Liên Khui Thìn và “Quỹ hoàn lương”

Thứ Sáu, 12/02/2010, 15:55
1- Tôi gặp lại Liên Khui Thìn - người mà 13 năm về trước đã đứng đầu Công ty Epco vào một buổi sáng cuối năm 2009, tại một ngôi nhà nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Tú Xương, quận 3, TP HCM.

Gọi là "gặp lại" bởi lẽ khi vụ án "Minh Phụng - Epco" nổ ra, rồi khi Liên Khui Thìn bị bắt, Ban biên tập Chuyên đề ANTG đã đề xuất với Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TP HCM, cho tôi được vào trại tạm giam Chí Hòa gặp Thìn.

Lần gặp gỡ đầu tiên kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ ấy, cảm nhận của tôi về Liên Khui Thìn có thể gói gọn trong mấy chữ "sôi nổi, năng động, có những kế hoạch làm ăn - mà vào thời điểm bấy giờ, thì xem ra không bình thường". Sau đó, khi Liên Khui Thìn ra tòa rồi trong suốt thời gian xét xử kéo dài gần 3 tháng, thỉnh thoảng vào những lúc nghỉ giải lao giữa phiên tòa, tôi lại được các cán bộ quản giáo trại giam cho gặp riêng - không những chỉ Liên Khui Thìn, mà còn cả Tăng Minh Phụng, Phạm Nhật Hồng, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Tuấn Phúc…, để lấy thêm tư liệu.

Một chuyện nhỏ nữa: Ấy là trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ Minh Phụng - Epco - để phục vụ công tác nghiệp vụ, được sự chấp thuận của Chủ tọa - Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, tôi cùng một cán bộ chức năng đã đặt máy quay phim, ghi lại tất cả mọi diễn tiến. Khi kết thúc, tổng cộng chúng tôi đã sử dụng hết 126 cuốn băng video C180, còn chiếc camera của Bộ Công an  thì vứt bỏ luôn vì… tan nát cái drum (trống từ).

Ngày tòa tuyên phạt, cùng với Tăng Minh Phụng, Phạm Nhật Hồng, Liên Khui Thìn lĩnh án tử hình. Thìn kể: "Khi nghe đọc bản án. Tôi như muốn khuỵu xuống. Lúc ấy, tôi có cảm tưởng là Hội đồng xét xử chưa hiểu hết vấn đề vì tôi không tham ô, không dùng tiền Nhà nước để ăn chơi trác táng, không tư lợi cá nhân". Suốt 5 năm nằm trong phòng giam dành riêng cho những phạm nhân mang án tử, Thìn kể: "Cứ mỗi mờ sáng, nghe tiếng mở cửa, tôi biết có người nào đó hôm nay "đi", và tôi tự hỏi bao giờ sẽ đến lượt mình".

Sự căng thẳng ấy dần dà đã khiến Liên Khui Thìn bị suy tim, cao huyết áp. Thìn kể tiếp: "Mặc dù chẳng biết tôi sẽ "đi" lúc nào, nhưng cán bộ y tế trại giam vẫn thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe, điều trị bệnh tật cho tôi". Đến hôm nghe Ban giám thị trại giam Chí Hòa thông báo là Chủ tịch nước đã chấp thuận giảm án cho Liên Khui Thìn từ tử hình xuống còn tù chung thân, thì ông như được sinh ra lần thứ hai. Liên Khui Thìn nói: "Ngay lúc ấy, tôi hiểu là mình sẽ sống, và tôi đã nghĩ ngay đến những việc mình cần phải làm".

2- Liên Khui Thìn đón tôi ngay ở cửa. So với hồi còn ở Trại giam Xuân Lộc, trông ông béo hơn, trắng hơn nhưng tác phong nhanh nhẹn, sôi nổi thì vẫn không thay đổi như hồi ông còn là Giám đốc Công ty Epco. Áo sơmi bỏ trong quần, cặp kính cận gọng sừng màu đen, nếu chỉ nhìn bề ngoài, thì Liên Khui Thìn chẳng khác gì một doanh nhân thành đạt nhưng mấy ai biết lúc được đặc xá ra khỏi trại giam, ông không nhà, không tài sản, phải tá túc trong gia đình của một người bạn rồi thỉnh thoảng đi về Nha Trang ở nhờ người em ruột. Thìn cười: "Ngay cả khi muốn đi đâu, đến chiếc xe gắn máy tôi cũng phải mượn".

Câu chuyện lại quay về  quãng thời gian của nhiều năm  trước. Sau khi nhận án phạt tù chung thân, tháng 11/2003, Liên Khui Thìn được chuyển lên Trại giam Xuân Lộc. Trong môi trường mới, ông phải tập thích nghi với nội quy sinh hoạt, với kỷ luật lao động, với cộng đồng gồm nhiều con người, mỗi người vào trại vì những lý do khác nhau, với thời gian thụ hình khác nhau.

Thìn nói: "Tôi học được ở đây tính tập thể và tinh thần trách nhiệm" bởi lẽ trong môi trường trại giam, có rất nhiều việc để làm, để từng cá nhân phát  huy sở trường, năng lực. Hơn nữa, kiến thức trong trại giam không bao giờ bị bỏ phí.

Thìn kể: "Ở trại một thời gian, tôi nhận thấy có khá nhiều phạm nhân cũng như cán bộ, mắc phải các chứng bệnh về đường tiêu hóa, tiết niệu mà nguyên nhân chủ yếu là do phải sử dụng nước giếng, nước ao hồ trong ăn uống, sinh hoạt".

Và thế là sau nhiều ngày suy nghĩ, tính toán, giữa năm 2004 Liên Khui Thìn trình lên Ban giám thị Trại Xuân Lộc bản dự án "xử lý nguồn nước". Chỉ trong 2 ngày, dự án đã được Ban giám thị Trại Xuân Lộc và lãnh đạo Cục Quản lý trại giam - Bộ Công an phê duyệt, đồng ý cho triển khai. Thìn nói: "Khi biết dự án của mình được chấp thuận, tôi rất xúc động và tôi hiểu rằng bất cứ việc gì, nếu phù hợp với lợi ích cộng đồng thì sẽ luôn nhận được ủng hộ".

Bằng sự hỗ trợ về vật chất của bạn bè ngoài đời, Liên Khui Thìn cùng các phạm nhân dựng cột điện, kéo điện 3 pha, khoan giếng, xây bể lắng, lọc, và kết quả là cả nghìn con người ở Trại giam Xuân Lộc đã được dùng nước sạch. Ông kể tiếp: "Một điều nữa mà tôi nhận thấy là mỗi khi ở trại có phạm nhân ốm đau, phải chuyển đi bệnh viện thì  cán bộ quản giáo cũng phải đi theo để quản lý. Với những phạm nhân có mức án nặng, hoặc có quá trình cải tạo chưa tốt, theo quy định thì vẫn phải còng ngay trên giường bệnh nên điều này đã tạo ra những ảnh hưởng tâm lý với gia đình phạm nhân lúc vào thăm nuôi, chăm sóc, chưa kể phạm nhân còn phải chịu sự e dè của những người bệnh khác cùng nằm chung phòng".

Vì vậy, Liên Khui Thìn viết tiếp một dự án, trong đó ông đề xuất xây một bệnh xá của trại, nằm sát cạnh Bệnh viện Đa khoa Biên Hòa. Vẫn bằng sự hỗ trợ vật chất của bạn bè ngoài đời, Bệnh xá Trại giam Xuân Lộc hình thành rồi mỗi khi có phạm nhân ốm đau, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Biên Hòa chỉ cần bước sang vài bước, là đã có thể thăm khám, điều trị, bộ phận cán bộ quản giáo cũng giảm bớt đi và gia đình phạm nhân mỗi lúc vào thăm, cũng cảm thấy thoải mái.

Giữa năm 2008, bệnh suy tim của Liên Khui Thìn càng lúc càng nặng. Tháng 8/2009, được sự chấp thuận của Ban giám thị Trại Xuân Lộc, ông vào Bệnh viện Triều An để điều trị. Ngày 2/9/2009, khi đang còn nằm trên giường bệnh, Liên Khui Thìn nhận được quyết định đặc xá của Chủ tịch nước. Lúc vào bệnh viện thông báo, cán bộ Trại Xuân Lộc hỏi ông địa chỉ mà ông sẽ về cư trú để ghi trong lệnh tha.

Thìn kể: "Được tự do ai mà không mừng, nhưng tôi thức trắng mấy đêm vì không biết mình sẽ đi đâu, về đâu. Ở trại, dẫu sao tôi cũng có chỗ ngủ, có cơm ăn hàng ngày, có việc để làm. Tôi phải xin nằm lại bệnh viện để suy nghĩ, để liên hệ với bạn bè xem ai sẽ cho tôi ở nhờ". Hồi còn là Giám đốc Công ty Epco, trong tay Liên Khui Thìn có hàng trăm hécta đất, hàng chục nhà xưởng, khu công nghiệp ở TP HCM, ở Bà Rịa - Vũng Tàu,  Bình Dương, Nha Trang nhưng nhà riêng của ông chỉ là một căn nhà nhỏ, đất mua lại của quân đội trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, sau nằm trong số tài sản kê biên để thi hành án. Tổng cộng cho đến ngày được đặc xá, Liên Khui Thìn đã ở 12 năm 6 tháng trong tù.--PageBreak--

3- Vẫn là chuyện vụ án Minh Phụng - Epco. Trong phiên tòa, tất cả mọi tình tiết đã được làm sáng tỏ, và những cá nhân liên quan đã nhận được những bản án đúng người, đúng tội. Thế nhưng Liên Khui Thìn vẫn băn khoăn: "Khi thành lập Công ty Epco, tôi được cơ quan chức năng giao đất. Tôi xây khách sạn, trung tâm thương mại, nhà máy chế biến hải sản, khu công nghiệp…, tất cả bằng tiền vay ngân hàng vì các thành viên góp vốn chỉ góp khống, chứ có đồng bạc nào đâu".

Thời điểm  ấy, nhiều cá nhân, đơn vị đến gặp Liên Khui Thìn, đề nghị mua lại đất với giá gấp 10, thậm chí 20 lần nhưng theo lời ông, thì: "Tôi khẳng định tôi là một nhà đầu tư chứ không phải đầu cơ đất đai. Do đó, tôi chưa hề bán một mét nào mà ngược lại, một số thành viên trong Hội đồng quản trị Công ty Epco tự ý định lại giá đất rồi đem bán bằng cách chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho các đối tác khác”.

Sau khi Liên Khui Thìn bị bắt, ra tòa, lĩnh án, nhiều tài sản của Công ty Epco không những không được tái cơ cấu, phát triển, xây dựng thêm  mà lần lượt bị đem ra bán hết, thậm chí có tài sản còn bán dưới giá đầu tư. Liên Khui Thìn, nói: "Tất cả những việc này họ đều không thông qua tôi mặc dù về trách nhiệm dân sự, tôi vẫn trực tiếp có liên quan trong đó".

Cũng cần nói thêm rằng, trong vụ án Minh Phụng - Epco, Công ty Epco do Liên Khui Thìn làm giám đốc là đơn vị vừa được thi hành án, lại vừa là đơn vị phải thi hành án. Theo Liên Khui Thìn, thì: “Cho đến nay, các vụ bán tài sản của Epco, tôi vẫn không nắm được”.

4- Bốn tháng sau khi được đặc xá, Liên Khui Thìn nhận được lời mời của một vài công ty, xí nghiệp, mời ông về cộng tác nhưng theo lời ông, thì: "Tôi đang dành thời gian cho một dự định mà tôi đã ấp ủ từ khi còn ở trong tù". Những ngày tháng ở tù, Liên Khui Thìn đã không ít lần nghe được tâm sự của những người đồng cảnh ngộ, là khi được tha, họ không biết sẽ phải đi đâu, về đâu.

Thìn kể: "Có người vào tù vì tội cướp. Khi biết sắp mãn án, họ nói với tôi là phải chi trại cho họ ở lại làm công nhân, hay cho họ một mảnh đất nhỏ để họ dựng nhà, trồng rau, nuôi heo thì tốt hơn bởi lẽ được tha về, mà nhà cửa không có, công ăn việc làm cũng không, thì chuyện tái phạm là chuyện khó tránh khỏi".

Vì thế, những ngày đầu tiên khi được đặc xá, rồi ra khỏi bệnh viện, Liên Khui Thìn gặp gỡ một số bạn bè, người quen - trong đó có Luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó giám đốc Công an TP HCM, để bàn về việc thành lập một tổ chức xã hội từ thiện, mang tên "Quỹ hoàn lương".

Theo Luật sư Trần Văn Tạo, "Quỹ hoàn lương" nhằm mục đích giúp cho những người sau khi mãn hạn tù, về lại TP HCM có điều kiện hòa nhập cộng đồng bằng cách sắp xếp cho họ học nghề đúng với khả năng và tìm cách bố trí cho họ có công ăn việc làm ổn định. Ban đầu, dự kiến vốn Quỹ là khoảng 600 triệu đồng, do những người sáng lập là luật sư Trần Văn Tạo, cùng các ông Liên Khui Thìn, Lê Thanh Bình, Lê Minh Hải, Nguyễn Văn Liêm tự nguyện đóng góp. Tôi hỏi: "Vậy mỗi phần góp là 120 triệu, anh lấy đâu ra?". Thìn cười: "Như tôi đã nói, bất cứ việc gì, nếu phù hợp với lợi ích cộng đồng thì sẽ luôn nhận được ủng hộ. Bạn bè tôi khi biết tôi làm "Quỹ hoàn lương", mỗi người cho tôi một ít".

Thực tế cho thấy, những người được đặc xá, hoặc mãn hạn tù về lại địa phương - không riêng gì TP HCM, mà ở nhiều nơi trong cả nước vẫn thường gặp khó khăn trong việc mưu sinh. Nhiều người có sức khỏe, tay nghề cao lại vấp phải rào cản thành kiến - cứ y như hễ ở tù ra, thì  không còn là "người" vậy! Liên Khui Thìn nói tiếp: "Quỹ hoàn lương" không xin ngân sách Nhà nước, không xin tài trợ của chính quyền địa phương, mà chủ yếu là vận động lòng hảo tâm của các cá nhân, doanh nghiệp".

Để chứng minh, ông đưa tôi xem danh sách của hơn 30  người - trong đó có cả những người đã từng… ở tù, nhưng nay rất thành đạt, đồng ý tham gia Quỹ, cũng như sẵn sàng tiếp nhận người vào học nghề, vào làm việc trong doanh nghiệp của họ mỗi khi Quỹ giới thiệu. Thìn nói: "Bên cạnh đó, tôi cũng mong  được hợp tác chặt chẽ với các trại giam mà trước mắt là Trại Xuân Lộc và Trại giam An Phước nhằm khai thác những tiềm năng hiện có trong phạm nhân về lao động, tay nghề để tạo thêm việc làm, góp phần xây dựng cơ sở vật chất cho trại, cũng như tìm kiếm nguồn nhân lực tương lai cho những công ty, xí nghiệp của bạn bè tôi". Hiện tại, bản đề án xin thành lập "Quỹ hoàn lương" đã được Luật sư Trần Văn Tạo viết xong, và đang đệ trình lên các cơ quan có thẩm quyền, xem xét.

5- Cuối cùng, nói đến Công ty Epco thì phải nói đến Công ty Minh Phụng, và nhắc đến Tăng Minh Phụng thì không thể không nhắc đến Liên Khui Thìn. Tôi hỏi Thìn: "Anh nghĩ thế nào về anh Minh Phụng?". Trầm ngâm một lát, Thìn đáp: "Về luật pháp, tôi, anh Phụng cùng những người khác đã nhận hình phạt vì những gì chúng tôi gây ra, nhưng tôi may mắn hơn anh Phụng là tôi còn sống. Trong chỗ riêng tư, tôi vẫn rất quý và thương anh Phụng nên nếu có thể làm được gì đó cho gia đình anh Phụng, tôi vẫn sẽ làm"

V.C.
.
.