Những vụ án tham nhũng chấn động Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Ba, 07/01/2014, 10:30

Một cuộc điều tra án tham nhũng, hối lộ, hơn 50 người đã bị bắt, trong đó có nhiều quan chức chính quyền và con cháu của các bộ trưởng nội các. Đây được xem là "đòn độc" nhắm vào Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan trong cuộc đối đầu giữa ông với nhà truyền giáo lưu vong Fetullah Gulen.

Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà điều tra đã tổ chức cuộc vây ráp vào ngày 17/12 vừa qua đã bắt giữ 52 người gồm doanh nhân, một số quan chức nội các chính phủ và một thị trưởng thành phố, đặc biệt là có đến 3 người là con của các bộ trưởng nội các. Tất cả bị cáo buộc đưa và nhận hối lộ để "chạy" các dự án của nhà nước và xin giấy phép xây dựng ở những khu vực quy hoạch không được phép xây dựng.

Một trong những doanh nhân nổi cộm nhất trong số người bị bắt là tỉ phú Ali Agaoglu, chủ doanh nghiệp xây dựng, người được cho là đứng sau nhiều dự án xây dựng gây tranh cãi ở Istanbul. Người thứ hai gây chú ý mạnh là doanh nhân Reza Zarrab, người Azerbaijan. Kế đến là Tổng giám đốc Ngân hàng Halkbank Suleiman Aslan, Thị trưởng thành phố Fatih Mustafa Demir. Các quan chức chính phủ bị bắt gồm có một trợ lý và một cố vấn của Bộ trưởng Môi trường và Phát triển đô thị, và Đổng lý Văn phòng Bộ Môi trường và Phát triển đô thị.

Các con trai của 3 vị bộ trưởng nội các gồm: Baris Guler (con trai của Bộ trưởng Nội vụ Muammer Guler), Salih Kaan Caglayan (con trai Bộ trưởng Kinh tế Zafer Caglayan) và Abdullah Oguz Bayraktar (con trai Bộ trưởng Môi trường và Phát triển đô thị Erdogan Bayraktar). Vụ việc đã khiến cho Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Kinh tế phải hủy bỏ chương trình làm việc trong ngày. Các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ sẽ yêu cầu Quốc hội xem xét tước quyền miễn truy tố đối với một vị bộ trưởng nội các vì có liên quan trong vụ án.

Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc vây ráp bắt giữ hàng loạt nêu trên là nhằm phục vụ cho 3 cuộc điều tra khác nhau. Cuộc điều tra thứ nhất nhắm vào doanh nhân Zarrab với cáo buộc tổ chức và điều hành một đường dây tội phạm. Ông Zarrab được cho là đã hối lộ các quan chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để được làm ngơ các giao dịch chuyển tiền trái phép và để xin quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ cho người thân và đồng bọn trong đường dây tội phạm.

Ngoài ra, cảnh sát điều tra còn phát hiện Zarrab đã thực hiện nhiều giao dịch chuyển tiền trái phép sang Iran thông qua Ngân hàng Halkbank, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ và Liên Hiệp Quốc, vì thế Ngân hàng Halkbank cũng đang bị đề nghị cấm hoạt động. Cuộc điều tra vụ án thứ hai nhắm vào Abdullah Oguz Bayraktar. Bayraktar bị cáo buộc thiết lập đường dây tội phạm và nhận hối lộ của một công ty xây dựng lớn để cho phép công ty này triển khai các dự án xây dựng trên các khu đất do Bộ Môi trường và Phát triển đô thị quản lý. 22 người đã bị bắt liên quan đến vụ án này.

Và cuộc điều tra thứ ba là để làm sáng tỏ những cáo buộc liên quan đến việc Mustafa Demir, Thị trưởng thành phố Fatih, đã nhận hối lộ để cho phép triển khai những dự án xây dựng trên các phần đất bị cấm xây dựng của thành phố Fatih.

Baris Guler, con trai Bộ trưởng Nội vụ Muammer Guler.

Vấn đề nghiêm trọng ở đây là các cuộc điều tra chống tham nhũng, hối lộ lại được thực hiện đồng loạt nhắm vào các quan chức và doanh nhân có liên quan đến chính phủ và đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AKP), bản thân Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan cũng đang đối mặt với sức ép từ đảng đối lập Phong trào Dân tộc (CHP) yêu cầu ông từ chức.

Trong khi đó, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra phân tích cho rằng, vụ bắt giữ hàng loạt và 3 cuộc điều tra tham nhũng đang tiến hành có phần trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến một nhân vật "huyền thoại" ở Thổ Nhĩ Kỳ: đó là giáo sĩ Hồi giáo Fetullah Gulen, và vụ việc đang diễn ra được nhận định là một màn tấn công của giáo sĩ Gulen nhắm vào Thủ tướng Erdogan.

Báo chí nước này tiết lộ rằng, các cuộc điều tra và bắt người đều do một người chủ trì, đó là công tố viên Zekeriya Oz ở Istanbul, và ông này được xem là một trong những người ủng hộ Gulen nhiệt tình nhất.

Diễn biến vụ việc có vẻ bất ngờ đối với một số người, nhưng hoàn toàn không bất ngờ đối với những ai biết về mối quan hệ ngầm giữa Thủ tướng Erdogan với giáo sĩ Gulen. Cái tên Gulen gắn liền với phong trào văn hoá xã hội Gulen được biết đến không chỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ mà còn trên khắp thế giới, với gần 1.000 trường học phong trào Gulen dựng lên ở Thổ Nhĩ Kỳ và tại nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả Mỹ và châu Âu. Có hàng triệu người theo tư tưởng của ông trên khắp thế giới.

Giáo sĩ Fethullah Gulen.
Gulen tự sống lưu vong từ năm 1999 ở Mỹ, nhưng ảnh hưởng của ông ngày nay không chỉ dừng lại ở các ngôi trường học về văn hóa. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, người theo phong trào Gulen có mặt khắp mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, len lỏi cả vào các cơ quan công quyền, vào tận trong bộ máy chính trị quốc gia.

Dễ nhận thấy nhất là người của Gulen hiện diện rất đông trong lực lượng cảnh sát và tư pháp, và một bộ phận không nhỏ trong chính phủ hiện nay. Ngay cả Thủ tướng Erdogan cũng từng là "đồng minh" của Gulen. Đã từng có nhiều bài báo khi viết về phong trào Gulen gần đây đã tiết lộ rằng, Thủ tướng Erdogan đã nhìn thấy được sức mạnh và tầm ảnh hưởng sâu rộng của phong trào Gulen nên đã chủ động hợp tác với Gulen nhằm lợi dụng sức mạnh đó phục vụ cho mục tiêu cầm quyền của mình.

Erdogan lên nắm quyền cũng là nhờ sự ủng hộ từ xa của Gulen, và khi đã ngồi trên ghế quyền lực, Erdogan tiếp tục dựa vào thế lực của Gulen để củng cố quyền lực, chẳng hạn như vụ thanh trừng hàng ngũ tướng tá quân đội chống đối, bắt giam và đưa ra tòa xét xử.

Thế rồi, bước tiếp theo, Erdogan nhắm đến kiểm soát các tổ chức tôn giáo để thiết lập một trật tự cầm quyền chắc chắn, lâu dài. Và trong số các nhóm tôn giáo bị đụng chạm có cả phong trào Gulen. Thế là rạn nứt. Tình hình ngày càng tồi tệ khi Erdogan quyết tâm dẹp hết các trung tâm luyện thi đại học do phong trào Gulen duy trì nhằm giúp cho học sinh có điều kiện thi vào các trường đại học trên cả nước.

Cách đây vài tháng, Gulen đã lên tiếng cảnh báo Erdogan về khả năng sẽ bị "ăn đòn" nếu cứ tiếp tục đụng chạm đến lợi ích của Gulen. Nhưng Erdogan đã không quan tâm

An Châu (tổng hợp)
.
.