Những "bóng hồng" đơn thân trong đại án Oceanbank

Thứ Hai, 25/09/2017, 19:18
Họ là những phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, ngoại giao khéo léo và tận tâm trong công việc ở Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank). Thế nhưng khi người giữ cương vị cao nhất ở Oceanbank là Hà Văn Thắm bị bắt vì liên quan đến hàng loạt sai phạm trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng thì họ cũng bị dính vòng lao lý bởi cáo buộc giúp sức cho chủ mưu hoàn thành tội phạm.

Từ đây, mọi người mới biết thêm về nhiều người trong số họ có cuộc sống riêng không bình yên. Tự bộc bạch ở chốn pháp đình về gia cảnh "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", họ không giấu nổi sự yếu đuối vốn là bản tính của phụ nữ bằng những tiếng nấc nghẹn ngào và những giọt nước mắt nối nhau chảy dài trên mặt.

Lê Thị Thu Thủy (40 tuổi) từng trải qua nhiều vị trí công tác trong lĩnh vực tài chính-tiền tệ trước khi được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Oceanbank. Cáo trạng xác định, Thủy thực hiện chỉ đạo của Hà Văn Thắm cân đối nguồn tiền có trong tài khoản để hoàn tạm ứng cho các khoản tạm ứng thực hiện "nghiệp vụ", chuyển tiền cho các chi nhánh chi lãi ngoài huy động vốn trái quy định của Ngân hàng Nhà nước cho các khách hàng là tổ chức kinh tế và cá nhân nên phải liên đới chịu trách nhiệm cùng với Thắm và các bị cáo khác trong vụ án này về số tiền cố ý làm trái hơn 1.500 tỷ đồng.

Bị cáo Lê Thị Thu Thủy.

Được hội đồng xét xử cho tự bào chữa, Thủy khóc nấc mà rằng, bị cáo không nghĩ những việc mình đã làm cho Oceanbank lại bị xử lý hình sự với mức án "khắc nghiệt" mà VKS đề nghị từ 11-12 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cô phân trần tiếp, VKS đừng nhìn vào chức vụ Phó Tổng Giám đốc của bị cáo mà nghĩ bị cáo có quyền hành riêng. Bị cáo chỉ là người "làm công, ăn lương" chứ không có quyền tự chi lãi ngoài cho bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào. Những việc bị cáo và các nhân viên khác thực hiện đều do HĐQT Oceanbank đã quyết định trước đó. Thủy xin hội đồng xét xử xem xét cho mình và các bị cáo từng là cấp dưới không phải bồi thường dân sự, bởi cô và cấp dưới không phải là chủ thể thực hiện hành vi phạm tội, không được hưởng lợi gì từ việc chi lãi ngoài trái quy định của Oceanbank.

Lời tự bào chữa của Thủy được Hà Văn Thắm xác nhận "Việc làm trái quy định của chị Thủy là do bị lừa vì tôi nói, khoản này sẽ được hoàn ứng. Trong hoàn cảnh này, Thủy và những nhân viên dưới quyền buộc phải làm như vậy". "Vợ chồng bị cáo đã chia tay, bị cáo hiện là mẹ đơn thân nuôi con, cháu mới học lớp 5. Xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm trở về với gia đình, nuôi dạy con nhỏ", Thủy vừa khóc, vừa nói.

Hoàng Thị Hồng Tứ (diễn viên Quỳnh Tứ, 34 tuổi) từng được đạo diễn phim đánh giá là diễn viên triển vọng khi tham gia nhiều bộ phim truyền hình phát sóng trên giờ vàng của VTV1. Tứ không hiểu biết gì về lĩnh vực tài chính-ngân hàng nhưng chẳng hiểu mối duyên gì lại đưa cô đến làm việc tại Oceanbank và sau đó được Hà Văn Thắm cho làm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BSC Việt Nam (công ty do Thắm thành lập) và là người đại diện theo pháp luật.

Bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ.

Mang danh là vậy nhưng thực tế Tứ không góp vốn, không quản lý, cũng chẳng trực tiếp điều hành công ty này bởi mọi việc cô đều thực hiện một cách thụ động theo chỉ đạo của Thắm. Trong thời kỳ giữ chức vụ này, Tứ đã thực hiện theo chỉ đạo của Thắm để ký 98 hợp đồng dịch vụ thu phí của khách hàng có nhu cầu vay vốn và mua ngoại tệ tại Oceanbank với tổng số tiền khoảng 14 tỷ đồng.

Dù là người ký hợp đồng nhưng Tứ không biết gì về hoạt động gì của công ty. Những bản hợp đồng do Tứ ký kết sau đó được chuyển qua bộ phận chuyên môn khác để rút tiền. Số tiền ấy đi đâu, sử dụng vào việc gì Tứ không hề biết. Với hành vi đã gây ra, Tứ bị truy tố về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và bị VKS đề nghị mức án từ 30 đến 36 tháng tù.

Ngoài ra, Tứ còn bị VKS đề nghị phải bồi thường số tiền trên. Trong phần tự bào chữa, Tứ vừa khóc, vừa đọc gần 2 trang A4 kể về hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Theo bộc bạch của Tứ, bố đẻ cô là thương binh, năm nay gần 80 tuổi; 2 anh ruột nhiễm chất độc da cam không thể tự lao động kiếm sống; vợ chồng cô đã ly hôn. Hiện tại cô không có việc làm ổn định và đang nuôi 2 con nhỏ, một cháu 6 tuổi, một cháu 4 tuổi.

Tứ đề nghị hội đồng xét xử không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cô như cáo buộc của VKS, bởi cô giúp việc cho Thắm mà không hiểu được, từ sự thiếu hiểu biết mà mình phạm tội. Hơn nữa, cô cũng không được hưởng lợi gì ở cái chức danh Chủ tịch Công ty cổ phần BSC Việt Nam. Lời bào chữa của Tứ được Hà Văn Thắm xác nhận tại phiên xử.  

Đỗ Đại Khôi Trang (41 tuổi) là cựu Giám đốc Khối khách hàng cá nhân Oceanbank. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Oceanbank tại các cuộc họp giao ban, trong thời gian từ tháng 9-2012 đến tháng 1-2014, Trang đã chỉ đạo nhân viên Khối khách hàng cá nhân tổng hợp của Oceanbank kiểm tra các khoản tiền chi lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng cá nhân, sau đó Trang ký xác nhận và chuyển cho bộ phận kế toán hạch toán chuyển tiền cho các chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank để chi lãi ngoài cho khách hàng với tổng số tiền gần 166 tỷ đồng.

Bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang.

Cơ quan tố tụng xác định, trước khi chuyển giao việc làm trái quy định này cho người khác, hành vi của Trang đã cấu thành tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Với hành vi này, Trang bị VKS đề nghị mức án từ 7-8 năm tù và phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền đã kiểm soát, phê duyệt cho các chi nhánh, phòng giao dịch và khối chi lãi ngoài cho khách hàng gần số tiền trên.

Tự bào chữa cho mình, Trang bảo, nếu tòa xử phạt cô mức án và số tiền bồi thường như đề nghị của VKS thì thật kinh hoàng. Cô nhẩm tính, lương quản lý ngân hàng 20 triệu đồng một tháng, không ăn không tiêu thì phải tới 766 năm mới bồi thường hết số tiền này. Trang than thở, đã 2 năm kể từ khi vụ án xảy ra và cô bị khởi tố, rồi bị buộc thôi việc đồng nghĩa với hết nguồn thu nhập.

Sau đó, cô đi xin việc rất nhiều nơi nhưng không ai nhận, vì mọi người đều nghĩ rằng, đã bị cơ quan tố tụng truy tố thì chắc chắn có vấn đề. Cô tiếp tục, bị cáo chỉ nghĩ đến việc mai này sẽ làm gì để kiếm sống đã thấy khó khăn rồi chứ chưa dám nghĩ tới chuyện phải liên đới bồi thường số tiền trên.

Nhưng đó chỉ là phần nổi mà mọi người biết đến Trang, bởi trong số các bị cáo ngồi đây không ai có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như cô. Bố Trang là liệt sỹ. Mẹ là cán bộ cách mạng. Vợ chồng cô đã ly hôn từ năm 2014. Hiện cô đang phải một mình nuôi mẹ già và 2 con nhỏ, trong đó người con đầu mắc bệnh tâm thần. Trang đề nghị hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt để cô trở về gia đình nuôi mẹ già và 2 con nhỏ.

Phan Thị Tú Anh (53 tuổi) là cựu Giám đốc Oceanbank-chi nhánh Quảng Ngãi bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cáo trạng xác định, Tú Anh cùng 33 bị cáo khác là giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank tiếp nhận chủ trương từ Hội sở Oceanbank, sau đó phân công, chỉ đạo nhân viên chi nhánh thực hiện chi lãi ngoài cho khách hàng, giúp sức cho hành vi cố ý làm trái trong việc chi lãi ngoài, gây thiệt hại cho Oceanbank. Tú Anh phải chịu trách nhiệm hình sự về toàn bộ số tiền do đơn vị mình phụ trách đã chi sai nguyên tắc.

Tự bào chữa cho mình, Tú Anh cho rằng, quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, bản thân các bị cáo cũng chỉ là người "làm công, ăn lương", thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Oceanbank chứ không có tư lợi riêng trong việc chi lãi ngoài.

"Bị cáo hiểu việc Oceanbank chi lãi ngoài là trái quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng ở thời điểm đó, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đều chi lãi ngoài và sau đó họ chỉ bị xử lý hành chính. Mục đích Oceanbank chi lãi ngoài cũng chỉ để tăng tính cạnh tranh, mang lại lợi nhuận cho ngân hàng. Thực tế đã có nhiều đợt kiểm tra nội bộ của Oceanbank nhưng không có cảnh báo nên bị cáo nghĩ rằng, nếu có sai cũng chỉ là xử phạt hành chính chứ không nghĩ mình sẽ bị phạt tù. Nếu biết như vậy thì làm sao bị cáo dám thực hiện", Tú Anh trình bày.

Sau khi đưa ra quan điểm tự bảo vệ mình, Tú Anh kể thêm về gia đình đã có nhiều đóng góp cho ngành ngân hàng. Bố mẹ đẻ cô đã mất. Bản thân cô đã ly hôn được 6 năm nên cuộc sống có những khó khăn nhất định. Cô đề nghị hội đồng xét xử không yêu cầu bồi thường dân sự và xem xét giảm nhẹ hình phạt đến mức thấp nhất để cô trở về gia đình chăm lo cho 2 con.

Nguyễn Thị Nga (37 tuổi) giữ chức vụ Kế toán trưởng từ tháng 7-2009. Hai tháng sau, Nga được bổ nhiệm Trưởng ban Kế toán và đến tháng 8-2012 được bổ nhiệm Trưởng ban Tài chính-Kế hoạch. Theo chỉ đạo của lãnh đạo Oceanbank về việc chuyển tiền chi trả lãi ngoài huy động vốn cho các chi nhánh, phòng giao dịch để chi cho khách hàng, Nga đã chỉ đạo Ban Kế toán hạch toán chuyển tiền chi lãi ngoài căn cứ theo bảng kê danh sách do Khối nguồn vốn và Khối bán lẻ ký duyệt.

Bị cáo Nguyễn Thị Nga.

Trong thời gian làm Trưởng ban Kế toán, Nga cùng với các nhân viên trong ban hạch toán chuyển gần 176 tỷ đồng để chi trả lãi ngoài huy động vốn cho các khách hàng phát sinh tiền gửi tại các chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank.

Cơ quan tố tụng xác định, Nga đồng phạm với lãnh đạo Oceanbank về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Với hành vi đã gây ra, Nga bị VKS đề nghị mức án từ 7-8 năm tù.

Trong phần tự bào chữa, Trang kể về hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Theo đó, chồng cô là bị cáo Ngô Hải Nam (43 tuổi), cựu Giám đốc Oceanbank-chi nhánh Quảng Ninh cũng bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bố đẻ cô đã mất. Mẹ đẻ đã già. Bố mẹ chồng cô cũng già yếu. Vợ chồng cô có 2 con gái còn nhỏ, đang tuổi đưa đón đi học...".

Sau khi kể về hoàn cảnh của gia đình, Trang vừa khóc vừa đề nghị hội đồng xét xử "Trong trường hợp bị cáo là nạn nhân của một tội nào đó, bị cáo mong tòa tuyên bản án đúng với tội mà bị cáo đã làm. Chỉ xin tòa miễn trách nhiệm dân sự cho chồng bị cáo và cho anh ấy được hưởng án treo để có thể chăm sóc cho 2 con gái đang thơ dại. Vợ chồng bị cáo đều làm công ăn lương nên buộc phải thực hiện chỉ đạo của cấp trên. Nếu cả hai vợ chồng cùng vào tù thì ai nuôi dạy con bị cáo". 

Ngày 21-9, khi hội đồng xét xử đề nghị trình bày quan điểm, luật sư Nguyễn Đình Hưng, đại diện cho nguyên đơn dân sự trong vụ án này là Oceanbank nói, ông hiểu và rất xúc động khi nghe các bị cáo trình bày về hoàn cảnh phạm tội cũng như hoàn cảnh gia đình. Luật sư Hưng mong muốn hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo vì họ làm việc trong thời điểm các ngân hàng thương mại cổ phần gặp nhiều khó khăn, các nhân viên dưới quyền buộc phải thực hiện theo chủ trương của hội đồng quản trị nên khọ tránh khỏi sai phạm.

Nguyễn Hưng
.
.