Phá đường dây mua bán hóa đơn điện tử đầu tiên
- Triệt phá đường dây mua bán hoá đơn điện tử nghìn tỷ đồng
- Lập các giao dịch ảo, mua bán hóa đơn quy mô lớn
- Thất thu hàng nghìn tỷ đồng vì nạn mua bán hóa đơn trái phép
Nửa năm lần tìm “mắt xích”
Gần nửa năm trước, trên không gian mạng xã hội xuất hiện hàng loạt quảng cáo với những cái tên như “Dịch vụ hóa đơn GTGT, VAT, hóa đơn điện tử” và Zalo “Nam Phong” giới thiệu về dịch vụ mua bán hóa đơn GTGT cho các doanh nghiệp để thực hiện kê khai thuế khấu trừ hàng hóa dịch vụ đầu vào...
Từ dấu hiệu nghi vấn trên, Đội Phòng chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế đã báo cáo lãnh đạo, xây dựng kế hoạch xác minh. Dưới sự chỉ đạo của Trung tá Đinh Thị Thủy, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao bắt đầu hành trình gần nửa năm gian nan; dựng chân dung của các đối tượng trong đường dây.
Quá trình điều tra vụ án được cơ quan Công an thực hiện công phu. |
Mắt xích đầu tiên của chuyên án mở ra từ việc các trinh sát dựng được chân dung của Nguyễn Nam Khánh (sinh năm 1991, ở chung cư Season Avenue, Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội), đối tượng quản trị, điều hành các tài khoản mạng xã hội Facebook “Dịch vụ hóa đơn GTGT, VAT, hóa đơn điện tử” và Zalo “Nam Phong” để thực hiện hành vi mua bán hóa đơn GTGT. Đây là việc không dễ dàng bởi phương thức và thủ đoạn hoạt động của Nam và các đối tượng rất tinh vi. Các dữ liệu trên mạng xã hội được Nam sử dụng đều là thông tin giả; tài khoản quản trị trên trang cũng là giả, số điện thoại sử dụng để giao dịch cũng là sim rác.
Từ việc nắm bắt quy luật và mối quan hệ của Khánh, sau nửa năm “nằm gai, nếm mật”, bằng sự tỉ mỉ của các trinh sát đã lần ra các mắt xích khác trong đường dây. Phòng An ninh mạng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đã dựng được chân dung của các đối tượng trong ổ nhóm gồm có: Vợ chồng Lê Thị Hạnh và Lê Đức Quý (sinh năm 1985). Ban chuyên án xác định Quý và Hạnh thuê căn nhà ở tại phòng 2, 103b-Q3, ngách 147B/99 Tân Mai, Hoàng Mai và có cửa hàng tên “Thắng Hạnh” địa chỉ số 17, ngõ Thịnh Yên, Phố Huế, Hai Bà Trưng (Hà Nội). Hạnh là người trực tiếp viết hóa đơn và cầm con dấu của các công ty xuất hóa đơn GTGT khống. Khi có khách đặt mua hóa đơn GTGT thì Khánh là người chốt đơn và thông báo cho Hạnh, Hạnh sẽ xuất hóa đơn giao cho Quý chuyển cho khách theo địa chỉ và số điện thoại Khánh cung cấp hoặc giao cho Khánh để Khánh cùng một đối tượng khác trực tiếp chuyển cho khách hàng.
Cùng tham gia vào đường dây có Ngô Thị Xuân (sinh năm 1960, ở Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội), đối tượng có trách nhiệm chính trong việc ký, phát hành (ký tên, đóng dấu) các hóa đơn GTGT theo yêu cầu của khách hàng trước khi giao cho các đối tượng khác chuyển đến khách hàng; Nguyễn Đình Vũ (SN 1991, trú tại Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) với nhiệm vụ ký, phát hành (ký tên, đóng dấu) các hóa đơn GTGT theo yêu cầu của khách hàng trước khi giao cho các đối tượng khác chuyển đến khách hàng...
Ban chuyên án đã xác định được vị trí, vai trò, hoạt động cụ thể của các đối tượng; hành vi của nhóm đối tượng với dấu hiệu phạm tội “Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” quy định tại Điều 203 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Từ căn cứ đó, Phòng An ninh mạng báo cáo Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội xây dựng kế hoạch phá án.
Phá án
Kế hoạch đánh án đã được Trung tá Định Thị Thủy, Trưởng Phòng An ninh mạng phối hợp với các đơn vị xây dựng. Yêu cầu đặt ra là cùng một thời điểm phải đồng loạt tiến hành khám xét 8 điểm, không để các đối tượng tẩu tán tang vật.
Các tài liệu của doanh nghiệp ma. |
Từ ngày 31-12-2020, 140 CBCS thuộc các đơn vị chia thành 8 tổ công tác tổ chức theo dõi, giám sát các đối tượng, địa điểm nghi vấn. Sau khi ban chuyên án họp thống nhất chủ trương, kế hoạch phá án, ngày 12-1, 8 tổ trinh sát được phân công dưới sự chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP; Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công an TP và Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cùng hai phòng nghiệp vụ; Công an quận Hoàng Mai và Công an quận Hai Bà Trưng đã tập trung lực lượng, đồng loạt triển khai các phương án bắt, khám xét khẩn cấp các đối tượng. Quá trình khám xét đã thu giữ hàng trăm con dấu các loại cùng nhiều tang vật phục vụ cho hành vi phạm tội.
Trong ổ nhóm này, Lê Thị Hạnh là đối tượng giữ vai trò chính, là cầu nối giữa các đối tượng sản xuất và tiêu thụ hóa đơn GTGT khống. Hạnh lấy hóa đơn giấy từ Xuân và hóa đơn điện tử từ Vũ để bán lại cho nhóm tìm kiếm khách hàng và hưởng hoa hồng. Đối với những hóa đơn giá trị gia tăng dưới 20 triệu đồng, Hạnh mua các quyển hóa đơn GTGT từ Xuân. Các quyển hóa đơn này đã được đóng dấu ký tên khống tại liên số 2 giao cho khách, các thông tin còn lại được bỏ trống hoàn toàn để Hạnh có thể tự điền thông tin của công ty mua. Sau đó, Hạnh nhận thông tin khách hàng mua từ Khánh, tự viết hóa đơn hoặc cung cấp thông tin cho Xuân, Vũ để lên hóa đơn và gửi trực tiếp đến địa chỉ khách hàng.
Con dấu giả bị cơ quan Công an thu giữ. |
Ngô Thị Xuân là đối tượng phụ trách việc sản xuất hóa đơn giấy; sử dụng kiốt tại địa chỉ số 97 ngõ Thịnh Yên, Hai Bà Trưng để sản xuất hóa đơn GTGT. Theo lời khai của Xuân thì chị ta nhận làm 2 loại dịch vụ liên quan đến xuất khống hóa đơn GTGT: Tự làm dấu hộ kinh doanh khống tại phố Đoàn Trần Nghiệp, có đầy đủ tên, chức danh, chữ ký và mua lại của một người bán ở chợ một số con dấu có đủ thông tin tên, chức danh, chữ ký; tổng số 30 dấu đóng và 7 dấu nhựa dập. Sau khi có khách hàng hỏi mua hóa đơn GTGT Xuân sẽ xuất hóa đơn cho khách và hưởng lợi 450.000 đồng/1 hóa đơn. Xuân nhận viết thuê hóa đơn cho khách, khách hàng đưa Xuân bộ hóa đơn GTGT trống (Xuân không có thông tin về đơn vị mua hàng và hàng hóa), Xuân ghi thông tin theo yêu cầu và gửi lại liên 2 cho khách.
Nguyễn Đình Vũ phụ trách việc sản xuất hóa đơn GTGT điện tử đã sử dụng địa chỉ ngõ 12 Thịnh Yên, Phố Huế, Hai Bà Trưng để sản xuất, xác lập và phát hành hóa đơn điện tử. Vũ đồng thời quản lý nhiều chữ ký số, dữ liệu hóa đơn điện tử của các công ty “ma” nhằm thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT cho Nguyễn Nam Khánh, Lê Thị Hạnh và nhiều đối tượng khác.
Hóa đơn giấy cơ quan Công an thu giữ trong quá trình khám xét. |
Nguyễn Nam Khánh đóng vai trò tìm kiếm khách hàng mua hóa đơn GTGT. Khánh và đội ngũ cộng tác viên triệt để sử dụng các ứng dụng OTT như: Facebook, Zalo, Telegram, Viber để liên lạc, quảng cáo cho hoạt động mua bán hóa đơn GTGT. Nguyễn Nam Khánh đóng vai trò là trung tâm kết nối các đối tượng ở nhóm tìm kiếm khách hàng sau đó đặt mua trực tiếp hóa đơn GTGT từ Lê Thị Hạnh và Trần Quang Hiếu. Tài liệu chứng cứ thu được đã phản ánh, qua quan hệ xã hội, Nguyễn Nam Khánh quen biết đối tượng Lê Thị Hạnh và biết Hạnh có thực hiện việc buôn bán hóa đơn khống. Nguyễn Nam Khánh đã hướng dẫn, kết nối các đối tượng Trần Trung Kiên, Lê Hoàng Huy và tự mình thực hiện việc quảng cáo, mời gọi cung cấp dịch vụ hóa đơn khống. 3 đối tượng triệt để sử dụng các ứng dụng OTT như: Facebook, Zalo, Telegram, Viber để liên lạc, quảng cáo cho hoạt động mua bán hóa đơn GTGT. Khi có khách hàng thì Huy, Kiên và Quyên lấy lại hóa đơn của Khánh rồi giao cho khách.
Trần Quang Hiếu giữ vai trò bán hóa đơn cho Nguyễn Nam Khánh như Lê Thị Hạnh. Hiếu bán hóa đơn cho Nguyễn Nam Khánh với trị giá khoảng 40 đến 50 tỷ đồng (Hiếu thu của Khánh 3%/tổng giá trị hóa đơn trước thuế). Ngoài ra, các hóa đơn lẻ, Hiếu mua lại của Khánh để bán cho khách hàng trị giá khoảng 10 đến 15 tỷ đồng (Khánh mua hóa đơn điện tử với giá 450.000 đồng/tờ với hóa đơn sau thuế trị giá dưới 20 triệu đồng và bán cho khách hàng với giá 500.000 đồng/tờ) với hóa đơn giấy, Hiếu mua của Khánh giá 400.000 đồng/tờ với số tiền ghi trên hóa đơn dưới 20 triệu đồng.
Căn cứ tài liệu thu được, Cơ quan công an đã tiến hành xác minh tại các công ty cung cấp phần mềm quản lý hóa đơn điện tử về số doanh nghiệp có dấu hiệu nghi vấn là công ty “ma” liên quan đến chữ ký số, hóa đơn điện tử thu được trong quá trình khám xét nơi ở, nơi làm việc và kiểm tra trích xuất dữ liệu chứng cứ điện tử của các đối tượng xác định: Tổng doanh thu trước thuế của 25 công ty đã kê khai là 1.553,8 tỷ đồng; tổng số thuế VAT phải nộp là: 155,3 tỷ đồng.
Từ trái qua: Nguyễn Đình Vũ, Ngô Thị Xuân, Nguyễn Nam Khánh và Lê Thị Hạnh. |
Ngày 13-1, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp với 3 đối tượng gồm Nguyễn Nam Khánh, Lê Thị Hạnh, Ngô Thị Xuân. Ngày 17-1, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra lệnh bắt đối với Trần Quang Hiếu. Ngày 22-1 đã ra lệnh bắt với Nguyễn Đình Vũ.
Đến nay Cơ quan công an đã làm rõ và bóc gỡ toàn bộ đường dây, tổ chức của nhóm đối tượng hoạt động phạm tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn GTGT” chuyển toàn bộ hồ sơ tài liệu, đối tượng đến Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.