Ngăn chặn nạn trộm cổ vật ở đình, chùa
- Chân tướng kẻ chuyên trộm cổ vật cung đình Huế
- Điều tra vụ mất trộm cổ vật trong chùa
- Nhiều kẻ trộm nhắm vào cổ vật ở đình, chùa Hà Nội
1. Theo thống kê chưa đầy đủ từ Phòng CSHS Công an TP Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra hàng chục vụ trộm đột nhập vào các đình, chùa, đền... Nhiều cổ vật thuộc loại "độc nhất vô nhị" đã bị lấy đi. Nhóm đối tượng gây án đều có thủ đoạn tinh vi, hầu như không để lại dấu vết, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra.
Điển hình như từ giữa tháng 3/2020 đến tháng 4/2020 đã có bốn di tích trên địa bàn huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) bị đột nhập. Đó là chùa Bối Khê (xã Tam Hưng), đình Đại Định (xã Tam Hưng), chùa Dư Dự (xã Thanh Thuỷ) và chùa Từ Châu (xã Liên Châu). Tổng cộng gần 30 món bảo vật trong đình, chùa đã bị lấy cắp.
Được biết chùa Bối Khê được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Chùa được xây dựng vào năm 1338, thời nhà Trần tại thôn Bối Khê. Chùa Bối Khê không những là di tích lịch sử quý giá về niên đại mà còn có kiến trúc bằng gỗ rất đẹp. Chùa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngay từ tháng 4/1979.
Trụ trì chùa Bối Khê cho biết, rạng sáng ngày 14/3/2020, khi mở cửa gian phòng Tam Bảo, ông giật mình vì pho tượng Thích Ca đản sinh bằng đồng màu đen, chiều cao gần 1m đã biến mất. Đây cũng là lần thứ ba pho tượng này bị trộm cắp. Hai lần trước sau khi bị mất trộm thì may mắn đã tìm lại được. Song đến lần này thì không ai chắc được rằng bức tượng này sẽ lại quay về chùa hay không.
Ngày 16/3, đình Đại Định cũng bị kẻ gian cắt khoá, phá cửa đột nhập lấy đi hai bộ chấp kích gồm 16 chiếc đặt hai bên gian Đại bái cùng 2 đỉnh đồng, 2 cây nến đồng và 1 bình sứ cổ. Ngày 29/3, tại chùa Dư Dự, kẻ gian cắt khóa lấy trộm 1 chuông đồng, 2 bát hương (đặt tại Tam bảo). Đến ngày 11/4, kẻ gian tiếp tục đột nhập vào chùa Từ Châu lấy trộm 1 chuông đồng có chiều cao 1m, đường kính 0,6m.
Đối tượng Đặng Đình Định và tang vật. |
Trên địa bàn huyện Chương Mỹ và Phú Xuyên trong các ngày 5 và 6/8/2020 cũng liên tiếp xảy ra hai vụ đột nhập vào đình, chùa để trộm cắp. Tại đình Tầm Thượng (xã Quang Lãng, Chương Mỹ) nhóm đối tượng đã đột nhập lấy đi 12 thanh bát bửu, 3 thanh kiếm gỗ và nhiều đồ cổ có niên đại hàng trăm năm. Tại chùa Kim Quy (xã Minh Tân, Phú Xuyên) bị nẫng đi nhiều tượng, bức Đại tự, tòa cửu long với niên đại đến 200 năm…
2. Trước tình trạng "chảy máu cổ vật" ở các đình chùa, đơn vị Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Công an TP Hà Nội đã tăng cường lực lượng để điều tra, truy bắt. Chuyên án điều tra ổ nhóm chuyên trộm cắp cổ vật được Phòng CSHS xác lập, với chủ công là Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu cùng sự phối hợp chặt chẽ với các phòng nghiệp vụ Công an TP và Công an các quận, huyện Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thường Tín, Ứng Hòa, Thanh Oai, Quốc Oai...
Quá trình điều tra, Ban chuyên án gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi khi gây án, các đối tượng đều tính đến việc xóa dấu vết. Tất cả những lối ra, vào nơi thờ cúng đều được các đối tượng thuộc trong lòng bàn tay. Bên cạnh đó, trong lúc đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, các tội phạm càng ẩn sâu, nằm kỹ, khi hoạt động gây án đều tính toán kỹ thời gian, kế hoạch... nhằm qua mắt lực lượng chức năng.
Ổ nhóm chuyên trộm ở các đình, đền chùa liên tỉnh vừa bị Phòng CSHS triệt phá: Các đối tượng Toàn, Huy và Hậu. |
Qua công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, danh sách những đối tượng nằm trong diện nghi vấn có liên quan đến hoạt động mua bán cổ vật trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được Ban chuyên án dựng lên. Không chỉ những ngôi chùa, cơ sở thờ tự lớn ở Thủ đô được xây dựng phương án bảo vệ, các ngôi chùa cổ ở nhiều tỉnh, thành phố lân cận cũng nằm trong tầm bảo vệ, theo dõi của trinh sát với mục tiêu phát hiện và bắt giữ những đối tượng gây án hoạt động tại đây.
Hàng chục trinh sát được tung vào trận, đêm ngày lăn lộn ở ngoài đường, bám trụ tại khu vực những nơi thờ tự, tín ngưỡng. Những di biến động của các đối tượng nằm trong diện nghi vấn đều được giám sát chặt chẽ, nhằm tìm ra sợi dây liên kết giữa chúng với số cổ vật bị đánh cắp tại đình, đền, chùa tại các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ...
Và sự kiên trì của các chiến sỹ đã có kết quả. Đối tượng hoạt động mua bán cổ vật chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố nổi lên là Nguyễn Văn Toàn (sinh năm 1965, thường trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được đưa vào diện nghi vấn. Toàn từng có 4 tiền sự, 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản. Đây chính là một trong những đầu mối được Ban chuyên án xác định là "nút mở" của vụ án. "Sau nhiều ngày tháng sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, từ đối tượng này Ban chuyên án đã lần ra và bắt giữ cả ổ nhóm mua bán trộm cắp cổ vật liên tỉnh với số lượng lớn" - Chỉ huy Chống tội phạm xâm phạm sở hữu chia sẻ.
Rạng sáng 7/8/2020, các trinh sát bất ngờ ập vào căn nhà 391 phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng) khi các đối tượng đang mua bán một bao tải có khá nhiều cổ vật. Đây là số tài sản mà Nguyễn Văn Huy (sinh năm 1982, thường trú tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Nguyễn Văn Hậu (sinh năm 1990, thường trú tại xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) vừa trộm cắp được tại nhà thờ Thượng Đồng, xã Trung Lương (huyện Bình Lục, Hà Nam).
Trước đó ít giờ, Hậu điều khiển xe máy BKS 29V3-4373, chở Huy đến nhà Toàn lấy một túi xách màu xanh bên trong có áo mưa, kìm cộng lực, găng tay... để đi trộm cắp tài sản. Cả hai đi xuống nhà thờ Thượng Đồng tìm cách đột nhập vào trong. Huy cắt khóa cửa lách vào bên trong vận chuyển ra 4 cổ vật hình lá đề với đầy đủ chân đế cùng một âm ly, đầu thu... Các đối tượng cho vào bao tải và phóng một mạch về nhà Toàn để bán lại cho ông chủ đồ cổ này.
Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận chỉ trong khoảng 6 tháng, đường dây trộm cắp mua bán cổ vật trên đã cùng nhau gây ra 13 vụ trộm cắp tài sản. Huy và Hậu được Toàn tâng tụng là "bàn tay vàng trong làng trộm cắp cổ vật", còn Toàn được xác định là "ông trùm" mua bán số tài sản trộm cắp này...
Huy vốn là đối tượng có tiền án về tội trộm cắp tài sản. Biết Toàn là một trong những đầu nậu "cứng", Huy lên kế hoạch trộm cắp cổ vật đồ thờ cúng tại các đình, đền, chùa trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận mang về bán cho Toàn. Tiếp tay cho Huy, Toàn đã chuẩn bị các phương tiện như kìm cộng lực, bao tải… để cho các đối tượng hành nghề. Mỗi lần đi "ăn hàng" Huy và Hậu sẽ đến nhà của Toàn tập trung lấy đồ nghề. Cả hai còn góp tiền mua chiếc xe máy Yamaha Jupiter mang BKS 29V3- 4373 làm phương tiện đi gây án.
Cứ khoảng 21 giờ hàng ngày, các đối tượng bắt đầu lên đường. Hậu điều khiển xe máy chở Huy ngồi sau lượn đến các huyện ngoại thành Hà Nội, nơi có nhiều địa chỉ thờ tự, tín ngưỡng của nhân dân. Nhóm này sẽ nhắm vào những nơi có tường rào thấp, không có camera an ninh, ban đêm ít người qua lại, không có người bảo vệ, trông giữ. Chờ đến khoảng 1-2 giờ sáng, các đối tượng bắt đầu đột nhập vào bên trong. Hậu đứng bên ngoài cảnh giới, để Huy đột nhập vào trong dùng kìm cộng lực cắt khóa cửa để trộm cắp.
Với thủ đoạn trên, đầu tháng 8/2020, nhóm đối tượng đã gây ra nhiều vụ trộm cắp tài sản, trong đó cơ quan công an xác định được có ba vụ xảy ra vào các ngày mùng 4, 5 và 7 tháng 8. Đình làng thôn Vinh Hạ (xã Khai Thái, Phú Xuyên) bị trộm cắp 6 bình sứ; 8 thanh bát bửu có chiều dài gần 2 mét. Đình thôn Tầm Thượng (xã Quang Lãng, Phú Xuyên) bị nẫng đi một bài vị cao khoảng 1,2m, ba thanh kiếm bằng gỗ, màu đỏ dài khoảng 80cm; một cây khuyến tẩy bằng gỗ dài khoảng 1,2m, 12 thanh bát bửu. Nhà thờ Thượng Đồng (xã Trung Lương, Bình Lục, Hà Nam) bị mất 4 cổ vật hình lá cùng nhiều đồ âm thanh...
Hiện cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam các đối tượng Toàn, Huy, Hậu để điều tra về tội trộm cắp tài sản.
Ngoài ra, ngày 6/8/2020, Công an huyện Chương Mỹ cũng đã bắt được một đối tượng chuyên trộm cắp tại các đình, đền, chùa trên địa bàn các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức. Đối tượng Đặng Đình Định (sinh năm 1977, trú tại Liên Hợp, Quảng Bị, Chương Mỹ) khai nhận đêm ngày 5/8 đã đột nhập vào đền Kỳ (xã Quảng Bị) để trộm cắp nhiều cổ vật như đỉnh đồng, hạc đồng, chân nến đồng. Thấy một số đồ dùng trong đền như: âm ly, đầu đĩa, máy cắt gạch hoa... Định cũng vơ luôn vào bao. Tuy nhiên, đối tượng nhanh chóng bị cơ quan công an bắt giữ.
3. Theo một điều tra viên Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng CSHS Công an TP Hà Nội, nạn trộm cắp tại các cơ sở văn hóa, tín ngưỡng thời gian gần đây có những diễn biến rất phức tạp. Nếu như thời gian trước đám đạo chích thường nhằm vào các hòm công đức, két sắt tại đình, đền, chùa... để trộm tiền, tài sản thì gần đây bọn chúng lại chuyển hướng sang đồ thờ, cổ vật.
Một số cổ vật ở đình chùa mà nhóm của Toàn trộm cắp được. |
Do đình đền chùa là không gian "mở", ai cũng có thể vào thăm viếng; đồng thời gần như rất ít cơ sở lắp đặt camera (nếu có cũng chỉ lắp ở nơi đặt hòm công đức) nên việc điều tra tung tích đối tượng gặp nhiều khó khăn. Qua công tác điều tra những vụ trộm đồ thờ, cổ vật, cơ quan Công an phát hiện những đối tượng trộm cắp thường tụ tập thành hội, nhóm với nhau. Việc trộm cắp chủ yếu là do... đặt hàng giữa các nhóm này.
Đơn cử như ở Hải Dương có một hội, Nam Định một vài hội, Hưng Yên có một ổ, thị xã Sơn Tây có một nhóm... Bọn chúng thường chia sẻ thông tin với nhau về những món hàng cần tìm. Có nhóm cần chuông đồng, nhóm kia cần tượng gỗ, đối tượng khác lại cần sắc phong... Những kẻ đặt hàng cho chúng thường là cô đồng, cậu bóng chuẩn bị mở đền mở phủ, hoặc một số nhà sưu tập đồ cổ...
Việc trao đổi các "vật phẩm" như vậy sẽ khiến cho những món đồ đến được đúng người đang cần. Đồng nghĩa chúng có thể bán với giá rất cao. Sau khi nhận "đơn đặt hàng", các đối tượng sẽ đóng giả là người hành hương mò đến "tăm tia" các đình, chùa rồi thừa cơ ra tay trộm cắp. Thậm chí, bọn chúng còn chụp ảnh rồi gửi cho đối tượng đặt hàng xem có đúng không. Khi bên kia gật đầu thì chúng mới tính đường đột nhập.
Theo cơ quan Công an, để an ninh ở các di tích được bảo đảm, cần xác định và làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương với di tích trên địa bàn. Mặt khác, phải xây dựng hệ thống tường rào, cổng, cửa bảo đảm; lắp đặt hệ thống camera, báo động; luân phiên cắt cử người trông coi.
Ðối với các di vật, cổ vật có giá trị cao nên cất giữ ở nơi kín đáo, an toàn, có khóa kiên cố hoặc trông coi cẩn thận. Chính quyền địa phương cũng cần có chế độ thù lao hợp lý cho người bảo vệ, trông coi và gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân nếu để xảy ra mất mát.