tại tỉnh Hòa Bình), anh quen với Hằng qua mạng xã hội. Nói chuyện một thời gian, Hằng biết anh T. có nhu cầu theo học thạc sĩ và chuyển công tác từ thanh tra huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) về Hà Nội. Mặc dù chỉ là kẻ vô nghề nghiệp, song Hằng “nổ” đang là tiến sĩ, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội 1 và sẽ lo cho anh T. về công tác tại Hà Nội với giá rất “mềm mại”.

Tin tưởng vào “quan hệ” của “kiều nữ”, anh T. gửi 100 triệu đồng tiền “trà thuốc” vào tài khoản của Hằng. Ít ngày sau, Hằng tiếp tục “chém gió” cô ta có nhiều mối quan hệ với các giới chức sắc của thành phố và “ok” ngay với người bạn trai mới quen qua mạng, đồng thời yêu cầu đưa 20.000 USD làm chi phí xin việc.

Vì chưa chuẩn bị đủ tiền, anh T. phải bán chiếc ô tô đang sử dụng được 320 triệu đồng, đưa cả cho Hằng. Sau khi “ẵm” trọn 420 triệu đồng của anh T., Hằng “lặn” mất tăm. Thấy Hằng không xin được cho mình đi học thạc sĩ và có việc làm mới ở Hà Nội, anh T. nhiều lần đòi tiền song Hằng cứ khất lần rồi bỏ trốn.

Không tìm thấy Hằng, anh T. gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của “nữ quái” này đến Công an phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh tại Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội và xác định trường này không có cán bộ, công nhân viên, giảng viên nào có tên là Nguyễn Thị Hằng như thế.

Khi bị triệu tập đến Cơ quan công an để làm rõ, Hằng khai nhận mặc dù không có nghề nghiệp gì ổn định và chẳng quen biết ai có khả năng xin học, cũng như xin việc làm ở Hà Nội, đối tượng vẫn mạo danh là tiến sĩ, giảng viên đại học để lừa đảo chiếm đoạt tiền của anh T. Hằng sau đó đã bị khởi tố, bắt giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng Bùi Minh Nguyệt và tờ cam kết có nội dung mạo danh cán bộ nhà nước để nhận tiền xin việc.

Cuối năm 2018, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Minh Nguyệt (SN 1973, trú tại phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đáng chú ý, Nguyệt từng có 2 tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hình phạt cho 2 bản án là 12 năm tù. Tuy nhiên, Nguyệt xin hoãn thi hành án vì đang nuôi con nhỏ. Trong thời gian được hoãn thi hành án, người đàn bà này tiếp tục “ngựa quen đường cũ” với những thủ đoạn lừa tinh vi hơn.

Những người lần đầu gặp Nguyệt đều có ấn tượng tốt với người phụ nữ có gương mặt xinh đẹp, ăn mặc sang trọng, có xe ô tô “xịn” hiệu Audi. Vì vậy, khi Nguyệt giới thiệu là cán bộ đang công tác tại Văn phòng Chính phủ, có quan hệ với cán bộ cấp cao của một số bộ, ngành có thể “chạy” được việc làm vào các cơ quan ngân hàng, hải quan và đặc biệt còn tổ chức cho các học sinh du học tại Mỹ, Anh, được hưởng học bổng 100%, ai cũng tin ở khả năng của người phụ nữ này. Với vỏ bọc trên, Nguyệt còn tới các địa phương, tìm cách tiếp cận với một số lãnh đạo để “tiếp thị” việc chạy các suất du học có học bổng.

Sau khi nhận đơn tố cáo của người bị hại về hành vi lừa đảo của Bùi Minh Nguyệt, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội đã tiến hành xác minh, xác định Nguyệt không phải là cán bộ Văn phòng Chính phủ như cô ta giới thiệu. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã phát hiện đối tượng Nguyệt đang nhận tiền của một số bị hại tại nhà hàng Vân Nam (số 27 Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Tại thời điểm bắt quả tang, Cơ quan công an đã thu giữ tiền và nhiều tài liệu liên quan.

Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Nguyệt tại quận Thanh Xuân, Cơ quan công an thu giữ 3 bộ hồ sơ xin việc cùng nhiều tài liệu liên quan. Ngay sau khi có thông tin Nguyệt bị bắt giữ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhiều bị hại đã mang giấy tờ nhận tiền do chính Nguyệt viết và ký đến Cơ quan Công an để phục vụ công tác điều tra.

Cơ quan Công an đã làm rõ, mỗi hồ sơ xin việc hoặc du học, Nguyệt thu từ 25 nghìn đến 50 nghìn đô la Mỹ. Từ một vài người giao nhận tiền xong, Nguyệt lại nhờ chính những người đó giới thiệu ai có nhu cầu xin việc thì liên hệ với Nguyệt. Mặc dù giới thiệu là cán bộ cơ quan nhà nước nhưng mọi giao dịch nhận tiền và hồ sơ, Nguyệt đều hẹn ra quán cà phê. Chính vỏ bọc hào nhoáng, sang trọng của người phụ nữ này đã khiến các nạn nhân mất cảnh giác.

Thực tế, sau khi nhận tiền, Nguyệt đã không xin được việc cũng không “lo” được cho bất cứ ai đi du học nước ngoài. Theo Cơ quan điều tra, với thủ đoạn trên, chỉ trong thời gian ngắn từ khoảng cuối năm 2017 đến nay, Nguyệt đã lừa đảo các nạn nhân với tổng số tiền lên đến hơn 15 tỷ đồng.

Mới đây nhất, tháng 6-2019, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Kiều Trang (SN 1990, trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, anh Đỗ Văn H. (trú ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có quen biết với Trang. Với cái mác là dân Hà Nội gốc, chơi với nhiều quan chức cấp cao, Trang khoe có thể chạy công chức vào nhiều cơ quan, đơn vị của Trung ương và Hà Nội. Tin lời, anh H. đã chuyển cho Trang tổng số tiền gần 2,3 tỷ đồng để nhờ xin cho 7 người quen vào làm công chức tại các cơ quan thuế, bệnh viện, ngân hàng, trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

Sau khi nhận tiền, Trang đăng ký cho một số người đi thử việc hoặc gửi ảnh chụp quyết định tuyển dụng giả mạo, giấy báo dự thi công chức giả để tạo lòng tin. Tuy nhiên, sau đó, Trang không xin việc được cho bất cứ trường hợp nào và tìm cách lẩn tránh, không trả lại tiền cho người bị hại.

Đây quả là bài học đắt giá cho những ai có ý định “chạy việc”.

Minh Tiến
.
.