Nạn lạm dụng trẻ mồ côi tại các khu du lịch và vùng thảm họa

Thứ Năm, 28/04/2011, 21:45

Với vai trò chuyên gia chăm sóc trẻ em phải làm việc giữa bom đạn trong những vùng chiến sự nóng bỏng nhất thế giới, Jennifer Morgan không phải là người dễ mất bình tĩnh. Nhưng cô cũng phải thừa nhận mình bị sốc mạnh khi đến thăm một vài trại mồ côi ở Haiti trong thời gian gần đây.

Jennifer nói: "Khi bước vào bên trong những bức tường của trại mồ côi, bạn sẽ nhìn thấy những đứa trẻ ở đây bị cưỡng bức, đánh đập tàn nhẫn và bị chấn động tinh thần". Cô còn cho biết tình trạng của trẻ em ở Haiti thậm chí bi đát hơn cả những nơi hết sức hỗn loạn như Darfur. Nhưng có lẽ hiện trạng đau lòng ở Haiti không phải là điều bất thường.

Tại hàng chục nơi trên thế giới, trong các trại mồ côi mất kiểm soát đang xảy ra tràn lan hiện tượng lạm dụng trẻ em để kiếm tiền. Thậm chí Morgan - người có trách nhiệm giúp những đứa trẻ lạc loài đoàn tụ với gia đình - từng bị giám đốc một trại mồ côi ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti thét vào mặt: "Cô ngưng ngay việc làm đưa trẻ đoàn tụ với gia đình! Cô đang phá hỏng công việc làm ăn của tôi". Sự thật như thế nào?

Tại các khu resort du lịch cũng như vùng thảm họa từ châu Á đến Mỹ Latinh, trẻ em đang bị lạm dụng và khai thác để moi tiền từ các nhóm cứu trợ có thiện ý, những người tình nguyện và du khách. Người phương Tây cố gắng giúp đỡ những đứa trẻ bị bỏ rơi nhưng cuối cùng họ đã vô tình tạo nên một thị trường cực kỳ bẩn thỉu lợi dụng lòng trắc ẩn của họ. Lòng thương hại này đang làm phát sinh một ngành kinh doanh béo bở đẩy nhiều trẻ em vào con đường bị xâm hại tình dục, nô lệ lao động và chấn thương tâm thần.

Hiện nay chính quyền Campuchia đã cho điều tra những trại mồ côi trong nước sau khi Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) lên tiếng về những lo âu của họ. Con số những trại mồ côi ở Campuchia đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua, khi ngày càng nhiều đứa trẻ cần được chăm sóc - song khoảng 3/4 trong số đó vẫn còn một cha hay một mẹ. Jennifer Morgan được cảnh báo về vấn đề này khi cô đi vòng quanh châu Phi và châu Á.

Khi đến những trường học hay trại mồ côi, Morgan thấy bất ngờ trước cảnh những khách thăm không được kiểm tra, tạo điều kiện cho phần tử xấu trà trộn vào với những đứa trẻ. Con số những trại mồ côi tăng lên theo với lượng du khách đến Campuchia. Nhiều khu trại mồ côi túm tụm lại ở những điểm du lịch nổi tiếng. Với dân số chưa đầy 100.000 người, tỉnh Siem Reap - cửa ngõ vào di tích nổi tiếng Angkor Wat - có đến 35 trại mồ côi. Thậm chí một trại mồ côi còn dắt trẻ đi diễu vào đêm khuya mang theo những tấm áp phích ghi "Hãy ủng hộ trẻ mồ côi của chúng tôi" trước mặt du khách đang ăn uống.

Có một số trang web trưng ra hình ảnh những đứa trẻ hạnh phúc. Vào trang web này, du khách sẽ được chào đón bằng những câu chuyện về tình trạng trẻ bị bỏ rơi. Nhưng thực ra, số trẻ em này có thể bị đánh cắp, được thuê từ cha mẹ chúng hay bị lừa gạt với những hứa hẹn về sự sung túc, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Một số trại mồ côi được dựng lên làm bình phong cho nô lệ trẻ em và xâm hại tình dục. Vào đầu năm nay, giám đốc người Anh của một trại trẻ mồ côi ở Siem Reap đã bị bỏ tù vì tội quấy rối một số trẻ em trong trại. Một số trại mồ côi còn cố tình tạo ra vẻ nghèo khổ, với những đứa trẻ bị đói khát để gây xúc động cho du khách.

Trước tình trạng đó, UNICEF mong muốn đóng cửa các trại mồ côi vô lương tâm này. Thậm chí trẻ em trong những trại mồ côi còn biến thành hàng hóa. Ở đảo Bali (Indonesia), số trại trẻ mồ côi đã tăng gấp đôi trong chưa đầy một thập niên, bất chấp 2/3 số trẻ có cha mẹ đàng hoàng. Những phần tử xấu lừa gạt các gia đình bần cùng để mang đi những đứa trẻ với lời hứa hẹn về thực phẩm và giáo dục. Một số trẻ sau đó bị cưỡng ép làm việc từ sáng tinh mơ đến tối mịt trong thành phố, hay đi bán dạo trên đường phố. Suy dinh dưỡng là tình trạng phổ biến đối với số trẻ này.

Brenton Whittaker, người sáng lập tổ chức từ thiện địa phương Bali Kids, nói những giám đốc (trại mồ côi) đê tiện nhất - sống trong những căn nhà rộng thênh thang và cho con cái ăn học ở nước ngoài - bán tuốt tuồn tuột mọi thực phẩm cứu trợ, thậm chí cả thuốc men.

Whittaker nói: "Điều kiện sống ở các trại mồ côi thật tệ hại. Họ quản lý những nơi này như cơ sở làm ăn, chi tiêu thật dè sẻn cho thực phẩm, chăm sóc y tế và giáo dục dành cho trẻ em để thu được lợi nhuận cao nhất".

Sri Lanka, một điểm đến du lịch nổi tiếng khác, nghiên cứu cho thấy 92% số trẻ trong những trại mồ côi có một hay cả hai cha mẹ còn sống. Ở Ghana, cuộc điều tra của chính quyền được tiến hành sau vụ một bé trai bị cưỡng bức trong trại mồ côi cho thấy 90% trong số 4.500 trẻ trong các trại mồ côi còn ít nhất một người cha hay mẹ. Các quan chức UNICEF cho biết, chăm sóc trẻ con chỉ là hình thức để kiếm lợi nhuận - ước tính chưa đến 1/3 thu nhập của trại mồ côi được rót cho công tác chăm sóc trẻ.

Tuy nhiên, không phải tất cả trại mồ côi tại các quốc gia đang phát triển đều như thế. Cũng có nhiều trung tâm tốt với đội ngũ nhân viên tận tụy vì trẻ em. Nhưng các nhà nghiên cứu thấy rằng, cho dù ở những trại tốt hơn, trẻ vẫn bị chấn thương tâm thần do một số dự án cứu trợ ngắn hạn, gây sốc về mặt tình cảm khi du khách biến mất quá bất ngờ. Nhiều trại mồ côi mọc lên như nấm sau những thảm họa. Và khi tiền cứu trợ đổ vào nhiều thì hình ảnh những đứa trẻ bất hạnh có thể mang lại lợi nhuận. Một số trẻ "mồ côi" bị bán cho những gia đình nước ngoài cho dù chúng có gia đình hẳn hoi.

Cảnh sát Haiti cho biết, nhiều trại mồ côi làm bình phong cho các hoạt động tội phạm. Thậm chí một số giám đốc trại mồ côi bỏ đói cho trẻ gầy đét rồi gửi hình ảnh chúng đến các nhóm từ thiện để được nhận tiền cứu trợ! Cứu giúp trẻ nghèo khổ là điều đáng ca ngợi, nhưng lòng tốt có thể dẫn đến những hậu quả xấu

T.T.P. (tổng hợp)
.
.