Phát hiện 100 bánh cocaine giấu trong container thép phế liệu

Thứ Hai, 30/07/2018, 20:56
Tại cảng Tân Cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra một container hàng hóa thì phát hiện giữa ruột container sắt thép phế liệu có 4 bao tải, bên trong là 4 túi xách màu đen chứa nhiều bánh đóng gói hình chữ nhật có bọc bao bì cẩn thận.

Từ các nghi vấn thể hiện trên hóa đơn vận chuyển hàng hóa, nơi nhập và nguồn tin của Hải quan quốc tế cung cấp, vào 15 giờ 30 phút ngày 24-7-2018, tại khu vực cảng Tân Cảng Cái Mép - Thị Vải (thuộc phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), Đội Kiểm soát Chi cục Hải quan cảng (Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu) phối hợp với Ban Chỉ huy (BCH) Bộ đội Biên phòng Cảng Bà Rịa - Vũng Tàu, Phòng Cảnh sát PCTP về ma túy - Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành kiểm tra container mang số hiệu MRKU 0172045/42 G1 trong tổng số 17 container phế liệu sắt thép trên tàu vận tải Mark Shenzhen.

Bộ đội Biên phòng và Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu đang kiểm đếm cocaine phát hiện trong container phế liệu.

Con tàu này mang quốc tịch Liberia (Tây Phi), thuộc Hãng tàu Maersk Line đã  vượt hơn nửa vòng trái đất trước khi cập cảng Việt Nam. Trên tàu có 17 container sắt thép phế liệu, ghi xuất xứ từ đảo quốc Trinidad và Tobago (phía nam vùng biển Caribe, ngoài khơi bờ biển Venezuela. 

Tàu xuyên qua kênh đào Panama, đến Trung Quốc và cập cảng Tân Cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam) lúc 8 giờ ngày 24-7-2018 để giao hàng sắt thép phế liệu. Theo hành trình, sau đó tàu hàng sẽ nhập cảnh tại Singapore.

Đội Kiểm soát Chi Cục Hải quan cảng (Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu), phối hợp với BCH Bộ đội Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu, Phòng Cảnh sát PCTP về ma túy (PC47), Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành kiểm tra một container hàng hóa thì phát hiện giữa ruột container sắt thép phế liệu có 4 bao tải, bên trong là 4 túi xách màu đen chứa nhiều bánh đóng gói hình chữ nhật có bọc bao bì cẩn thận. Khám và xét nghiệm 4 túi xách trên, cơ quan giám định cho kết quả là chúng chứa 100 bánh cocaine, trọng lượng 115kg, trị giá ước gần 800 tỷ VNĐ.

Lúc kiểm tra, tàu vận tải hàng hải Mark Shenzhen có 26 thuyền viên, do ông Venygora, mang quốc tịch Ukraine làm thuyền trưởng. Số hàng 17 container sắt thép phế liệu trên được giao cho chủ hàng là Công ty CP Thép Pomina 2, thuộc Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên vào thời điểm trên, đại diện chủ hàng chưa đến làm các thủ tục nhận hàng, thông quan điện tử…

Trung tá Lê Văn Sáng - Phó Chỉ huy trưởng BCH Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Cảng Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá: Đây có lẽ là vụ nhập lậu cocaine qua đường biển lớn nhất được lực lượng chức năng phát hiện tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo lịch trình hàng hải, khoảng 2 tháng trước tàu Mark Shenzhen rời cảng biển Cộng hòa Trinidad và Tobago (Nam Mỹ), cập cảng Panama và lưu lại khoảng 2 tuần lễ sau đó hành trình đến Trung Quốc vào ngày 15-7-2018. 9 ngày sau, vào lúc 8 giờ ngày 24-7-2018, tàu hàng Mark Shenzhen cập cảng Tân Cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam) để trả lô hàng 17 container thép phế liệu của Công ty Stamcorp International Pte LTD (Singapore) cho bên nhận là Công ty Cổ phần Thép Pomina 2, thuộc Khu Công nghiệp Phú Mỹ 1, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau đó tàu sẽ xuất cảnh đi Singapore. Hàng hoá nhập khẩu trên tờ khai e-manifest là thép phế liệu.

Suốt thời gian khoảng 45 ngày (trừ 15 ngày lưu tại cảng Panama) tàu Mark Shenzhen đã ghé nhiều cảng biển từ Nam Mỹ đến Trung Quốc rồi đến Việt Nam trả hàng. Tất nhiên theo luật định và thông lệ hàng hải quốc tế, các cảng biển tàu đã cập không tiến hành các hoạt động giao nhận hàng hóa, hải quan các nước trên không được phép kiểm tra hàng hóa và phương tiện khi chưa có lệnh đặc biệt.

Câu hỏi đặt ra là, container chứa thép phế liệu của một công ty mang quốc tịch Singapore giao nhận theo hợp đồng với Công ty Cổ phần Thép Pomina 2 có chứa 300 bánh cocaine chèn ở giữa ruột các loại sắt thép phế liệu kia đã lên tàu từ đâu ? Ai là chủ nhân lô hàng “đặc biệt” này ?

Để tránh gây hiểu lầm cho khách hàng và ảnh hưởng đến uy tín, kinh tế của Công ty CP Thép Pomina, công ty này khẳng định không bao giờ nhập hàng cấm, chỉ nhập phế liệu thép theo hai hợp đồng đã ký với Công ty Stamcorp International Pte LTD có trụ sở tại Singapore vào ngày 5-4-2018 với khối lượng 355.000 kg thép phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất thép cho nhà máy.

Hàng thực tế lúc kiểm tra trên container mang số hiệu MLCO 0063200 là không đúng với chứng từ nhận hàng bao gồm: thông báo hàng đến của Hãng tàu Maersk Line, Packing list (phiếu đóng gói) và Bill of Ladinh (vận đơn) mà chủ hàng đã cung cấp cho Công ty CP Thép Pomina 2. Hiện các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra các container hàng còn lại và cơ quan Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục điều tra mở rộng.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng vục Hải quan, đến hết tháng 5-2018, cả nước đã nhập hơn 2 triệu tấn sắt thép phế liệu, kim ngạch đạt hơn 744 triệu USD, đạt hơn 16.900 tỉ đồng. Trong đó, nguồn phế liệu sắt thép nhập nhiều nhất từ Nhật Bản với hơn 546.000 tấn, đạt giá trị kim ngạch hơn 200 triệu USD. Việc Công ty CP Thép Pomina 2 nhập phế liệu sắt thép theo hợp đồng với Công ty Singapore cũng là bình thường. Nhưng trong container sắt thép phế liệu có cả 100 bánh cocaine trị giá khoảng 800 tỉ đồng thì không còn là chuyện bình thường nữa.

Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua các cơ quan thuộc Hải quan các địa phương đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động nhập khẩu phế liệu với nhiều phương thức, thủ đoạn đa dạng, tinh vi để che giấu hành vi nhập lậu hàng cấm.

Cơ quan Cục Quản lý rủi ro thuộc Tổng cục Hải quan khuyến cáo các hành vi vi phạm thường tập trung vào việc làm giả con dấu, hồ sơ, nhập khẩu phế liệu không đạt tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định hiện hành, cất giấu hàng cấm trong các lô hàng phế liệu. Đặc biệt sau khi hàng nhập khẩu vào cảng biển Việt Nam, nếu “đánh hơi” thấy cơ quan Hải quan kiểm tra, phát hiện thì  lập tức chủ hàng “bỏ của chạy lấy người”, bao giờ cũng thủ sẵn giấy tờ có sự nhầm lẫn về địa chỉ công ty ma hoặc nhầm lẫn về một lô hàng nào đó…

Nam Yên
.
.