Đại án gây thiệt hại trên 6.126 tỷ đồng tại VNCB:

Ông Phạm Công Danh nhận toàn bộ trách nhiệm

Thứ Hai, 15/01/2018, 11:23
Tại toà, bị cáo Phạm Công Danh thừa nhận do cần tiền chăm sóc khách hàng nên ông đã sử dụng nhiều công ty để vay hàng ngàn tỉ đồng từ nhiều ngân hàng.

Sau một tuần xét xử (từ ngày 8-1) giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng xây dựng (VNCB) kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh, Trầm Bê nguyên phó chủ tịch thường trực HĐQT, kiêm Chủ tịch HĐ tín dụng Sacombank và 44 đồng phạm về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", gây thiệt hại cho VNCB 6.126 tỉ đồng vẫn còn trong giai đoạn xét hỏi dự kiến đến ngày 8-2 mới kết thúc.

Tại toà, bị cáo Phạm Công Danh thừa nhận do cần tiền chăm sóc khách hàng nên ông đã sử dụng nhiều công ty để vay hàng ngàn tỉ đồng từ nhiều ngân hàng.

Bị cáo Trầm Bê: "Ông Phạm Công Danh đáp ứng đủ yêu cầu nên cho vay"

Trong tuần xét hỏi đầu, HĐXX dành phần lớn thời gian để làm rõ hành vi "cố ý làm trái..." của Phạm Công Danh và Trầm Bê và các đồng phạm liên quan đến khoản vay 1.800 tỷ đồng tại Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB.

Các bị cáo Phạm Công Danh và Trầm Bê tại tòa.

Tại toà, ông Trầm Bê thừa nhận có quen Phạm Công Danh từ trước vì ông Danh là khách hàng 4, 5 năm trước ở ngân hàng Phương Nam, nơi ông từng làm chủ tịch HĐTD của ngân hàng này. Khi ông Danh sang Sacombank gặp ông đặt vấn đề vay tiền, trong phạm vi quyết định của mình, ông đồng ý cho ông Danh vay 1.800 tỉ đồng với điều kiện ông Danh phải có chứng thư bảo lãnh ngân hàng, sổ tiết kiệm và bất động sản. Do ông Danh đáp ứng được điều kiện này nên ông Trầm Bê đã dẫn ông Danh đến gặp Phan Huy Khang (TGĐ Sacombank) xem xét giải quyết.

Thừa nhận cáo trạng truy tố mình là không sai, tuy nhiên Trầm Bê cho rằng buộc tội ông cố ý làm trái thì hơi "nặng nề". Tòa hỏi: "Vậy khi cho vay thì ông có yêu cầu ông Danh trình phương án kinh doanh cũng như khả năng trả nợ hay không?". Trả lời, ông Trầm Bê nói vấn đề này thuộc về pháp luật về tín dụng, ngân hàng không cấm nên ông nghĩ mình được phép làm.

Bị cáo Trầm Bê.

Trả lời thẩm vấn, bị cáo Phan Huy Khang cho biết lời khai của ông Trầm Bê là đúng. Theo đó, Khang nhận lệnh cho ông Danh vay tiền từ ông Trầm Bê với điều kiện phải có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, ông Khang thừa nhận khi triển khai cho VNCB vay tiền thì nhân viên của Sacombank có sơ suất trong việc thẩm định phương án kinh doanh của 6 công ty nên khi cho vay chỉ nhìn vào tài sản đảm bảo. 

"Là người điều hành thì bị cáo thấy quy định không cấm, có lợi cho ngân hàng thì triển khai cho nhân viên làm. Bị cáo tin tưởng sự triển khai của nhân viên cấp dưới. Tuy nhiên trên thực tế khi nhìn lại thì thấy cấp dưới của mình thực hiện chưa chặt chẽ. Bị cáo nhận trách nhiệm của mình", nguyên TGĐ Sacombank trình bày.

Đối chất tại tòa, Phạm Công Danh thừa nhận những lời khai của ông Trầm Bê và ông Khang là đúng. Được thẩm vấn về số tiền 1.800 tỉ đồng vay từ Sacombank đã sử dụng như thế nào, ông Danh nói không nhớ chính xác. Toà hỏi bị cáo có cần nhắc lại không, những lời khai tại CQĐT có đúng không? Theo toà, dòng tiền đi, số liệu công ty thể hiện, Danh sử dụng trả nợ cho các khoản vay tại BIDV hơn 1.633 tỷ đồng, còn lại hơn 166 tỷ đồng Danh sử dụng cùng các khoản tiền khác.

Để làm rõ dòng tiền vay của Sacombank chuyển trả cho hai chi nhánh BIDV Sở giao dịch 2 và chi nhánh Hải Vân, VKS đã mời đại diện lãnh đạo BIDV trả lời.

Đại diện BIDV, ông Đoàn Ánh Sáng (Phó TGĐ BIDV) khẳng định, hai khoản nợ trên là của Tập đoàn Thiên Thanh vay chứ không phải các công ty con của Phạm Công Danh vay. Trong tài sản đảm bảo thì có 5 chứng nhận quyền sử dụng đất của 5 công ty. Đối với khoản vay này, ông Phạm Công Danh đã tất toán, BIDV thu tiền từ tài sản đảm bảo là tiền gởi của Tập đoàn Thiên Thanh mở tại Sở Giao dịch 2 BIDV.

Theo VKS, các cơ quan tố tụng đã chứng minh được đường đi của khoản tiền 1.800 tỷ đồng VNCB vay Sacombank 1.800 tỷ để trả cho BIDV. Giả sử đây là nguồn tiền do phạm tội mà có ông nghĩ như thế nào về việc khắc phục hậu quả này?". Trả lời, ông Sáng nói rằng ông không biết nguồn tiền này ở đâu, đến hạn trả nợ tài khoản doanh nghiệp đang có nợ vay thì BIDV chỉ biết thu nợ. "Các cơ quan tố tụng đã truy ra đường đi của nguồn tiền để trả nợ cho BIDV. Sắp tới việc xử lý như thế nào thì các cơ quan tố tụng sẽ xem xét...', VKS khẳng định.

Sử dụng phần lớn tiền vay để trả nợ các đại gia

Trong những ngày đầu diễn ra phiên tòa, HĐXX cũng đã dành thời gian xét hỏi Phạm Công Danh số tiền đã vay mượn hàng ngàn tỉ đồng của các  ngân hàng đã đi về đâu? Theo cáo trạng, khi nắm quyền điều hành VNCB, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới dùng 29 pháp nhân đứng tên hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV; gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.000 tỉ đồng.

Bị cáo Phạm Công Danh.

Trả lời câu hỏi vì sao cùng một lúc, trong một thời gian rất ngắn bị cáo lại thực hiện hành vi vay nhiều ngân hàng một số tiền rất lớn, ông Phạm Công Danh nhận sai về hành vi này và cho rằng đã bỏ ra chi phí, áp lực rất lớn về chăm sóc khách hàng. Cụ thể, trả cho bà Hứa Thị Phấn 3.650 tỉ đồng để mua ngân hàng, 2.730 tỉ đồng trả cho ông Trần Quí Thanh (tập đoàn Tân Hiệp Phát). Ông Phạm Công Danh xin giải trình khoản tiền 2.730 tỉ đồng trả cho ông Trần Quí Thanh nhưng chủ tọa phiên tòa cắt lời, nhận định rằng nằm ngoài phạm vi xét xử.

Trả lời tại tòa, ông Danh thừa nhận, để có thể vay được tiền các ngân hàng, Phạm Công Danh đã nhờ bảo vệ, lái xe Tập đoàn Thiên Thanh "đóng vai" giám đốc để ký giấy tờ vay vốn. Từ khi công ty được thành lập, hồ sơ pháp nhân và con dấu của công ty đều do Tập đoàn Thiên Thanh quản lý, những giám đốc này chỉ được trả lương từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng, tùy thời điểm. Sau khi tiền được Sacombank, TPBank và BIDV giải ngân, những giám đốc này đã chuyển thẳng đến tài khoản của ông Danh để ông rút ra trả nợ.

"Họ rất tin tôi, vì niềm tin đó thì không có áp đặt, họ không hưởng lợi gì. Bản thân những giám đốc này vì tin tưởng tôi nên vô tư ký", ông Danh nói. Vậy VKS đề nghị những người này liên đới bồi thường toàn bộ số tiền đã thiệt hại thì ông có ý kiến gì về vấn đề này hay không? Tòa hỏi. Ông Phạm Công Danh phân trần: "Sử dụng tiền thì rất rõ, tôi không chối cãi việc này nên kính mong HĐXX xem xét kỹ lưỡng hồ sơ để phán quyết hợp lý vì hoàn cảnh họ cũng rất khó khăn".

Được thẩm vấn trong phần xét hỏi, tại toà, hàng loạt cấp dưới của Phạm Công Danh như Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Phan Minh Tùng... đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết. Các bị cáo Phan Thành Mai, bị cáo Khương cũng đề nghị HĐXX thu hồi các vật chứng vụ án để khắc phục hậu quả vụ án, trong đó có khoản tiền 4.200 tỷ (vay của BIDV) để tăng vốn điều lệ đã hoà vào dòng tiền của VNCB. Về khoản tiền này, Toà cho hay, theo số liệu khi vụ án khởi tố, giám định Ngân hàng nhà nước xác định VNCB đã âm hàng ngàn tỷ. Số tiền trên, các bị cáo đã rút ra sử dụng hết rồi.

Liên quan đến các khoản tiền chi trả lãi ngoài, luật sư Hà Hải (bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh) đã có đơn kiến nghị gửi HĐXX về việc thu hồi triệt để các khoản tiền này nhằm khắc phục hậu quả trong đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2.

Trong đơn, luật sư Hà Hải nhấn mạnh: Trong khoảng thời gian cuối 2012 đến tháng 7-2013, đã có 16 lần với 122 khoản vay bằng hình thức cầm cố số tiết kiệm của nhóm ông Trần Quí Thanh với tổng số tiền giải ngân ra có 16.260,5 tỷ đồng được chuyển đến tài khoản của ông Phạm Công Danh. Đến thời điểm ngày 21 và 26-8-2013, ông Phạm Công Danh tiếp tục vay từ nhóm Trần Ngọc Bích khoản tiền 5.490 tỷ đồng thông qua hình thức vay cầm cố sổ tiết kiệm tại VNCB. Trong khoảng thời gian dài nói trên, ông Danh đã trả lãi bằng tiền có nguồn gốc từ hành vi vi phạm pháp luật cho nhóm Trần Ngọc Bích hơn 2.760 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong giai đoạn 1 cũng xác định ông Phạm Công Danh trả lãi vượt trần cho nhóm Trần Ngọc Bích với tổng số tiền 47 tỉ đồng trong 63,276 tỉ đồng rút ra VNCB thông qua đề án nâng cấp hệ thống Corebanking, nhưng chưa được ra quyết định thu hồi khoản tiền này. Cũng theo kiến nghị thì ông Phạm Công Danh đã trả cho bà Hứa Thị Phấn 3.661 tỷ đồng, HĐXX giai đoạn 1 xác định là vật chứng của vụ án nhưng chỉ tuyên thu hồi 948 tỷ trong vụ án này ông Hà Hải đề nghị HĐXX tiếp tục xem xét và thu hồi số tiền còn lại là 2.712 tỷ từ bà Hứa Thị Phấn.

Theo luật sư Hà Hải thì toàn bộ khoản tiền ông Phạm Công Danh trả cho bà Hứa Thị Phấn và nhóm Trần Ngọc Bích đều có nguồn gốc từ hành vi vi phạm của các bị cáo, do đó cần được xem là vật chứng của vụ án theo Điều 89 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và cần thu hồi để phục vụ công tác khắc phục hậu quả.

Hàng loạt đại gia bị bệnh nặng

Trong đại án này, TAND TP HCM đã phân công thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) làm chủ tọa phiên tòa. Thẩm phán Phạm Lương Toản đã ký giấy triệu tập 126 người đến tòa tham gia tố tụng với hai tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng.

Trong số các đại gia bị triệu tập có ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban rủi ro BIDV), ông Đoàn Ánh Sáng, ông Trần Lục Lang (công tác tại BIDV), bà Hứa Thị Phấn (cựu lãnh đạo Trustbank), ông Trần Quí Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh)…

Tuy nhiên, nhiều đại gia không tham gia được phiên tòa với lý do bị bệnh nặng như ông Trần Bắc Hà, bà Hứa Thị Phấn… Trong đơn xin vắng mặt và hồ sơ bệnh án được gởi đến TAND TP Hồ Chí Minh, ông Trần Bắc Hà đang điều trị ung thư gan có dấu hiệu tái phát tại Bệnh viện Gleneagles, Singapore. Theo đó, ông Trần Bắc Hà đang chuẩn bị phẫu thuật lần hai. 

Còn bà Hứa Thị Phấn (76 tuổi) đang trong tình trạng già yếu và bệnh tật, hoàn toàn không đủ sức khỏe để tham gia phiên tòa. Cụ thể, theo quyết định trưng cầu giám định sức khỏe của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Trung tâm Pháp y đã kết luận hiện sức khỏe của bà Phấn chỉ còn lại 7%, tại thời điểm có kết luận giám định.

Anh Huy
.
.