Nhật: Bắt giữ chủ nhân một trang web độc hại
Kazunari Saito bắt đầu rơi vào tầm ngắm của cảnh sát trong quá trình điều tra cái chết của công dân 21 tuổi từ thành phố Kanagawa, cô Sayaka Nishizawa. Thi thể của nạn nhân đã được cha cô phát hiện vào ngày 16/4/2007 ngay trong căn hộ của mình.
Các nhân viên cảnh sát có mặt tại hiện trường ngay sau đó đã phát hiện ra một mảnh giấy để lại cho biết, cô gái đã tự kết liễu đời mình. Tuy nhiên, sự biến mất khó hiểu của chùm chìa khóa cũng như chiếc điện thoại di động của chủ nhân ngay trong căn hộ đã khiến các điều tra viên nghi ngờ đây là một vụ giết người.
Với hy vọng tìm ra dấu vết, cảnh sát đã tổ chức điều tra một loạt trang web chuyên khuyến khích và đề nghị giúp tự sát đã xuất hiện trên Internet trong thời gian gần đây.
Sau một thời gian truy tìm, cảnh sát đã bắt giữ được Kazunari Saito, chủ nhân một trang web không chỉ cung cấp dịch vụ giúp đỡ tự sát, mà còn buôn bán các chất ma túy cũng như hướng dẫn việc tổ chức các hành động trả thù.
Ban đầu Saito chỉ bị nghi ngờ bán trái phép một số lượng lớn thuốc ngủ cho tối thiểu 10 người từ Tokyo và các quận Saitam và Nagano, khiến ít nhất một trong số này đã bị chết. Bước điều tra tiếp sau đã làm rõ, chính Kazunari Saito là người đã giết Sayaka Nishizawa.
Tiến trình của tội ác trên được làm rõ như sau. Ngày 5/4/2007, Nishizawa gửi tới cho Saito một lá thư điện tử trong có câu hỏi: “Tôi muốn chết, làm sao tôi có thể làm điều này?”. Chủ nhân trang web trả lời ngay: “Tôi sẽ cung cấp cho cô một số thuốc ngủ. Tôi sẽ giúp đỡ cô”.
Các trang web tự sát trên internet là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng tỉ lệ các vụ tự sát tại Nhật Bản. |
Đến ngày 10/4, Nishizawa gửi vào tài khoản ngân hàng của Saito khoản tiền 200 ngàn yên (1.700 USD). Chỉ 2 ngày sau, Saito đã có mặt tại căn hộ của Nishizawa và cho cô ta uống từ 20 tới 30 viên thuốc ngủ.
Khi nạn nhân thiếp đi, Saito còn quấn quanh đầu Nishizawa một bao nylon kín để cô nhanh chóng ngạt thở. “Cô ấy đã yêu cầu chính tôi phải kiểm tra chắc chắn xem cô ấy đã chết hay chưa” – Saito kể lại trong quá trình bị thẩm vấn. Còn việc mở trang web tự sát được Saito giải thích bằng mong muốn kiếm thêm tiền cho nhu cầu “vui chơi giải trí”.
Vụ tự sát theo đơn đặt hàng của Sayaka Nishizawa càng làm cho người Nhật phải lo lắng bởi mức độ nghiêm trọng của làn sóng tự sát trong xã hội nước mình. Chỉ tính riêng từ thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế tại các nước châu Á trong giai đoạn 1997-1998, mỗi năm tại Nhật đã xảy ra trung bình từ 20 đến 24 ngàn vụ tự sát.
Về sau, con số này còn tăng lên tới 35%, đạt tới mức xấp xỉ gần 30 ngàn vụ tự sát mỗi năm. Chỉ tính riêng trong năm 2006, tại Nhật đã có tới 32.155 vụ tự sát, với hơn một nửa trong số này là những người thất nghiệp.
Theo chính quyền và các chuyên gia xã hội học Nhật Bản, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng bùng phát nạn tự sát chính là sự xuất hiện hàng loạt các trang web trên Internet, chuyên đưa ra lời khuyên và đề nghị giúp đỡ những người muốn tự sát (đa phần là những người không muốn từ giã cõi đời trong cô đơn).
Số liệu của Digital Arts Inc. (một công ty chuyên sản xuất phần mềm an ninh dành cho Internet) cho biết, các trang web tự sát bắt đầu xuất hiện tại Nhật từ năm 2002. Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản khi đó là Atsuko Toyama đã đề xuất biện pháp nên điều tra về những trang web tự sát này để có những hình phạt thật nghiêm khắc hay thậm chí đóng chúng lại.
Tuy nhiên, đề xuất này lại bị nhiều người phản đối với lý do “vi phạm quyền tự do ngôn luận”. Hậu quả là đến năm 2004, tại các quận Saitam và Kanagawa đã xảy ra hàng loạt vụ tự sát tập thể. Điều tra sau đó của cảnh sát cho thấy, tất cả các nạn nhân này làm quen với nhau từ trước đó trên Internet. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn chưa khiến chính phủ phải đưa ra những biện pháp hữu hiệu nào đó để có thể chống lại những kẻ “buôn bán cái chết”.
Phải tới tận tháng 6/2006, Hạ viện Nhật Bản mới thông qua một dự thảo luật nhằm đấu tranh với nạn tự sát. Với việc thừa nhận tự sát là một vấn đề xã hội nghiêm trọng, đạo luật này yêu cầu chính phủ và các cơ quan địa phương phải triển khai những biện pháp tổng thể để có thể giải quyết – từ việc tiến hành các biện pháp cảnh báo và giáo dục cho tới việc giải quyết các vấn đề xã hội liên quan, mà hàng đầu trong đó là nạn thất nghiệp.
Đạo luật này cũng nhắc tới yêu cầu phải “phản ứng kịp thời” trước những thông tin về mong muốn tự sát của các nạn nhân xuất hiện trên Internet. Chính phủ Nhật hiện đang hy vọng, đạo luật này sẽ cho phép họ đến năm 2016 có thể giảm bớt tỉ lệ tự sát xuống hơn 20%.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn bày tỏ sự hoài nghi về quyết tâm thanh toán vấn đề xã hội này từ phía chính phủ. Và điều kỳ lạ là dù Kazunari Saito bị bắt ngay từ 3 tháng trước (7/2007), nhưng trang web tự sát của hắn mới bị chính thức đóng vào hôm 11/10. Như vậy là chỉ khi thông tin về vụ việc của Saito bị đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng, các nhà chức trách mới quan tâm tới việc đóng cửa trang web độc hại này