Mất tiền vì nhờ "nhà báo dởm" "chạy" sổ đỏ
Vừa qua, văn phòng phía Nam Chuyên đề ANTG - Báo CAND có nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Mỹ, cư trú tại số 74 đường Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM, tố cáo một người có tên Nguyễn Hữu Thọ, tự xưng "phóng viên báo Bảo vệ Pháp luật" trực thuộc viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, lừa đảo lấy của bà 220 triệu đồng. Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi đã tiến hành xác minh vụ việc...
Tóm tắt câu chuyện
Ngày 1/2/1992, bà Nguyễn Thị Mỹ mua mảnh đất có diện tích 10.000m2 thuộc lô 88, tờ bản đồ số 1, tại ấp An Điền, xã An Phú, quận Thủ Đức của ông Châu Văn Nguyên, cư trú tại số 21/144 đường Hà Nội, quận Thủ Đức, TP HCM.
Mảnh đất ấy, năm 1970 ông Châu Văn Nguyên mua lại của bà Trần Kim Huê (bà Huê là chủ đất từ năm 1930). Tuy nhiên, do có chuyện tranh chấp về tiền bạc, nên ông Nguyên, bà Huê thưa nhau ra tòa. Ngày 30/7/1971, Tòa sơ thẩm chế độ cũ đã tuyên cho ông Nguyên là chủ đất hợp pháp. Đến ngày 5/10/1972, Tòa chung thẩm chế độ cũ cũng tuyên như trên.
Sau khi việc mua bán hoàn tất, bà Nguyễn Thị Mỹ dựng lên một căn nhà có diện tích 25m2, bằng vật liệu nhẹ, rồi cho vợ chồng anh Dương Văn Vân, Trần Thị Ánh ở nhờ để trông coi đất vì từ năm 1990, anh Vân, chị Ánh cũng được ông Nguyên cho ở nhờ, và đã có hộ khẩu tạm trú theo diện KT3.
Tuy nhiên, khi bà Mỹ tiến hành làm các thủ tục xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì lại không được chấp thuận với lý do việc mua bán không có cơ sở pháp lý! Điều đặc biệt hơn nữa là sau đó, bà Mỹ phát hiện UBND phường Thảo Điền và UBND quận 2 lại cấp... giấy chứng nhận quyền sử dụng 4.454m2 đất (nằm trong phần diện tích của bà Mỹ) cho ông Huỳnh Anh Kiệt, cư trú tại 8B Bis, đường 3-2, phường 12 quận 10, TP HCM.
Quá bức xúc, bà Mỹ liên tục gửi đơn khiếu nại đến các ngành chức năng. Trong Công văn số 993 của Tổng Cục Cảnh sát, do Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành (lúc đó là Tổng cục phó), ký gửi Chủ tịch UBND TP HCM, đã nêu rõ: “...Kiểm tra giấy tờ của ông Châu Văn Nguyên về các văn tự mua bán cũ cùng 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm đều là bản chính có dấu đỏ. Những văn tự này đến nay vẫn được pháp luật thừa nhận là hợp pháp và vẫn có giá trị pháp lý...”. Tiếp theo, Tổng cục Cảnh sát kiến nghị UBND TP HCM cho lập đoàn thanh tra để xác minh toàn bộ hồ sơ nguồn gốc đất, cũng như một số vấn đề khuất tất trong việc cấp đất cho Công ty Đông Phương.
Nhưng đến ngày 19/12/2006, UBND phường Thảo Điền có Công văn số 207, trả lời bà Nguyễn Thị Mỹ: “...Mua bằng giấy tay lô đất 10.000m2 của ông Châu Văn Nguyên là mua bán bất hợp pháp và ông Châu Văn Nguyên không đứng tên sử dụng hợp pháp tại phần đất nêu trên...”.
Và sự xuất hiện của ông nhà báo
Đầu tháng 1/2007, một phần vì tuổi cao sức yếu, phần nữa do thời gian khiếu nại mỏi mòn mà không được giải quyết về lô đất bà Nguyễn Thị Mỹ sinh ra buồn chán. Một hôm có người quen tên là Nguyễn Văn Chiến, cư trú tại số 68/7 đường Phạm Văn Chiêu, phường 13, quận Gò Vấp, đưa một người đến gặp bà rồi giới thiệu là “nhà báo” Nguyễn Hữu Thọ, hiện là “phóng viên” báo Bảo vệ pháp luật thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, để nhờ giúp cho bà.
Sau khi trao đổi, tìm hiểu vụ việc, “nhà báo” Nguyễn Hữu Thọ mời bà lên ôtô do Thọ lái, đi xem đất. Theo lời bà Mỹ, chiếc ôtô ấy màu trắng, kính trước và kính sau đều có dán hàng chữ “Cơ quan báo Bảo vệ pháp luật”. Trên đường đi, “nhà báo” Nguyễn Hữu Thọ ba hoa rằng, trước đây mình đã gỡ được vụ này, chạy xong vụ kia còn ghê gớm hơn, chứ 10 nghìn mét đất của bà Mỹ chỉ là chuyện... "lẻ tẻ"! Bên cạnh đó, Thọ còn khoe rằng anh ruột Thọ, là ông Chương, hiện là “Giám đốc Cơ quan báo Bảo vệ pháp luật” tại TP HCM, “lực” còn mạnh hơn nhiều.
Vài hôm sau, Thọ điện thoại, hẹn bà Mỹ ra quán cà phê Trung Nguyên ở đầu đường Cửu Long. Tại đây, Thọ khẳng định: “Em đã dàn xếp xong. Trong vòng 2 tháng, chị sẽ có sổ đỏ với chi phí là 200 triệu đồng. Lúc lấy tiền, em sẽ làm hợp đồng để chị yên tâm”, rồi yêu cầu bà Mỹ đưa trước cho Thọ 20 triệu, gọi là để giao dịch - nhưng Thọ nói số tiền này không nằm trong 200 triệu.
Thấy bà Mỹ có vẻ ngần ngại, Thọ “nổ”: “Chuyện này phải gặp mấy anh trên Ủy ban thành phố, chứ quận thì nhằm nhò gì. Mà chẳng lẽ khi gặp mấy ảnh, em nói miệng suông sao? Ít nhất cũng phải có gói thuốc, rồi bia bọt nữa. Em nể tình anh Chiến là chỗ thân quen nên mới giúp chị. Chứ mấy chuyện nhỏ như vầy, làm mất công lắm...”.
Trước những lời hứa như đinh đóng cột của “nhà báo” Nguyễn Hữu Thọ, bà Nguyễn Thị Mỹ ứng trước cho Thọ 20 triệu đồng.
Hơn một tháng sau, vào lúc 11 giờ ngày 10/2/2007, Thọ điện thoại, gọi bà Mỹ mang ngay 200 triệu đến “cơ quan báo chí” ở gần Dinh Thống Nhất (thực tế là Hội Nhà báo TP HCM).
Theo lời bà Mỹ, thì khi bước vào, bà thấy Thọ cùng một người nữa - mà Thọ giới thiệu là bạn, đang ngồi ăn cơm tại quán cà phê nằm trong khuôn viên trụ sở Hội Nhà báo (nhưng vì không biết quán cà phê ấy, ai vào cũng được nên bà Mỹ tưởng lầm rằng đó là nơi làm việc của “nhà báo” Thọ).
Khi chuẩn bị giao tiền, bà Mỹ hỏi Thọ đã làm hợp đồng chưa? Lập tức, Thọ mời bà ra ôtô, rồi nói: “Đây là cơ quan em, mong chị thông cảm đừng bắt em làm hợp đồng vì kẹt cho em lắm. Em sẽ viết cho chị giấy mượn tiền”.
Từ đó cho đến tháng 5/2007, bà Nguyễn Thị Mỹ đã đưa cho “nhà báo” Thọ tổng cộng 200 triệu đồng (và Thọ viết 2 giấy biên nhận, mượn hai lần, mỗi lần 100 triệu) với lời cam kết “sẽ làm xong sổ đỏ cho chị trước ngày bầu cử Quốc hội - tháng 5/2007”.
Tinh ranh hơn, trong biên nhận mượn nợ, thay vì thời gian là 2 tháng như đã hứa, thì Nguyễn Hữu Thọ ghi thời gian trả nợ đến ngày... 10/5/2008. Lúc bà Mỹ phát hiện ra, rồi hỏi Thọ về việc này, Thọ cười, vỗ vai bà: “Chị cứ yên tâm. Tình cảm chị em chỉ trong 2 tháng là xong hết”. Bên cạnh đó, bà Mỹ còn được sự động viên của ông Nguyễn Văn Chiến, là người đã đưa Thọ đến gặp bà, rằng Thọ làm được.
Tuy nhiên, 2 tháng, rồi 3 tháng, 6 tháng mà sổ đỏ vẫn không thấy đâu. Gọi Thọ nhiều lần, Thọ không đến. Cất công tìm hiểu, bà Mỹ gặp ông Chương, rồi được ông Chương xác nhận Nguyễn Hữu Thọ là em ruột mình. Theo lời bà Mỹ, thì: “Ông Chương có hứa với tôi là sẽ bảo Thọ trả lại số tiền 200 triệu cho tôi, mong tôi đừng làm um xùm nhưng tới nay, Thọ vẫn không chịu trả...”.
Khi vụ việc đổ bể, bà Mỹ biết rằng mình đã bị lừa, thì ông Nguyễn Văn Chiến viết một tờ giấy tay có tên là “Giấy xác nhận”, gửi ông Chương. Trong tờ giấy này, ông Chiến viết: “...Anh Thọ là phóng viên báo Bảo vệ pháp luật..., tôi có bà chị tên Nguyễn Thị Mỹ, đang có mảnh đất 10.000m2 bị tranh chấp. Chị Mỹ đã khiếu kiện kéo dài nhưng chưa giải quyết... do vậy, tôi có giới thiệu anh Nguyễn Hữu Thọ, phóng viên báo Bảo vệ pháp luật đến gặp và giúp cho chị...
Hai bên đã thỏa thuận số tiền 220 triệu là tiền Thọ đi lại chi phí, và hẹn từ khi nhận tiền đến khi giải quyết cho chị Mỹ mảnh đất là 2 tháng... Mọi việc giữa anh Thọ, và tôi chị Mỹ đều biết nhưng nay đã hết 2 tháng mà anh Thọ không thực hiện được. Kính mong anh Chương hết sức giúp đỡ lấy lại được số tiền đã đưa...”.
Sáng ngày 3/1/2008, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Xuân Sơn, Trưởng văn phòng đại diện báo Bảo vệ pháp luật tại TP HCM. Ông Sơn khẳng định: “Báo Bảo vệ pháp luật hoàn toàn không hề có phóng viên nào tên Nguyễn Hữu Thọ, kể cả nhân viên hợp đồng”.
Riêng về ông Chương, ông Hoàng Xuân Sơn cho biết: “Ông Chương cũng không nằm trong biên chế hay hợp đồng với báo, mà ông Chương chỉ là người nhận báo đi phát hành, ăn hoa hồng”. Và như vậy, việc Nguyễn Hữu Thọ tự nhận mình là “phóng viên” báo Bảo vệ pháp luật, phong cho anh là “giám đốc”, dán hàng chữ “Cơ quan báo Bảo vệ pháp luật” lên kính xe chỉ nhằm mục đích “lòe” để thực hiện hành vi lừa đảo.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết Nguyễn Hữu Thọ sinh năm 1968, cư ngụ tại xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Một số đồng nghiệp ở TP Vũng Tàu cho biết, thỉnh thoảng Thọ vẫn xuất hiện ở Vũng Tàu với tư cách là “phóng viên thường trú báo Bảo vệ pháp luật”, và chưa biết Nguyễn Hữu Thọ đã lừa thêm những ai.
Hiện tại, bà Nguyễn Thị Mỹ đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng, đề nghị xem xét hành vi của Nguyễn Hữu Thọ, cũng như giải quyết rốt ráo cho bà trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì thực tế, đất ấy nếu căn cứ vào giấy tờ của chế độ cũ cấp cho ông Châu Văn Nguyên, là đất hợp pháp đàng hoàng...