Phải mạnh tay với nạn bạo hành người yếu thế

Thứ Tư, 08/04/2020, 07:11
Hình ảnh thi thể bé M. (3 tuổi) với thương tích bầm dập được phát tán trên mạng đã khiến dư luận bàng hoàng. Cơn phẫn uất lên tới đỉnh điểm khi biết những kẻ hành hạ bé tới chết lại chính là gã bố dượng và mẹ đẻ của cháu. Trước đó vài ngày đã xảy ra vụ mẹ giết con tại Bắc Ninh, hay những vụ đánh đập mẹ già ở tuổi gần đất xa trời… Cần làm gì để bảo vệ những người yếu thế ngoài những khẩu hiệu lâu nay?

Hành xử man rợ

Là người kinh qua công tác điều tra trọng án nhiều năm, nhưng tôi cũng không thể dằn lòng trước hình ảnh thương tâm của bé M với đôi mắt nhắm nghiền, trên thi thể đầy những vết thương bầm dập. Một "thiên thần" đã rời bỏ thế giới, trở lại hư vô cùng nỗi đau đớn thể xác mà cháu chưa đủ khôn để hiểu. Mọi tội ác, nhất là đối với trẻ em, đều không thể biện minh và tha thứ.

Ngay khi hình ảnh đầy xót xa của bé M. giã từ thế gian được bà ngoại cháu đưa lên mạng ngày 31/3, cảm xúc căm phẫn dâng cao trong cộng đồng xã hội. Dư luận đòi hỏi phải trừng trị thích đáng ngay lập tức những kẻ vô nhân gây ra cái chết cho cháu bé tội nghiệp.

Ngay trong ngày 1/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản hỏa tốc chỉ thị cho Công an TP Hà Nội khẩn trương điều tra làm rõ sự việc. Cùng ngày, Công an quận Đống Đa đã bắt khẩn cấp các đối tượng gồm N.M.T. (bố dượng) và N.T.L.A. (29 tuổi, là mẹ bé M.).

Bé M., nạn nhân trong vụ bị bố dượng, mẹ đẻ bạo hành dẫn đến tử vong ngày 31/3 tại Hà Nội.

Mặc dù đang vào cao điểm cách ly phòng dịch bệnh COVID-19, nhưng hàng xóm xung quanh căn nhà trọ của mẹ và bố dượng bé M. ở ngõ 46, đường Phạm Ngọc Thạch, Q.Đống Đa vẫn xôn xao bàn tán về sự việc qua lớp khẩu trang.

Bà T. (52 tuổi) cho biết vợ chồng L.A chuyển về ở trọ tại căn nhà này được khoảng 6 tháng. Bé M. đến ở cùng mẹ mới được khoảng 1 tháng nhưng bà T. đã nhiều lần nhìn thấy bé M. bị hành hạ, đánh đập.

"Có hôm tôi thấy cháu phải đeo một túi đồ rất nặng trên cổ, hai tay xách 2 túi đồ chơi và bị bố mẹ hắt hủi... Tôi hỏi sao lại làm như vậy với cháu thì anh T. nói phạt vì bé không nghe lời. Cũng nhiều lần, bé M. bị bố lôi xuống nhà xe để đánh. Nhiều đêm liền, sau 12 giờ đêm hàng xóm lại nghe tiếng khóc nhói lòng của bé. Xót xa lắm nhưng nhà trọ kín cửa cao tường nên không thể sang can ngăn. Khoảng 10 giờ trưa 30-3, gia đình gọi xe cứu thương đưa bé M. đi cấp cứu, nghe nói vì cháu ăn xong khó thở và bị trớ. Tuy nhiên, lúc bế ra xe tôi thấy bé M. đã rũ xuống và khả năng đã mất", bà T. ngậm ngùi kể.

Được biết, L.A. đã có 3 đời chồng. Bé M. là con của chị ta với người chồng thứ 2. Hiện Công an quận Đống Đa đang khẩn trương tổ chức điều tra vụ án.

Liên tục trong những ngày gần đây, nhiều vụ bạo hành gia đình và phạm tội nghiêm trọng đã xảy ra ở nhiều địa phương. Khoảng 15h ngày 30/3, Vi Thị Dung (20 tuổi, trú ở xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) đã đang tâm giết chết con ruột của mình tại khu Thượng, phường Khắc Niệm, TP. Bắc Ninh, do mâu thuẫn với bạn trai.

Ngày 23/2, do bức xúc trong lúc đòi nợ tiền anh rể, Nguyễn Thị Ngọc Phượng (27 tuổi, quê Hậu Giang) đã đổ xăng thiêu cháu N.T.V. (6 tuổi, là con chị gái) khiến bé bị bỏng khoảng 58% ở mặt, ngực và bụng. Cơ quan CSĐT - Công an TP Vũng Tàu đã khởi tố, bắt tạm giam Phượng về hành vi Giết người.

Ngày 22/3, tên Nguyễn Linh Tâm (27 tuổi, ngụ xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) đã đang tâm bóp cổ bé Nguyễn Thị Khánh P. (4 tuổi, là con riêng của vợ), sau đó nắm lấy tay trái bé dí vào bô xe máy vẫn đang nóng. Trước đó, bé P. liên tục bị Tâm đánh vào đầu, mặt và người, gây thương tích nặng.

Không chỉ có trẻ em, mà người già cũng là đối tượng của bạo lực gia đình thời gian qua. Hành động đánh đập, hành hạ cha mẹ già của con cái không chỉ làm nạn nhân đau đớn, mà còn làm tổn thương lương tri xã hội về sự băng hoại luân lý, xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức con người trong thời buổi hiện nay.

Ngày 25/2, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một cụ già bị đánh đập liên tục vào người. Đoạn clip được đăng tải, thu hút hàng chục nghìn lượt bình luận và chia sẻ. Cơ quan chức năng vào cuộc, xác định sự việc xảy ra tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Những kẻ đang tâm hành hạ cụ già đó được xác định là Võ Quốc Tuấn (SN 1964) và vợ Phạm Thị Loan (SN 1963, cùng trú tại ấp An Khương, xã An Thạnh Thủy), còn nạn nhân là cụ V.T.D. (SN 1932) là mẹ đẻ của Tuấn.

Nguyên nhân được cho do cụ D. bị lẫn, nên việc sinh hoạt cá nhân hàng ngày không theo ý muốn vợ chồng ông con trai, dẫn đến việc bị bạo hành.

Trước đó, một clip khác ghi lại hình ảnh một mẹ già bị con gái đánh đập tàn nhẫn xuất hiện trên mạng xã hội, khiến người xem phải rùng mình. Sự việc được xác định xảy ra tại xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Nạn nhân trong clip là cụ N.T.L. (87 tuổi, đã mất vào ngày 12/2), còn kẻ hành hạ cụ chính là đứa con gái do cụ dứt ruột đẻ ra. Đoạn clip phát tán trên mạng xã hội được thực hiện trước thời điểm cụ bà mất khoảng hơn một tháng.

"Nội soi" nguyên nhân

Những vụ việc đau lòng liên tiếp xảy ra trong thời gian qua cho thấy hiện tượng bạo hành gia đình vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp trong xã hội ta, bất chấp những nỗ lực kiểm soát, ngăn chặn tình trạng này. Theo TS. Ngô Thị Lý (Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục TP Hà Nội) thì hiện tượng bạo hành gia đình xuất hiện từ rất sớm và tồn tại cho đến ngày nay, cùng với sự tồn tại của gia đình. Hiện tượng này xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, chứ không chỉ riêng Việt Nam.

Vi Thị Dung, kẻ đang tâm giết chết con ruột ngày 30/3 tại TP Bắc Ninh.

Bạo hành gia đình có rất nhiều biểu hiện, nhưng tựu chung đó là hành vi ngược đãi, đối xử mất hết tính người và tình người, xâm phạm quyền con người trong gia đình. Hậu quả của nó là làm tổn thương  thể xác và tinh thần của nạn nhân, đặc biệt là với phụ nữ, người già và trẻ em. Đây là một tệ nạn xã hội phải loại trừ.

Bà Lý cho rằng thực trạng đáng sợ này có nguyên nhân tâm lý - xã hội rất phức tạp, trong đó sự xuống cấp, băng hoại về đạo đức là "thủ phạm" chính. Trong xã hội hiện nay, lối sống ích kỷ thực dụng, chạy theo đồng tiền, đề cao lợi ích cá nhân, làm tất cả mọi việc để có được tiền và bất kì hành động nào cũng nhằm đạt nhu cầu thỏa mãn vật chất…đã trở thành xu thế của một bộ phận thành viên xã hội.

Khi đã chạy theo vật chất, con người ta rất dễ đánh mất chính mình, xem nhẹ các giá trị tinh thần, đạo đức truyền thống dân tộc, tình cảm gia đình. Khi không đạt được mục đích, tham vọng, con người dễ sinh ra cáu gắt, tức giận và đổ lỗi cho người thân của mình, dẫn đến những hành vi đối xử ngược đãi bạo tàn.

"Theo tôi, sự tha hóa về đạo đức lối sống, sự suy đồi trong nhận thức và suy nghĩ là căn nguyên chính. Khi đã xem nhẹ đạo đức làm người, thì sự độc ác sẽ lên ngôi. Tất cả những hành động sai trái và bạo lực đối với họ khi đó chỉ là chuyện bình thường, đi ra một cách tự nhiên từ những nhân cách lệch lạc" - bà Lý phân tích.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Cao Cường (Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) thì vấn nạn bạo hành gia đình tại Việt Nam, mang dấu ấn đậm nét của tàn dư phong kiến trong tâm lý con người Á đông. Trong nhiều gia đình, tư tưởng cổ hủ, lạc hậu coi đàn ông là trụ cột, là người duy nhất có quyền hành vẫn tồn tại và tác động rất lớn đến suy nghĩ và hành động của các thành viên.

Quyền lực gia trưởng vẫn luôn ngự trị, mặc nhiên được chấp nhận, khiến nam giới thường tự cho mình cái quyền tuỳ ý ứng xử với các thành viên khác, nhất là với người lệ thuộc. Đó là nguyên nhân khá cơ bản của nạn bạo hành gia đình. Một yếu tố khác không kém quan trọng khiến tình trạng bạo hành gia đình vẫn tồn tại, đó là trình độ nhận thức và ý thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế.

Ở nhiều vùng miền, người dân không am hiểu pháp luật, không biết đến các quyền cơ bản của con người, quyền trẻ em, các điều ngăn cấm của pháp luật trong ứng xử gia đình. Bên cạnh đó, có những người hiểu luật, nhưng với thái độ cá nhân, ích kỷ, coi thường pháp luật, họ vẫn ngang nhiên chà đạp lên quyền, lợi ích của các thành viên khác.

"Trong vụ hành hạ bé M. dẫn đến tử vong tại Hà Nội, vụ án mẹ giết con xảy ra tại TP Bắc Ninh hôm 30/3, hay những vụ đánh đập mẹ già mới đây… có thể nói người phạm tội hoàn toàn biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật, bị nghiêm trị, nhưng tại sao họ vẫn làm? Điều này chỉ có thể giải thích là sự lệch lạc về nhân cách đã tích tụ trong tâm lý họ từ trước do những tác động tiêu cực từ môi trường sống, dẫn đến thái độ rẻ rúng tình cảm gia đình, coi thường sinh mạng con người và bất chấp pháp luật" - ông Cường nói.

Cần thái độ kịp thời can thiệp

Dưới góc độ phòng ngừa tội phạm, Trung tá Nguyễn Văn Sơn - (Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội) cho rằng nạn nhân của nạn bạo hành gia đình thường là phụ nữ, người già và trẻ em, người tàn tật… Họ thường không có khả năng tự bảo vệ mình trước bạo lực do hạn chế về thể lực và trí lực.

Đối tượng D.T.N.M. đánh đập mẹ ruột của mình.

Bởi vậy, việc cứu giúp họ thuộc về trách nhiệm cộng đồng. Xã hội cần phải "làm nhiều hơn khẩu hiệu" thì mới giúp đỡ được họ thoát khỏi những nguy hiểm trong đời sống chung.

Theo Trung tá Sơn, các vụ bạo lực trước khi dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đều có những triệu chứng "lâm sàng", chẳng hạn như những tiếng khóc xé lòng trong đêm khuya của bé M., tiếng chửi mắng rầy la, đánh đập, la ó của kẻ hành hạ mẹ… đều có thể đến tai hàng xóm.

Khi đó, chỉ cần có sự quan tâm lẫn nhau, bỏ đi thói sống "đèn nhà ai, nhà nấy rạng", thì người dân xung quanh đã có thể trợ giúp các nạn nhân, bằng việc trình báo với tổ dân phố, ban hoà giải, hội phụ nữ, nhất là báo lực lượng Công an cơ sở về những dấu hiệu bất thường đó.

Với trách nhiệm gìn giữ trị an tại các cộng đồng dân cư, các tổ chức này cần làm hết trách nhiệm, kịp thời có mặt để xem xét sự việc, ngăn chặn hậu quả, phân tích hoà giải mâu thuẫn và xử lý người vi phạm theo quy định của pháp luật để răn đe, phòng ngừa.

"Điều quan trọng là cần tăng cường truyền thông thay đổi hành vi. Khi phát hiện những "điểm nóng" trong nội bộ nhân dân, những gia đình thường có xung đột, bạo lực, các ban ngành địa phương cần có mặt để tuyên truyền trực tiếp, phổ biến giáo dục pháp luật cho chính những người trong cuộc. Thậm chí gọi hỏi răn đe, xử lý những người cố tình vi phạm. Thực hiện việc giám sát nhân dân, huy động những người hàng xóm nắm bắt tình hình, diễn biến để kịp thời can thiệp, là cách trợ giúp thiết thực nhất đối với những người yếu thế trước vấn nạn bạo hành gia đình" - Trung tá Sơn tư vấn.

Đào Trung Hiếu
.
.