Mỹ - Trung Quốc phối hợp phá vụ án ma tuý lớn nhất từ trước tới nay

Thứ Năm, 25/05/2006, 08:00

Tại buổi họp báo hôm 9/5/2006, lực lượng đặc nhiệm chống ma túy của Hải quan Hồng Kông và Thâm Quyến đã thông báo về kết quả phá vụ vận chuyển côcain lớn nhất từ trước đến nay vào Trung Quốc. Tổng số côcain thu giữ được lên tới 142 kg, trị giá 105 triệu HKD.

Hiện 9 nghi can, trong đó có 2 người Hồng Kông, 3 người Trung Quốc, 3 người Colombia và 1 người Venezuela đang bị thẩm vấn tại một địa điểm không được tiết lộ. Điều đáng nói là mặc dù vụ án được phá từ tháng 3/2006, nhưng mãi tới ngày 9/5/2006 nó mới được công khai.

Trong bức điện mật gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc hôm 11/1/2006, DEA - Cơ quan chống ma túy Mỹ - thông báo, họ nhận được tin nói rằng, đang có một lượng côcain lớn được cất giấu tại các tỉnh phía nam Trung Quốc và người ta đang tìm người tiêu thụ số ma túy này ở Hồng Kông. Sau khi nhận được tin báo của DEA, lực lượng đặc nhiệm chống ma túy của Hải quan Trung Quốc và Hồng Kông đã lên một kế hoạch tổng thể mang ký hiệu “11-1” để cất mẻ lưới này. Ngày 21/1/2006, lực lượng đặc nhiệm chống ma túy của Hải quan Thâm Quyến nhận được tin báo của lực lượng đặc nhiệm chống ma túy của Hải quan Hồng Kông, theo đó một người mang quốc tịch Venezuela được biết tới với biệt danh “Khúc Kỳ” đã tới Hồng Kông đêm 20/1/2006.

18 giờ ngày 24/1/2006, lực lượng đặc nhiệm chống ma túy của Hải quan Thâm Quyến lại nhận được điện mật của lực lượng đặc nhiệm chống ma túy của Hải quan Hồng Kông, theo đó “Khúc Kỳ” đang tới Thâm Quyến để mật đàm với “Chi Sỹ”, người được coi đại diện phía cung cấp hàng của phía Trung Quốc. Sau hơn 3 tiếng mật đàm với “Chi Sỹ” tại một khách sạn gần cửa khẩu La Hồ, “Khúc Kỳ” đã quay lại Hồng Kông ngay trong đêm hôm đó. Ngày 27/1/2006, “Chi Sỹ” tới Hồng Kông để thông báo cho “Khúc Kỳ” về số hàng và giá cả của số côcain sẽ được đem bán.

Sau khi tra cứu hàng trăm ngàn tài liệu, cuối cùng các nhân viên của lực lượng đặc nhiệm chống ma túy của Hải quan Trung Quốc đã phát hiện ra, “Chi Sỹ” là một người đến từ Colombia và đã ở Trung Quốc từ tháng 11/2005. “Chi Sỹ” có quan hệ khá mật thiết với “Phì Kiệt”, một nam thanh niên gốc Thượng Hải và “Kim Sa”, một nữ thanh niên gốc Hồng Kông, người này hay nói tiếng Tây Ban Nha mỗi khi tiếp xúc với “Chi Sỹ”.

Qua tìm hiểu được biết “Kim Sa” từng sống tại Colombia 6 năm và trong hai năm 2004 và 2005 thị đã đôi lần bay tới Nam Mỹ qua cảng hàng không Hồng Kông. Điều đáng nói là chồng “Kim Sa” lại là Lương Đức Luân, một thành viên của đảng 14K, một tổ chức xã hội đen hoạt động khá mạnh tại Hồng Kông. Qua điều tra cho thấy, Lương Đức Luân có quan hệ mật thiết với tập đoàn ma túy Colombia. Lương Đức Luân từng bị bắt và bị kết án 68 tháng tù giam ở Mỹ vì tội buôn bán, vận chuyển ma túy. Sau khi ra tù, Lương Đức Luân tiếp tục hành nghề cũ và hắn đã thành công trong việc vận chuyển ma túy tới Mỹ, Nhật Bản, Australia và Hà Lan.

Ngày 15/2/2006, lực lượng đặc nhiệm chống ma túy của Hải quan Hồng Kông nhận được tin báo, bên mua và bên bán đã đạt được thỏa thuận về giá và phương thức giao hàng. Ngày 20/2/2006, “Khúc Kỳ” và “Chi Sỹ” đã từ Hồng Kông vào Thâm Quyến và ở trong những khách sạn khác nhau. Ngày hôm sau “Chi Sỹ” đã mật đàm với một phụ nữ biệt danh “Bạch Sa” ở Trung Sơn. Ngày 22/2/2006, lực lượng đặc nhiệm chống ma túy của Hải quan Hồng Kông phát hiện một người Colombia bay tới Hồng Kông qua ngả Paris, Pháp và người này được đặt biệt danh là “Hạt dẻ”. Trong khi “Hạt dẻ” làm thủ tục nhập cảnh vào Hồng Kông cũng là thời điểm “Khúc Kỳ” tới thành phố Quảng Châu để gặp một người Tây Phi đến từ Thái Lan. Ngày hôm sau, dưới sự tháp tùng của “Phì Kiệt”, “Chi Sỹ” đã tới lấy hàng mẫu ở Trung Sơn để đưa cho “Khúc Kỳ” và người Tây Phi đến từ Thái Lan. Mấy ngày sau vợ chồng “Kim Sa” đã tới Trung Sơn để gặp “Chi Sỹ”.

Đến tối 2/3/2006, lực lượng đặc nhiệm chống ma túy của Hải quan Hồng Kông nhận được tin báo, “Người mua hàng” đã nhận được 1 kg côcain hàng mẫu. Ngày 7/3/2006, bên bán hàng yêu cầu “Người mua hàng” phải đưa trước cho chúng 30.000 USD, nếu không phải trả lại hàng mẫu. Ngày 15/3/2006, lực lượng đặc nhiệm chống ma túy của Hải quan Hồng Kông lại nhận được tin báo, vợ chồng “Kim Sa” và “Phì Kiệt” sẽ nhận hàng tại Thâm Quyến. Sau khi phát hiện thấy bọn chúng đã nhận hàng, lực lượng đặc nhiệm chống ma túy của Hải quan Hồng Kông và Trung Quốc đã phát lệnh bắt giữ. Trong chiếc túi xách màu đen mà Lương Đức Luân mang theo có 5,024 kg côcain. Khám nơi ở của “Phì Kiệt”, người ta thu được 690 gr côcain và 170.000 NDT cùng 30.000 HKD.

Từ những lời khai của Lương Đức Luân, trưa 16/3/2006, lực lượng đặc nhiệm chống ma túy của Hải quan Trung Quốc đã tìm ra nơi cất giấu hơn 130 kg côcain - đó chính là nơi ở của “Bạch Sa” tại Trung Sơn. 136 gói côcain nặng 135,76 kg đã được trinh sát lôi ra từ dưới chiếc giường của “Bạch Sa”. Trong ngày 16/3/2006, tại Hồng Kông người ta đã tiến hành bắt “Chi Sỹ” và “Quả Nhân”. 6 giờ sáng ngày 17/3/2006, “Khúc Kỳ” và “Hạt dẻ” cũng bị bắt nốt. Cũng trong ngày 17/3/2006, lực lượng biên phòng Chu Hải báo tin, họ vừa bắt được “Bạch Sa” khi thị đang làm thị thực nhập cảnh từ Ma Cao. Kết thúc chuyên án cả 9 tên trong tổ chức buôn bán, vận chuyển côcain lớn nhất Trung Quốc từ trước đến nay đã bị bắt giữ.

Hiện dư luận đang rất mong đợi phiên tòa sớm khai đình để biết rõ hơn về chân dung cũng như toàn bộ đường dây buôn bán, vận chuyển côcain kể trên

Trịnh Thị Phương Anh (theo Tân Hoa xã)
.
.