Ngăn chặn tội phạm mua bán người qua biên giới

Thứ Sáu, 14/06/2019, 07:34
Vừa đặt chân về đất nước, những cô gái được giải cứu đều bật khóc. Sau nhiều năm lưu lạc ở xứ người, cuộc đời tưởng chôn vùi mãi mãi ở địa ngục tăm tối nhưng may mắn, họ được giải cứu, có cơ hội trở về quê hương. Trong những năm gần đây, tội phạm mua bán người qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp, với tính chất, quy mô, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi.


Trên tuyến biên giới, nhiều vụ phạm tội có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ và có tính chất xuyên quốc gia (chiếm 90%), trong đó tội phạm đưa người sang Trung Quốc (chiếm 75%) tổng số vụ. Trong 5 năm qua, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Quảng Ninh đã bóc gỡ nhiều đường dây, nhiều ổ nhóm tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán trẻ em.

Công an Trung Quốc bàn giao trẻ sơ sinh bị buôn bán cho Công an Quảng Ninh.

Nước mắt ngày trở về

Tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, chúng tôi được chứng kiến buổi bàn giao phụ nữ, trẻ em Việt Nam bị lừa bán sang bên kia biên giới do Công an tỉnh Quảng Tây trao trả. Những gương mặt đã sớm bị bụi thời gian làm cho chai sạn, có người đôi mắt hoe đỏ khi vừa đặt chân trở về Tổ quốc. Nhìn thấy bầu trời quê hương ngay trước mắt, một cô gái không giấu được xúc động đã bật khóc nghẹn ngào. Nhỏ tuổi nhất trong số người trở về là Phạm Thị Minh T. (19 tuổi, quê ở miền Tây Nam Bộ).

Gặp T. ngay sau khi Công an tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) bàn giao cho Công an TP Móng Cái, cô gái miệt vườn Nam Bộ cứ khóc mãi không thôi bởi cô chưa tin mình đã được trở về. Ngày T. bị lừa bán, cô mới 17 tuổi. 2 năm sống nơi đất khách, T cảm thấy dài đằng đẵng bởi mỗi sáng tỉnh dậy lại là một ngày kéo dài thêm cuộc sống địa ngục.

T. kể lại, cách đây 2 năm, vì nhà nghèo nên trong thời gian nghỉ hè lên lớp 12, T. muốn tranh thủ kiếm việc làm phụ giúp gia đình. Thế nên, khi được người phụ nữ khoảng 30 tuổi giới thiệu, T. đã theo người này lên thành phố tìm việc. Sau khi tới thành phố, chị ta lại dụ dỗ T. lên TP Hồ Chí Minh làm việc sẽ có nhiều tiền hơn. Tin chị ta, T. đã đi theo.

Người này không đưa cô đi TP Hồ Chí Minh như đã hứa mà bắt xe khách ra Hà Nội, sau đó bắt tiếp xe đi Móng Cái (Quảng Ninh). Ngay cả khi chị ta đưa cô xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, T. vẫn không hay biết gì. Chỉ tới khi cô thấy chữ trên đường phố, thấy người nói chuyện bằng ngôn ngữ khác, mới lờ mờ nhận ra mình không còn ở trong nước nữa.

Khi người phụ nữ giao cô cho một “tú bà”, người này đưa cô đi sâu vào nội địa Trung Quốc ép làm gái mại dâm thì T. mới biết mình bị lừa. “Ở đó có vài người Việt Nam cũng bị lừa giống em, các chị ấy bị bán mấy năm rồi. Họ canh giữ nghiêm ngặt lắm, mỗi ngày bắt đi khách 5-7 lần” – T. kể lại. Với một cô bé 17 tuổi, chuyện bỏ trốn là rất khó khăn nên sau 2 năm cô bị vắt kiệt sức lực. Tôi không nhận ra cô gái trước mắt mình mới có 19 tuổi. “Em cứ nghĩ rằng mình chẳng còn có cơ hội được trở về thế này” – T. xúc động nói.

T. được Công an Trung Quốc giải cứu trong một chiến dịch truy quét tệ nạn xã hội. Cô và 3 cô gái Việt Nam được đưa ra khỏi ổ mại dâm, sau đó được Công an Trung Quốc trao trả. Một cán bộ Đội Cảnh sát hình sự (Công an TP Móng Cái) cho biết, những trường hợp bị bán sang bên kia biên giới làm gái mại dâm như T. rất nhiều. T. là một trong số ít may mắn được giải cứu trở về.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái hỗ trợ tiền cho các cháu gái là nạn nhân của tội phạm mua bán người được giải cứu trở về.

Những phụ nữ và trẻ em bị buôn bán như T., sau khi tiếp nhận sẽ được chăm sóc về y tế, tư vấn tâm lý và nhiều người được bàn giao cho Tổ chức Rồng Xanh để tiếp tục được tư vấn, đào tạo nghề, sau đó đưa về địa phương bàn giao cho gia đình.

Quảng Ninh là địa bàn để các đối tượng phạm tội trung chuyển, lừa dẫn, chuyển giao người bán sang Trung Quốc, tập trung ở 3 địa phương giáp ranh là TP Móng Cái, huyện Bình Liêu và huyện Hải Hà. Trong đó, Móng Cái được xác định là địa bàn chủ yếu được các đối tượng triệt để lợi dụng đường mòn biên giới và việc lưu thông hàng hóa để hoạt động. Thời gian qua, Công an Quảng Ninh tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, trong đó xác định rõ tuyến, địa bàn trọng điểm để tập trung các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

Từ tháng 12-2018 đến nay, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phục hồi điều tra 2 vụ mua bán người, phát hiện 1 vụ mua bán người dưới 16 tuổi và xác minh 1 tin báo liên quan đến tội phạm mua bán người.

Điển hình là tổ công tác của Phòng CSĐT tội phạm về ma túy bắt được Nguyễn Thu Thủy, bị truy nã về tội “mua bán phụ nữ”. Sau đó, Cơ quan CSĐT đã phục hồi điều tra đối với Thủy về tội danh này. Tiếp đó, ngày 17-2-2019, Phòng Cảnh sát hình sự tiếp nhận đối tượng truy nã 9 năm Nguyễn Văn Hải (trú tại Thủy Nguyên, Hải Phòng) về hành vi mua bán người khi đối tượng này đã lừa bán 5 nạn nhân sang Trung Quốc, trong đó có 2 người dân tộc thiểu số trú tại huyện Bình Liêu và 3 người trú tại TP Hạ Long.

Ngăn chặn tội phạm mua bán trẻ sơ sinh

Tội phạm mua bán trẻ em vẫn âm thầm diễn ra và địa bàn biên giới là con đường mà chúng sẽ phải đi qua.  Ngày 16-2, bằng biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác của Công an TP Móng Cái phát hiện 2 người đàn ông làm nghề xe ôm điều khiển 2 xe máy, phía sau mỗi xe chở một phụ nữ, trên tay mỗi phụ nữ đều bế một cháu bé sơ sinh đi về khu vực biên giới.

Nhận thấy có biểu hiện nghi vấn, tổ công tác đã tiến hành kiểm tra hành chính, 2 tài xế xe ôm bỏ lại 2 người phụ nữ đang bế 2 cháu bé sơ sinh khoảng 1 tháng tuổi (1 trai, 1 gái) để chạy thoát thân. Tổ công tác đã đưa 2 đối tượng và 2 cháu bé trên về trụ sở để làm việc.

Quá trình khai thác, 2 đối tượng là Nguyễn Thị Bích Yến (35 tuổi, trú tại TP Phan Thiết, Bình Thuận) và Nguyễn Thị Bích Phương (31 tuổi, trú tại huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) khai nhận, đầu năm 2018, chồng Yến là Trần Hải Tiêu (quốc tịch Trung Quốc) đặt vấn đề với Yến về Việt Nam tìm 1 bé trai sơ sinh rồi đưa sang Trung Quốc cho gia đình anh trai của Tiêu nuôi.

Tiêu hứa hẹn anh trai mình sẽ trả tiền công cho Yến theo thỏa thuận. Yến và Tiêu lần lượt nhập cảnh trái phép vào TP Móng Cái, đón xe về nhà mẹ đẻ ở Đồng Nai. Rất nhanh, Yến đã tìm được một bé gái sơ sinh ở Bệnh viện Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh) và thỏa thuận nhận con, đưa cho mẹ đứa trẻ 35 triệu đồng.

Một tuần sau Yến nhận được điện thoại của người phụ nữ không rõ danh tính muốn cho cô ta bé trai 1 tháng tuổi và xin của Yến một ít tiền. Yến nhận bé trai và cho cô này 35 triệu. Yến nhờ em gái là Nguyễn Thị Bích Phương nuôi dưỡng, sau đó cho cô này tiền để đưa bé trai ra Móng Cái trước. Mấy ngày sau, vợ chồng Yến đem bé gái sơ sinh ra tới nơi, chúng thuê xe ôm chở ra vực biên giới để nhập cảnh trái phép vào Trung Quốc. Trên đường đi thì bị phát hiện, bắt giữ.

Gần đây Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố Chìu Tắc Hình (44 tuổi, trú tại huyện Bình Liêu) cùng Tằng Dảu Lồng và vợ là Chíu Tài Múi (37 tuổi) bán cháu Hà Đức Tuấn (gần 2 tuổi, trú tại huyện Hoành Bồ) sang Trung Quốc với giá 56.000 NDT (khoảng 180 triệu VNĐ).

Giải quyết tận gốc nguyên nhân xã hội

Theo Đại úy Hạ Tiến Dũng, Đội trưởng Đội 5, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh, hầu hết các vụ mua bán người từ Việt Nam sang Trung Quốc đều có liên quan đến phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc hoặc làm nghề mại dâm ở Trung Quốc. Cá biệt còn có những đối tượng mà trước đó đã từng là nạn nhân bị lừa bán nhưng không trình báo do hiểu biết kém, lại hám lợi nên đã dùng những mối quan hệ sẵn có để quay về Việt Nam tìm cách lừa gạt, dụ dỗ phụ nữ, trẻ em sang Trung Quốc thực hiện hành vi mua bán.

Bên cạnh đó, các đối tượng có xu hướng mở rộng phạm vi tìm kiếm nạn nhân là phụ nữ, trẻ em có trình độ học vấn thấp, người dân tộc thiểu số, thậm chí nạn nhân là những người có khiếm khuyết về tâm thần, sau đó thông qua mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Wechat...  hoặc gặp trực tiếp để dùng thủ đoạn lừa gạt đưa nạn nhân qua Trung Quốc.

Đối tượng phạm tội mua bán người bị Công an Trung Quốc bắt và bàn giao cho Công an Quảng Ninh.

Loại tội phạm này thường có mối quan hệ chặt chẽ với nhau giữa các đối tượng trong và ngoài nước để hình thành các đường dây, lấy khu vực biên giới làm địa bàn trung gian để hoạt động. Với số phụ nữ thích ăn chơi, đua đòi nhưng lười lao động, chúng rủ ra biên giới tham quan, du lịch, mua hàng hóa giá rẻ... từ đó đưa qua biên giới bằng cách làm thủ tục xuất cảnh hợp pháp hoặc vượt biên trái phép, khi đến Trung Quốc thì bán vào các ổ mại dâm.

Đại tá Nguyễn Quốc Trung, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an Quảng Ninh cho biết, nạn nhân là phụ nữ, trẻ em, nhất là học sinh, sinh viên, những em gái vị thành niên chiếm tỉ lệ cao. Trong số 78 nạn nhân được giải cứu, có 72 trường hợp là phụ nữ, trẻ em, chiếm 92,3% (trên 18 tuổi là 46 trường hợp, dưới 18 là 32 trường hợp), hầu hết còn trong độ tuổi học sinh phổ thông nhưng đã bỏ học, lao động tự do.

Theo đánh giá của Đại tá Nguyễn Quốc Trung, hầu hết các nạn nhân chưa được tiếp cận, nhận biết các phương thức, thủ đoạn cũng như kỹ năng xử lý các tình huống nên rất dễ bị tổn thương. Điều đó cho thấy, công tác tuyên truyền còn hạn chế, một số địa phương chưa đến được với người dân, nhất là vùng dân tộc thiểu số.

Mặt khác, do trình độ nhận thức còn hạn chế nên tiếp cận thông tin, hiểu biết về phòng, chống mua bán người của người dân còn thấp; đời sống kinh tế khó khăn, không có việc làm ổn định, thiếu kỹ năng sống cũng như kỹ năng xử lý các tình huống nên dễ bị lừa bán.

Để ngăn chặn tội phạm mua bán người, thời gian tới cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả hiệp định song phương Việt Nam - Trung Quốc và khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản liên quan về phòng, chống mua bán người, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, xây dựng quy chế phối hợp cụ thể giữa công an, biên phòng các địa phương hai bên biên giới.

Đặc biệt, phải có cơ chế, chính sách cụ thể, sát thực và có tính khả thi cao để chỉ đạo giải quyết tận gốc, có hiệu quả các vấn đề về kinh tế, xã hội, hỗ trợ, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nhằm làm giảm nguồn xã hội của loại tội phạm này. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ, giúp đỡ và bảo vệ nạn nhân, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng bền vững, giảm thiểu nguy cơ bị lừa bán trở lại, mắc tệ nạn khác hoặc trở thành đối tượng phạm tội trong các vụ án mới phát sinh về buôn người.

Từ năm 2012 đến 2018, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá 48 vụ với 85 đối tượng phạm tội mua bán người; kịp thời ngăn chặn, giải thoát cho 78 nạn nhân, trong đó có 16 vụ mua bán trẻ em, giải cứu 6 trẻ sơ sinh. Trong số 78 nạn nhân bị mua bán có 5 nam giới, còn lại phụ nữ có độ tuổi dưới 18 là 32 người, trên 18 tuổi là 46 người, đặc biệt có 2 nạn nhân quốc tịch Campuchia.

Riêng năm 2018 và quý 1/2019, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Công an tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, tiếp nhận 60 trường hợp phụ nữ, trẻ em (55 phụ nữ, 5 trẻ em) bị lừa bán sang Trung Quốc trở về Việt Nam an toàn.

Nguyễn Khánh
.
.