Những bí ẩn đằng sau cái chết của nữ doanh nhân Hà Thúy Linh
- Tình tiết mới trước chuyến đi của nữ Phó Chủ tịch doanh nhân trẻ Lâm Đồng
- Kế hoạch giết nữ Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ được tính toán kỹ?2
- Nữ Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ bị đầu độc trước khi chết?
- Nữ Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ bị giết ở Trung Quốc1
- Thông tin mới nhất về vụ nữ Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ đột tử ở Trung Quốc
- Nữ Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ đột tử ở Trung Quốc?
Cần làm rõ mưu đồ kẻ gây án
Một buổi sớm Đà Lạt giữa mùa thu buồn, hàng trăm nhân viên và người thân của Công ty TNHH Hà Linh, có trụ sở tại đường Hùng Vương, phường 10, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) thật sự bàng hoàng khi nhận được thông tin bà Hà Thúy Linh (45 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Hà Linh, kiêm Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Lâm Đồng, tử vong tại TP Đông Quản, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Cái chết bất thường của bà Linh diễn ra sau 3 ngày kể từ khi nữ doanh nhân này rời TP Đà Lạt đến Trung Quốc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trà ô long.
Tin Hà Thúy Linh chết bất thường nhanh chóng lan nhanh khiến dư luận địa phương và giới doanh nhân trong nước không khỏi bất ngờ, bởi trước đó ít ngày, tại Hội nghị quan chức cao cấp y tế các nước ASEAN diễn ra tại Đà Lạt, Hà Thúy Linh vẫn xuất hiện với sắc thái vui vẻ, khỏe mạnh bình thường. Tại Lâm Đồng, Hà Thúy Linh được nhiều người biết đến với vai trò là người phụ nữ kinh doanh thành đạt. Bà Thúy Linh là người đã khởi xướng và xây dựng thành công thương hiệu trà ô long Hà Linh cao cấp.
Chỉ trong thời gian rất ngắn, trà ô long mang thương hiệu này đã chiếm lĩnh được thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và nhiều nơi khác một cách ngoạn mục. Hà Thúy Linh cũng là người có nhiều đóng góp cho tỉnh Lâm Đồng không chỉ ở lĩnh vực phát triển ngành trà mà còn là nhà tài trợ thường xuyên trong rất nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội diễn ra tại Lâm Đồng hằng năm.
Ông Trần Thanh Hoài, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Lâm Đồng cho biết, trước thông tin về cái chết hết sức bất ngờ của Hà Thúy Linh, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng như nhiều người dân địa phương đặc biệt quan tâm. Ngay trong ngày 22/9, Sở Ngoại vụ Lâm Đồng đã có công văn cung cấp thông tin và đề nghị Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc), hỗ trợ xác minh thông tin và tiến hành các thủ tục liên quan theo pháp luật.
Ngày 23/9, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu đã có công điện khẩn thông báo về trường hợp một phụ nữ Việt Nam có tên Hà Thúy Linh (có thông tin cá nhân trùng khớp với thông tin cá nhân gia đình bà Hà Thúy Linh cung cấp cho Sở Ngoại vụ Lâm Đồng) bị cướp tài sản tại thôn Cửu Giang Thùy, thị trấn Thường Bình, TP Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Nội dung công điện nêu rõ: Hà Thúy Linh được bạn hàng buôn bán mời uống nước sau đó hôn mê và bị cướp toàn bộ tài sản, hộ chiếu. Sau đó, bà Linh được đưa tới bệnh viện cấp cứu tuy nhiên không qua khỏi, tử vong vào sáng sớm ngày 22/9.
Theo chẩn đoán y tế, bà Hà Thúy Linh bị tổn thương tuyến tụy và vỡ trực tràng do ngoại lực tác động. Để làm rõ nguyên nhân tử vong cần giải phẫu tử thi để khám nghiệm. Hiện thi thể bà Hà Thúy Linh được bảo quản tại Nhà tang lễ TP Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Bà Hà Thúy Linh trong một lần nhận bằng khen từ Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. |
Sở Ngoại vụ Lâm Đồng đã phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan hỗ trợ tiến hành các thủ tục cấp hộ chiếu và xin thị thực nhập cảnh vào Trung Quốc cho 3 thân nhân của bà Hà Thúy Linh, đồng thời liên hệ với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu đề nghị hỗ trợ gia đình bà Linh trong quá trình sang Trung Quốc để giải quyết hậu sự cho nạn nhân.
Luật sư Trương Quang Quý (Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng), người được thuê tư vấn pháp lý cho Công ty TNHH Hà Linh cách đây hơn một năm cho biết thêm, trước khi tử vong tại bệnh viện, bà Linh có tỉnh lại vài phút và kịp cho các bác sĩ biết thông tin bà bị đầu độc bằng thuốc mê, bị đánh đập hết sức dã man và để lại số điện thoại của người thân ở Việt Nam.
Theo luật sư Trương Quang Quý, ngày 19/9/2015, bà Hà Thúy Linh rời công ty một mình đi Trung Quốc với lý do để ký kết hợp đồng, mở rộng thị trường tiêu thụ trà ô long sang Trung Quốc. Trước chuyến đi định mệnh này, bà Hà Thúy Linh đã có một số lần đàm phán với đối tác người Trung Quốc tại TP HCM.
Sau khi các bên đạt được những thỏa thuận, ông Trương Quang Quý được bà Linh giao soạn thảo một bản hợp đồng kinh tế bằng tiếng Việt (sau đó dịch sang tiếng Trung Quốc). Điều bất thường ở hợp đồng này là mục bên mua được bà Linh để trống. Vì theo bà Linh giải thích là để sang Trung Quốc lúc ký kết mới điền vào, đó là yêu cầu của đối tác...
Chắp nối các tình tiết, sự kiện có liên quan đến chuyến đi Trung Quốc và cái chết bất thường của bà Hà Thúy Linh nơi đất khách, luật sư Trương Quang Quý đặt ra nhiều nghi vấn. Có thể các đối tượng đã có dã tâm sát hại bà Linh từ trước nên cố tình sắp đặt ra một hợp đồng làm ăn với bà Hà Thúy Linh tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc để làm "mồi nhử" bà Linh qua để chúng ra tay.
Theo nghi vấn của luật sư Quý, đối tượng phạm tội đã lên kế hoạch rất chi tiết, có tính toán kỹ lưỡng và mục đích cuối cùng của hành vi phạm tội có thể không phải để cướp tài sản mà là cố tình sát hại bà Linh vì những động cơ khác. Vì nếu đơn thuần đây chỉ là một vụ cướp tài sản thông thường thì khi bỏ thuốc mê vào nước uống, bà Linh uống phải và bất tỉnh nhân sự là các đối tượng dễ dàng đạt được mục đích phạm tội, chứ tại sao lại đánh đập, gây ra những vết thương nghiêm trọng trên cơ thể? Vì vậy nghi vấn mục đích cuối cùng của đối tượng phạm tội ở đây là giết người chứ không phải cướp tài sản.
Có lẽ cơ quan chức năng sở tại phải tìm ra manh mối ai là "người bạn hàng" đi cùng bà Hà Thúy Linh? Người này mời bà Linh uống nước gì mà lại dẫn đến mê man, bất tỉnh? Khuất tất của vấn đề đang nằm ở "người bạn hàng" đầy khả nghi và bí ẩn kia...
Chiều 28/9, luật sư Trương Quang Quý, người đại diện pháp lý cho Công ty TNHH Hà Linh, cho biết gia đình của bà Hà Linh từ Quảng Đông, Trung quốc điện thoại về báo sáng ngày, cơ quan chức năng nước này đã cho gia đình vào nhận diện thi thể. Theo luật sư Quý, trong ngày 28/9, lực lượng chức năng của Trung Quốc xác định ADN của bà Linh cùng người nhà trùng nhau và đã cấp giấy báo tử cho gia đình. Cùng ngày, các cơ quan chức năng Trung Quốc cũng tiến hành lấy lời khai gia đình bà Linh để điều tra về vụ án mạng này.
Được biết, để Công ty TNHH Hà Linh hoạt động bình thường, thông suốt, đảm đảo các đơn đặt hàng của đối tác và quyền lợi người lao động, gia đình bà Hà Thúy Linh và Hội Doanh nhân trẻ Lâm Đồng đã ủy quyền cho luật sư Trương Quang Quý tạm thời điều hành mọi hoạt động của công ty này.
Nỗi đau duyên phận
Hà Thúy Linh, quê ở TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), từng là hướng dẫn viên du lịch, chuyên thông dịch tiếng Trung Quốc cho du khách và ai cũng thừa nhận Linh là người có nhan sắc và nhanh nhạy. Trong thời gian làm việc cho Công ty du lịch ở Đà Lạt, Hà Thúy Linh quen biết với một người đàn ông Đài Loan. Rồi mối tình nảy nở đến năm 2002 hai người tiến tới hôn nhân. Từ tình yêu miền đất đỏ Cầu Đất, Đà Lạt, Hà Thúy Linh đã rủ chồng về Lâm Đồng đầu tư, lập nên Công ty TNHH HaiYih, chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu chè ô long sang thị trường Đài Loan. Thời gian này, chồng Linh làm giám đốc, vợ làm phó giám đốc chuyên điều hành việc sản xuất trà xuất khẩu.
Khi công việc làm ăn kinh doanh đang có nhiều chiều hướng thuận lợi thì tình cảm vợ chồng Linh rạn nứt, hai vợ chồng đưa nhau ra tòa ly hôn. Linh nhận nuôi hết các con; đứa con thứ 2 đang học lớp 8, cháu út học lớp 1, riêng người con đầu đã mất do tai nạn.
Năm 2008, Hà Thúy Linh rút khỏi Công ty TNHH HaiYih để đứng ra thành lập doanh nghiệp riêng có tên là Công ty TNHH Hà Linh. Lĩnh vực kinh doanh chuyên sản xuất, chế biến trà ô long cao cấp xuất khẩu, kinh doanh cà phê và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Dù thành lập công ty sản xuất, chế biến trà ô long xuất khẩu chưa lâu nhưng Hà Thúy Linh đã nhanh chóng xây dựng được thương hiệu trà ô long Hà Linh và trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất, chế biến trà ô long xuất khẩu lớn nhất Lâm Đồng và có tiếng trong nước và thế giới. Chỉ trong thời gian ngắn, nữ doanh nhân này đã nhiều lần nhận được cúp, bằng khen của UBND tỉnh Lâm Đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Hội Doanh nhân Việt Nam…
Lần gần đây nhất, Công ty TNHH Hà Linh được trao "Thương hiệu phát triển bền vững ASEAN 2015". Hiện cả Công ty TNHH Hà Linh và Công ty TNHH HaiYih đều có vùng sản xuất nguyên liệu trà ô long tại các xã Xuân Trường và Trạm Hành (Đà Lạt).
Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Hà Linh vẫn diễn ra bình thường. |
Ngoài diện tích chè nguyên liệu do công ty tự sản xuất, cả hai đều ký hợp đồng liên kết sản xuất với hàng chục hộ dân tại địa phương. Nhiều năm qua, hai công ty này được xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nhau bởi thị trường tiêu thụ của cả hai chủ yếu là xuất đi Đài Loan, Trung Quốc.
Theo một số người thân cận với Hà Thúy Linh, thời gian gần đây họ có nghe bà Linh than phiền là thị trường tiêu thụ trà của công ty đang gặp rất nhiều khó khăn. Mục tiêu trong năm 2015 được Hà Thúy Linh đưa ra là quyết tâm xuất khẩu khoảng 120 tấn trà ô long, cao hơn 30 tấn so với năm 2014. Nếu "thuận buồm xuôi gió", đây chỉ là con số nhỏ, nhưng vừa qua trà xuất khẩu của Việt Nam sang Đài Loan bị bịa đặt chuyện "nhiễm dioxin", rồi đến chuyện "dư lượng hoạt chất fipronil - độc tố 2" nên nhiều sản lượng trà làm ra chưa tiêu thụ được.
Vào giữa năm nay, trà ô long Việt Nam xuất sang Đài Loan bị trả về 22 lô khoảng 80 tấn. Nguyên nhân bị cho là dư lượng hoạt chất fipronil cao hơn mức Đài Loan cho phép - mức 0,002ppm (một phần triệu). Riêng Công ty TNHH Hà Linh trong kho vẫn đang tồn đọng khoảng 20 tấn chưa thể xuất bán trong khi nhiều hợp đồng bán trà ô long ra thị trường nước ngoài trước đó vẫn chưa lấy được hết tiền.
Luật sư Trương Quang Quý cho biết thêm, cách đây hơn 10 ngày, bà Linh có xuất 3 tấn trà ô long qua thị trường Trung Quốc nhưng chưa lấy được tiền hàng.
Năm 2010, Hà Thúy Linh còn được biết đến với vai trò là người đã giúp các cơ quan chức năng Lâm Đồng "vạch trần" chiêu trò phá giá trà ô long của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Lâm Đồng nhằm mục đích trốn thuế. Bà Linh đã cung cấp nhiều bằng chứng thuyết phục cho cơ quan thuế về hình thức gian lận này, sau đó Cục Thuế Lâm Đồng đã xây dựng nên Đề án chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (FDI).
Lúc đó Lâm Đồng chọn 17 doanh nghiệp FDI Đài Loan chuyên trồng, chế biến trà để thực hiện. Các doanh nghiệp này chiếm 3/4 diện tích đất trồng chè của cả tỉnh, 90% sản phẩm làm ra được xuất khẩu. Điều vô lý nhất là giá trà ô long họ kê khai xuất khẩu thấp hơn giá bán tại nội địa khoảng 18 lần. Sau khi đề án được xây dựng với sự giúp sức không nhỏ của bà Hà Thúy Linh, các doanh nghiệp trà có vốn đầu tư nước ngoài lại đồng loạt báo có lãi...
1- Công điện khẩn số 2015/682, ngày 23-9-2015 của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết, bà Hà Thúy Linh được bạn hàng buôn bán mời uống nước sau đó hôn mê và bị cướp toàn bộ tài sản, hộ chiếu. Bà được đưa tới bệnh viện cấp cứu tuy nhiên không qua khỏi, tử vong vào sáng sớm ngày 22/9. Theo chẩn đoán y tế, bà Hà Thúy Linh bị tổn thương tuyến tụy và vỡ trực tràng do ngoại lực tác động… 2- Trước thông tin gia đình sẽ dự định tiến hành hỏa thiêu bà Hà Thúy Linh tại Trung Quốc rồi đưa tro cốt về gửi tại một ngôi chùa ở Đà Lạt, Hội Doanh nhân trẻ TP HCM đã quyết định hỗ trợ toàn bộ chi phí thuê dịch vụ đưa thi thể bà Hà Thúy Linh về an táng tại Đà Lạt với số tiền ban đầu ước tính khoảng 250 triệu đồng. Về phía Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cho biết, sau khi có thông tin về việc bà Hà Thúy Linh bị sát hại ở Trung Quốc, Tổng cục Cảnh sát đã giao cho Cục Cảnh sát hình sự tiến hành phối hợp với các cơ quan hữu quan để làm rõ về vụ việc này. |