Ôm hận mua nhầm đất nền dự án "ma"

Thứ Ba, 03/11/2020, 11:01
Công an TP Hồ Chí Minh thời gian gần đây liên tiếp khởi tố, bắt giam lãnh đạo các công ty bất động sản lừa đảo bằng chiêu trò vẽ dự án "ma". Thủ đoạn của nhóm người này là dùng các khu đất nông nghiệp ở vùng ven, thương lượng mua hoặc hợp tác kinh doanh với chủ đất. Sau đó, tự vẽ ra những dự án không có thật, rao bán nền đất giá rẻ hơn thị trường kèm theo những lời quảng cáo sinh lợi "khủng".

Trong cơn "sốt" đất, hàng trăm người đã "ôm hận" khi mua nhầm phải các dự án "ma" này. Dù vậy, cho đến nay cơn lốc bất động sản ở TP Hồ Chí Minh vẫn tạo ra những vòng xoáy cuốn nạn nhân vào tròng…

Vẽ dự án "ma" rồi rao bán công khai, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng

Có lẽ thật khó tưởng tượng khi ngay ở trung tâm TP Hồ Chí Minh, nhiều công ty bất động sản (BĐS) đã liều lĩnh, táo tợn rao bán dự án "ma" bất chấp hậu quả nghiêm trọng về pháp luật.

Mới đây nhất, ngày 26/10, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam Hoàng Mạnh Cường (35 tuổi, quê Bình Phước), Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư BĐS Phát An Gia (viết tắt Công ty Phát An Gia, trụ sở tại phường Long Trường, quận 9), để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Cũng với tội danh này, ngày 22/10, Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kinh doanh nhà Năm Tài (Công ty Năm Tài, có trụ sở ở đường Trần Văn Giàu, quận Bình Tân) cũng đã bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ để điều tra.

Hoàng Mạnh Cường, Tổng Giám đốc Công ty Phát An Gia, bị bắt giữ vì bán dự án "ma".

 Như vậy, chỉ trong vòng mấy ngày đã có đến hai lãnh đạo công ty BĐS ở TP Hồ Chí Minh bị bắt và kéo theo đó là hàng trăm người bị lừa với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thật khó để lý giải cho việc này, bởi những dự án "ma" này được rao bán ngay giữa TP Hồ Chí Minh và người mua cũng hầu hết ở thành phố này?!

Để thực hiện hành vi lừa đảo của mình, Hoàng Mạnh Cường đã mua những khu đất có vị trí tương đối đắc địa, ai nhìn vào cũng thấy dễ dàng sinh lợi. Đáng nói là những khu đất này chưa được chính quyền hay bất cứ cơ quan chức năng nào cho phép đầu tư xây dựng dự án và phê duyệt chủ trương cũng như không cấp phép đầu tư xây dựng dự án khu dân cư tại các thửa đất do ông ta đứng tên quyền sử dụng đất.

Tuy vậy, Cường đã tự đặt tên dự án, lập bảng quảng cáo, bảng vẽ phân thành 193 nền đất để ký hợp đồng chuyển nhượng 91 nền cho 80 khách hàng, thu lợi trái phép gần 100 tỷ đồng.

Chia sẻ với báo chí, chị Lê Thị Tính (38 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cho biết vào năm 2019, bằng nhiều cách chị đã tìm hiểu về các dự án BĐS giá rẻ ở quận 9 để dự định mua đầu tư. Sau đó, chị Tính được một số nhân viên Công ty Phát An Gia mời đi xem dự án với lời quảng cáo "dự án đang hoàn thiện pháp lý, sổ hồng riêng từng đất nền".

Sau khi cân nhắc, chị Tính đã quyết định đặt mua lô đất có diện tích gần 58m2 với giá 2,1 tỷ đồng. Theo nhìn nhận cá nhân và đánh giá thị trường, chị Tính thấy vị trí dự án khá đẹp và lô đất này so với giá đất xung quanh rẻ hơn khoảng 400-500 triệu đồng và chị Tính được "ưu tiên" chỉ cần đặt cọc 50% (tuy vậy số tiền cọc chị Tính đã đóng cũng cả tỷ đồng) chờ đến ngày hoàn tất hồ sơ.

Nhưng người ngay tính không bằng… kẻ gian, đến ngày hẹn giao lô đất thì chị Tính không thể liên hệ được với Cường hay bất kỳ nhân viên nào của công ty. Trụ sở công ty thì cửa đóng then cài. Đến khi biết thông tin cơ quan Công an khởi tố vụ án, sau đó bắt giam Cường, thì chị Tính mới ngã ngửa.

Tương tự, chị N.A. (sinh năm 1986; ngụ quận Thủ Đức) cũng nhanh chóng nộp tiền cọc 1 tỷ đồng để mua một lô đất (diện tích 57,6m² với giá hơn 2 tỷ đồng) của Công ty Phát An Gia. Theo thỏa thuận, hai bên sẽ ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau 210 ngày kể từ ngày ký hợp đồng đặt cọc.

Theo chị N.A., lý do chị sốt sắng đặt cọc ngay vì sợ không còn nền để mua khi thấy dự án phân lô của Cường có vị trí khá đẹp cộng với sổ đất được Cường "trưng" ra đàng hoàng. Hơn nữa, ngoài dự án chị N.A. đặt mua thì chị N.A. còn thấy công ty Cường có đến 5 dự án với các khu đất đều do Cường đứng tên nên tạo cảm giác rất yên tâm cho người mua…

Nhưng kết cục cũng như chị Tính, đến ngày ký hợp đồng, lúc đầu chị N.A. cũng không thể liên hệ được với công ty Cường. Sau đó, công ty Cường hứa sẽ trả lại số tiền vào ngày 12/11/2019 và đề nghị chị N.A. ký hợp đồng thanh lý hợp đồng đặt cọc. Tuy nhiên, khi chị N.A. đến công ty nhận lại tiền cọc theo lịch hẹn thì lúc này công ty đã đóng cửa và không thể liên lạc được với Cường. Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, chị N.A. đã làm đơn tố cáo sự việc lên cơ quan Công an.

Không chỉ hai khách hàng trên, hàng chục khách hàng khác cũng đã đến cơ quan Công an tố cáo công ty của Cường "vẽ" ra hàng loạt dự án, tự phân lô rao bán. Có thể kể như 5 dự án gồm: dự án khu dân cư Central House Đường 4; dự án khu dân cư Đường 8; dự án khu dân cư Trường Lưu; khu dân cư Long Phước (272 Trường Lưu) và dự án khu dân cư Võ Văn Hát.

Tại ba dự án "ma" đầu tiên trong 5 dự án kể trên, Công ty Phát An Gia đã tự đặt tên dự án, lập bảng quảng cáo, bản vẽ phân thành 193 nền đất để ký kết hợp đồng đặt cọc hứa chuyển nhượng và hứa nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng đặt cọc khu dân cư chuyển nhượng 91 nền đất cho 80 khách hàng như nói trên.

Nhiều khách hàng bức xúc khi mua đất tại dự án "ma" khu dân cư Central House của Công ty Phát An Gia.

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm (CSĐTTP) về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an TP Hồ Chí Minh xác định, các cơ quan chức năng không tiếp nhận hồ sơ và cấp phép đầu tư xây dựng cho 5 dự án trên cho cá nhân Cường hoặc Công ty Phát An Gia hay tổ chức, cá nhân nào khác tại các thửa đất do Cường đứng tên quyền sử dụng đất.

Trước khi khởi tố, bắt giữ Cường, ngày 20/10, Phòng CSĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Phát An Gia. 

Phòng CSĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn xác định, ngoài hành vi gian dối để lừa bán đất nền, hai thửa đất Công ty Phát An Gia rao là dự án khu dân cư Long Phước và khu dân cư Võ Văn Hát đã được thế chấp ngân hàng, đang là nợ xấu.

Cũng với chiêu thức chọn mua các khu đất có vị trí đẹp rồi sau đó vẽ dự án "ma" rao bán công khai, Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty Năm Tài, đã lừa nhiều người sập bẫy với số tiền chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

Theo đó, với danh nghĩa giám đốc và là người đại diện pháp luật, Nguyễn Văn Tài đã ký hợp đồng mua hai khu đất với tổng diện tích 11.000 m² ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân. Trong đó, Tài đứng tên một khu đất và khu còn lại do người khác đứng tên, các khu đất này đều được đem đi thế chấp ngân hàng để vay tiền.

Theo Cơ quan điều tra xác định, mặc dù đất đã thế chấp và chưa được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương, cấp phép đầu tư dự án, nhưng từ ngày 3/7/2020, Nguyễn Văn Tài đã tự thuê lập bản vẽ, phân thành 119 nền đất (mỗi nền trung bình 70m²) rồi quảng cáo bán đất.

Trên thực tế, các lô đất này đang thuộc quy hoạch cây xanh cách ly, đường dự phòng, đất cây xanh tập trung và thuộc ranh dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu trung tâm dân cư Tân Tạo - Khu A của Công ty TNHH MTV đầu tư kinh doanh nhà K.P.). Nhưng do vị trí khu đất khá đẹp nên Công ty Năm Tài đã dễ dàng chuyển nhượng cho một đại gia BĐS 17 nền với giá 58 tỷ đồng, và đã nhận hơn 31 tỷ đồng để sử dụng cá nhân, đến nay không còn khả năng khắc phục hậu quả.

Cần áp dụng những biện pháp mạnh

Ngoài hai vụ việc mới nhất như kể trên, trước đó, UBND quận 10 đã ra thông báo cảnh báo một dự án BĐS "ma" có tên Đất Vàng LeGa Fashion quận 10 ở mặt tiền đường 3/2, phường 14, quận 10 (khu đất số 502 (số cũ 106) đường 3/2). Dự án này rao bán khá rầm rộ, với mức giá chỉ 55 triệu đồng/m², được quảng cáo là dự án xanh giữa lòng thành phố, cơ hội đầu tư sinh lời cực cao, mở bán 1 đợt duy nhất 50 nền, sổ hồng riêng, hỗ trợ thủ tục công chứng sang tên sổ...

Nhiều địa phương ở TP Hồ Chí Minh đã trưng bảng cảnh báo người dân về thực trạng rao bán BĐS trái phép.

Tuy nhiên, nhận thấy thông tin quảng cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật vì dự án này chưa có bất cứ cơ sở pháp lý nào để triển khai dự án đất nền, UBND quận 10 đã ra thông báo đến các cá nhân, tổ chức trong và ngoài địa bàn quận được biết nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, tránh thiệt hại về tài sản khi tham gia các giao dịch mua bán, đầu tư, sang nhượng tài sản đất nền, không để phát sinh tình trạng lôi kéo, phát triển khách hàng, nhà đầu tư tại khu đất nêu trên.

Hay tại quận Bình Thạnh, trước hành vi của nhiều đối tượng cũng ngang nhiên phân lô, bán nền khu vực Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh trên đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh, UBND phường 12 cũng đã phải treo băng rôn ở khu vực này để cảnh báo cho người dân nắm rõ để không bị các đối tượng xấu lừa đảo…

Thời gian qua, thực trạng các công ty BĐS gian dối "vẽ" ra các dự án "ma" rồi lừa bán, chiếm đoạt tài sản nở rộ được một phần nhiều là bởi các nhà đầu tư, khách hàng quá ham lợi nhuận, cả tin trong khi chưa tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý của dự án. 

Trước những hành vi bát nháo kể trên cùng với nhiều vụ việc trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã chính thức yêu cầu các sở ngành liên quan công khai thông tin dự án để giúp người dân không bị lừa bởi các dự án "ma" tương tự.

Tuy vậy, thực tế dù đã có nhiều vụ bị khởi tố, bắt giữ, đã có cả ngàn người phải mang nợ vì mua phải dự án "ma", nhưng xem ra tình trạng này vẫn âm ỉ, thậm chí có lúc bùng lên như kể trên, mặc cho thời gian qua dịch bệnh COVID-19 cũng như những khó khăn trong đời sống kinh tế đang hiển hiện.

Theo các luật sư, các trường hợp công ty BĐS "vẽ" dự án mà không có thật, không phải đất của công ty, đất nông nghiệp mà bán cho người mua rồi hứa hẹn xây được nhà… hoặc cầm tiền rồi không giao đất, giao sổ, thậm chí bỏ trốn đều là lừa đảo.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, cho biết bên cạnh việc công khai thông tin về các dự án để người dân dễ tiếp cận, dễ hiểu, chính quyền địa phương cần áp dụng những biện pháp mạnh như cưỡng chế hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm của những cá nhân cố tình thực hiện những hành vi có tính chất lừa dối khách hàng.

"Với người dân thì cần phải tỉnh táo, tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý về dự án cũng như doanh nghiệp rao bán BĐS, đồng thời tìm hiểu thêm thông tin trên báo đài, chính quyền địa phương, hỏi han cư dân gần đó. Trường hợp đã phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân phải sớm trình báo cơ quan chức năng hoặc khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình", ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Phú Lữ - Bùi Phan
.
.